Sheikh Mansour và sứ mệnh thay đổi diện mạo Manchester

Thứ Hai, 11/12/2017, 09:24
Các ông chủ Arap từng tiếp cận bóng đá Anh với thái độ trịch thượng “trên tiền”. Họ bỏ ra rất nhiều tiền và liên tiếp phá các kỷ lục thế giới với tham vọng chen chân vào hàng ngũ tinh hoa của giới túc cầu.

Năm 1999, Man City đang ngụp lặn ở giải hạng nhì. Năm 2012, Man City vô địch Premier League. 13 năm để đổi lại một danh hiệu, Man City đã chi ra 1 tỷ bảng cho thị trường chuyển nhượng.

Trong một cái chớp mắt, Man City đã làm được ba việc: Tìm ra định danh cho chính mình, trở thành thế lực Premier League và vẽ lại bản đồ bóng đá thế giới. Không ai quên cái ngày nhà Mansour đặt chân xuống Maine Road và kích hoạt bom tấn đầu tiên buộc thế giới hướng mắt tới nửa xanh thành Manchester: Mua Robinho từ Real Madrid.

Sheikh Mansour (giữa) đã thay đổi vận mệnh của Man City.

Nhưng vụ đầu tư của Sheikh Mansour và các cộng sự không phải là cuộc dạo chơi ngắn ngày. Nhà tài phiệt Arap muốn nhiều hơn là những phi vụ “làm màu” với báo giới. Từ lâu, ông đã nhìn ra một bức tranh rộng lớn hơn là đuổi theo những đồng tiền mất giá: Biến Manchester thành tổ hợp thể thao hàng đầu thế giới.

Xây nhà từ móng

“Các bạn cứ nhìn vào những hợp đồng mua bán ngắn hạn mà quên rằng, doanh nghiệp nào cũng cần những chiến lược dài hạn”, John Stemp – Chánh văn phòng Man City trả lời nhà báo Henry Young của CNN.

Năm 2008, khi Mansour tới Anh, ông ta đã tuyên bố chắc nịch: “Tôi sẽ xây dựng một đội bóng của tương lai”. Và đó hoàn toàn không phải lời nói dóc lấy lòng các ống kính máy quay đang chĩa vào.

Bên trong trung tâm Etihad Campus là quang cảnh tráng lệ và hùng vĩ tới mức nổi da gà. Henry Young đã phải thốt lên “Đây là thành phố thể thao thu nhỏ”. Sân đấu chính Academy Stadium có 5.000 ghế và chứa được 7.000 người. Mọi chi tiết ở đây được hoàn thiện ở mức tinh xảo nhất.

Bóng đá trẻ là bàn đạp cho tất cả những tham vọng lớn lao nhất. Etihad Campus đang là trái tim của hệ thống đào tạo trẻ tại Anh. Ngay ở thành phố mà sắc đỏ Man Utd phủ sóng, học viện này vẫn thu hút tất cả những tinh hoa ở tuyến trẻ của gã hàng xóm khổng lồ sang ghi danh. 75% học viên dưới 15 tuổi của Etihad Campus chuyển tới từ Carrington – vốn luôn tự hào với lứa 92 thần thánh.

Derby Manchester, trận cầu tâm điểm vòng 16 Premier League.

Bây giờ, chính lứa 92 ấy khi muốn gửi con tới một trung tâm bóng đá trẻ, cũng chọn Etihad Campus. Anh em nhà Neville và Ryan Giggs đều đã làm thế. Ngoài ra, còn có Robin van Persie, Andrew Cole và Darren Fletcher.

“8 năm nữa, các bạn sẽ thấy những chú bé này ở Premier League. Bọn nhóc là tương lai của Man City”, Stemp chia sẻ trong tâm trạng hồ hởi.

Diện mạo mới của thành phố

Sân Etihad là di sản còn sót lại của đại hội thể thao khối thịnh vượng chung châu Âu. Nó là SVĐ đầu tiên được Khối liên hợp Anh xây dựng và cũng là sân bóng duy nhất có thể tự mình tồn tại kể từ ngày ấy. Kể từ ngày dòng tiền Arap đổ vào, Etihad đã thay đổi bộ mặt của nền công nghiệp phía Đông Manchester. Xung quanh nó là các tòa thị chính, trung tâm thương mại và vô số biểu hiện của thời đại 4.0.

