Wayne Rooney: Lần đầu và lần thứ 100

Thứ Ba, 16/12/2014, 15:44
Trước trận đấu trong khuôn khổ vòng loại EURO 2016, Wayne Rooney sẽ nhận phần thưởng lưu niệm là chiếc mũ vàng, ghi dấu ấn cột mốc trận đấu thứ 100 cho ĐTQG Anh. Một chặng đường đầy hào nhoáng của Rooney. Nhưng trên chặng đường ấy, Rooney đã đi như thế nào?

1. Là một tài năng, Wayne Rooney được coi là "thần đồng" của bóng đá Anh, một cá nhân kiệt xuất mà đã rất lâu, bóng đá Anh không có được. Hành trình của Rooney có thể coi là cực kì "hanh thông", từ chuyện dứt áo Everton sang Man Utd với mức giá kỉ lục dành cho một cầu thủ dưới 20 tuổi (25 triệu bảng, khi ấy Rooney mới 18 tuổi). Và tiếp sau đó, Rooney tạo ra hàng loạt sự tiến bộ phi thường để nhanh chóng trở thành một ngôi sao thực sự, chứ không phải những "thần đồng" sớm nở nhưng cũng sớm tắt như Michael Owen là một ví dụ điển hình. Thế nhưng, dù có "hanh thông" đến mấy thì con đường trở thành đội trưởng ĐTQG Anh và cán mốc 100 trận của Rooney không dễ dàng và bằng phẳng như ở Man Utd.

Tại Man Utd, Rooney không dưới 3 lần đòi ra đi, đòi tăng lương, và cuối cùng anh đều được đáp ứng và hiện nay đang là cầu thủ hưởng lương cao nhất nước Anh, với con số lên đến 300.000 bảng/tuần. Còn ở ĐTQG, Rooney không thể "hờn dỗi", càng không thể làm mình làm mẩy mà đòi bỏ đi được, dù ở đó anh kiếm tiền cả năm cũng không bằng 1 tháng lương ở CLB. Trái lại, Rooney còn nợ ĐTQG rất nhiều.

Lần đầu tiên Rooney được triệu tập vào ĐT Tam sư là vào năm 2003. Khi đó, người "có công" phát hiện và trao cơ hội đầu tiên cho anh là HLV Sven Goran Eriksson (người Thụy Điển). Ông là một HLV nước ngoài đầu tiên trong lịch sử ĐT Anh, và cũng là một trong những người bị chỉ trích, điều tiếng nhiều nhất. Song, chỉ riêng "thành tích" là người đầu tiên triệu tập Rooney lên tuyển cũng là một dấu ấn lớn, một thành công lớn của Eriksson. Đến tận bây giờ, Eriksson vẫn khẳng định: "Tôi rất tự hào khi là người đầu tiên triệu tập Rooney vào ĐTQG. Đó là điều tôi luôn nhớ trong quãng thời gian làm việc ở Anh. Thế nhưng, cũng chính vì điều đó mà chúng tôi phải trả giá tại World Cup 2006". Nói đến đây, Eriksson đã tạo ra một sự đối lập, thậm chí là sự mâu thuẫn trong lời nói của mình. Vậy thì rút cuộc, với Eriksson, Rooney là thành công hay thất bại?

Cho đến bây giờ, người Anh vẫn coi Rooney là cầu thủ sáng giá và đẳng cấp nhất của bóng đá Anh hiện tại. Nhưng liệu có thực sự Rooney là một hình mẫu, biểu tượng và động lực chiến đấu của đội bóng, với vị trí của một người không thể thay thế? Rất nhiều ý kiến cho rằng, Rooney chưa xứng đáng với băng đội trưởng và con số 100 trận. Bởi nếu đặt Rooney cạnh những đội trưởng như Phillip Lahm của ĐT Đức chẳng hạn, thì đó sẽ là một sự khập khiễng. Chính tuyên bố của Eriksson đã tạo ra giả thuyết rằng: Rooney là ai? Và Rooney có phải là một tấm gương đúng nghĩa?

Rooney lần đầu được Eriksson triệu tập vào ĐT Anh.

2. HLV Eriksson đã tiết lộ câu chuyện dẫn đến quyết định triệu tập Rooney lần đầu tiên vào ngày 13/2/2003. Đó là những ngày ĐT Anh chuẩn bị cho trận đá giao hữu với Australia, khi Rooney mới 17 tuổi và vẫn đang khoác áo Everton. Thực ra lúc đó Eriksson chẳng biết Rooney là ai, nhưng ông đã thay đổi ý định khi nhận được cuộc điện thoại từ Tord Grip, trợ lí cho Eriksson ở ĐT Anh (cũng là người Thụy Điển). Lúc ấy, Tord Grip đã nói: "Ông hãy xem cậu bé tên là Wayne Rooney ở Everon. Tôi đã xem cậu ấy, dù mới 17 tuổi nhưng cậu ta có thể sẽ là người mà chúng ta cần dùng. Ngay bây giờ". Eriksson còn nghi ngờ hỏi lại: "Rooney à? Có thật không?". Tord trả lời đầy cương quyết: "Vâng. Ngay bây giờ". Eriksson dường như vẫn chưa tin, nên ông hỏi lại: "Ngay bây giờ? Một cậu bé 17 tuổi ở một CLB như Everton?". Tord khẳng định chắc nịch lần nữa: "Đúng. Ông hãy đến xem cậu ta và sẽ thấy. Ngay bây giờ".

