Đưa âm nhạc truyền thống đến với người trẻ

Chủ Nhật, 30/06/2019, 13:22
Chúng ta vẫn mặc định rằng, những bạn trẻ đang quay lưng với âm nhạc truyền thống. Và càng ngày, âm nhạc truyền thống càng trở nên xa lạ với đời sống. Nhưng theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, chúng ta không nên phát triển âm nhạc truyền thống theo phong trào, cũng đừng kỳ vọng âm nhạc truyền thống sẽ trở thành đại chúng.


Những người trẻ sẽ không quay lưng với âm nhạc truyền thống nếu có những người truyền lửa và một chính sách dài hạn của nhà nước.

Trong làn sóng tấn công mạnh mẽ của nhạc pop, Kpop, Âu - Mỹ hay các dòng nhạc thời thượng, có vẻ như nhạc truyền thống đang bị lép vế. Nhìn trên bề nổi và diện rộng không có nhiều người mặn mà với âm nhạc truyền thống. Đặc biệt là giới trẻ.

Nhạc truyền thống trên phố đi bộ.

Nhưng theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, người nhiều năm miệt mài làm mới xẩm để đưa xẩm đến với các bạn trẻ, thì âm nhạc truyền thống vẫn có đời sống trong giới trẻ. Đó là một dòng chảy lặng lẽ, âm thầm nhưng bền bỉ. “Âm nhạc truyền thống không dành cho đại chúng, vì thế, chúng ta không thể kỳ vọng, phát triển nó trên một diện rộng như Pop hay Kpop. Và thực tế, nhiều năm qua, âm nhạc truyền thống chỉ có một bộ phận khán giả nhỏ nhưng đó là bộ phận khán giả tinh”. Anh khẳng định.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa nhiều năm theo đuổi xẩm cùng nhóm xẩm Hà Thành chia sẻ: “Mỗi lần chúng tôi tổ chức sự kiện liên quan đến âm nhạc cổ truyền ít nhất cũng có 50 khán giả, nhiều người trẻ, rất trẻ, có cả những em bé 5 tuổi, 7 tuổi đòi mẹ đến nghe.

Phải bắt tay vào làm, đưa âm nhạc truyền thống vào đời sống, tiếp cận với giới trẻ, chúng ta mới thấy tự tin và không quá bi quan. Các cụ nói, nhập gia tùy tục, biết thân, biết phận, âm nhạc truyền thống trong bối cảnh hiện nay không thể là đại chúng được. Đừng ép nó sẽ thành văn hóa đại chúng vì thời đại đã thay đổi, không gian sống đã khác. Làm sao chúng ta cứ lo lắng và bắt nó phổ quát được, chúng ta phải xác lập rõ một không gian như thế, nó nhỏ nhưng rất quan trọng”.

Và thực tế, với xẩm, một loại hình nghệ thuật tưởng như đã thất truyền đã trở lại mạnh mẽ trong đời sống từ nhóm bạn trẻ Xẩm Hà Thành. Bên cạnh những bài xẩm kinh điển, các bạn trẻ còn sáng tác những bài xẩm mới dựa trên các loại hình khác nhau của xẩm như xẩm tàu điện, xẩm chợ và minh chứng rõ ràng là được các bạn trẻ đón nhận. Những bài xẩm “Tiểu trừ cướp biển”, “Xẩm trà đá” và mới đây nhất là bài xẩm “Rượu bia tối kỵ lái xe” gây hot trên cộng đồng mạng, được nhiều bạn trẻ đón nhận và chia sẻ.

 Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long tự tin vào hành trình đưa âm nhạc truyền thống đến với giới trẻ. Theo anh, không thể bê nguyên âm nhạc truyền thống đến các bạn trẻ mà phải làm mới, mang cho nó một không khí mới của thời đại, của đời sống hôm nay. Vì nếu như thế thì chính những người đó đang bóp chết dòng chảy của nghệ thuật truyền thống.

Nhóm Xẩm Hà Thành đưa xẩm đến với các bạn trẻ.