Những ai từng tới Etihad đều biết khu vực xung quanh sân bóng này thay đổi từng ngày ra sao. 80 mẫu đất cách Etihad 3 dặm về phía Bắc đang là công trường xây dựng hệ thống máy bán hàng tự động lớn nhất miền Bắc.

46 mẫu đất nằm về phía Tây là vườn hoa lan rừng giúp tăng tính thẩm mỹ cho đường phố. Hơn 3.000 lao động được tạo công ăn việc làm kể từ khi Man City đổi đời. Nghĩa là, họ không chỉ tiêu tiền cho chính số phận của đội bóng từng hai lần đứng trước nguy cơ phá sản.

Etihad, dưới sự điều hành của nhà Mansour, đã đổi đời. Sân bóng này tiếp tục được nâng cấp (tăng thêm 1,8 vạn chỗ ngồi) để phù hợp hơn với quy mô hoạt động CLB.

Pep Guardiola và Jose Mourinho – cuộc chiến trên băng huấn luyện.

Thực ra, Manchester là miền đất chết. Thành phố này là một trong những nơi “bất ổn” nhất nước Anh. Tỷ lệ tội phạm giết người tập trung cao nhất tại đây. Sheila Duffy, làm việc tại quán café Bonnie đặt cạnh sân Etihad kể lại: “Tội phạm đường phố, ma túy, mấy thứ này nhan nhản ở đây.

Các bể bơi phải đóng cửa vì kim tiêm ném vào nhiều quá. Nhiều trung tâm bóng đá học đường tạm dừng vì học viên đều trở thành… con nghiện. Không có gì ngoài đường đáng chơi cả. Trẻ con phải ở nhà vì bố mẹ sợ chúng hỏng người nếu ra ngoài kia”.

“Tôi là fan của Man Utd đấy. Nhưng Man City đã thay đổi diện mạo thành phố này. Những lao động phổ thông như chúng tôi nợ ông ấy lời cảm ơn. Nhà Mansour đã thay đổi Manchester, chứ không chỉ thay đổi số phận Man City”.

Trên biển quán Bonnie có ghi một dòng chữ “Sheikh up in his helicopter”, một cách chơi chữ với hàm ý Sheikh Mansour bay tới Manchester, vẫy tay chào công chúng và viết lại lịch sử của thành phố.

"Điền vào chỗ trống"

Lượng tăng thì chất phải tăng. Man City đã có đầy đủ ban bệ, cơ sở vật chất cần thiết. Họ chỉ còn thiếu một mảnh ghép: Đầu não. Bài toán “điền vào chỗ trống” bắt đầu đi tìm câu trả lời.

Mọi chiến lược thể thao của Man City đều do bộ đôi Txiki Begiristain và Ferran Soriano lên kế hoạch. Man City lại đưa họ từ Barce về chỉ với một lý do duy nhất: Vì Pep Guardiola.

Không ai khác, ngoài cặp bài trùng kia đưa Pep Guardiola lên ánh sáng. Năm 2008, sau khi Frank Rijkaard chia tay Nou Camp, Jose Mourinho đã tự mình ứng cử vào ghế HLV trưởng của Barca. Ông tới phòng Phó chủ tịch Marc Ingla và trình ra bản thuyết trình chuẩn bị sẵn.

Ở phần cuối cùng của bài thuyết trình, Mourinho yêu cầu được chọn trợ lý. Ông chỉ đích danh Pep Guardiola.

Tuy nhiên, Txiki Begiristain có lòng tin ở Pep, một công thần lâu năm của xứ Catalan. Ông ta ngăn chặn vụ áp phe đưa Mourinho về Nou Camp và trao cơ hội cho Pep. Phần còn lại là lịch sử. Đó là quyết định sáng suốt nhất trong sự nghiệp của Begiristain và Soriano.

