Lee Nguyễn, đi thật xa để trở về

Thứ Ba, 22/12/2020, 18:02
Theo thông tin của chúng tôi, Lee Nguyễn về CLB TP HCM với giá không dưới 1,2 triệu USD, trở thành thương vụ đắt nhất lịch sử V-League.


Bản hợp đồng này không chỉ chào đón sự trở lại của Lee Nguyễn sau 10 năm, mà còn trở thành "bom tấn" đích thực với bóng đá Việt Nam. Ngày Lee Nguyễn lặng lẽ rời Bình Dương để về Mỹ 10 năm trước, ít ai nghĩ ngày trở về của anh lại tạo nên một cơn sốt như vậy, dù lúc này tiền vệ Việt kiều đã chuẩn bị bước sang tuổi 35.

Từ "ông hoàng" bỗng hóa kẻ "học việc"

Đầu mùa giải 2009, bầu Đức và CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thêm một lần khiến làng bóng đá Việt xôn xao với thương vụ đình đám mang tên Lee Nguyễn. Không chú ý sao được khi Lee Nguyễn trước đó đang chơi cho PSV Eindhoven tại giải Hà Lan dưới sự dẫn dắt của HLV Guus Hiddink. Ngoài ra, Lee Nguyễn từng cùng đội tuyển Mỹ tham dự Copa America 2007.

Có Lee Nguyễn trong tay, bầu Đức không ngần ngại nói về tham vọng vô địch V-League của HAGL. Ông đang sử dụng chiến lược giống hệt như những gì đã giúp HAGL khuynh đảo V-League vài năm trước đó, khi vung tiền để đưa về những bản hợp đồng bom tấn có tầm vóc vượt xa cái áo nhỏ bé của bóng đá Việt Nam. Năm 2002 là Kiatisuk, còn bấy  giờ là Lee Nguyễn.

Lee Nguyễn từng không thể giúp HAGL vô địch V-League 2010 như kỳ vọng.

Về Việt Nam thi đấu, cuộc sống của Lee Nguyễn cũng thay đổi rất nhiều. Mức lương 15.000 USD/tháng, lót tay không dưới 200.000 USD/năm chưa kể những khoản thưởng thêm khiến Lee trở thành cầu thủ có thu nhập cao nhất V-League.

Và quả thực, anh cũng chơi khá ấn tượng trong màu áo HAGL, nhanh chóng trở thành trụ cột của đội bóng với khả năng cầm nhịp lối chơi và có được 9 bàn thắng sau 24 trận đấu trong mùa giải đầu tiên.

Tuy nhiên, chàng trai 23 tuổi khi đó đã không thể cân bằng được đời sống bóng đá với những nhu cầu cá nhân. Có đồng đội ở HAGL từng kể rằng khi ấy cứ đá xong là Lee Nguyễn lại bay về TP. Hồ Chí Minh vì có quá nhiều "chân dài" vây quanh, làm ảnh hưởng tới chuyên môn.

Trên sân thi đấu, Lee Nguyễn đôi khi cũng "bay bổng" quá mức đến nỗi chẳng nghĩ ngợi gì mà cởi áo ăn mừng sau khi ghi bàn, mà quên mất rằng mình mới phải nhận một thẻ vàng trước đó chưa lâu. Chơi thiếu người, HAGL bị gỡ hòa và phải may mắn lắm mới thắng lại được ở những phút cuối.

Nhắc lại những chuyện đó để thấy chỉ sau một mùa giải ở Pleiku, vị thế của Lee Nguyễn ở HAGL chẳng khác nào một "ông hoàng". Dù mắc lỗi nhưng cũng chẳng mấy khi bị trách phạt.

Nhưng tới V-League 2010, mọi thứ trở nên căng thẳng ở ngay đầu mùa giải. Vị trí thứ 6 dù đã chi không tiếc tiền ở mùa giải trước khiến bầu Đức không hài lòng. Ông mời về Kiatisuk, biểu tượng một thời của HAGL, để ngồi vào ghế HLV. Ngay lập tức "Zico Thái" có động thái "nắn gân" bệnh ngôi sao của Lee Nguyễn.

