CLB Thái Nguyên và chuyện muôn thuở của bóng đá nữ

Thứ Năm, 25/06/2020, 07:45
Vừa thoát khỏi cảnh giải thể vì thiếu tiền trong gang tấc, CLB bóng đá nữ Thái Nguyên tiếp tục lâm vào một tình thế dở khóc dở cười khác khi có nguy cơ bị cắt tài trợ vì không đủ cầu thủ tham dự giải vô địch quốc gia 2020.

 Từ một địa phương là cái nôi của bóng đá nữ, hướng phát triển trong tương lai cho CLB Thái Nguyên đang dần đi vào ngõ cụt.

Thiếu tiền

Giữa tháng 12 năm ngoái, "thủ môn quốc dân" Bùi Tiến Dũng chính thức đầu quân cho CLB TP HCM với số tiền lót tay 7 tỷ đồng và mức lương 40 triệu đồng/tháng. 

Hẳn một vài cầu thủ nữ ít nhiều cảm thấy chạnh lòng khi biết thông tin đó, nhất là những cô gái đang đầu quân cho CLB nữ Thái Nguyên. Số tiền lót tay Dũng nhận được gấp 2 lần kinh phí duy trì một đội bóng nữ hàng năm, và tiền lương của anh cũng… gấp 30 lần lương một cầu thủ nữ.

Với những cô gái đá bóng ở Thái Nguyên, tình yêu thể thao giúp họ sẵn sàng xách giày ra sân tập từ 5 giờ sáng, đầu trần đuổi theo quả bóng dưới cái nắng chói chang. Đổi lại mỗi ngày họ nhận được khoản tiền công 60.000 đồng và 100.000 đồng tiền ăn. Hàng tháng tính 22 ngày chấm công, lương cầu thủ nữ nhận được khoảng 1,3 triệu đồng.

Những ai tính toán căn cơ thì tích cóp được thêm vài trăm ngàn bớt đi từ tiền ăn sáng mỗi ngày. Vì thế cầu thủ nữ sẵn sàng nhận đồng lương bèo bọt để theo đuổi đam mê, nhưng mọi thứ đều có giới hạn. Đồng lương còm cõi, thu nhập không nuôi nổi bản thân, càng không thể giúp đỡ gia đình nên mỗi năm lại có một vài cầu thủ nữ Thái Nguyên bỏ đội đi làm công nhân.

Ban lãnh đạo CLB cũng chẳng cấm đoán vì biết phần lớn những cô gái đá bóng xuất thân từ gia đình nghèo khó, bố mẹ làm nông hàng tháng vẫn phải chật vật kiếm kế sinh nhai. Hơn nữa con gái cũng có lứa có thì, lãnh đạo chẳng thể ép những thiếu nữ vì bóng đá mà lỡ làng duyên phận đời người. Với những ai vẫn muốn tiếp tục theo đuổi trái bóng tròn, họ chọn cách vừa đá bóng vừa làm việc.

Cứ sau khi giải VĐQG nữ kết thúc, cầu thủ nữ Thái Nguyên lại xin nghỉ để đi làm công nhân trong vài ba tháng rồi trở lại đội. Nguyễn Thị Quỳnh, một cầu thủ thuộc biên chế CLB nữ Thái Nguyên chia sẻ cô bỏ đội từ năm 2015, khi mới 20 tuổi. 

Quỳnh rất thích đá bóng nhưng theo nghề này không thể sống nổi nên đành phải kiếm kế sinh nhai phụ giúp gia đình. Lương đi làm của Quỳnh vào khoảng 8 triệu/tháng, gấp 6 lần đi đá bóng. Tình trạng này chỉ dừng lại khi nhà tài trợ mới đến giải cứu đội bóng, nâng mức lương cầu thủ lên 5-7 triệu đồng/ tháng.

CLB nữ Thái Nguyên từng suýt giải thể cuối năm ngoái vì thiếu nhà tài trợ.

