Nghệ sĩ trẻ làm MV về chiến tranh: Tri ân lịch sử bằng cách của riêng mình

Thứ Ba, 30/04/2019, 22:09
Trong thời buổi các MV ca nhạc chạy theo con số triệu view, hướng tới thị hiếu thời thượng để chiếm lĩnh cảm tình của giới trẻ (phần lớn khán giả nghe nhạc) thì vẫn có những nghệ sĩ lặng lẽ theo đuổi con đường của mình.

 Những MV của họ có thể không gây ồn ào trên các trang mạng xã hội, nhưng một cách khác, nó vẫn đi vào tâm hồn nhiều người bằng những tình cảm xúc động, chân thành. Đó là những MV về chiến tranh được đầu tư rất kỹ lưỡng công phu của các nghệ sĩ trẻ với tấm lòng tri ân những người đã ngã xuống vì nền tự do, hòa bình của dân tộc.

NSND Thanh Hoa chia sẻ: "Tôi rất xúc động khi xem những MV về chiến tranh của các nghệ sĩ trẻ như Tố Nga, Phương Thảo, Đinh Hiền Anh. Tôi phải nói lời cảm ơn các nghệ sĩ trẻ đã dấn thân theo một cách khác để bày tỏ lòng biết ơn của mình với quá khứ. 

Thế hệ chúng tôi mang tiếng hát vào Trường Sơn, gian khổ, khốc liệt, hát giữa mưa bom bão đạn. Ký ức về Trường Sơn của chúng tôi rất đẹp, tôi nhớ những cánh rừng đại ngàn, nhớ vầng trăng Trường Sơn sáng vằng vặc, nhớ cả những con bướm khổng lồ ở Trường Sơn mà tôi cứ tưởng là chiếc lá cổ thụ… 

Xem nhiều MV về chiến tranh của các bạn trẻ, tôi thấy các em làm rất chân thành, mộc mạc, nó giúp thế hệ trẻ không quên chiến tranh để biết sống tử tế hơn, trân quý hơn những ngày hòa bình".

Thực tế, mỗi năm vào dịp 30-4, 27-7, sẽ có một vài dự án âm nhạc về đề tài chiến tranh được thực hiện. MV cũng là một cách để các nghệ sĩ lựa chọn nhằm tri ân quá khứ.

Một hình ảnh xúc động trong MV “Cúc ơi”.

Tôi rất ấn tượng với MV "Cúc ơi" của NSƯT Tố Nga. MV kể về chị Hồ Thị Cúc, một trong 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong (TNXP) ngã ba Đồng Lộc. Đó là cuộc đời của một cô gái trẻ, quả cảm, dâng trọn thanh xuân của mình cho độc lập của Tổ quốc. 

Vào lúc 16 giờ ngày 24-7-1968, chị Cúc cùng các nữ TNXP ra mặt đường cách ngã ba Đồng Lộc về phía Nam khoảng 300m để san lấp hố bom, sửa chữa đường. Bom dội đến lần thứ 15 trong ngày, các chị vẫn vừa hát, trêu đùa nhau, vừa quan sát và san lấp hố bom. 

Nhưng, một trận bom bất ngờ do một chiếc máy bay địch quay lại đã dội ngay xuống cửa hầm các chị đang trú ẩn, tiếng nổ long trời, khói đen mù mịt. Cúc cùng 9 chị em trong tiểu đội hy sinh. Khi đồng đội và người dân đào bới tìm các chị thì không thấy Cúc. Phải 3 ngày sau, đồng đội, nhân dân mới tìm được chị bị vùi lấp rất sâu…

Có thể nói, đây là một MV để đời của Tố Nga, bởi chị mong muốn nén tâm nhang của chị gửi đến chị Cúc, gửi đến các nữ TNXP anh hùng đã ngã xuống nơi ngã ba Đồng Lộc được trọn vẹn nhất, thành kính nhất. 

Nó như một thước phim quay chậm giúp khán giả ngược thời gian trở về quá khứ, với những nỗi niềm phía sau nụ cười, sau sự kiên cường, anh dũng của các chị. Đó là những trăn trở về số phận bất hạnh, những giây phút đẹp đẽ của thời thanh xuân rực rỡ, trẻ trung. 

Với độ dài hơn 10 phút, MV không thể nói được quá sâu sắc về chị Cúc, hay về các Nữ TNXP ngã ba Đồng Lộc, nhưng cách tái hiện hình ảnh gần gũi chân thực này đã giúp người xem hiểu hơn về các chị, giới trẻ sẽ trân quý hơn những hy sinh lớn lao của các chị dành cho Tổ quốc.

Đinh Hiền Anh trong MV “Khúc ru Đồng Lộc”.

Để thực hiện MV "Cúc ơi!", dựng lại hình ảnh thời chiến tranh với những nữ TNXP hăng hái ngày đêm san đường, lấp hố bom giữ thông tuyến đường chiến đấu, đoàn phim đã phải huy động 200 diễn viên quần chúng là các chiến sĩ bộ đội và các học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Tĩnh. 

