Những sự kiện văn hóa tiêu biểu 2019

Thứ Bảy, 04/01/2020, 14:52
Năm 2019 có thể nói là một năm nhiều dấu ấn trong đời sống văn hóa nghệ thuật. Nhiều sự kiện được tổ chức, ghi nhận sự đóng góp, sáng tạo không ngừng của các nghệ sĩ, tạo ra những giá trị mới nâng cao đời sống văn hóa cho cộng đồng và góp phần đưa văn hóa Việt ra thế giới.


Cơn "địa chấn" mang tên "Hồ Thiên Nga"

Lần đầu tiên sau 36 năm gián đoạn, vở ballet kinh điển "Hồ Thiên Nga" được dàn dựng và 7 đêm diễn ở Nhà hát Lớn đều cháy vé. "Hồ Thiên Nga" được gọi là "ballet của những vở ballet', ra đời năm 1877, là tác phẩm ballet đầu tay của nhà soạn nhạc vĩ đại người Nga Tchaikovsky.

Hơn một thế kỷ qua, vở ballet "Hồ Thiên nga" vẫn luôn được coi là tác phẩm kinh điển và chuẩn mực, biểu đạt đầy đủ vẻ đẹp của nghệ thuật ballet cổ điển và là niềm say mê của những ai yêu thích môn nghệ thuật này.

Hồ Thiên Nga gây cơn sốt vé.

Tháng 10 vừa qua, "cơn địa chấn" Hồ Thiên Nga của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã đưa ballet Việt sang trang mới. Lần đầu tiên một phiên bản Hồ Thiên Nga "thuần Việt" được công diễn và gặt hái thành công rực rỡ. Vé của các vở diễn mặc dù có giá tiền triệu trở lên nhưng liên tục "cháy hàng". "Hồ Thiên Nga" sẽ tiếp tục hành trình đi tour trong năm 2020 và chắc chắn sẽ được khán giả chào đón.

Phim hành động "Hai Phượng" đạt doanh thu kỷ lục và được chiếu tại thị trường Mỹ

"Hai Phượng" (tên tiếng Anh: Furie, đạo diễn Lê Văn Kiệt), Ngô

Thanh Vân sản xuất đã đạt doanh thu kỷ lục phòng vé tại Việt Nam. Phim được hãng Well Go USA (hãng phim chuyên tìm mua những bộ phim châu Á xuất sắc để chiếu tại Mỹ) mua bản quyền phát hành tại 28 rạp của Mỹ từ ngày 1-3-2019. Sau hai tuần công chiếu, phim đạt doanh thu hơn 395.000 USD (9,1 tỷ đồng), lọt top 25 doanh thu phòng vé Bắc Mỹ và nhận được đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes.

Hai Phượng sau đó đã tiếp tục hành trình đến Canada, Australia, Trung Quốc… rồi lên Netflix, theo con đường chính thống, mở rộng đến khán giả bản địa. Đây là một sự kiện lớn của điện ảnh Việt, đánh dấu việc lần đầu tiên phim Việt được mua bản quyền và trình chiếu ở nước ngoài, nhất là thị trường có nhiều phim bom tấn như Mỹ.

Hát then được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể,đại diện của nhân loại.

Thực hành hát then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thực hành hát then được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã có 13 di sản văn hoá phi vật thể được Tổ chức UNESCO ghi danh.

Phim truyền hình "Về nhà đi con" gây bão

Với nội dung hấp dẫn và diễn xuất tốt của dàn diễn viên, "Về nhà đi con" tạo nên một cơn sốt trên sóng truyền hình. Người người nhà nhà đều bàn luận về bộ phim, rất nhiều khán giả còn trổ tài làm biên kịch, tiên đoán trước cái kết của bộ phim.

Nhiều người ưu ái trao cho "Về nhà đi con" danh hiệu "Bộ phim quốc dân" bởi đây là bộ phim hiếm hoi khai thác đề tài gia đình sâu sắc, lắng đọng mà vẫn vô cùng kịch tính và thức thời.

Bộ phim “Về nhà đi con” gây bão trên truyền hình .

Phim giành một series giải thưởng danh giá như giải phim truyền hình ấn tượng nhất tại VTV Awards 2019,  giải thưởng đặc biệt tại Liên hoan truyền hình toàn quốc, đồng thời trở thành phim truyền hình được tìm kiếm nhiều nhất trên Google Việt Nam 2019…

Bộ phim tạo nên một cơn sốt thật sự trên truyền thông và mạng xã hội với một loạt những trào lưu chế ảnh, phát ngôn từ bộ phim. Rất nhiều hội nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội cùng được xây dựng, tập hợp một lượng lớn người hâm mộ với tương tác rất cao mỗi ngày.

