Bóng đá Tây Ban Nha và các đội tuyển "tự trị"

Không còn chỗ cho "bản sắc"

Thứ Hai, 16/01/2017, 12:36
Ở Tây Ban Nha, sự tập trung đang dồn về phía Cristiano Ronaldo - người mới giành giải thưởng "Cầu thủ xuất sắc nhất FIFA". Nhưng bóng đá vùng địa trung hải không chỉ có những câu chuyện buồn tẻ lặp đi lặp lại về Ronaldo và Messi. Tuần này, tờ El Mundo có đề cập tới chuyến "xuất ngoại" của hai đội tuyển tự trị xứ Catalan và xứ Basque trong ngày chia tay năm cũ, đón chào năm mới.

Trước tiên, phải làm rõ khái niệm "đội tuyển tự trị". Địa lý Tây Ban Nha được chia cắt thành 17 đặc khu và 2 thành phố tự trị, nghĩa là từng khu vực lại có hội đồng điều hành với chế tài công pháp riêng biệt.

Trong phạm vi bóng đá, có hai đội tuyển tự trị điển hình là ĐT xứ Catalan và ĐT xứ Basque, đại diện cho hai CLB cục bộ đang thi đấu ở Liga là Barca và Athletic Bilbao.

Theo thông lệ hằng năm, hai đội tuyển này sẽ gặp nhau trong ngày cuối cùng của năm (có thể du di 1-2 hôm tùy vào điều chỉnh lịch thi đấu của FIFA) để tổng kết năm cũ, chào đón năm mới.

Trận đấu giữa hai đội tuyển tự trị đã không còn giữ được giá trị nguyên thủy của nó

Nhưng trong những ngày cuối cùng của năm 2016, cả hai CLB đồng loạt phá bỏ thông lệ ấy: Đá giao hữu với một đội bóng khác. Quân xanh được chọn năm nay của cả hai đội đều là ĐTQG Tunisia.

Với giới hâm mộ tại "xứ sở đấu bò", đấy là bước chuyển mình ngoạn mục của những nhà tổ chức bóng đá tự trị. Người ta lập ra đội tuyển tự trị, cho các tập thể này giao lưu cùng nhau vào giờ phút thiêng liêng nhất năm là thay lời muốn nói về ước vọng xã hội công bằng hơn. Từ lâu, giữa Thủ đô hành chính - kinh tế Madrid và các vùng tự trị đã xảy ra những bất đồng, mâu thuẫn.

Và khi năm 2017 mới sắp sửa đi qua tuần lễ thứ hai, nhiều người đã đặt câu hỏi cho dấu chấm hết của chủ nghĩa "tự trị" - vốn là bản sắc văn hóa và nhận dạng chính trị tiêu biểu ở Tây Ban Nha.

Tóm lại, tại làm sao ĐT xứ Catalan và ĐT xứ Basque không duy trì truyền thống giao hữu kia nữa?

Hai bản sắc, một quyết tâm

Dưới thời nhà độc tài Francisco Franco, xã hội Tây Ban Nha trải qua giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử. Ngày ấy, nhà nước Franco đi theo chủ nghĩa phát xít. Với khẩu hiệu "Chủ nghĩa nghiệp đoàn", mọi đầu tư được đổ dồn về Thủ đô Madrid.

Khi ấy, bóng đá được xem như công cụ hiệu quả nhất nhưng cũng tàn khốc nhất trên bàn đàm phán chính trị. Italia, Uruguay, Argentina, Đức hay Tây Ban Nha, tất cả đều sử dụng sân bóng để giải quyết những mâu thuẫn đa phương.

Mọi hoạt động giải trí, bao gồm cả bóng đá bị cấm đoán ở các vùng tự trị như Catalan hay Basque để hướng về thành Madrid. Từng có thời điểm, hễ Barca hay Athletic Bilbao giành chiến thắng là những người dân nơi đây phải chịu án tử như sự trừng phạt cho việc "dám chơi hay". Theo ước tính, hơn 1 triệu người dân vô tội bị sát hại, phần lớn đến từ Catalan và Basque.

Nhưng thông lệ truyền thống đã thay đổi khi cả hai đội chủ động tách ra chọn ĐT Tunisia làm đối thủ.

