Nhạc Việt: Chỉ cover là giỏi?

Thứ Tư, 21/12/2016, 14:00
Một nhạc sỹ có lần than thở rằng, ca sỹ Việt Nam trong thời gian qua ít hát ca khúc mới, chỉ cover là giỏi (hoặc hát ca khúc mới nhưng chất lượng làng nhàng, thiếu đột phá). Một nhạc sỹ khác cho rằng, vì bận chạy sô nên chúng ta đang có một lứa nghệ sỹ lười sáng tạo.


Ít sáng tác mới, thích "ăn sẵn"?

Mặc dù mới chỉ ra mắt mấy tuần nhưng "Sing My Song - Bài hát hay nhất" mùa đầu tiên giống như thỏi nam châm hút một lượng lớn khán giả về phía mình.

Khi nhiều gameshow ca hát tạp kỹ đang khiến khán giả truyền hình ngán ngẩm thì chương trình này giống như một món ăn mới lạ khi đề cao tính sáng tạo, năng lực sáng tác và tự biểu diễn ca khúc. Có thể nói, đây là chương trình hiếm hoi ở thời điểm hiện tại không cổ súy việc cover (hát lại - PV).

Người viết bài này dùng “Sing My Song” như một cái cớ dẫn nhập để chúng ta thấy rằng, bức tranh toàn cảnh âm nhạc Việt Nam trong thời gian qua nghèo nàn ra sao. Các cuộc thi âm nhạc nở rộ từ các thành phố lớn về tới xã, phường.

Trong các loại gameshow đang nhan nhản trên truyền hình, nhiều nhất vẫn là gameshow ca hát. Thậm chí, trong một gameshow hài, để sinh động, nhà sản xuất cũng phải có một tí… nhạc mới thu hút người xem. Các liveshow thì diễn ra theo mùa, đến hẹn lại lên. Đặc biệt là dịp cuối năm, thời điểm "hái" ra tiền nên hầu hết các nghệ sỹ đều tranh thủ chạy sô.

Có một điểm chung dễ thấy trong bức tranh này, đó là chúng ta đang thiếu vắng những ca khúc mới. So với việc viết ca khúc mới, hát ca khúc mới, người ta thích "cover", hát lại ca khúc, biểu diễn mới hoặc hòa âm phối khí mới lại một ca khúc hơn. Những bài hát mới không có nhiều đất để ươm chồi, nảy nở và thể hiện chỗ đứng của mình. Có không ít nhạc sỹ sau khi "thai nghén" tác phẩm phải chật vật trong việc tìm đường ra tới công chúng.

Đồng thời với việc này, ca sỹ cũng quen với việc thể hiện những ca khúc "đinh" của mình, lười tập bài mới. Vì thế mà có không ít ca sỹ chạy sô từ chương trình này đến chương trình khác cũng chỉ thấy hát đúng bấy nhiêu bài. Họ chỉ xuất hiện với những bộ trang phục khác nhau trên những sân khấu khác nhau mà thôi. Còn hầu như họ ít xuất hiện trong những ca khúc mới.

Hay ví dụ như, mùa thu thì có một loạt liveshow về mùa thu, ở mỗi liveshow sẽ có những giọng ca "chuyên trị" đề tài này, hát những ca khúc được xem là tiêu biểu cho đề tài này. 

Hay như nhạc sỹ Phú Quang, lâu rồi không giới thiệu thêm sáng tác gì mới. Tuy nhiên, hầu như năm nào nhạc sỹ này cũng tổ chức liveshow, hát lại những ca khúc được xem là "đóng đinh" của mình. Còn khán giả thì hễ bật tivi lên lại thấy gameshow ca hát nhưng toàn những ca khúc được "remix", không được thưởng thức những ca khúc mới.

Phú Quang trong một đêm nhạc của mình.

Sáng tạo được xem là yếu tố sống còn của nghệ sỹ nói riêng và đời sống âm nhạc nói chung. Chúng ta "khoe" đủ thứ. Xuất hiện trong những bộ trang phục đẹp. Có người còn nói, âm nhạc Việt Nam đang tiệm cận âm nhạc thế giới. Có người còn cho rằng, âm nhạc Việt Nam đang ngày càng văn minh hơn. Nhưng ít thấy khoe sự sáng tạo.

"Có sáng tạo đâu mà khoe. Người ta đang lo kiếm tiền. Ai dư thừa hơi sức, tổn não vào những việc gọi là sáng tạo ấy", một ca sỹ thừa nhận. Trong khi đó, tình trạng nghệ sỹ ở ta "ăn sẵn" vào chính danh tiếng của mình không phải là hiếm. Chúng ta có một hoặc nhiều lứa ngôi sao tỏa sáng nhưng chỉ cháy trong hào quang xưa cũ của mình.

Đó là chưa kể, nhiều ca khúc được viết theo đơn đặt hàng. Vì lỡ bỏ tiền ra mua ca khúc rồi nên ca sỹ phải "cày" cho "nát" ca khúc đó. Đi đâu cũng hát, sân khấu nào cũng hát. 

Việc tranh thủ kiếm lại số tiền mà mình bỏ ra là việc dễ hiểu và không có gì đáng chê trách cả. Song, nghệ thuật rõ ràng là một lĩnh vực đặc thù; so với những lĩnh vực khác nó đòi hỏi sự sáng tạo đến gắt gao. Nếu chỉ vì việc bỏ ra một số tiền mà lệ thuộc vào số tiền đó để không làm mới bản thân mình, ngẫm cũng hơi buồn.

Những đốm sáng có làm nên mùa xuân?

Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là phủ nhận những đốm sáng hiếm hoi nhưng bền bỉ của nghệ sỹ. Bên cạnh những nghệ sỹ thích cover, thích lặp lại chính mình, vẫn còn đó những nghệ sỹ "máu lửa" và không thỏa hiệp chính mình. 

Có thể kể ra đây một số cái tên như Tùng Dương và Sa Huỳnh với dự án âm nhạc "Rễ cây", Hoàng Rob và Khắc Hưng với dự án "Hừng Đông", Hà Trần với "Bản Nguyên", Hoàng Quyên với dự án âm nhạc 2 năm 2016 - 2017,…  

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, những đốm sáng này liệu có thay đổi được mỹ cảm âm nhạc số đông không, khó mà nói được. Trong khi đó, những cuộc thi, giải thưởng âm nhạc uy tín, đề cao tính sáng tạo ngày một hiếm.

Ca sỹ Tùng Dương.

Trước "Sing My Song", hẳn nhiều người còn nhớ "Bài hát Việt" - một cuộc thi dành cho những ca khúc chưa từng công bố hoặc mới phát hành với các giải thuộc các hạng mục như "Bài hát của tháng"; "Hoà âm phối khí hiệu quả"; "Ca sĩ trình bày xuất sắc nhất". Đây là chương trình âm nhạc có tác động tích cực đối với thị trường nhạc Việt trong 11 năm qua, kể từ ngày lên sóng.

Không sôi động như nhiều chương trình truyền hình thực tế hay các cuộc thi tìm kiếm tài năng, nhưng “Bài hát Việt” vẫn chứng tỏ được vị thế của mình với nền âm nhạc đương đại Việt Nam. Đây là cái nôi sản sinh ra lứa ca sĩ, nhạc sĩ trẻ, đáp ứng được thị hiếu khán giả mà vẫn đảm bảo được chất lượng chuyên môn. 

Những cái tên như Lê Cát Trọng Lý, Sa Huỳnh, Giáng Son, Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Xinh Xô, Vũ Cát Tường, Phạm Toàn Thắng… cũng bước ra từ cuộc thi này và đến nay, tên tuổi của họ vẫn còn đậm nét trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, “Bài hát Việt” sau 11 năm đồng hành đã nói lời chia tay với khán giả vào đầu năm 2016.

Ca sỹ Hoàng Quyên.

Sau “Bài hát Việt” phải kể đến Giải thưởng âm nhạc Cống hiến - giải thưởng do Báo Thể thao & Văn hóa khởi sự từ năm 2004. Giải thưởng này cũng có những hạng mục đề cao tính phát hiện, mới mẻ thông qua các chương trình, album, dự án âm nhạc của nghệ sỹ trong một năm lao động nghệ thuật.

Tính uy tín và quy mô của giải thưởng đến từ việc các hạng mục được bình chọn từ lá phiếu của báo chí cả nước công khai, minh bạch cao. Có thể kể một số cái tên như Tùng Dương, Giáng Son, Mew Amazing, Nguyễn Trần Trung Quân… đã ghi dấu ấn ở giải thưởng này.

Thậm chí, giải thưởng này như một bảo đảm cho tài năng của nghệ sỹ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, Giải thưởng âm nhạc Cống hiến đang ngày càng bớt thiêng khi yếu tố cống hiến không được đề cao. Ca sỹ "lắm chiêu" Sơn Tùng M-TP thắng giải Cống hiến hồi tháng 4 năm nay được xem như cú lội ngược dòng làm nhiều người thất vọng.

Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa (MMF ) - một lễ hội âm nhạc thường niên của Thủ đô do nhạc sỹ Quốc Trung đạo diễn khởi phát cách đây 2 năm cũng đề cao sự mới mẻ trong hoạt động nghệ thuật. MMF mong muốn tôn vinh những nghệ sỹ trẻ có tài năng và khát vọng, muốn khơi gợi khát vọng nghệ thuật của họ để các nghệ sỹ có thể phát triển hơn nữa trên con đường của mình.

Việc giới thiệu được những cái mới mẻ, đa dạng cũng như sáng tạo của nghệ sỹ là một trong những tiêu chí tồn tại của MMF. Thông qua đó, tạo thói quen thưởng thức của khán giả là đón nhận những cái mới lạ, sáng tạo của các nghệ sỹ hoặc nghệ sỹ trẻ.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhạc sỹ Quốc Trung nói rằng: "MMF muốn cảm hứng đổi thay hoặc tạo nên sức ép đối với nghệ sỹ để họ có thêm cảm hứng sáng tạo nhiều hơn, bùng nổ nhiều hơn. Chúng tôi chỉ là những người truyền lửa, là những người góp phần thay đổi làm cho đời sống âm nhạc phong phú hơn". Tuy nhiên, chương trình này mới chỉ diễn ra ở Hà Nội và cũng chật vật trong việc bán vé. Thậm chí có năm, Quốc Trung dốc toàn bộ tiền tiết kiệm của mình để thực hiện chương trình mà vẫn lỗ.

"Thế mà là nghệ thuật ư?", tên cuốn sách của Cynthia Freeland do Như Huy dịch cho rằng, theo thời gian, nghệ thuật đã phát triển đến mức không chỉ là một khái niệm thuộc về cái Đẹp, khơi gợi thẩm mỹ, mà còn là một công cụ nhận thức, qua đó, phản chiếu các biến cố, các thông điệp xã hội, chính trị của nghệ sỹ. Và những thông điệp đó, bao giờ cũng phải lấp lánh sự sáng tạo. "Thế mà là nghệ thuật ư?", câu hỏi đó xin nhường cho thói quen thích cover của nghệ sỹ hiện tại. 

Đậu Dung
.
.
.