Trước khi bước vào V-League 2010, Kiatisuk vẫn sử dụng Lee Nguyễn trong trận gặp An Giang ở Cúp Quốc gia. Tuy nhiên tới trận gặp Khánh Hòa ở vòng 1 V-League, Lee thi đấu không tốt và bị thay ra, rồi phải ngồi dự bị khi HAGL tới làm khách của Hòa Phát Hà Nội. Điều này khiến Lee Nguyễn bực tức. Và đến khi Kiatisuk yêu cầu khởi động để vào sân trong 15 phút cuối, Lee đã thẳng thừng từ chối.

Xung đột nhanh chóng nổ ra khi hai bên không ai chịu ai. Nhưng dù có được bầu Đức cưng chiều đến thế nào đi nữa, nếu đem so với một huyền thoại của HAGL như Kiatisuk thì chắc chắn Lee Nguyễn vẫn còn dưới vài bậc. Một trong hai người phải rời đi. Và dĩ nhiên, người đó là Lee Nguyễn.

Chuyển tới Bình Dương, Lee Nguyễn tiếp tục nhận được chế độ hậu hĩnh, nhưng phong độ thì đi xuống một cách thảm. Suốt hai mùa giải, tiền vệ Việt kiều chỉ có 20 lần ra sân, ghi được 2 bàn thắng. Đóng góp của Lee Nguyễn trong lối chơi của Bình Dương rất mờ nhạt, khiến cho người hâm mộ cũng dần quên đi cái tên của tiền vệ này.

Ba năm chơi bóng ở Việt Nam, Lee Nguyễn có trong tay tiền bạc, danh vọng và không thiếu "chân dài" vây quanh. Nhưng sự nghiệp của anh lại xuống dốc không phanh. Chỉ hai năm trước thôi, Lee còn mơ mộng về cơ hội thử việc ở Arsenal dưới sự tài trợ của HAGL. Vậy mà đến khi V-League 2011 dần hạ màn, câu hỏi cho tương lai của anh thật khó để trả lời.

Nếu cứ tiếp tục ở Việt Nam, sự chán nản rất có thể sẽ khiến Lee càng lún sâu vào những cuộc chơi quên lối về. Không còn cách nào khác, chỉ có trở về Mỹ, rời xa những cám dỗ hiện tại mới có thể giúp Lee cứu vãn được sự nghiệp của mình.

Nhưng một kẻ thất bại trở về thì làm sao có được những lựa chọn tốt. Kỳ chuyển nhượng của MLS (giải Nhà nghề Mỹ) mở cửa, nhưng không đội bóng nào muốn mua Lee Nguyễn. Anh bị xếp vào nhóm cầu thủ "vô gia cư", chờ đợi sự phân chia từ ban tổ chức để được ký hợp đồng. Cuối cùng, Lee Nguyễn gia nhập New England Revolution từ năm 2012 và chơi bóng với mức lương ít ỏi tương ứng với một cầu thủ học việc (khoảng 44.000 USD/năm). Đó là con số tối thiểu mà MLS quy định với các CLB về việc trả lương cho cầu thủ. Tức là, lương của Lee Nguyễn thuộc dạng thấp nhất và không thể thấp hơn được nữa.

Chờ màn tái hợp

Sau 3 năm với nhiều ồn ào, cái tên Lee Nguyễn trôi vào dĩ vàng ở Việt Nam. Thế nhưng trên đất Mỹ, tiền vệ này lại lột xác một cách thần kỳ.

Mùa giải 2012, Lee Nguyễn chơi 30 trận ghi 5 bàn cho New England Revolution. Năm sau, anh chơi 35 trận ghi 4 bàn, và tới năm 2014 thì bùng nổ, chơi 37 trận ghi 19 bàn. Rất nhanh chóng, cánh cửa đội tuyển quốc gia một lần nữa lại mở ra với Lee Nguyễn. Anh liên tục được triệu tập vào tuyển Mỹ từ năm 2014 tới năm 2016.

Tập trung hoàn toàn vào chuyên môn, Lee Nguyễn thực sự khiến các đối thủ phải e ngại bởi lối chơi sáng tạo và đầy hiệu quả của mình. Anh luôn nằm trong tốp những tiền vệ tấn công hay nhất MLS, lọt vào đội hình tiêu biểu mùa giải 2014 và từng được FIFA dành riêng một bài viết để khen ngợi.

