Phim truyền hình: Lợi nhuận… đâm toạc chất lượng?

Thứ Tư, 02/10/2013, 08:53

Cơ chế thị trường, áp lực quảng cáo và xu hướng xã hội hóa đã khiến phim truyền hình rơi vào vòng xoáy của sự lộn xộn về chất lượng, thậm chí làm nên những "thảm họa". Rõ ràng, phim truyền hình có đối tượng xem rộng rãi, ảnh hưởng trực tiếp đến thị hiếu, thẩm mỹ, lối sống của đông đảo nhân dân. Vậy vai trò của nhà kiểm duyệt phim truyền hình đang ở đâu?

Thảm họa "Váy hồng tầng 24"

Phim truyền hình chiếm một thời lượng lớn trên sóng VTV. Thế nhưng, chất lượng lại là điều đáng bàn. Những bộ phim nội dung dài lê thê, nhạt nhẽo, cố tình câu giờ khiến người xem khó chịu. Điển hình là "Váy hồng tầng 24" đang chiếu trên VTV3. Một bộ phim dựa theo kịch bản của "Unbeatable 1" - bộ phim được coi là phiên bản của "Sex And The City" ở châu Á và là một trong những bộ phim truyền hình ăn khách nhất của Đài Loan. Nội dung phim xoay quanh 4 cô gái xinh đẹp và tài năng cùng làm việc trong lĩnh vực truyền thông: An Nhiên (Diễm My 9X), Khánh Ly (Khánh My), Thảo Vy (Minh Khuê) và Thùy Như (Yumi Dương) và những thiên diễm tình của họ. Phim dài lê thê, bối cảnh lạc điệu, diễn xuất gượng với những quảng cáo chen vào lộ liễu gây phản cảm cho người xem.

Phim chẳng có nội dung gì đáng nói ngoài dàn diễn viên trai xinh, gái đẹp, ăn mặc thời trang, hợp mốt. Một khán giả đã phát biểu khi xem “Váy hồng tầng 24”: "Sẽ cấm tiệt thân nhân tiêu dùng thời gian cho những bộ phim như "Váy hồng tầng 24 "nói riêng và phim truyền hình Việt Nam nói chung. Kể mà rảnh quá thì đi quét ngõ giúp hàng xóm, nhổ cỏ công ích ngoài công viên cũng còn là giúp ích cho đời".

Chính nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng phải thốt lên rằng: "Tôi không hiểu lọt lưới ở đâu ra bộ phim đó, hội đồng thẩm định chúng tôi chưa hề đọc. Đó là một nỗi xấu hổ của anh em truyền hình khi nhìn thấy nhau, cố hết hơi, tôi cũng không xem được nửa tập". Còn đạo diễn Bùi Huy Thuần, cũng thành viên hội đồng thẩm định phim truyền hình lại cho rằng, đó là hệ quả của cơ chế cũ để lại. "Chúng tôi sẽ phải mất hàng năm may ra mới thanh lý hết một cơ số những phim kém chất lượng đó trên sóng của VTV. Những hợp đồng cũ với những cam kết từ trước rất chặt chẽ, không thể dừng lại được. Một cơ chế mà chỉ dựa vào cam kết bằng quảng cáo là phim có thể lên sóng".

Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được, thì đơn vị sản xuất có mối quan hệ lâu năm với nhà đài, và việc "Váy hồng tầng 24" lọt lưới là suất "ngoại giao" của VTV. Dễ hiểu vì sao quảng cáo cho nhãn hàng Ponds (một thương hiệu mỹ phẩm) từ đầu đến cuối. "Đài truyền hình cũng nên "triệt để" với những quan hệ như vậy để đảm bảo nâng cao chất lượng phim truyền hình".

Hay như "Gia đình là số một", một bộ phim tâm lý tình cảm Hàn Quốc cũng đang được chiếu trên sóng truyền hình cáp. Phim được lồng tiếng Việt, nhưng trong những cảnh các nhân vật hát karaoke, các biên tập lồng tiếng sẵn sàng mang cả bài hát "Ngọn lửa cao nguyên" của nhạc sỹ Nguyễn Cường để lắp vào một bộ phim Hàn Quốc, rất phản cảm. "Nếu vì lợi nhuận thì mua phim nước ngoài về chiếu rẻ hơn, 600 đến 1.000 USD/1 tập thôi", một biên tập viên truyền hình chia sẻ.