Những đau thương từ quá khứ khiến người dân nơi đây đề cao lòng tự tôn dân tộc hơn bao giờ hết. Người xứ Basque chỉ nói tiếng Euskadi khi giao tiếp với nhau. Người xứ Catalan chỉ dùng ngôn ngữ địa phương trong sách giáo khoa dạy cho trẻ nhỏ.

Xứ Basque có Athletic Bilbao - đội bóng nổi tiếng với chính sách chỉ sử dụng cầu thủ bản địa. Xứ Catalan có Barca - CLB luôn lên tiếng ủng hộ ý tưởng tách khỏi Tây Ban Nha của chính quyền Catalan.

Dù sở hữu những bản sắc khác nhau nhưng hai khu vực tự trị này có cùng chung một khát vọng giành độc lập. Họ lấy bóng đá - thứ tôn giáo được sùng bái nhất ở Tây Ban Nha làm bàn đạp cho tham vọng của mình.

Cuối năm 2013, LĐBĐ hai khu vực này đệ đơn lên UEFA, yêu cầu được tham gia VL Euro 2016 với tư cách của một ĐTQG như trường hợp của Gibraltar (trước là khu tự trị ở Vương quốc Anh). Năm 2014, ĐT xứ Catalan và ĐT xứ Basque chung tay tổ chức trận giao hữu kỷ niệm 100 năm lần đầu tiên gặp nhau (3/1/1995), lấy đó làm báo hiệu cho quyết tâm tự chủ.

Thời thế đổi thay

Có một chi tiết không mấy ai chú ý về trận giao hữu đặc biệt năm 2014. Đó là trước đấy, ĐT xứ Basque đã không hề có ý định duy trì trận giao hữu thường niên với ĐT xứ Catalan. Trong giai đoạn 2008-2013, ĐT xứ Basque đã 3 lần từ chối lời mời tham dự trận bóng cuối năm của ĐT xứ Catalan.

Từ lâu, trận đấu vinh danh mang màu sắc chính trị này đã không còn được quá quan tâm dưới lăng kính "truyền thống". Câu hỏi được đặt ra: Họ định làm gì theo thông lệ ra sân vào những ngày cuối cùng trong năm?

Lẽ ra, ĐT xứ Basque đã tới Thụy Sĩ, Nga và Thụy Điển để đối đầu với ĐTQG nước này, với khoản thù lao lên tới 5 triệu euro cho 90 phút ra sân. Tuy nhiên, do Bilbao vướng việc xây mới sân bóng San Mames nên ý định đấy buộc phải tạm hoãn.

Trong năm 2014, theo kế hoạch ban đầu ĐT xứ Basque sẽ gặp ĐT Ukraina với phần tài trợ từ Regal - công ty dầu mỏ lớn thứ hai quốc gia đông Âu. Tuy nhiên, tình hình chính trị bất ổn tại Ukraina thêm một lần khiến tham vọng "hội nhập" của bóng đá xứ Basque dang dở.

Cuối cùng, họ quay về phương án tổ chức thi đấu nội bộ. Nhưng ngay khi đọc phiếu khảo sát từ phía ĐT xứ Catalan, ĐT xứ Basque ngay lập tức đổi ý. Theo đó, có 37.000 khán giả sẵn sàng mua vé nếu trận đấu diễn ra.

Trận giao hữu chào đón năm mới giữa hai ĐT tự trị là xứ Basque (áo xanh) và xứ Catalan (áo vàng) năm 2015.

Nên nhớ, sức chứa của sân San Mames chỉ là 40.000 chỗ ngồi và sau lượt đi mùa giải năm nay, lượng khán giả kéo tới đây đông nhất cũng mới dừng ở con số 28.000 người.

Trong bối cảnh Tây Ban Nha là quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu (giá nhà giảm 20%, lạm phát tăng 5%, hơn 50% sinh viên mới ra trường thất nghiệp), những người đứng đầu LĐBĐ xứ Basque chắc chắn không bỏ qua cơ hội làm giàu dễ dàng như vậy.