Thiếu người

Trong ngày công bố khoản tài trợ kéo dài 5 năm cho CLB nữ Thái Nguyên, phía doanh nghiệp tuyên bố mục tiêu nhắm đến vị trí top 3 năm nay và vô địch trong năm 2021. 

Ngoài việc tăng lương thưởng, cầu thủ Thái Nguyên còn có cả tiền lót tay để gửi về giúp đỡ gia đình. Nhưng vừa giải quyết xong kinh phí, CLB nữ Thái Nguyên lại rơi vào một sự cố trớ trêu khác. Mục tiêu vào tốp 3 đội mạnh nhất của họ có nguy cơ vỡ lở ngay từ vạch xuất phát vì… không có đủ số lượng cầu thủ đăng ký theo quy định.

Xét về mặt lý thuyết, CLB nữ Thái Nguyên vẫn đủ người để tham dự giải vô địch quốc gia nữ 2020. Nhưng trên thực tế, họ lại có nguy cơ đứng ngoài cuộc chơi vì "lỡ" gửi một số cầu thủ ở đội U19 sang… "cứu" CLB nữ Sơn La. 

Hợp đồng cho mượn vẫn còn hiệu lực, thế nên cách duy nhất để CLB nữ Thái Nguyên tiếp tục tham dự giải VĐQG 2020 là bỏ tiền đi mượn người ở những CLB khác. 

Nếu không, họ hoàn toàn có nguy cơ bị nhà tài trợ cắt tài trợ vì vi phạm hợp đồng đã ký. Suy cho cùng, bóng đá Thái Nguyên sa lầy chỉ vì "làm người tốt không đúng lúc". 

Cách làm theo kiểu giật gấu vá vai, "lá rách ít đùm lá rách nhiều" khiến thành tích của CLB nữ Thái Nguyên ngày một đi xuống theo thời gian. Từ một trong những nơi là cái nôi của bóng đá nữ Việt Nam, Thái Nguyên chỉ đạt hạng 5/7 đội tham dự giải VĐQG 2019 và bị nhà tài trợ cũ từ chối gia hạn hợp đồng.

Nếu không thể mượn cầu thủ từ các CLB khác, Thái Nguyên sẽ buộc phải đôn cầu thủ thuộc lứa... U15 lên thi đấu chuyên nghiệp nếu không muốn bị nhà tài trợ bỏ rơi thêm lần nữa. Nhưng cách làm đó cũng chỉ giải quyết được vấn đề trong ngắn hạn, bởi chuyện cầu thủ bỏ đội vẫn có nguy cơ tiếp tục diễn ra nếu thành tích không được như kỳ vọng. 

Thái Nguyên, Sơn La sẽ lại phải đi mượn người cho đủ quân số để duy trì đội bóng theo kiểu cầm chừng cho những năm tới mà không biết khi nào đội bóng chính thức giải thể.

Sau bi kịch thiếu tiền, Thái Nguyên rơi vào tình trạng thiếu người.

Cái lý của nhà tài trợ

Đơn vị hỗ trợ tài chính cho bóng đá nữ Thái Nguyên trước kia là một doanh nghiệp may mặc đặt nhà máy tại địa phương. Khoản tiền họ cấp cho CLB nữ hàng năm thực tế mang tính nghĩa vụ, bởi doanh nghiệp này gần như chưa bao giờ yêu cầu chỉ tiêu, thành tích. 

Mọi chuyện bắt đầu xấu đi từ đầu năm 2019, khi họ bị công nhân tố cáo cố tình chây ì thanh toán những khoản phúc lợi cơ bản cho người lao động như tiền nghỉ thai sản, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thậm chí bớt tiền làm thêm.

Cộng thêm tình hình kinh doanh khó khăn, DN này quyết định cắt khoản tài trợ cho đội bóng đá nữ Thái Nguyên để tiết kiệm kinh phí. Xét về mặt lý lẽ, họ có quyền làm điều đó vì không còn nhận thấy lợi ích từ việc tham gia vào sân chơi bóng đá nữ nữa. 