Lỗ hổng nào trong kiểm duyệt phim?

Đạo diễn Khải Hưng, với vai trò là nhà sản xuất cho rằng: "Tôi khâm phục những nhà sản xuất dám làm phim với Đài truyền hình Việt Nam. Họ là những người dũng cảm. Vì rủi ro rất cao. Vì nó phụ thuộc vào một nhóm người trong ban kiểm duyệt và chúng ta đang làm phim với một số tiền rẻ mạt, một đội ngũ thiếu chuyên nghiệp nhất".

Cơ chế mới của VTV sẽ là mua đứt bản quyền phim truyền hình thay vì bằng cam kết quảng cáo như trước đây nếu Hội đồng kiểm duyệt đã đồng ý về nội dung. Hội đồng kiểm duyệt được làm việc độc lập và chỉ chú trọng về nghệ thuật thay vì áp lực tiền bạc. Nhưng thực tế cho thấy, các nhà sản xuất cho biết, nếu nội dung phim cảm thấy khó có quảng cáo, hoặc quảng cáo ít nhà đài sẽ không mua. Họ luôn nắm đằng chuôi. Giá trị của bộ phim không phụ thuộc hoàn toàn vào nội dung mà còn phụ thuộc vào thời lượng quảng cáo. Phải dựa trên cam kết "một chấm" hoặc "hai chấm" (số đo rating lượng khán giả theo dõi phim) thì VTV mới trả tiền, bởi quảng cáo là một tất yếu của phim truyền hình. Vì thế, bộ phim "Thái sư Trần Thủ Độ" do UBND thành phố Hà Nội cấp kinh phí 15 tỷ làm mừng 1.000 năm Thăng Long, nhiều lần đem tặng VTV nhưng đến nay vẫn nằm đắp chiếu. Đại diện VTV trả lời thẳng là vì không xếp được lịch phát sóng do có quá nhiều phim đang chờ. Phim đang chờ mà cứ như "Váy hồng tầng 24" thì không biết chờ để làm gì?

Theo trả lời từ VTV, tất cả kế hoạch phát sóng phim truyền hình của họ đã được lấp đầy đến tận 2014. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất chúng tôi nhận được, sau những nhân nhượng và những mong muốn đổi mới, nâng cao chất lượng phim truyền hình và trước áp lực của dư luận, "Thái sư Trần Thủ Độ" sẽ được lên sóng trong một thời gian gần nhất. Nhưng thời gian nào, thì vẫn chưa chắc chắn.

Cảnh trong phim"Gia đình là số một".

VTV đang có những nỗ lực đổi mới để nâng cao chất lượng phim truyền hình và giải quyết vấn đề hàng năm trời "phải chiếu những bộ phim rác rưởi". Nỗ lực đó, bắt đầu từ khâu kiểm duyệt chặt chẽ từ kịch bản đến quay phim. "Gần một năm lại đây, quy trình kiểm duyệt phim của VTV khá chặt chẽ, không như trước đây. Chúng tôi thẩm định từ khâu đề cương, kịch bản và giám sát cả quay phim, đạo diễn, diễn viên xem có đúng như bản kế hoạch hay không. Thế nên, có những bộ phim duyệt đề cương rồi, nhưng đến khâu duyệt phim, không ổn, chúng tôi đề nghị dừng lại, không nghiệm thu. Không như trước đây, đã ký hợp đồng là có những ràng buộc về kinh tế và buộc nhà đài phải phát sóng" - bà Thanh Nhã nói. Cũng theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, có một thực tế, phim truyền hình phải có quảng cáo mới có thể tồn tại, nên vẫn có sự hợp tác đầu tư của các hãng nhãn hiệu và buộc phải chiếu những bộ phim do có sự ràng buộc đó.