Rooney nhận thẻ đỏ ở trận gặp Bồ Đào Nha khiến ĐT Anh bị loại.

Eriksson cảm thấy phấn khích và tò mò. Ngay sau cuộc điện thoại ấy, Eriksson đã đến xem trận đấu tiếp theo của Everton, để xem Rooney là ai, có tài năng đặc biệt đến mức nào. Eriksson không nhớ đó là trận đấu nào, nhưng khi ra về ông vẫn còn nguyên sự phấn khích và lập tức ra lệnh triệu tập Rooney cho trận gặp Australia tổ chức tại Upton Park. Chỉ tiếc trận đấu đó, Tam sư đã thất bại trước Australia với tỷ số 1-3. Có thể vì thất bại đó mà Rooney không tạo được dấu ấn gì để nhớ. Tuy vậy, Rooney vẫn có một vị trí trong mắt Eriksson, khi ông nhận xét về cậu bé 17 tuổi này như sau: "Rooney là một tài năng thiên bẩm, có năng khiếu siêu phàm trong cơ thể của một người đàn ông trưởng thành, với bộ não của một cầu thủ già dặn, kinh nghiệm. Tôi đã gặp rất nhiều cầu thủ trẻ tốt, nhưng Rooney là người trưởng thành nhất. Cậu ta thông hiểu mọi thứ khi tôi truyền đạt ý đồ". Sự đặc biệt của Rooney còn thể hiện ở thái độ khi nhận quyết định được vào sân thi đấu chính thức ở trận gặp Liechtenstein vào tháng 9/2003. Eriksson đã nói chuyện riêng với Rooney để thông báo quyết định quan trọng này. Nhưng thay vì lời cảm ơn hay một câu cảm thán đại loại "Tuyệt vời quá!", thì Rooney chỉ buông một câu "OK!". Điều đó cho thấy Rooney quá tự tin, quá sẵn sàng cho một vị trí chính thức ở tuổi 17. Và trận đó, Rooney là người chơi hay nhất, đóng góp 1 bàn trong chiến thắng 2-0 của ĐT Anh.

Thực ra, Tord Grip mới là người phát hiện Rooney cho ĐT Anh, nhưng dẫu sao Eriksson vẫn là người triệu tập anh và đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của Rooney. Thế nhưng, thành công đó cũng đi kèm với thất bại. Một phần chính vì Rooney mà Eriksson đã bị sa thải khỏi vị trí HLV ĐT Anh. Sự việc bắt đầu từ chiếc thẻ đỏ mà Rooney phải nhận trong trận đấu gặp Bồ Đào Nha tại vòng tứ kết World Cup 2006. Pha phạm lỗi với Ricardo Carvalho, cộng với lời "xúi bẩy" của C.Ronaldo (đồng đội của Rooney tại Man Utd ngày đó), đã khiến Rooney bị đuổi khỏi sân, dẫn đến thất bại của ĐT Anh. Đến tận bây giờ, khi đã rời khỏi nước Anh, lặng lẽ dẫn dắt một CLB ở Trung Quốc (Guangzhou R&F) ở độ tuổi đã 66, Eriksson vẫn phải thốt lên: "Đó là trận đấu khiến tôi hối tiếc nhất trong sự nghiệp HLV của mình. Đó là trận đấu khó khăn, nhưng tôi cũng đã nghĩ sẽ không thể thua. Tôi đã chắc chắn rằng, ĐT Anh có cơ hội tốt để đánh bại Bồ Đào Nha. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi chúng tôi chỉ còn lại 10 người trong 30 phút cuối". Eriksson cũng không phủ nhận rằng mình đã tức giận, đã phát điên vì Rooney ngày hôm đó. "Tôi thấy nhiều cầu thủ đã khóc trong phòng thay đồ. Tôi đã rất tức giận với Rooney. Vô cùng thất vọng. Tôi đã không nói gì với cậu ấy. Tôi đã nói với cậu ta rằng, phải hành xử tốt trên sân nhiều lần. Nhưng cậu ta quá dễ bị kích động và không đáng để bị đuổi khỏi sân như thế. Nhưng Rooney còn trẻ. Tôi vẫn nói với báo chí rằng, hãy để cậu ấy lớn và "đừng giết Rooney" theo cách chỉ trích cay nghiệt". Và Eriksson đã bị sa thải sau giải đấu thất bại đó. Còn Rooney thì vẫn là một thần đồng được kì vọng.

