NSƯT Kim Oanh:

Chỉ nên làm cái bóng của mình thôi

Thứ Tư, 29/03/2017, 11:01
Ai đó nói rằng, Kim Oanh bị "điên" khi thời buổi này còn bỏ tiền túi ra để dựng vở sân khấu. Còn Oanh thì cười, một cách rất mơ mộng rằng: "Tôi làm vì thích đấy, thì đã sao. Mỗi người sinh ra trên cuộc đời này đều có một sứ mệnh của mình mà".


- Khá lâu rồi mới thấy Kim Oanh xuất hiện trong phim truyền hình "Chiều ngang qua phố cũ", với khá nhiều diễn viên gạo cội như NSND Anh Tú, NSƯT Hoàng Lan, vẫn cái chất đanh đá, gai góc của chị. Kim Oanh có nghĩ đến việc đổi chất cho nhân vật của mình không?

+ Khi đọc kịch bản, tôi rất thích nhân vật Hạnh, bị ung thư, hiền lành và chịu đựng. Nhiều người bảo không hợp, vì họ quen tôi với hình ảnh mạnh mẽ, dữ dội, cá tính. Và cuối cùng, để đảm bảo sự an toàn, tôi vào vai Hoa, một cô gái cá tính, mạnh mẽ.

Thực tế, nhiều người thấy chỉ cần hợp vai về hình thức là có thể đẩy diễn viên để họ diễn được, có người thành công, có người chỉ dừng lại ở làm tròn vai thôi.

Điều đó cũng hấp dẫn người khác vì diễn viên mới, gương mặt mới xinh đẹp nhưng họ sẽ không giữ được khán giả lâu, bởi diễn viên chuyên nghiệp, đương nhiên họ được đào tạo, nghiên cứu, suy nghĩ và họ cũng rất sâu sắc. Vì thế, nhân vật họ vào vai sẽ ám ảnh hơn.

Cho đến tận bây giờ, khán giả khi xem những diễn viên trong "Chiều ngang qua phố cũ" vẫn hoài niệm về những vai họ đã thành công trong quá khứ, nhưng cái bóng của các vai diễn kinh điển không hề làm lu mờ dấu ấn mới, vì họ luôn tìm thấy sự mới mẻ trong những cái tưởng như là cũ, là lặp lại mình. Vì thế, đối với tôi, quan trọng là mình diễn như thế nào chứ không phải dạng vai nào.

- Cùng một dạng tính cách, vậy làm thế nào để Kim Oanh không bị lặp lại chính mình, điều gì đã tạo nên một thương hiệu "Oanh cong"?

+ Thực tế lại rất trái ngược khi thầy giáo dạy tôi 4 năm trong trường sân khấu bảo rằng, chất của Oanh không phải thế, phải là vai hiền lành, chịu đựng, nhẫn nhịn cơ, vì trong suốt quá trình học, tôi toàn vào những vai lành hiền. Và bây giờ, trong cuộc sống, tôi cũng đang sống như vậy. Nhưng gương mặt của tôi lại quá cá tính không phù hợp với những vai chịu đựng. 

Tôi cho rằng, đã là diễn viên chuyên nghiệp thì việc xây dựng hình tượng nhân vật ăn vào máu. Có nhiều người cá tính đanh đá nhưng mỗi người có một sắc thái riêng. Có một thứ bắt buộc nghệ sĩ phải làm là nạp năng lượng.

Trong cuộc sống có nhiều loại năng lượng, mình phải có trí tuệ để biết nên nạp cái gì và không nạp cái gì từ việc quan sát cuộc sống, cách đọc sách, xem ti vi, báo đài. Có nhiều cách để đọc sách, cách của tôi là nghiên cứu về thần kinh và tâm lý con người, đó là năng lượng tốt cần thiết cho công việc, thỏa mãn sở thích của mình và biến sự thỏa mãn thành sở trường.

Đôi khi biết nó là sở trường của mình nên có chút ngông cuồng, tôi dám nói với các đạo diễn khi nhận vai là tôi sẽ đồng sáng tạo cùng họ chứ không chỉ biết diễn như cái máy.

- Ý thức sống và làm nghề nghiêm cẩn đó, chị có từ bao giờ vậy?

+ Tôi có từ bé, bố tôi là một luật sư, nên ông khá khắt khe trong việc dạy dỗ tôi. Ông rèn tôi như trong trại lính ấy, ngày xưa tôi thấy hơi cực nhưng cách ông đào tạo tôi làm tôi thành người như thế này.