Lễ hội âm nhạc Quốc tế Gió mùa tại Hà Nội và Lễ hội âm nhạc Hozo tại TP Hồ Chí Minh

Đây là một năm đặc biệt ghi dấu sự trở lại của Monsoon festival ở Hà Nội và lễ hội âm nhạc Hozo lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, do hai thủ lĩnh âm nhạc nhạc sĩ Quốc Trung và nhạc sĩ Huy Tuấn làm tổng đạo diễn.

Ở Việt Nam, chưa có một lễ hội âm nhạc nào được tổ chức quy mô, bài bản và tiệm cận với các xu hướng âm nhạc thế giới như Monsoon và năm nay là Hozo. Đó thực sự là một không gian của lễ hội, của niềm vui và sự hứng khởi, góp phần nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho nhiều khán giả Việt Nam. Hai lễ hội âm nhạc được tổ chức trong năm 2019 ở hai thành phố lớn góp phần làm phong phú thêm đời sống âm nhạc của người Việt.

Nó góp phần tạo ra một thị trường âm nhạc lành mạnh, bình đẳng, góp phần thay đổi thói quen của người Việt, giúp họ tiếp cận với các giá trị âm nhạc văn minh, hiện đại hơn. Mỗi lễ hội âm nhạc đều có một thông điệp khác nhau, hướng khán giả tiếp cận đến những giá trị sống văn minh. Hozo mang tới thông điệp một cộng đồng yêu âm nhạc văn minh - một môi trường sống trong lành hơn: More Music, Less Plastic. Còn "Gió mùa" với thông điệp hướng tới một cộng đồng nghe nhạc văn minh, sáng tạo.

 Gió mùa và Hozo đã góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa cho hai thành phố lớn, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Triển lãm "Cục im lặng"

Cuối tháng 12-2019, lần đầu tiên tại Việt Nam diễn ra triển lãm kết hợp giữa thời trang và nghệ thuật đương đại theo hình thức Fashion in Art, có tên Cục im lặng. Triển lãm này trưng bày 10 bộ sưu tập tiêu biểu của NTK Nguyễn Công Trí (đánh số từ 1 đến 10), được sắp đặt và trình diễn thông qua 10 sáng tạo nghệ thuật của 10 nghệ sĩ trong nước và quốc tế, tái hiện hành trình hai mươi năm của Nguyễn Công Trí với thời trang.

Anh chia sẻ: "Tôi không muốn công việc của mình dừng lại ở chiếc đầm hay chiếc váy, mà muốn truyền cảm hứng đến những nghệ sĩ khác, để từ đó những nghệ sĩ cho ra đời các tác phẩm với thông điệp cuối cùng Công Trí muốn thời trang của mình bay xa hơn ở các lĩnh vực khác, chứ không chỉ dừng lại ở trang phục!". Triển lãm mở ra một không gian mới, mang đến cái nhìn mới về thời trang và nghệ thuật.

Triển lãm "Cục im lặng" của Công Trí.

Nghệ thuật sinh thái khởi sắc tại Việt Nam

2019 với sự manh nha của những sự kiện triển lãm ảnh, sắp đặt về môi trường cho thấy một xu hướng tất yếu sẽ phát triển trong thời gian tới, đó là nghệ thuật sinh thái. Tháng 8 vừa qua, nghệ sĩ đương đại Trần Nguyễn Ưu Đàm đã mang đến một triển lãm đầy ấn tượng "Rồng rắn lên". Mới đây, tại Hà Nội, Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA đã triển lãm "Hành tinh nhựa" kéo dài hai tháng".

''Hành tinh nhựa'' giới thiệu đến công chúng 4 tác phẩm sắp đặt, điêu khắc của nhóm nghệ sĩ đến từ Tò he (một doanh nghiệp xã hội ứng dụng sáng tạo nghệ thuật), bao gồm: "Đại dương", "Cánh đồng", "Lốc xoáy", "Gia đình". Những vật liệu nhựa đã qua sử dụng như ống hút, nilon, chai nước, đồ gia dụng… được ráp nối khéo léo thành các tác phẩm kích cỡ lớn. Trong đó, có những tác phẩm cao gần 4m, dài tới 18m.

Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, năm 2019, Leekima Hùng để lại dấu ấn đậm nét bởi hành trình "Cứu biển" của anh. Mới đây, nhân kỷ niệm 10 năm của hành trình anh dấn thân đi xuyên Việt để ghi lại những hiện trạng của biển, anh ra mắt cuốn sách "Du ký xanh". 

Triển lãm "Cứu biển" với hàng trăm bức ảnh được chọn trong 3.000 bức ảnh của anh về những vùng biển Việt Nam ngập tràn rác thải nhựa đã gây rúng động dư luận. Đây là triển lãm đầu tiên khởi động cho dự án "Save  our Sea" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng.

Hà Việt
.
.
.