Kiểm duyệt chặt chẽ, nhưng tại sao vẫn để lọt lưới những phim kém chất lượng? Phải chăng, gu thẩm mỹ của Hội đồng kiểm duyệt có vấn đề? Bởi có một thực tế, phim truyền hình hiện nay có nhiều phim chất lượng hình ảnh đồng đều, nhưng nội dung vẫn có vấn đề, khiến người xem thấy khó chịu và kéo dài lê thê. Do các nhà sản xuất cố tình kéo dài để câu giờ, kiếm thêm tiền. Lý do ở chỗ chính bản thân đạo diễn và nhà sản xuất không có cảm giác về sự hay hay dở. Còn nhà kiểm duyệt thì sao? "Tuy nhiên, trong quá trình kiểm duyệt ào ạt, chỉ có mấy người, một ngày phải mấy tập phim và kịch bản nên vẫn có những nhân nhượng, để lọt những đoạn phim kém chất lượng. Điều đó không thể tránh khỏi"- một thành viên Hội đồng thẩm định thừa nhận.

Liệu bức tranh nhạt màu của phim truyền hình có khởi sắc hơn không, khi áp lực kinh tế vẫn là một bài toán khó giải đối với nhà sản xuất, chủ đầu tư và VTV? Phải chăng, chính nhà sản xuất và chủ đầu tư đang chi phối bức tranh của phim truyền hình hiện nay trên sóng truyền hình quốc gia? Hi vọng câu hỏi  này sẽ được trả lời chính xác và sớm nhất.

Đạo diễn Bùi Huy Thuần - Ủy viên Hội đồng kiểm duyệt phim VTV: Chúng tôi đã kiểm duyệt chặt chẽ

Chưa bao giờ, cơ chế của VTV lại cởi mở như hiện nay, khi bắt tay với tất cả các hãng phim tư nhân có kịch bản và phim tốt, kể cả dòng phim chính luận. Và VTV đã dùng cơ chế mưa đứt thay vì ăn chia phần trăm quảng cáo như trước đây. Điều này, đã cởi trói áp lực cho nhiều đơn vị sản xuất. Bây giờ chúng tôi không đặt doanh thu lên hàng đầu mà chú trọng đến nội dung. Theo đánh giá của tôi, phim truyền hình trên VTV trong năm 2014, 2015 chắc chắn sẽ khá lên. Cách đây một năm, chúng tôi luôn trong tình trạng sợ thủng sóng, nên để lọt lưới những phim kém chất lượng của một thời kỳ quá độ. Chúng tôi không có nhiều lựa chọn. Bây giờ mới có của ăn của để nên chắc chắn chất lượng sẽ được nâng cao. Và tương lai, tôi tin, các nhà làm phim nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp đang được cấp phép ồ ạt cũng sẽ không tồn tại, đưa việc sản xuất phim truyền hình đến gần với việc chuyên nghiệp hóa.

Đạo diễn Khải Hưng: Giải trí cũng dăm bảy loại

Tôi nghĩ chúng ta phải cân bằng giữa phim chính luận và phim giải trí. Cơ chế của nhà đài tự thu tự chi. Và làm phim bây giờ cũng phải gắn với cơ chế thị trường, phải bán được ra thị trường. Giải trí cũng có dăm bảy loại giải trí. Chúng ta nên mở rộng biên độ chứ không sẽ tự trói chân mình, chấp nhận loại số 1 và chấp nhận cả loại số 7, nhiều đối tượng xem khác nhau. Chúng ta không nên áp đặt những khuôn vàng thước ngọc của mình cho người khác, Truyền hình có nhiều đối tượng và đài tuyền hình cũng cần sống cần nhiều quảng cáo. Nên chia sẻ điều đó một cách sòng phẳng chứ đừng cực đoan qúa. Bản thân tôi với hai vai trò, thành viên hội đồng thẩm định, chúng tôi làm việc khá nghiêm ngặt và dân chủ. Tuy nhiên, để lọt lưới những phim kém chất lượng thì tôi cũng không hiểu do đâu. Còn với vai trò nhà sản xuất, tôi đang có một kịch bản truyền hình mà tôi cho là hay, nhưng phải sửa lại, bốn tháng rồi còn chưa xong.

Tôi tin đến một lúc nào đó, những sản phẩm kém chất lượng sẽ bị đào thải, không phải bởi cơ quan kiểm duyệt mà bởi khán giả. Giống như những năm 1990, chúng ta xem phim "mì ăn liền", rồi đến lúc nó cũng chết.

Khánh Linh
.
.
.