Những kết quả đó cũng giúp thu nhập của Lee Nguyễn tăng lên một cách đáng kể. Nếu như ở mùa giải 2012, thu nhập của anh chỉ ngang với một cầu thủ học việc thì tới năm 2016, con số đó đã tăng gấp hơn 11 lần, từ 44.000 USD/năm lên đến 500.000 USD/năm, cao thứ 5 tại New England Revolution.

Bố của Lee Nguyễn từng chia sẻ rằng ngay từ nhỏ khi chơi bóng ở Mỹ, con trai của ông đã vấp phải những sự kỳ thị nhất định vì là dân nhập cư. Đến khi lớn lên, chàng trai gốc Á cũng không tránh khỏi điều này, dù trong suốt 6 năm ở New England Revolution, anh luôn là cầu thủ chơi ấn tượng nhất và có đến 3 năm đeo băng đội trưởng. Lương của Lee Nguyễn cao thứ 5 đội, nhưng để lọt được nhóm này cũng là cả một hành trình dài.

"Mình làm việc cố gắng bằng 10 lần họ, mình phải làm sao cho thấy mình giỏi hơn họ mà họ không thể chối bỏ mình. Ngoài ra không còn cách nào khác cả", ông Nguyễn Văn Phẩm, bố của Lee Nguyễn chia sẻ.

Rõ ràng so với ở Việt Nam, mọi thứ khó khăn hơn rất nhiều với Lee Nguyễn khi trở về Mỹ. Nhưng rồi cũng nhờ những sóng gió như vậy mà giờ đây, khi đã chuẩn bị bước sang tuổi 35, tiền vệ này vẫn có thể trở thành một bom tấn chuyển nhượng trong lần thứ hai tới Việt Nam thi đấu.

Chưa biết liệu Lee Nguyễn có thể thành công tại CLB TP Hồ Chí Minh hay không, nhưng chắc chắn rằng sự trở lại của tiền vệ này sẽ nhận được rất nhiều sự chờ đợi.

Sự trùng hợp kỳ lạ giữa Lee nguyễn và Kiatisuk

Sau sự ra đi của Lee Nguyễn chỉ qua 2 vòng đấu đầu tiên, Kiatisuk và HAGL cũng không thực sự thành công ở mùa giải 2010. Tại V-League, đội bóng của bầu Đức chỉ cán đích ở vị trí thứ 7. HAGL còn giành quyền lọt vào trận chung kết Cúp Quốc gia, nhưng việc để thua SLNA khiến Kiatisuk rời Việt Nam chỉ sau đó ít ngày.

Tuy nhiên cũng giống như Lee Nguyễn, chặng được sau đó của Kiatisuk lại thăng tiến vượt bậc. Bước ngoặt đến với "Zico Thái" khi ông nhận lời dẫn đắt đội tuyển Thái Lan và U22 Thái Lan vào năm 2013, rồi liên tục thống trị Đông Nam Á trong 4 năm sau đó. Ngoài ra, Kiatisuk cũng giúp Olympic Thái Lan giành hạng tư Asiad 2014 và đưa đội tuyển Thái Lan lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2018 khu vực châu Á.

Kiatisuk và Lee Nguyễn từng bất hòa gay gắt ở HAGL.

Những thành tích này giúp cho Kiatisuk vươn tầm và trở thành một trong những HLV xuất sắc nhất lịch sử Đông Nam Á. Chỉ cần nhìn vào những hiệu ứng với truyền thông và dư luận khi Kiatisuk nhận lời về dẫn dắt HAGL ở mùa giải tới cũng đủ hiểu tên tuổi của ông giờ ở đẳng cấp nào.

Lee Nguyễn và Kiatisuk từng bất đồng với nhau, và đều có những ký ức không mấy vui vẻ khi làm việc ở Việt Nam. Nhưng rồi trong lần trở lại này, cả hai đều mang theo những sự kỳ vọng rất lớn từ đội bóng muốn chiêu mộ mình.

Chưa rõ sau 10 năm, những mâu thuẫn giữa hai bên đã được xóa bỏ hay chưa. Tuy nhiên chắc chắn một điều khi cả CLB TP Hồ Chí Minh và HAGL đều sẵn sàng chi những khoản tiền lớn cho những bản hợp đồng bom tấn, cuộc đối đầu giữa hai đội bóng này mùa giải tới chắc chắn sẽ rất đáng để chờ đợi. Và rất có thể, đó sẽ là những trận đấu mang tính quyết định tới cuộc đua đến chức vô địch.

Đơn Ca
.
.
.