Cha đẻ của tiqui-taca là… người Anh

Thứ Sáu, 24/02/2017, 10:53
Người Anh đã biên soạn một danh sách những huấn luyện viên (HLV) có ảnh hưởng lớn nhất tới sự phát triển của bóng đá. Có thể kể ra những tên tuổi lớn gồm Stein, Shankly, Ferguson, Paisley, Allardyce.


Nhưng đâu đó, nếu không nhờ những cuốn sách sưu tầm lịch sử, thế hệ sau này có thể không bao giờ biết tới những người hùng giấu mặt. Tuần này là câu chuyện về Fred Pentland - cha đẻ, người đặt nền móng cho trường phái tiqui-taca đình đám - nhưng lại mang quốc tịch Anh.

Cuối tuần này, mọi sự chú ý sẽ hướng về Vicente Calderon, nơi Atletico Madrid tiếp Barca. Đây là khoảng thời gian nhạy cảm của đội bóng xứ Catalan khi hàng loạt kết quả chệch choạc xảy ra, đặc biệt là thảm bại 0-4 trước PSG. Mới đây, hậu vệ Daniel Alves cũng lên tiếng chỉ trích Barca là đội bóng vong ơn bội nghĩa, đối xử bạc bẽo với công thần.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lớn nhất Barca đang đối mặt là... bản sắc. Hàng loạt các tờ báo thân Barca đã chỉ trích HLV Luis Enrique đang phá hoại truyền thống và thương hiệu nhận diện trong cách chơi của đội. Cụ thể, họ cho rằng đưa Andre Gomes, một tiền vệ đá dập khuôn và thiên về sức mạnh khiến lối chơi của Barca mất đi sự thanh thoát. Tốc độ lên bóng chậm là một ví dụ điển hình.

Những bài tập đan bóng ngắn thịnh hành ở Barca nói riêng và Tây Ban Nha nói chung.

Nếu để thua Atletico, cửa vô địch Liga của Barca coi như không còn. Vì họ đang kém Real 1 điểm, trong khi đá nhiều hơn đối phương tới 2 trận. Mà khả năng để kịch bản ấy xảy ra không hề nhỏ sau tất cả những lùm xùm trên.

Thời điểm này, nói về cha đẻ của tiqui-taca như một lời nhắc nhở cội nguồn của lối chơi đã trở thành bản sắc, kim chỉ nam và bộ nhận diện của Barca. Điều đặc biệt, người khai sinh ra trường phái bóng đá giàu tính mỹ học này lại không tới từ Tây Ban Nha, cũng không trực tiếp huấn luyện Barca.

Người Anh... không điển hình

Trong phòng truyền thống ở sân San Mames, BLĐ Athletic Bilbao cho tạc bức tượng về một người Anh kiểu mẫu. Luôn mặc áo măng-tô, tay phải cầm chiếc mũ quả dưa, tay trái cầm điếu xì gà. Nếu đơn giản là nhìn vào vẻ bề ngoài của người đàn ông, sẽ không ai nghĩ rằng đó là ông tổ của bóng đá Bilbao, và là người phát động cuộc cách mạng bóng đá ở Tây Ban Nha. Ông là Fred Pentland.

Pentland sinh ra ở Wolverhampton. Khi còn là cầu thủ, sự nghiệp của ông không quá nổi bật nhưng chẳng thiếu vinh quang. Trong 10 năm (1903-1914), Pentland kinh qua 8 CLB khác nhau, trải dài theo địa lý đất nước từ Blackburn tới QPR. Sau 200 lần ra sân, Pentland ghi 45 bàn.

Ở cấp độ đội tuyển, Pentland có 5 lần ra sân, hai trong số này diễn ra vào mùa giải 1908-2009 đầy vinh quang của Tam Sư. Ngoài năng lực chuyên môn, Pentland còn khiêm tốn và hào sảng.

Fred Pentland - cha đẻ của tiqui-taca.

Thế nên, có cả giai thoại được kể trên tờ Lancashire Evening Post về ngày Pentland rời quê tới Rovers, rất nhiều bạn bè và ban nhạc nổi tiếng trong vùng là "Nhà hát Palace" ra tận cảng tiễn đưa. Họ hát vang bài ca truyền thống và cầu mong cho Pentland những điều tốt đẹp nhất ở chân trời mới.

