Sự chia sẻ cần được đặt đúng chỗ

Thứ Năm, 15/10/2015, 09:43
Gần đây trên báo chí và các phương tiện truyền thông có nhiều bài viết về các nhân vật, các tấm gương nghị lực vượt qua hoàn cảnh để hòa nhập với xã hội và cống hiến cho cộng đồng. Tuy nhiên, trong số đó có không ít bài viết đã làm cho không chỉ nhân vật chính dở khóc dở cười, mà còn làm cho người đọc cảm thấy có gì đó, đáng phải ngẫm ngợi trăn trở. Thậm chí có nhiều bạn đọc rất bức xúc và có những phản ứng dữ dội khi đọc những bài báo đó. Vậy thực sự những bài báo đó đã được viết như thế nào?
Đi sâu vào tình tiết một cách vô trách nhiệm

Với sự bùng nổ của truyền thông và internet, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những bài viết với các chi tiết ở dạng thế này: "Doanh nhân Nguyễn Văn A. sau khi gánh chịu sự đổ vỡ của gia đình, anh đã quyết tâm vượt qua nỗi đau chia cắt ấy để tạo dựng nên cho mình một sự nghiệp huy hoàng", "Chị Lê Thị B. sau biến cố bởi sự phụ bạc của người chồng và việc đứa con không may bị chết, chị đã tuyệt vọng muốn tìm đến cái chết, nhưng trong cơn cùng quẫn ấy chị đã may mắn tìm ra lối thoát và bằng nghị lực phi thường của mình chị đã vươn lên và sống có ích cho cộng đồng", "Anh X. trước đây từng là tội phạm bị đi tù nhưng sau đó anh đã ý thức được về cuộc sống nên đã cố gắng làm lại cuộc đời và trở thành một người thành đạt".v.v…

Cụ thể nhất là gần đây có nhiều bài báo đua nhau viết về hoàn cảnh của cậu bé Thiện Nhân, chú lính chì đã một thời tốn giấy mực của giới báo chí. Các bài viết này đều đã kể lại rất kỹ cái chi tiết cậu bé là trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và bị thú hoang cắn mất một chân cùng bộ phận sinh dục. Thậm chí tại trang từ điển mở Wikipedia cũng có hẳn một trang mang tên cậu bé và đương nhiên nó cũng không thể thiếu những chi tiết đó.

Tôi thực sự không hiểu khi viết những bài báo như thế thì các nhà báo của chúng ta suy nghĩ gì, họ có cần biết đến cảm giác sau đó của nhân vật, của người đọc không hay chỉ cố viết để thỏa mãn cái việc gây tình tiết đáng chú ý cho bài báo của họ mà thôi? Một người bạn của tôi khi đọc được một bài viết về cậu bé Thiện Nhân đã phải thốt lên rằng: "Khốn nạn, sao cứ phải rêu rao cái việc thằng bé bị mất chim cho cả thế giới biết như thế chứ?".

Nhà thơ Trần Hồng Giang (bên phải), cũng là một ví dụ cho câu chuyện mà anh nhắc tới trong bài viết.

Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của cậu bé, giờ đây cậu đã bước sang tuổi thứ 10 và dĩ nhiên cậu bé đã có những cảm nhận ban đầu về cuộc sống. Vì vậy không thể nói rằng cậu bé Thiện Nhân hoàn toàn vô tư khi đọc những chi tiết đó. Sẽ là thế nào khi trước mọi người cậu bé luôn có sự mặc cảm rằng mình là một đứa trẻ bị cha mẹ ruồng bỏ, bị khiếm khuyết về thân thể? Rồi còn sau này khi lớn lên nữa, cậu bé sẽ có bạn bè, sẽ có những mối giao tiếp với xã hội, vì thế chúng ta hãy hình dung những khó khăn mà Thiện Nhân chắc chắn sẽ phải đối mặt. Các nhà báo ơi, các vị có nhất thiết phải gây áp lực cho nhân vật của mình lớn đến như thế không?

Những nỗi đau cần được chôn kín

Tôi không thuộc nhóm người có tính cách quá khắt khe, chuyên soi mói chuyện này chuyện nọ. Và việc phê phán hiện tượng này không nhằm mục đích đả phá một cá nhân nào đó. Trước tiên xin được thưa rằng bản thân tôi cũng là một người có hoàn cảnh không may mắn và tôi cũng là một người tham gia làm báo từ nhiều năm nay. Và một điều đáng nói nữa là tôi đã từng nhiều lần lâm vào tình huống bức xúc như thế khi trở thành nhân vật của các bài báo đăng lên với những chi tiết quá rạch ròi như vậy!

Tôi gặp phải một tai nạn từ lúc năm tuổi khi cùng người anh trai hơn tôi mấy tuổi chơi đùa với khẩu súng săn của cha tôi và bị đạn làm chấn thương cột sống. Đây là chuyện đau lòng của gia đình tôi và đương nhiên là không ai muốn nhắc lại cái sự kiện nghiệt ngã đó. Thế nhưng với các nhà báo thì không, họ luôn muốn đặc tả, muốn nhấn mạnh vào cái chi tiết đó để sao cho nó thật cụ thể, rất tỉ mỉ.

Để làm gì thì tôi chịu, chẳng biết được. Chỉ biết rằng khi những người thân của tôi đọc được những lời lẽ đó thì họ rất buồn. Không ai muốn điều đó cả. Anh trai tôi khi đó mới lên mười, cái tuổi ấy chưa phải chịu trách nhiệm về những gì mình không may gây ra. Bản thân tôi cũng vậy, chẳng thấy có chút vui thú, tự hào nào khi mình được đưa lên báo bằng cách đó cả. Có chăng đó chỉ là một niềm tủi hổ đến thắt lòng.

Kể ra chuyện này tôi chỉ muốn nói rằng đôi khi sự vô tình có thể sẽ hủy hoại một phận người. Sẽ là rất nguy hiểm khi một ai đó không đủ bản lĩnh để chịu đựng những áp lực tác động tới cuộc sống của mình. Việc nêu các tấm gương vượt khó điển hình lên mặt báo là một việc rất tốt, rất nên làm. Nhưng không vì thế mà chúng ta cứ thỏa sức đào bới ra những góc khuất mà những con người đó muốn chôn kín đi, và trong thực tế họ đã phải cố gắng quên đi thì mới có thể sống được trong đời.

Hỡi các nhà báo, các anh chị rất nên có những cân nhắc trước khi gõ phím viết ra những điều liên quan tới cuộc sống riêng tư của người khác, đừng bao giờ xem đó chỉ là phương tiện để mình hoàn thành công việc được giao. Cần phải hiểu được rằng sau những dòng chữ mình viết ra nó sẽ là những gì. Cần phải có một phút lắng lòng lại để cảm nhận về nhân vật của mình.

Chúng ta hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ để thấy rằng, sự sẻ chia nếu như không được đặt đúng chỗ thì không những nó không có tác dụng xoa dịu nỗi đau mà ngược lại, nó còn làm cho nỗi đau tăng lên bội phần. Chúng ta hãy mở lòng ra và nhìn vào nhau bằng rung cảm thực sự từ chính con tim, như thế chắc chắn nó sẽ đem lại nhiều ý nghĩa nhân văn hơn…

Trần Hồng Giang
.
.
.