Những loại sách tôi đọc chủ yếu là truyện trinh thám, tôi học được ở đó tư duy logic và khả năng phán đoán. Vì thế, trong cuộc sống tôi luôn chủ động, không bao giờ đi từ điểm A mới biết điểm B mà tôi khi đi từ điểm A tôi đã biết điểm Z của mình ở đâu.

Bố đã từng kỳ vọng tôi trở thành một luật sư. Nhưng tôi không bao giờ ân hận vì mình đã lựa chọn sân khấu. Tôi nghĩ, mỗi con người sinh ra trong cuộc đời này đều có sứ mệnh của mình. Và quan trọng, mình biết mình đam mê điều gì và dám theo đuổi nó hay không.

Ngày xưa, mới vào nghề, tôi dành nhiều thời gian đi học vũ đạo tuồng, học luyện thanh để lấy hơi, học ghi ta để lấy dáng cầm đàn, rồi học ba lê... Tôi học tất cả những thứ đó để biết và diễn cho ra chất chứ không theo chuyên nghiệp. Đợt vừa rồi tôi đi học đấm bốc, tập khả năng phản xạ, biết đâu tôi có thể vào vai nữ cảnh sát.  Cuộc sống là thế, luôn mới mẻ và thú vị.

- Sự khổ luyện của chị hình như là điều khá xa xỉ đối với những diễn viên trẻ bây giờ? Vì thế, phim truyền hình hay sân khấu vẫn thưa vắng những tài năng trẻ?

+ Các bạn trẻ bị cuộc sống hiện đại chi phối quá nhiều. Họ coi mục đích tối cao của nghệ thuật là để nổi tiếng chứ không vì đam mê. Vì muốn nổi tiếng nên họ sẽ đi con đường bất chấp, còn nếu yêu, họ sẽ tự tìm tòi, quan sát và nạp năng lượng tốt cho mình để sáng tạo.

Cuộc sống không thể buông theo bản năng, phải có sự lựa chọn. Thực tế, nhiều nghệ sĩ làm ra sản phẩm chứ không phải tác phẩm, nếu bạn trẻ suy nghĩ chộp giật, họ chỉ làm ra sản phẩm chứ không phải tác phẩm. Cũng là chương trình hài kịch, nhưng giá trị tác phẩm khác sản phẩm.

Nếu xem lại "Gặp nhau cuối tuần" ngày xưa, sẽ thấy đó là những tác phẩm vì nó vẫn nói lên những vấn đề nhức nhối của xã hội, đem đến cho khán giả những suy nghĩ, ngẫm mà cười chứ không phải cười hềnh hệch.

Có những sản phẩm chạy theo thị hiếu khán giả để kiếm tiền, thỏa mãn khán giả đáp ứng nhu cầu trước mắt của khán giả. Nhưng thực tế, không thể quên đi giá trị của nghệ thuật là định hướng khán giả và có tính dự báo. Tôi chỉ hy vọng khán giả không đánh đồng tác phẩm với sản phẩm. Thực tế, nếu có cơ hội làm một tác phẩm nghệ thuật, tôi không bàn đến chuyện tiền, giá nào cũng làm, 2.000 đồng một phân đoạn cũng làm, còn nếu là sản phẩm thì phải lên hàng trăm triệu đồng.

Quan điểm của tôi là tiền rất cần trong cuộc sống nhưng không nên mệt mỏi vì tiền, vì mình sẽ dễ bán mình bằng bất cứ giá nào. 

- Yêu sân khấu đến thế, chị có ân hận vì đã rời Nhà hát Tuổi trẻ?

+ Trong cuộc đời, tôi chưa bao giờ ân hận vì những lựa chọn của mình. Ngày đó, tôi nghĩ rằng, nếu ở nhà hát sẽ không học thêm được gì nữa. Nhà hát rất đông diễn viên, bao giờ đến lượt mình? Vì thế, tôi quyết định sang Đài Truyền hình làm biên tập kịch bản sân khấu. Thực tế, làm nghệ thuật thì ở đâu không quá quan trọng.  Tôi dừng ở Nhà hát Tuổi trẻ không có nghĩa là tôi dừng diễn. Về Đài truyền hình,  tôi vẫn làm sân khấu, rồi thỉnh giảng trong Trường Sân khấu Điện ảnh, hằng ngày tiếp xúc với rất nhiều tác phẩm cổ điển, đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ.

- NSND Lê Khanh trong một lần trò chuyện đã nhắc đến chị, đến tình yêu sân khấu kỳ lạ của chị, chị sẵn sàng bỏ tiền dựng vở để thỏa mãn đam mê?

