Cuộc hành trình không mệt mỏi để phát triển bóng đá của nữ huấn luyện viên Iran

Thứ Năm, 08/08/2019, 13:25
Maryam Irandoost, 40 tuổi, là huấn luyện viên trưởng đội bóng nữ quốc gia Iran. Cô được biết đến là một người có tầm nhìn và ý chí mạnh mẽ. Cô đang tiếp tục làm việc không mệt mỏi trong cuộc chiến đấu tranh giành quyền bình đẳng cho các nữ cầu thủ của đất nước.


"Một người mẹ có công việc khó khăn nhất thế giới"

Bầu trời u ám, nhưng mọi thứ khác đều lấp lánh màu hồng - màu sắc của “Discover Football” - một lễ hội bóng đá nữ đang kỷ niệm sinh nhật lần thứ 10. Rất nhiều đội bóng đá nữ sẽ tham gia giao hữu trên sân vận động Willy Kressmann ở thủ đô Berlin, Đức trong vài ngày tới. Maryam Irandoost cười rạng rỡ cho biết, cô và các cầu thủ đã di chuyển từ Iran với một tinh thần vô cùng phấn khởi đến tham gia lễ hội đặc biệt này.

Irandoost đã kể cho phóng viên tờ DW (Đức) về hành trình gian nan để trở thành huấn luyện viên trưởng của đội tuyển quốc gia cũng như nỗ lực không ngừng để tìm kiếm cơ hội, sự bình đẳng cho các nữ cầu thủ bóng đá ở quê nhà.

Những phụ nữ đầu tiên ở Iran được xem hợp pháp trận giao hữu bóng đá nam giữa Iran và Bolivia tại Tehran vào tháng 10/2018.

Bóng đá mang đến cho Irandoost nhiều cung bậc cảm xúc, cả niềm vui và nỗi buồn. "Năm 10 tuổi, tôi nói với mẹ là muốn trở thành một cậu bé để có thể tiếp tục chơi bóng đá, rằng muốn thay đổi giới tính.

Mẹ tôi đã sốc vì điều này. Tôi nói với mẹ: nếu muốn con không thay đổi giới tính, xin hãy thuyết phục mọi người rằng, con có thể đến sân vận động với bố và có thể tiếp tục chơi bóng đá”, Irandoost kể lại. Irandoost luôn cảm thấy hạnh phúc khi đến sân vận động, gặp các đồng nghiệp, ngửi mùi cỏ và cảm nhận bầu không khí.

“Mọi thứ không hề dễ dàng. Năm 2016, tôi đã phải giải tán câu lạc bộ Malavan, có trụ sở tại thị trấn Bandar Anzali trên biển Caspian. Bài toán kinh tế buộc chúng tôi không thể tiếp tục. Khi con tàu bị bão nhấn chìm, nó phải tự loại bỏ hàng hóa thừa", Irandoost, khi đó là CEO của câu lạc bộ Malavan nói. Hai năm sau, Malavan thành lập lại đội bóng đá nữ và giữ vị trí huấn luyện viên trưởng.

Irandoost nói rằng, hoàn cảnh đã khiến bóng đá nữ ở Iran trở nên đặc biệt. Đàn ông không còn nói rằng phụ nữ không thuộc về sân bóng đá. Đã có thêm những cơ hội phát triển cho nữ cầu thủ. Đội bóng hôm nay có được những điều kiện tốt hơn thế hệ chúng tôi trước đây. Đội bóng là gia đình của tôi, các cầu thủ là con và tôi là mẹ. Một người mẹ có công việc khó khăn nhất thế giới”, Irandoost nói tiếp.

Vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước

“Nói chung, mọi thứ với phụ nữ không dễ dàng ở Iran trong vài thập kỷ qua. Cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 nói “không” với bóng đá nữ trong nhiều năm. Tôi đã học piano và thể thao nhưng điều đó không làm tôi hạnh phúc. Tôi luôn cảm thấy thiếu một thứ gì đó. Đó là một trận chiến cực kỳ khó khăn. Chúng tôi như những tù nhân được bao quanh bởi bức tường bê tông. Bây giờ chúng tôi đang chơi bóng trở lại và điều này thực sự tiếp thêm năng lượng cho chúng tôi", Irandoost nói.

Irandoost cho biết thêm, vẫn còn nhiều việc phải làm cho bóng đá nữ Iran. Lệnh cấm phụ nữ vào sân vận động xem các giải thể thao nam giới đã có hiệu lực gần 40 năm. Các trận đấu bóng đá nữ thường được chơi trong các phòng tập thể dục và tất cả cầu thủ phải đội khăn trùm đầu. Tại Thế vận hội 2010, Iran đã không tham gia giải đấu vì FIFA yêu cầu các nữ cầu thủ phải để lộ tai và cổ.

Vào tháng 11/2018, nhiều phụ nữ đã được đến sân vận động theo dõi trận giao hữu bóng đá giữa Iran và Bolivia. Đây là những người phụ nữ đầu tiên kể từ đầu những năm 1980 được xem hợp pháp một trận đấu thể thao của nam giới. Tuy nhiên, điều này cũng không mang lại sự thay đổi lâu dài vì lệnh cấm vẫn được áp dụng.

"Chúng tôi muốn bay đến nơi tham gia các giải đấu như những đồng nghiệp nam thay vì phải di chuyển nhiều giờ bằng xe ôtô nhưng không được bởi nhiều lý do khác nhau. Di chuyển bằng xe rẻ hơn máy bay.

Trong khi các đội thể thao nam có đủ khả năng tài chính để di chuyển bằng máy bay thì chúng tôi không thể. Đồng thời, có khoảng cách lớn về thu nhập giữa vận động viên nam và nữ ở Iran. Hãy nhìn vào những cơ hội được trao cho đàn ông, không chỉ ở Iran, chúng ta phải cùng nhau thay đổi mọi thứ, ở mọi nơi”, Irandoost nói.

Mạnh Tường
.
.
.