Rooney trở thành viên ngọc của bóng đá Anh sau giải đấu đó, và được coi là nạn nhân chứ không phải tội đồ. Bởi ở đó, C.Ronaldo là kẻ bị lên án, vì đã "xúi bẩy" trọng tài để đuổi Rooney khỏi sân, tạo nên scandal và làm rạn nứt mối quan hệ với đồng đội. Thậm chí, Man Utd và HLV Ferguson ngày đó còn làm tất cả để bảo vệ Rooney. Ferguson đã cử bác sĩ của CLB đến nơi tập trung của ĐT Anh, Ferguson đứng một bên, vị bác sĩ đứng một bên, làm đủ mọi cách để ngăn cản Rooney thi đấu cho ĐT, tranh cãi xem cầu thủ này có đau hay không.

3. Có vẻ như Eriksson vẫn còn cảm thấy nhức nhối với trận thua Bồ Đào Nha ở World Cup 2006. Và quả thật ông có lí để tiếc nuối, để vẫn còn cay đắng với cái tên Rooney và chiếc thẻ đỏ ngày ấy. Nhưng ông không sai khi triệu tập Rooney. Eriksson vẫn thừa nhận: "Tôi chắc chắn Rooney sẽ đạt tới con số 150 trận cho ĐTQG. Cậu ấy còn chơi cho ĐT ít nhất 5 năm nữa. Ngay từ khi 17 tuổi, tôi đã nghĩ rằng Rooney sẽ có ngày khoác áo ĐTQG 100 trận. Tôi cũng không ngạc nhiên khi cậu ấy đã là đội trưởng. Rooney vẫn là một tài năng lớn của bóng đá Anh".

Rooney, đội trưởng ĐT Anh.

Song, Eriksson đã sai ở một điểm, đó là nhận xét rằng Rooney đã trưởng thành, là một "người đàn ông chín chắn, già dặn" vào năm 2003, khi cầu thủ này 17 tuổi, lần đầu đặt chân vào ĐTQG. Cho đến tận bây giờ, dường như Rooney chỉ lớn tuổi chứ chưa thực sự chín chắn. Trận cuối vòng loại EURO 2012 gặp Montenegro (2-2), Rooney lại bị kích động và đánh nguội đối thủ Miodrag Dzudovic khiến ĐT Anh mất Rooney trong 2 trận đấu đầu tiên tại vòng bảng EURO 2012. Và mới đây nhất, ở vòng 6 Premier League, trong chiến thắng đầy căng thẳng, kịch tính trước West Ham (2-1), Rooney lại tái hiện pha đá nguội đối thủ và nhận thẻ đỏ rồi bị treo giò 2 trận. Nhiều người cho rằng, Rooney chưa đủ độ điềm tĩnh, cái đầu lạnh và tiêu chuẩn cần thiết của một thủ lĩnh sau hơn 10 năm khoác áo ĐTQG với 99 trận. Thế nhưng, dẫu sao thì cũng không thể phủ nhận rằng, Rooney vẫn là tài năng, là ngôi sao sáng nhất của ĐT Anh lúc này! 

Rooney và những kỉ lục

Rooney là cầu thủ thứ 9 trong lịch sử ĐTQG Anh đạt mốc 100 trận (sau Shilton 125 trận, Beckham 115, Gerrard 114, B.Moore 108, A.Cole 107, Sir B.Charlton 106, Lampard 106 và B.Wright 105). Nhưng khác với những người tiền nhiệm, Rooney được "đặc cách" trong lễ trao mũ kỉ niệm 100 trận đấu. Những Beckham, Gerrard, Lampard… đều nhận phần thưởng này sau khi đã hoàn thành trận đấu thứ 100, và nhận ở trước trận đấu thứ 101. Riêng Rooney sẽ khác, anh nhận mũ vàng trước trận gặp Slovenia tại sân vận động Wembley vào hôm thứ Bảy (15/11).

Rooney hiện là cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử cán mốc 100 trận cho ĐTQG ở độ tuổi 29. Anh cũng là cầu thủ trẻ nhất ghi bàn cho ĐT Anh khi mới 17 tuổi (bàn thắng ở trận gặp Macedonia (1-1) khi mới 17 tuổi 152 ngày. Hiện Rooney cũng đã có 43 bàn thắng cho ĐT Anh, chỉ còn kém kỉ lục của huyền thoại Bobby Charlton 6 bàn thắng nữa.

Ở độ tuổi 29, Rooney có rất nhiều cơ hội để tạo lập hàng loạt kỉ lục mới trong màu áo ĐT Anh. Và sẽ chẳng còn lâu nữa Rooney thực sự trở thành một kỉ lục gia mới của Tam sư.

Lê Giang
.
.
.