Thế nên, Pep xuất hiện ở Etihad. Ông từng từ chối Man City hồi 2012 để tới Bayern. Pep là HLV có lập trường vững vàng, lý tưởng xuyên suốt và triết lý rõ ràng. Tầm ảnh hưởng của Pep còn là thứ vũ khí vô hình giúp Man City thu hút các cầu thủ giỏi. Pep là một nhà truyền giáo đúng nghĩa.

Omar Berrada, giám đốc điều hành của Man City khẳng định, Pep không chỉ là một HLV. Tên của ông là thương hiệu.

Man City đã thay đổi sức sống của một thành phố. Nhưng không một thay đổi nào đáng giá bằng chiến thắng của Man City trước Man Utd trên trận địa chuyên môn. Mọi biến động đều bắt nguồn từ bóng đá, và 3 điểm sẽ là lời khẳng định cho quyền lực tuyệt đối trên mọi khía cạnh của Man City.

Mùa trước, tại chính Old Trafford, Man City đã cho Man Utd phơi áo. Bây giờ, ngay ở vòng đấu này, nếu bỏ túi 3 điểm, Man City có thể kê cao gối ngủ và nghĩ về viễn cảnh giương Cúp vào tháng 5 năm sau. Lúc ấy, cách điểm giữa hai đội sẽ là 11 và con số này là gần như không thể khỏa lấp tại sân chơi khắc nghiệt như Premier League.

Chờ phép mầu của Pep

Pep Guardiola không đơn thuần là một nhà quản lý chuyên môn, dù cũng chẳng ai phủ nhận ông đã đốt hơn 900 triệu bảng vào thị trường chuyển nhượng. Xuất phát điểm của Pep là nắm đội trẻ Barca. Vì vậy, ông cực kỳ quan tâm tới đầu ra của các măng non. Đưa Pep về là lộ trình lâu dài của Man City, bởi các sản phẩm của Etihad Campus cần có người dẫn đường chỉ lối bước vào thế giới bóng đá đầy khắc nghiệt.

Khi còn dẫn dắt Barca, Pep đã trực tiếp tiến cử 22 cầu thủ trẻ lên đội một. Rất nhiều người trong số đó, từ Busquets tới Thiago Alcantara, đều là những tên tuổi lớn của bóng đá quốc tế sau này.

Hàng thập kỷ liền, Man Utd luôn đi trước Man City về công tác đào tạo trẻ. Kể từ năm 1940, gần 50% (chính xác là 49.6% theo số liệu của EPLIndex) cầu thủ thuộc biên chế đội 1 Man Utd xuất thân từ lò đào tạo Carrington.

Nếu tính từ năm 1937, Man Utd luôn đưa vào đội hình tối thiểu 1 sản phẩm “của nhà trồng được” trong các trận đấu, tức là 3.921 trận đấu liên tiếp. Cũng không ai quên được lứa 92 đình đám của Ryan Giggs, Beckham, anh em nhà Neville, những nhân vật được các đạo diễn chuyển thể thành phim.

Tới tận đêm chủ nhật khi bóng lăn ở thảm cỏ Old Trafford, chân lý ấy vẫn chưa mất đi tính đúng đắn của nó. Có ít nhất hai sản phẩm của Carrington đang là trụ cột của Man Utd là Marcus Rashford và Paul Pogba. Một người ghi bàn đầu tiên ở 5 giải đấu lớn khác nhau liên tiếp khi còn chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, người còn lại tới Serie A trau dồi kỹ năng trước khi trở về với cái mác “89 triệu bảng”.

Nhưng trong thời đại của công nghệ và kỹ thuật số, không gì là bất biến. Ai đi chậm sẽ bị bỏ lại sau. Etihad Campus là tương lai của Man City. Đó là điều ai cũng nhìn thấy. Còn Carrington thì sao? Có một thống kê làm các manucian giật mình: 13 năm qua, chỉ 4 sản phẩm của Carrington chơi nhiều hơn 10 trận trong màu áo đội một. Man Utd sẽ bị bỏ lại, nếu không thích nghi.

Đơn Ca
.
.
.