Toàn bộ cảnh bom mìn trong MV đều có sự cố vấn bên quân đội để có những cảnh chân thực nhất. Chính nhờ sự quyết liệt, lăn xả như vậy mà MV "Cúc ơi!" đã thực hiện được những cảnh quay vô cùng chân thực, tái hiện lại hình ảnh những nữ TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc năm nào. 

Điều đó cho thấy tình cảm, sự tâm huyết của những nghệ sĩ trong thời bình khi hát về chiến tranh, họ hát bằng tất cả tấm lòng tri ân của mình. Trước đó, nữ ca sĩ Phạm Phương Thảo cũng đã từng làm MV về chiến tranh. 

Tác phẩm "Mười đóa sen thơm" do chính chị sáng tác và trình bày dựng lên hình tượng đẹp đẽ, tinh khiết về 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Chị không nhìn chiến tranh ở sự khốc liệt, nỗi đau mà ở vẻ đẹp, sự dũng cảm và bất khuất của 10 cô gái. 

"Mười đóa sen thơm" ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của những con người ra trận. Nhưng ẩn sâu sau những thước phim, những lời ca, chúng ta vẫn thấu hiểu được sự hy sinh, mất mát đó là vô giá. "Mười đóa sen thơm" là những hình ảnh chân thực, cao đẹp và cả những ước mơ thật bình dị của những người nữ TNXP anh hùng Ngã ba Đồng Lộc năm ấy. 

Từng lời ca của ca khúc cũng nói lên những mong mỏi thật bình dị, đầy những tâm sự rất riêng con gái của người hôm nay hướng về các chị: "Có phải còn vương vấn? riêng tư còn vương vấn? em gửi lược gương đây, bồ kết đấy, bến sông xưa còn đợi, về mà tắm gội cho mượt tóc thơm, mà ngắm dung nhan mãi mãi tuổi thanh xuân…".

 Ngoài "Mười đóa sen thơm", Phạm Phương Thảo còn ra DVD "Tri ân" gồm 8 MV "Ru em nắm đất Truông Bồn", "Chấp chới sông Lam", "Đất mẹ ngày về", "Con xin ở lại nơi này", "Ân tình mẹ", "Trông cây lại nhớ đến người", "Mười đóa sen thơm", "Mẹ Việt Nam" được thực hiện theo chiều dài đất nước, những vùng đất có ý nghĩa đã đi vào lịch sử như Truông Bồn, Hà Tĩnh…Quảng Trị. 

Đó là một DVD được đầu tư kỹ lưỡng với ê kíp 3 đạo diễn, tái hiện lại những góc nhìn về chiến tranh, có khi là chiến trận, là bom đạn, có khi là những nấm mồ vô danh, có khi là nỗi đau của người mẹ mòn mỏi chờ chồng, chờ con…

Cảnh trong MV “Ru em nắm đất Truông Bồn” của ca sĩ Phạm Phương Thảo.

Cả 2 MV đều lựa chọn góc nhìn giản dị, mộc mạc về chiến tranh. MV được thực hiện bởi một ê kíp trẻ, những người chỉ biết đến chiến tranh qua sách báo, hay những câu chuyện do người đi trước kể lại. 

Đạo diễn Dương Lan Hương, người đã thực hiện rất nhiều MV về chiến tranh cho các nghệ sĩ trẻ chia sẻ: "Tôi rất xúc động khi trực tiếp đến từng vùng đất đã đi vào lịch sử như Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc. 

Khi làm những MV về chiến tranh, không ai bảo ai, các nghệ sĩ trẻ đều rưng rưng xúc động. Họ không phải diễn mà cảm xúc về những câu chuyện, sự mất mát của chiến tranh đã khiến họ khóc. Điều đó rất có ý nghĩa đối với các nghệ sĩ trẻ, giúp họ thấu hiểu được những mất mát của ông cha để sống đẹp hơn, có ý nghĩa hơn cho ngày hôm nay".

NSƯT Tố Nga trong MV “Cúc ơi”.

Tôi đã từng có dịp trò chuyện với các NSND Thanh Hoa, NSND Thu Hiền, NSND Quang Thọ, những nghệ sĩ - chiến sĩ từng mang tiếng hát của mình vào chiến trường, hát giữa mưa bom bão đạn. Thật xúc động khi nghe những câu chuyện của họ. Cũng như những người lớn lên trong thời bình sẽ xúc động khi xem những MV ca nhạc về chiến tranh của các nghệ sĩ trẻ. 

Ở một góc nào đó, họ đã tái hiện chiến tranh theo cách nhìn của mình một cách rất nghệ sĩ, như NSND Thanh Hoa vẫn nói rằng, ký ức chiến tranh của bà ở rừng Trường Sơn là ánh trăng, là hoa cỏ vậy, lãng mạn, thơ mộng. 

Nhưng nó nhắc nhở những người đang sống không được phép lãng quên quá khứ, lãng quên sự hy sinh của những người nằm xuống để có một nền độc lập, hòa bình. Hiểu và tri ân quá khứ, con người sẽ biết sống tử tế hơn, tốt đẹp hơn cho hiện tại. 

Bảo Nguyên
.
.
.