Nếu chúng ta không chấp nhận cái mới, chúng ta cứ đóng khung vào cái cũ và hát những bài cũ thì làm sao có một nghệ thuật vọng cổ, cải lương hay như vậy. Cái mới có thể chưa được tiếp nhận ngay nhưng nó là sự vận động tất yếu của cuộc sống. Ví dụ với nghệ thuật hát xẩm, nếu chúng ta vẫn chơi những bài quá buồn, đơn điệu, chúng ta sẽ không thu hút được ai, nhất là giới trẻ.

Vì thế, xu hướng tất yếu là vừa bảo tồn truyền thống nhưng vừa phải có những sáng tác mới mang hơi hướng của xẩm, của dân ca… Chẳng hạn như bài “Xẩm phố thu” ca sĩ Thu Phương hát vẫn hiện hữu tinh thần nhạc nhẹ trong nghệ thuật xẩm tàu điện, gắn kết hai đối tượng khán giả của xẩm và khán giả nghe nhạc nhẹ của Thu Phương. Khi làm nghề phải có chút tính toán làm sao cho hiệu quả và tiếp cận được rộng rãi công chúng.

 Xẩm là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống khá thành công trên hành trình tiếp cận các bạn trẻ. Nhưng đó mới chỉ là nỗ lực của các cá nhân yêu xẩm. Hiện nay, có một cộng đồng không phải là nhiều nhưng đang phát triển dần. Với xẩm, những năm gần đây có nhiều tín hiệu lạc quan về sức lan tỏa của nó, Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Vũng Tàu, dù cộng đồng chưa đến 100 người, nhưng đó là tín hiệu mừng.

Để có thành quả như vậy sau một thời gian ngắt quãng phải kể đến nỗ lực của giáo sư, tiến sĩ Phạm Minh Giang, nhạc sĩ Thao Giang, nghệ sĩ Thanh Bình, NSND Xuân Hoạch, nghệ sĩ Thanh Ngoan, Mai Tuyết Hoa, Nguyễn Quang Long đã cùng nhau thắp lên ngọn lửa tình yêu văn hóa dân gian, để các bạn trẻ hiểu và thích. Đó cũng là điểm tựa cho các nhóm và các nghệ sĩ khác phát triển.

Nhiều không gian của âm nhạc truyền thống đã được những nghệ sĩ tâm huyết tạo dựng như “Tinh hoa nhạc Việt”, không gian nghe nhạc trên phố đi bộ vào những ngày cuối tuần, giới thiệu các loại hình nghệ thuật cổ truyền Việt Nam gồm: Hát Xẩm, Hát Văn, Ca Trù và Chèo với phần trình diễn của các nghệ sĩ tên tuổi gồm NSND Thanh Hoài, Mai Tuyết Hoa, Văn Phương, Phạm Đình Dũng, Xuân Hải... Tuy nhiên, để chạy đường dài, các chương trình cần sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân và hỗ trợ chính sách từ nhà nước.

Ngoài xẩm, các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như chèo, quan họ, hát xoan cũng được cộng đồng đón nhận. Điều quan trọng là ở loại hình nghệ thuật nào cũng có những người thắp lửa. Còn nhớ năm 2019 là một năm đầy dấu ấn của ca sĩ Tân Nhàn, khi chị dành gần 2 năm trời để nghiên cứu, tìm nghệ nhân để học một cách bài bản các loại hình truyền thống như chèo, xẩm, ca trù.

Một album mới với những bài hát truyền thống và một liveshow tôn vinh âm nhạc truyền thống trong sự kết nối với đương đại đã được Tân Nhàn tổ chức tại Hà Nội. Hơn 5.000 album của chị đã được gửi tặng đến những bạn muốn nghe. Sức lan tỏa của một nghệ sĩ đỉnh cao ở dòng nhạc dân ca như Tân Nhàn đã gây ra hiệu ứng mạnh mẽ trong khán giả, nhất là giới trẻ.