Khảo sát của tờ ABC cho thấy, chỉ 45% người dân ở Catalan và 25% người dân ở Basque được phỏng vấn thực sự hào hứng với trận giao hữu này. Tuy nhiên, tất cả đều nói rằng, họ sẽ tới sân hoặc tìm cách theo dõi ở khu vực Fanzone bên ngoài SVĐ để thể hiện tình cảm và lòng thành kính với thứ tôn giáo tôn thờ bao năm qua. Theo chuyên trang Transfermarkt, BTC sẽ thu về tối thiểu 4 triệu euro từ trận đấu này thông qua tiền bán vé và quỹ khuyên góp của hai bên.

Sid Lowe - chuyên gia bóng đá Tây Ban Nha cho hay, vào năm 2015, hai đội bóng trên sẽ "dắt tay nhau" tới Thụy Điển trong tuần nghỉ đông.

Quả thực, hãng xe Volvo đình đám của quốc gia Bắc Âu đã đứng ra làm nhà tài trợ. Nhưng do cuộc chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc cho Tập đoàn Zhejiang Geely mà Volvo buộc phải hoãn ý định này lại, khiến ĐT xứ Basque và ĐT xứ Catalan chấp nhận "nằm im" thêm một năm.

Chuyện gì đến cũng đến. Năm 2016, LĐBĐ Tunisia vì không tìm được đối thủ tập dượt cho VCK CAN 2017 khởi tranh ở Gabon nên gấp rút đưa ra đề nghị đá giao hữu cùng cả ĐT xứ Basque và ĐT xứ Catalan. Mỗi đội nhận về 1,5 triệu euro sau 90 phút.

Hình hài của cặp đấu này đang dần thay đổi. Những giá trị xưa cũ đang dần bị thay thế bởi xu hướng thương mại hóa của cả thế giới. Rốt cuộc, yếu tố truyền thống không thể cưỡng lại sức mạnh đồng tiền.

Kém sức hút

Trước kia, mỗi khi ĐT xứ Catalan hay ĐT xứ Basque triệu tập cầu thủ thì bằng mọi giá, các CLB sẽ phải nhả người theo cách này hay cách khác. Năm 2013, ĐT xứ Catalan đã đâm đơn kiện lên FIFA do Ajax Amsterdam không chịu nhả Bojan Krkic.  

Tuy nhiên, dòng chảy kinh tế dần đảo lộn các giá trị xưa cũ. Năm 2014, trong danh sách triệu tập của ĐT xứ Catalan chỉ có duy nhất một cầu thủ đang chơi bóng ở nước ngoài, tiền đạo Jonathan Soriano (Red Bull Salzburg's, Áo). Trước đó, HLV Unai Emery đã gọi điện yêu cầu hai CLB này cho David Lopez (Napoli), Cesc Fabregas (Chelsea) và Cristian Tello (Porto) về nước nhưng tất cả những gì ông nhận được là cái lắc đầu từ chối. Năm 2015, con số 1 ấy vẫn được giữ nguyên.

Hay như trận đấu giữa ĐT xứ Catalan và ĐTQG Tunisia hôm 28/12/2016, Gerard Pique, Sergio Busquets, Jordi Alba và Aleix Vidal đều thẳng thừng từ chối lệnh tập trung vì họ đang trong kỳ nghỉ phép giữa năm. Chỉ có lão tướng Xavi lặn lội từ Qatar trở về, trong khi Barca đóng góp vỏn vẹn hai gương mặt là thủ môn Masip và hậu vệ phải Roberto.

Đấy cũng là lần đầu tiên, ĐT xứ Catalan có sự hiện diện của các thành viên tới từ giải hạng nhì TBN. Riêng Espanyol, đối thủ cùng thành phố của Barca đóng góp tới 6 người. Lý do là vì… thiếu người triệu tập.

Tuyệt nhiên không xuất hiện một lời phàn nàn nào. Với nhiều người trong cuộc, sự xuất hiện của các ngôi sao giờ đây không còn quan trọng nữa. Họ chấp nhận đầu hàng vô điều kiện trước yêu sách từ  các CLB.  Điều họ quan tâm là sự chú ý của dư luận, số tiền thu về và những lời hứa "xuất ngoại" từ các ông chủ đầu tư nước ngoài.

Đơn Ca
.
.
.