Phi Phi Anh và mộng ước nhạc kịch… không xa vời?

Thứ Năm, 20/10/2016, 14:26
Toàn bộ 6 buổi biểu diễn "Đêm hè sau cuối" khai màn dự án nhạc kịch HOPE của đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh đã cháy vé sau mấy ngày mở bán, tạo ra một tiền lệ chưa từng có. Lần đầu tiên, Hà Nội lên cơn sốt nhạc kịch, lại là nhạc kịch Broadway…


Trước khi "Đêm hè sau cuối" công chiếu, khai màn cho dự án HOPE (gồm 3 vở nhạc kịch là "Đêm hè sau cuối", "Góc phố danh vọng", "Mộng ước không xa vời"), có khá nhiều câu hỏi cũng như nghi ngại đặt ra. Chẳng hạn như Nguyễn Phi Phi Anh là ai mà được ưu ái gọi là "cậu bé vàng" của nhạc kịch Việt?

Ở Việt Nam, nhạc kịch không phải là thể loại đắt khách, thế mà Nguyễn Phi Phi Anh lại "dám" sáng đèn tới 35 suất chiếu liên tục, bắt đầu từ tháng 10 năm nay tới đầu năm sau. Liệu khả thi không? Nguyễn Phi Phi Anh có "đánh đu" mình cao quá không khi chọn L'Espace - chưa hẳn là không gian tồi nhưng cũng không phải lý tưởng của thể loại nhạc kịch - để bắt đầu một mơ mộng mới của mình?

Rồi thì, những diễn viên không chuyên của cậu, họ sẽ hát live (trực tiếp -PV), diễn xuất và nhảy như thế nào cho ra chất của nhạc kịch broadway?

Khán giả xếp hàng vào xem vở nhạc kịch "Đêm hè sau cuối".

HOPE đã bắt đầu với những nghi ngại như thế. Căn bản vì đây là "cuộc chơi" của những người trẻ, của "những người lần đầu cả phố biết mặt, cả phường biết tên". (Trẻ bao giờ cũng làm người ta dễ bối rối?!). Thế nhưng, việc toàn bộ 6 đêm diễn của vở "Đêm hè sau cuối" đã chính thức cháy vé trong mấy ngày vừa qua như một tín hiệu tích cực, để thấy rằng nhạc kịch vẫn có đất sống, vẫn có đất diễn ở Việt Nam và khán giả không hề "từ bỏ" ánh sáng hào quang và thăng hoa của sân khấu nhạc kịch nếu như đó là một vở nhạc kịch hay và lôi cuốn.

Ít nhất, có gần 2.000 vé "Đêm hè sau cuối" đã đến tay khán giả sau 2 đêm diễn đầu tiên là ngày 4-10 và 8-10. Và đây là một con số không hề ảo. Bởi, buổi nào cũng đông và vui. Ai cũng ngồi từ đầu đến cuối để tham dự vào câu chuyện của "Đêm hè sau cuối"; thậm chí, khi vở diễn khép màn, có người vẫn còn cảm thấy đầy nuối tiếc. Nói ra để thấy một phần mộng ước hướng đến 10.000 khán giả qua 35 suất diễn của Nguyễn Phi Phi Anh đã thành hình.

Trước ngày công diễn đầu tiên, bên cạnh mức giá vé đồng hạng 300.000 đồng, HOPE tung vé 99.000 đồng dành cho tầng lớp bình dân và 199.000 dành cho các bạn học sinh, sinh viên. HOPE tham vọng thay đổi cách nhìn của đại đa số công chúng về thể loại nhạc kịch, đó là nhạc kịch không hàn lâm mà rất dễ hiểu và giàu tính giải trí như các loại hình nghệ thuật phổ thông khác.

Thứ nữa, nhạc kịch không chỉ dành cho những bậc trí thức, thượng lưu; đây là thể loại của tất cả mọi người, trong đó có cả những người bình dân, lao động tay chân, quét rác… Nhìn vào những gương mặt đã đến L'Espace để xem "Đêm hè sau cuối", không nghi ngờ gì nữa.

Còn về tính giải trí thì tiếng cười khúc khích hoặc tiếng vỗ tay từ hội trường cất lên sau mỗi phân cảnh hoặc tiểu cảnh có lẽ cũng nói lên ít nhiều. "Đêm hè sau cuối" là vở nhạc kịch trinh thám với nội dung xoay quanh những cái chết bí ẩn trong ngôi nhà đông con cháu, nhiều người hầu kẻ hạ của bà Thìn và hành trình phá án, tìm ra thủ phạm.

Hơn hai tiếng đồng hồ trôi qua trong không gian L'Espace, trong không gian "nhà bà Thìn", khán giả đã được đi qua những mê cung của suy luận và gây bất ngờ về thủ pháp dàn dựng và xử lý sân khấu được xem là có nghề của Nguyễn Phi Phi Anh. Tác giả kịch bản Nguyễn Phi Phi Anh lấy cảm hứng viết "Đêm hè sau cuối" từ những tiểu thuyết của Agatha Christie và bộ truyện tranh "Thám tử lừng danh Conan".

Đồng thời, những ca khúc thời thượng của Lady Gaga, Adele, Rihanna, Britney Spears,... cùng những giai điệu bất tử trong các vở nhạc kịch kinh điển như Chicago, Cabaret, Grease, NINE,... cũng được cất lên trong không gian "Đêm hè sau cuối" bởi một dàn nhạc 17 cây.