Đó cũng là câu trả lời chung từ những nhà tài trợ từng đầu tư vào các CLB nữ một thời gian rồi lại rút lui. Kết quả là chỉ còn một vài địa phương tiếp tục làm bóng đá nữ, và số đội tham dự giải VĐQG nữ mỗi năm luôn chỉ loanh quanh ở mức 6-7 đội.

"Tôi biết mỗi đội bóng nam ở V.League hàng năm chi tiêu khoảng 30 tỷ, còn với bóng đá nữ, chỉ cần... 3 tỷ thôi là tốt lắm rồi", HLV Mai Đức Chung từng chạnh lòng chia sẻ như vậy khi được hỏi về hiện trạng của bóng đá nữ Việt Nam. 

Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ sự thờ ơ của người hâm mộ. Sân bóng mở cửa tự do vẫn không có khán giả, ngoài đường piste người dân sẵn sàng lùa bò vào ăn cỏ ngay trong trận đấu là cảnh thường thấy tại giải VĐQG nữ.

Chỉ có những tuyển thủ quốc gia mới được tận hưởng sự chú ý hiếm hoi trong một vài thời điểm nhất định, rồi sau đó lại chìm trong quên lãng. Không người xem, không tài trợ, không còn kinh phí, nên chuyện CLB nữ Thái Nguyên có thể... không còn cầu thủ thi đấu cũng là điều dễ hiểu.

Cầu thủ nữ Thái Nguyên tỏa sáng ở... Sơn La

Tại giải vô địch bóng đá nữ U19 quốc gia 2020, CLB Thái Nguyên không tham dự vì thiếu người. Bù lại, họ gửi một số cầu thủ trẻ thuộc biên chế của mình sang giúp Sơn La có đủ người tranh tài. 

Với kinh phí hạn hẹp và lượng cầu thủ luôn không đủ, đội U19 Sơn La được xem như kho điểm. Tuy nhiên với những cầu thủ trẻ mượn về từ Thái Nguyên, họ lại đang chơi rất hay trong giai đoạn lượt đi. 

Kết thúc lượt trận thứ 7, đội nữ Sơn La giành 7 điểm, đứng thứ 4 trên bảng xếp hạng. Họ từng có thời gian so kè sát nút vị trí thứ 3 với Phong Phú Hà Nam sau khi giai đoạn 1 khép lại, nhưng phải xếp dưới vì kém chỉ số phụ.

Đáng chú ý hơn, 1 trong 2 chiến thắng của CLB nữ Sơn La có được nhờ đánh bại U19 TP HCM. Họ cũng chỉ chịu thua sát nút trước Than Khoáng Sản Việt Nam, cầm hòa Phong Phú Hà Nam I và thắng Phong Phú Hà Nam II. 

Dù khoác áo đội U19 nhưng nhiều người trong số họ chỉ mới 16, 17 tuổi và thi đấu rất chững chạc. Điều đó cho thấy những "lính đánh thuê" đến từ Thái Nguyên có tiềm năng phát triển rất lớn, đủ khả năng kế cận những người đàn chị trong tương lai, thậm chí sẵn sàng thi đấu cho đội tuyển quốc gia trong vài năm tới.

Hiện các cầu thủ Thái Nguyên được biệt phái sang Sơn La vẫn sẽ tiếp tục thi đấu ở giải U19 quốc gia cho đến cuối tháng 6, khi lượt trận thứ 10 chính thức khép lại. Tuy nhiên họ chưa biết sẽ tiếp tục thi đấu cho đội bóng miền sơn cước trong thời gian tới hay trở lại khoác áo Thái Nguyên. 

Nhiều khả năng họ vẫn sẽ tham dự giải VĐQG nữ 2020 trong màu áo Sơn La, còn Thái Nguyên phải đi mượn cầu thủ ở nơi khác để kịp chốt đội hình trước hạn chót giờ đăng ký. Không giống những năm trước kia, năm nay bóng đá nữ Sơn La cũng có nhà tài trợ nên kinh phí dư dả hơn trước, thành tích nhờ vậy cũng tốt hơn.

Cẩm Chi
.
.
.