Phát ghen với đạo diễn, diễn viên Hàn Quốc

Thứ Bảy, 21/05/2016, 16:33
Bộ phim Hàn gây bão "Hậu duệ của mặt trời" lay động, vầy vò, đánh trực diện vào mỹ cảm người Việt. Có hai dư luận song hành phản biện, thậm chí "đấu hót", "đấu tố" nhau và sẽ không đến hồi kết, cũng có nghĩa chân lý chẳng thuộc về bên nào.

Luồng dư luận thứ nhất: Người ta trách giới trẻ lãng quên quá khứ, quay lưng lại với lịch sử dân tộc. Người ta giận người trẻ cuồng phim "Hậu duệ của mặt trời", mà vô cảm với nỗi đau 43 vụ thảm sát tàn khốc đẫm máu hơn nửa thế kỉ trước do lính Đại Hàn dưới chế độ độc tài Park Chung Hee gây ra ở Việt Nam suốt dọc dải miền Trung, trong đó có 13 vụ giết chóc man rợ hơn 100 người. 

Hội những người Hàn yêu Việt Nam đã yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc nhận lỗi và xin lỗi nhân dân Việt Nam, nhưng họ vẫn làm ngơ. Người ta không chấp nhận được màu áo của quân đội viễn chinh tanh tưởi mùi máu tươi, mùi thuốc súng chết chóc, bây giờ lại được giới trẻ ngưỡng mộ, tôn vinh như biểu tượng, như thời trang đẹp đẽ, được thờ phụng... đi vào cả trong giấc mơ. 

Một thầy giáo đã ai oán trên báo thế này: "Tôi vẫn hay nói với các học trò của mình rằng: Tại sao ảnh gia đình, ông bà cha mẹ, anh chị em trong gia đình không được trân trọng, nâng niu mà lại đi tìm kiếm qua phim ảnh, báo chí, internet những người xa lạ để đam mê và thần tượng! Các em không cảm thấy như thế là xấu hổ sao?". Phim và sao Hàn đang quay trở lại và lợi hại hơn xưa v.v...

Hai diễn viên chính trong phim Hậu duệ của mặt trời.

Luồng dư luận thứ 2: Bênh vực giới trẻ "cuồng" phim "Hậu duệ của mặt trời". Rằng: Câu chuyện lính Đại Hàn tàn sát man rợ người miền Trung đã lui về dĩ vãng. Hãy khép lại quá khứ để đi đến tương lai. Rằng: "Chiếc áo không làm nên thầy tu", người lính Hàn Quốc bây giờ, đặc biệt là người lính Hàn trong Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, rất khác với người lính Đại Hàn dưới thời chế độ độc tài Park Chung Hee 50 năm trước. Họ không ác thú và dã man như thế hệ người lính cha anh nửa thế kỉ trước.

Vả lại, cha làm cha chịu, con làm con chịu. Hà cớ gì mà con cháu phải gánh chịu lỗi lầm của cha anh, chỉ vì cái sắc phục nhà binh. Rằng: "Hậu duệ của mặt trời" không kích động bao lực, chiến tranh. Không nhằm đến gây thù địch và bôi xấu Việt Nam. Vả lại: Chúng ta đang sống trong một thời đại hội nhập toàn cầu. Khán giả Việt Nam nức nở xem phim "Trung đội" và "Giải cứu binh nhì Ryan" với sắc phục lính Mỹ, thì không có lý gì đến mức phải phân biệt đối xử, bài trừ phim Hàn Quốc, mà cụ thể là "Hậu duệ của mặt trời" v.v...

Cá nhân tôi cho rằng: Người trẻ say mê "Hậu duệ của mặt trời" ngoài yếu tố chính trị. Họ chỉ đơn thuần niềm say mê cái đẹp, nghệ thuật. Cùng với cốt truyện, cảnh quay đẹp, kĩ lưỡng và nhân vật diễn dung dị, chân thật dẫn dụ, mê hoặc, thì giới trẻ còn say mê đến phát "cuồng" anh chàng đẹp giai - ngôi sao màn bạc Song Joong-ki trong vai đại úy Yoo Shi-jin. 

Chàng Song Joong Ki 31 tuổi đã sáng tạo thành công hình ảnh đại úy Yoo Si jin vừa đẹp trai, mạnh mẽ, vừa hài hước, trữ tình, lãng mạn. Chính hình tượng nhân vật này chói sáng đã làm cả tỉ trái tim công dân Trung Hoa lục địa, và hàng chục triệu người Hàn run rẩy, chứ không hẳn sắc phục nhà binh, cái mũ nồi, hay áo kẻ sọc... 

Người trẻ thường đi tìm thần tượng cho mình, hoặc ít ra thì cũng khâm phục nhân vật, họ làm theo, mong ước được thành công như nhân vật cũng chẳng có gì lạ. Chuyện thường tình thế gian. Đã bắt chước, thì hoặc là đặt tên giống nhân vật, hoặc hành động như nhân vật, dễ nhất là ăn vận theo thời trang ngôi sao màn bạc, hay ca sĩ nổi tiếng. 