Ngoài ra, Nguyễn Phi Phi Anh còn khéo léo lồng ghép những câu chuyện Việt Nam đương đại vào tác phẩm của mình như một giễu nhại đầy tính phản biện, ví dụ như các vụ án giết người giấu xác, giới trẻ "quăng quật" mình vào trò chơi đi tìm Pokemon vô bổ…

Góp mặt vào vở "Đêm hè sau cuối" là 35 diễn viên, phần lớn họ đều không học nghệ thuật chuyên nghiệp, mà theo đuổi nghệ thuật bằng năng khiếu, sự say mê và thái độ nghiêm túc trong luyện tập.

Nguyễn Phi Phi Anh gọi chung những diễn viên của mình là "Artistars" - những người tuy không phải "nghệ sĩ", không phải "ngôi sao" nhưng lại tỏa sáng theo một cách nào đó của riêng họ! Họ tập luyện để có thể thể hiện hết khả năng trên sân khấu nhạc kịch, kết hợp nhuần nhuyễn giữa vai trò hát như một ca sĩ, nhảy như một vũ công, diễn như một diễn viên và cháy hết mình bằng nhiệt huyết của cả ba người cộng lại.

"Đêm hè sau cuối" có mộng ước sẽ là nơi giới thiệu những gương mặt trẻ đam mê nghệ thuật như Trương Hoàng An (vai Đào), Bùi Sơn Tùng (vai Bin), Lê Minh Quân (vai Lý); Bùi Minh Quân - Top 3 Vietnam Idol 2015 (vai Khánh), Vũ Đỗ Quang Minh - So You Think You Can Dance 2015 (vai Người hầu).

Và ở phân vai nào, Nguyễn Phi Phi Anh cũng để cho nhân vật của mình cất tiếng và thể hiện hết "đất diễn" của mình, từ diễn viên chính cho tới diễn viên phụ, từ nhân vật người hầu cho tới sự "lấp ló có chủ đích" của dàn nhạc 17 cây thông qua những ô cửa tương tác với khán giả.

Khi xem xong "Đêm hè sau cuối", có người tỏ ra tiếc nuối khi nó được diễn ra tại không gian nhỏ hẹp L'Espace chứ không phải một nơi rộng lớn hơn. Có lẽ, đây cũng là một điểm trừ nhỏ cho vở nhạc kịch khai màn này bởi ánh sáng sân khấu chưa thật sự tốt lắm.

Trích đoạn "Đêm hè sau cuối".

Tuy nhiên, trong một chia sẻ cách đây không lâu, PPAN cho rằng không gian này vừa vặn với mình, với những gì mình đang có. Hơn nữa, diện tích sân khấu vỏn vẹn 40m2 ấy sẽ trở thành một cơ hội thử thách cho bản năng của một người kiến tạo.

HOPE mới bắt đầu. Sau "Đêm hè sau cuối", vẫn còn đó "Góc phố danh vọng" vào tháng 11 và "Mộng ước không xa vời" vào tháng 1-2017. Số lượng 2.000 vé bán ra là một tín hiệu đáng mừng để thấy rằng khán giả không hề quay lưng với nghệ thuật.

Tuy nhiên, đó cũng chưa phải là tất cả trong câu chuyện định hình một thói quen thưởng thức văn hóa cho công chúng ở nước ta - không riêng gì HOPE của PPAN mà những loại hình nghệ thuật khác nữa. Cơn sốt, hiệu ứng nhất thời hay một khởi đầu mới cho thương hiệu nhạc kịch "made in Vietnam", vẫn còn nhiều điều phía trước!

NSND Lê Khanh: "Điều kì diệu là có một giấc mộng đã thành hiện thực"

Thật tuyệt vời. Không có từ ngữ nào để tả hết sự ngưỡng mộ của tôi. Càng là người trong nghề thì sự ngưỡng mộ càng lớn. Vì không hiểu vì sao với một thời gian ít ỏi như thế, các bạn ấy lại có thể dàn dựng một vở kịch thực sự công phu, hoành tráng, một sân khấu rất có giới hạn về không gian về diện tích nhưng có rất nhiều đại cảnh, tầng tầng lớp lớp như thế? 

Có một điều kì diệu đã xảy ra ở đây, đó là những người kiến tạo nên "Đêm hè sau cuối" không phải là những nghệ sỹ chuyên nghiệp, chưa có danh hiệu gì nhưng lại vô cùng chuyên nghiệp, hấp dẫn, duyên dáng. Và cái khó nhất là 3 trong 1, vừa cả âm nhạc, vũ đạo và diễn xuất đều nhuần nhuyễn. Tôi không hiểu vì sao Nguyễn Phi Phi Anh lại làm được điều đó? 

Với Việt Nam, "Đêm hè sau cuối" thật sự là mới. Tất nhiên, nó cũng không quá mới đến nỗi gây sốc vì ở sân khấu của Phương Nam, các em đã từng làm theo thể loại này và cũng đã gặt hái được nhiều điều kì diệu không kém, và cũng do các bạn sinh viên không chuyên kiến tạo nên. Tuy nhiên, những gì tôi từng xem chỉ là một bản photocopy - y chang bản chính.

Còn ở đây, một "Đêm hè sau cuối" là phiên bản sáng tạo từ A tới Z. Từ kịch bản cho tới phần âm nhạc của chính Nguyễn Phi Phi Anh và của một nghệ sỹ mang thương hiệu "made in Vietnam", chứ không vay mượn, sao y bản chính.  Vì thế cho nên, đây mới là điều khiến tôi ngưỡng mộ. Chưa kể các bạn sinh viên, không thể nào chuyên nghiệp hơn như thế được. Tôi hi vọng, thêm một mùa nữa nhạc kịch của Nguyễn Phi Phi Anh lại đến được đông đảo khán giả.

Đậu Dung
.
.
.