Năm 1912, vì sự cố HLV trưởng đau bụng đột xuất mà Pentland - bấy giờ là cầu thủ giàu kinh nghiệm nhất đội - được bầu làm HLV tạm quyền của Halifax Town và thi đấu tại vòng 1 FA Cup. Hai năm sau, ông chính thức giã từ sự nghiệp quần đùi áo số và chuyển qua công tác huấn luyện.

Công việc huấn luyện chính thức đầu tiên của Pentland là dẫn dắt đội Olympic Đức. Nhưng đen đủi là ít tháng sau khi Pentland về Berlin, thế chiến thứ nhất nổ ra. Chính quyền Thủ đô buộc Pentland phải chuyển tới khu tạm giam (một dạng trại tị nạn) dành cho những công dân người Anh đang sinh sống ở Đức.

Ở khu tị nạn bất đắc dĩ Ruhleben rìa ngoại ô Berlin là đủ loại người tới từ các tầng lớp xã hội khác nhau: Thủy thủ, bác sỹ, trí thức và VĐV thể thao.

Ở Ruhleben, thật tình cờ là Pentland lại gặp được những cầu thủ bóng đá khác: Steve Bloomer, Fred Spiksley and Samuel Wolstenholme. Hơn thế, họ là đại diện cho tầng lớp trí thức mới, những kẻ đã chán ngán văn hóa bảo thủ "Hoặc Anh, hoặc không là gì". Cả 4 người đều muốn tìm tới những vùng đất ngoài lãnh thổ Anh và tiếp thu những giá trị văn hóa, tư tưởng mới mẻ.

Bề ngoài, Pentland là một gã Ăng-lê chuẩn mực. Nhưng suy nghĩ của ông thì đã vượt khỏi lãnh thổ “xứ sương mù”. Và sau khi chiến tranh tạm kết thúc, Pentland không quay về cố hương.

Tây Ban Nha mãi ghi danh

Điểm dừng đầu tiên của Pentland là đội Olympics Pháp và đưa đội vào tới bán kết thế vận hội. Một lời mời làm việc từ bán đảo Iberia gửi tới. Pentland không có lý do gì để từ chối bởi ông biết rằng vào thời buổi binh biến, dẫn dắt một ĐTQG không khác gì "nhiệm vụ tự sát".

Racing Santader là chặng dừng chân tiếp theo. Dù vậy, lý do sâu xa khiến Pentland đồng ý nhận thử thách ở Tây Ban Nha là bởi Ban lãnh đạo Racing cam kết sẽ cho ông xây dựng CLB theo chuẩn mực riêng mà ông muốn hướng tới. Với tư duy của kẻ tiên phong sẵn sàng thực hiện những cuộc cách mạng tư tưởng, Pentland coi đó là cơ hội "hình tượng hóa" bóng đá không thể tốt hơn.

Cùng lúc đó, ở miền Tây Bắc, khu tự trị Basque, có một đội bóng mới thành lập là Atheltic Bilbao. Hội điều hành của CLB gồm toàn giới trí thức du học tại Anh. Trong những năm đầu hoạt động, Bilbao đã sử dụng rất nhiều cầu thủ bán thời gian từng sinh sống hoặc học tập tại Anh. Tất nhiên, thông tin này không được công bố rộng rãi tới toàn thể công chúng vì đặc thù chính trị ở Basque.

HLV Luis Enrique tự nhận là fan hâm mộ của Pentland dù triết lý bóng đá của ông có phần xa rời lý thuyết thực tiễn tiqui-taca.

Lại một lời mời khác. Nó làm Pentland phải cân nhắc nghiêm túc giữa hai lựa chọn đặt lên bàn cân. Rốt cuộc, Pentland quay hướng chọn Bilbao. Dù sao thì rào cản ngôn ngữ sẽ không phải chướng ngại vật ngăn cản quá trình truyền giáo bóng đá của ông, khi ở Bilbao nhiều người biết tiếng Anh.

Công việc đầu tiên của Pentland ở Tây Ban Nha là... đi xem đấu bò - thú chơi lâu đời ở quốc gia Nam Âu này. Pentland quan sát và rút ra nhận xét của riêng mình: Con người ở đây quá "hung bạo". Họ thích những gì nhanh, mạnh.