+ Tôi không ngần ngại khi nói rằng, tôi rất ngưỡng mộ NSND Lê Khanh, ngày xưa về nhà hát, tôi không bỏ sót đêm diễn nào của chị. Người yêu quý thì bảo Oanh đáng yêu lắm, đến giờ này vẫn há mồm ra học các anh chị. Người ghét thì cho rằng tôi diễn. Mọi người không biết cách tôi xem, đêm nay tôi học cách chị Khanh diễn, ngày mai tôi học cách chị Khanh nói... Phải từng bước như thế. Tôi nhớ có năm tôi vào vai Phồn Y để đi dự thi, nhờ NSND Anh Tú tập cho, vai này chị Khanh cũng từng diễn. Và khi tôi diễn, một vô thức nào đó người ta nhìn thấy bóng dáng Lê Khanh. Lúc đó tôi vừa vui vừa buồn. Vui vì mình đã cố gắng để đạt tới một sự hoàn hảo nào đó. Còn buồn vì không có cái riêng. Nghệ thuật mà không có cái riêng là vứt rồi. Từ lần đó, tôi xem chị Khanh diễn một cách tỉnh táo hơn. Bởi nghệ sĩ phải nhuộm màu của mình vào nhân vật. Nếu làm cái bóng của chị Lê Khanh thì không được, mình chỉ nên làm cái bóng của mình thôi. (Cười).

- Thế còn việc tự bỏ tiền túi ra dựng vở, có ai nói rằng chị bị "điên" chưa?

+ (Cười sảng khoái). Bình thường mà, làm vì yêu mà, yêu thì phải thỏa mãn tình yêu của mình chứ. Tôi bị "điếc" nên không nghe thấy cơ hội vì thế phải tự tạo cơ hội cho mình.  Phải đi kiếm từng đồng ở những công việc khác, chắt chiu, dành dụm để làm vở. Trước hết để thỏa mãn bản thân, thứ hai, để phục vụ khán giả, hoàn toàn miễn phí, không bán vé tầm 6 đêm, lúc nào cũng kín rạp, một mình tôi đi mời. Bán vé đã khó rồi, đi mời còn khó hơn. Còn một điều nữa cần chinh phục là bạn nghề. Tôi cũng đã làm được với vai trò đạo diễn sân khấu truyền hình. Vở đầu tiên có tên "Hương đất" được Huy chương Bạc, vở thứ hai "Cách mạng" của cụ Nguyễn Khải được Huy chương Vàng tại Liên hoan truyền hình Toàn quốc.

- Nhìn lại con đường của mình với hành trình gần 20 năm gắn bó với sân khấu điện ảnh, chị đã từng có nhiều vai diễn chạm đến đỉnh cao. Và giờ là vai trò đạo diễn, chị thấy mình được gì?

+ Tôi đã nói rồi, mỗi người sinh ra đều có sứ mệnh của mình. Cơ hội gõ cửa nhà bạn rất khẽ, tôi lại không nghe được tiếng gõ cửa đó, nên tôi luôn tự tạo cơ hội cho mình. Việc gì cần đến thì sẽ đến, tôi không quá kỳ vọng vào một cái gì đó xa xôi. Trên sân khấu chúng tôi luôn đặt câu hỏi, tôi là ai, đây là đâu và tôi ra đây để làm gì. Và phải trả lời được những câu hỏi. Trong cuộc đời tôi từ bé đã biết đặt những câu hỏi đó và tự tìm câu trả lời. Tôi hay nói với các sinh viên của tôi rằng, chúng ta đến trái đất này để làm bác sĩ tâm hồn, dùng khả năng và tình yêu của mình để mang đến niềm vui cho khán giả, hướng họ tới cái đẹp của cuộc sống. Vui lắm chứ. Đó là cái được lớn nhất rồi.

- Nói chuyện với chị, chỉ thấy chị cười, thấy nhiệt huyết và đam mê mà thôi. Có lúc nào Oanh mỏi mệt?

+ 20 năm đi diễn, cuộc sống nếm trải nhiều thứ buồn vui, nhưng tôi thích cuộc sống luôn vui vẻ, mình phải vui mới làm cho người khác vui. Niềm vui phải thật sự nhiều hơn nỗi buồn, vì thế giới ba phần tư là biển, là nước mắt rồi, vì thế tôi mong có nhiều hơn những niềm vui, tôi nghĩ về nó, hy vọng về nó.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.