Một thời thế hệ chúng tôi cũng "cuồng" phim tình báo "Trên từng cây số" của điện ảnh Bulgaria, và các nàng chết mê mệt với chàng diễn viên đẹp trai tài hoa đóng vai Đianốp. Những nghệ sĩ lớn Tom Cruise, Angelina Jolie, Brad Pitt..., hay doanh nhân toàn cầu Steve Jobs, Bill Gates... cũng đã và đang là thần tượng của giới trẻ. Chẳng có gì là phương hại.

Người trẻ thường là vô tư trong sáng, hồn nhiên, sống bằng cảm xúc và bộc lộ chính kiến từ cảm xúc. Bởi "khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già". Nói năng, hành động ở nơi này thì được chấp nhận, ở nơi kia sẽ bị ăn đòn. Chẳng hạn, hãy hình dung các bạn trẻ đóng những bộ quân phục Đại Hàn xưa, đội mũ nồi rồi đến cái làng miền Trung bị lính Rồng Xanh, Mãnh Hổ sát hại, mà bia đứng còn trơ gan cùng tuế nguyệt, mộ chôn tập thể còn tang tóc thê lương,... xem thế nào? 

Chẳng hạn, hãy tưởng tượng con cháu trong gia đình ở các làng Diên Niên, Phước Bình, Bình Hoà... mở tivi coi phim "Hậu duệ của mặt trời" trước mặt ông, cha có người thân bị sát hại 50 năm trước, mà ảnh thờ còn đượm buồn khói nhang... xem ra sao? Ở đó tiếng kêu của những linh hồn, của người nhà nạn nhân 50 năm nay vẫn thê lương, u uất: Lính Lữ đoàn Rồng Xanh giết hại 280 phụ nữ và trẻ em ở hai thôn Diên Niên, Phước Bình. 

Vụ thảm sát Bình Hoà, lính Đại Hàn giết hại 430 người, trong đó là 269 phụ nữ, 104 người già, 174 trẻ em; 3 gia đình bị giết sạch đến mức tuyệt tự, không còn một người. Đặc biệt có 12 phụ nữ bị cưỡng hiếp đến lê lết và chết trong nỗi đau tức tưởi. Thảm khốc nhất là vụ thảm sát 1.000 dân lành vô tội, hầu hết là người già, phụ nữ, trẻ em. Bình An biến thành làng chết, hủy diệt gần như sự sống v.v... Các vụ thảm sát nối tiếp thảm sát, triền miên không ngưng nghỉ, không ghê tay. 

Người dân Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi,... thời ấy là những nhân chứng bây giờ, nói rằng: Họ khiếp sợ lính Đại Hàn hơn lính Mỹ, bởi tính chất tàn sát hàng loạt dã man hơn thời trung cổ. Có thể cộng đồng kia vẫn xem phim vô tư, hồn nhiên, yêu cái sắc phục nhà binh Hàn Quốc chẳng để lại cái gì ngoài hình ảnh đẹp. Nhưng với bộ phận này, đặc biệt là các gia đình nạn nhân miền Trung lại là nỗi ám ảnh, cần phải tiết chế ở mức độ nhất định trong sự tế nhị, nhạy cảm trước nỗi đau của đồng loại.

Người trẻ nếu được học lịch sử, được hiểu biết nỗi đau của cộng đồng, thì trước mỗi sự "xâm lăng" văn hóa của nước ngoài đều có sự nghĩ ngợi, lựa chọn, và biết cách ứng xử để không làm quá đau lòng người khác, mà vẫn tiếp thu, không kì thị, bài ngoại. Nếu có lỗi trong chuyện này, trước hết phải là người lớn. Người lớn vót nhẵn tính cách người trẻ, đẩy cá tính sáng tạo thành con số không thì... thần tượng xuất hiện.

Viết đến đây, tôi lại phát ghen với đạo diễn, diễn viên Hàn chinh phục người xem bao nhiêu thì lại buồn bã bấy nhiêu cho nền điện ảnh Việt Nam. "Bụt chùa nhà không thiêng" hay các đạo diễn, diễn viên Việt Nam không đủ tâm huyết say mê, không đủ tài năng sáng tạo để trở thành thần tượng cho người trẻ với ý nghĩa biểu trưng của cái đẹp? Bộ quân phục Anh bộ đội Cụ Hồ cũng đẹp, nhưng các nhà làm phim vẫn chưa làm cho nó trở thành vật biểu tượng khiến người trẻ nô nức chế, mượn, cắt may,... để mặc với niềm vui xôn xao, mãn nguyện.

 Sau câu hỏi và lời đáp vì sao giới trẻ "giật đùng đùng" với phim Mỹ, phim Hàn là câu hỏi: Bao giờ điện ảnh nước ta sẽ làm cho giới trẻ "cuồng" phim Việt với sắc phục nhà binh như "Hậu duệ của mặt trời".

Nhà văn Sương Nguyệt Minh
.
.
.