Luồng suy nghĩ ấy cũng chi phối bóng đá. Các đội bóng đều chuyền dài, tạt cánh và đánh đầu. Pentland đã chứng kiến cảnh tượng này quá nhiều ở Anh. Ông muốn bóng đá phải trở thành môn nghệ thuật, mang tới nụ cười và niềm cảm hứng trên các khán đài.

Vì thế, một trong những bài tập quan trọng nhất của Bilbao dưới sự chỉ đạo của Pentland, là học cách buộc dây giày. Sao cho nhanh nhất, gọn nhất nhưng cũng là chắc nhất. Giới cầu thủ cần hiểu chỉ khi nào họ biết nâng niu "bảo bối", loại vũ khí cơ bản mà bất kể ai phải trang bị cho thi đấu, khi ấy bóng đá mới có tiếng nói quan trọng trong đời sống tinh thần khu vực.

Trong những buổi họp đội, Pentland tiêm vào trí óc học trò ý niệm về môn thể thao vị nghệ thuật. Bạn đá đẹp, tự khắc khán giả sẽ kéo tới và ủng hộ. Dần dần, lối bóng dài cổ điển được thay thế bởi lối chơi ban bật, đẹp mắt và không kém phần hiệu quả.

Ngay trong mùa giải đầu tiên, Bilbao đã nhanh chóng thống trị sân cỏ Tây Ban Nha với cú đúp quốc nội (Vô địch Quốc gia và Cúp Quốc gia).

Đội tiếp tục là bá chủ ở sân chơi Copa del Rey với 4 danh hiệu liên tiếp từ 1930 tới 1933 cùng một chức vô địch và hai lần về nhì ở Liga. Những đội bóng cũ kỹ điển hình ở Tây Ban Nha hoàn toàn bị choáng ngợp trước phong cách mới mẻ của Bilbao.

Trò chơi bóng ngắn không quanh quẩn trong phạm vi Basque. Mùa 1930-1931, trong trận tứ kết Copa del Rey, Bilbao đánh bại Barca 12-1. Đến bây giờ, đó vẫn là thất bại nặng nề nhất trong lịch sử Barca. Nhưng cũng là nhờ thất bại ấy, mà Barca và cả Real nhìn vào Bilbao và từ bỏ trường phái bóng dài lạc hậu. Tất cả cùng sao chép ý tưởng mà Pentland khởi xướng. Đâu ngẫu nhiên mà nhắc tới bóng đá Tây Ban Nha là NHM nói về tiqui-taca, nói về âm hưởng bóng đá đẹp.

Ở Anh, Pentland không phải một cái tên phổ biến. Nhưng người Tây Ban Nha mãi mãi không bao giờ quên công ơn của ông, kiến trúc sư xây những viên gạch đầu tiên giúp hình thành bản sắc bóng đá trứ danh tiqui-taca.

Pentland là thần tượng của... Enrique

Thật ngạc nhiên khi xuất hiện thông tin này phải không? Trong trận giao hữu giữa ĐT xứ Catalan và ĐT xứ Basque cách đây 3 năm, Enrique đã phát biểu ở buổi lễ khai mạc: "Bóng đá hai nền tự trị có ngày hôm nay là nhờ công Pentland".

Đấy có thể là một câu mở màn "cửa miệng" mang tính xã giao của Pentland, bởi thực chất Enrique là HLV hiếm hoi trong 10 năm trở lại dẫn dắt Barca không tôn sùng trường phái tiqui-taca. Ông ưu tiên các tiền vệ đậm chất hiện đại, tức là cầm bóng ít và xử lý nhiều chạm. Hướng tấn công chủ đạo của Barca mùa này là trung lộ (chiếm 57% các pha tấn công) thay vì điều bóng theo phương ngang - nguyên lý cơ bản nhất của tiqui-taca.

Một điểm khác nữa trong cách tiếp cận trận đấu của Enrique là hai trung vệ tuyệt đối không được dâng cao quá khu vực 1/3 cuối sân (theo hướng phòng ngự của đội nhà). Trung vệ được phép thoải mái chuyền dài và các phương án tấn công trên không được lưu tâm hơn. Đấy là lý do giải thích tại sao mà trong mùa hè 2016, Enrique đưa về Nou Camp Umtiti - trung vệ "chém đinh chặt sắt", tiền đạo cắm cao to Alcacer và tiền vệ con thoi Andre Gomes.

Đơn Ca
.
.
.