“Tôi mong muốn sẽ có nhiều hơn các nghệ sĩ đi con đường của mình để góp phần gìn giữ những giá trị mà ông cha để lại. Đó là những người giữ lửa và thắp lửa để hướng các bạn trẻ tìm đến các giá trị văn hóa cổ truyền. Nghệ sĩ không chỉ sống với đam mê của mình mà ở một khía cạnh nào đó còn có vai trò định hướng công chúng”, chị nói.

Những chương trình như Tinh hoa nhạc Việt cần sự tài trợ của nhà nước để đi đường dài.

Rõ ràng, âm nhạc truyền thống cần những người dấn thân để giữ lửa và truyền lửa trong cộng đồng. Nhưng ở một khía cạnh khác, chúng ta cần sự hỗ trợ từ phía chính sách nhà nước. Các cụ vẫn nói “Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ, không xưng danh ai biết là ai”.

Hiện nay, có nhiều nghệ sĩ tài năng, âm thầm nhiều năm bảo tồn âm nhạc truyền thống nhưng chưa biết cách đưa nó ra ánh sáng, để tiếp cận rộng rãi với đời sống. Tuy nhiên, để thành cái gì đó còn phụ thuộc vào các nhà xây dựng chính sách.

Chúng ta vẫn hô hào bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc truyền thống trong đời sống đương đại, nhưng để có những chính sách cụ thể từ phía nhà nước thì chưa. “Nguồn đầu tư cho văn hóa truyền thống lớn nhưng dồn vào các dự án, hầu hết là các dự án phục hồi và kinh phí nghiên cứu. Quan trọng là phát triển nó trong đời sống thì ta không làm” - Một nghệ sĩ ngậm ngùi chia sẻ.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: Đừng bảo tồn âm nhạc truyền thống theo tư duy dự án

Tôi luôn chú trọng khai thác yếu tố mới để làm phong phú thêm đời sống nghệ thật hát xẩm nói riêng và nghệ thuật cổ truyền nói chung vì người trẻ cần có cái mới để nghe. Tuy nhiên, có những loại hình không tiếp cận được nhiều bạn trẻ vì thiếu người thắp lửa. Có những loại hình nghệ thuật đang bị phong trào hóa do sự tác động của chính sách như ca trù.

Chúng ta cần những người truyền lửa. Tôi chỉ lạc quan với việc là luôn luôn có những người trẻ yêu và nghe âm nhạc truyền thống, nhưng chưa nhiều. Hiện nay, chúng ta chưa có chính sách một cách chính thống nhưng chúng ta vẫn luôn có những người trẻ yêu và giữ nó.

Nhưng để lan tỏa rộng hơn chút nữa, chúng ta phải có một chiến lược, chiến lược đào tạo lớp nghệ sĩ tinh để giữ nghề, chiến lược xây dựng, nghiên cứu nghệ thuật truyền thống đúng bản sắc của nó và chiến lược xây dựng lớp khán giả hiểu về văn hóa truyền thống, hiểu về văn hóa đương đại, được tiếp xúc với nhiều thể loại âm nhạc.

Âm nhạc là cánh cửa mở ra mọi thứ, nó làm cho con người trở nên lương thiện, có văn hóa hơn. Nhưng hiện nay, chúng ta thiếu một chính sách dài hơi. Chúng ta đừng làm dự án theo kiểu đầu voi đuôi chuột, phải là dự án thực sự hữu ích. Cần nhiều hoạt động tinh, đi vào thực chất, sống lại không gian văn hóa truyền thống, nâng cao các giá trị, tạo môi trường, điều kiện cho bạn trẻ tiếp xúc nhiều lần.

Chúng ta phải ưu tiên phát triển lớp khán giả trẻ, từ đó có thêm nhiều người yêu âm nhạc truyền thống. Bảo tồn chỉ có giá trị lịch sử, mất đi không gian sống, nghệ thuật cũng sẽ mai một. Bây giờ mọi người gần như làm vì yêu thích, không có chế độ gì. Phải có những chính sách để trở thành một hoạt động đương nhiên và đi đường dài của ngành văn hóa.

Lan Tường
.
.
.