Bóng đá Iran: Cuộc chiến giành lại nữ quyền

Thứ Năm, 13/03/2014, 14:31

Bóng đá không chỉ làm thay đổi đời sống mà có thể làm thay đổi cả xã hội. Suốt một thời gian dài, phụ nữ Iran bị đẩy ra xa khỏi sân bóng, họ chỉ cố gắng thể hiện đam mê của mình một cách kín đáo. Hoặc cùng lắm là cố tình vứt bỏ mọi quy tắc, luật lệ, sự cấm đoán của xã hội để lao vào những đám đông ăn mừng chiến thắng. Nhưng vào một ngày, sự cấm đoán đó biến mất, như một điều kì diệu…

1. Sau thất bại đầy tai tiếng và khó hiểu trước Bahrain (1-3) tại trận đấu quyết định ở vòng đấu bảng, Iran đánh mất ngôi đầu, vị trí có một vé trực tiếp đến World Cup 2002. Xếp thứ 2, Iran buộc phải đá một trận đấu loại trực tiếp với UAE để giành một vé đá trận play-off nữa với đại diện của châu Âu là Cộng hòa Ireland để kiếm vé dự World Cup.

Trận lượt đi trên sân nhà, Iran trình diễn lối chơi đầy sức thuyết phục, đánh bại UAE với tỷ số 1-0, cánh cửa đi tiếp mở rộng. Hình ảnh bạc nhược và yếu kém khi gặp Bahrain biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, trong niềm vui chiến thắng ấy, chẳng ai còn nhớ ra chuyện gì để so sánh, để hồ nghi, để đặt lại câu hỏi cho thất bại đau đớn trước Bahrain nữa. Cả đất nước Iran ăn mừng.

Chính phủ cũng như muốn làm các cổ động viên quên đi thất bại trước Bahrain bằng cách hạ lệnh tổ chức "đại tiệc" với một chiếc bánh khổng lồ làm từ 12.000 quả trứng. Chiếc bánh khổng lồ này sau đó được cắt nhỏ, đưa vào xe tải lạnh, mang đi khắp đất nước phân phát cho người dân. Nhưng cùng niềm vui ấy, Chính phủ Iran cũng rất cẩn thận trong vấn đề an ninh. Một trung đoàn dù được điều động. 27 đơn vị quân đội được lệnh xuất quân.

Và một phần lớn trong số lượng quân đội đó đã phải "làm việc vất vả" khi dẹp một cuộc náo loạn được cầm đầu bởi những người đàn ông đeo mặt nạ, một số cô gái đội khăn trùm đầu ở một số tỉnh tại Tehran. Với tinh thần và những cuộc ăn mừng, dù có một số bạo loạn, nhưng ít nhiều cũng gắn kết một dân tộc đứng dưới lá cờ bóng đá. Và ý nghĩa đó khiến Iran tiếp tuc thăng hoa, đánh bại UAE tới 3-1 ngay trên sân khách ở lượt về để giành quyền gặp Cộng hòa Ireland ở 2 trận đấu quyết định tấm vé đến World Cup 2002.

ĐT nữ Iran bị xử thua 0-3 trận gặp Jorrdan vì trang phục.

Trận đấu lượt đi tại Dublin, Iran thất bại 0-2. Đến trận lượt về ở Tehran, một biến cố lớn đã xảy ra làm thay đổi quan điểm về bóng đá với phụ nữ, và thay đổi cả một xã hội. Iran chơi rất hay và giành chiến thắng, nhưng tỷ số 1-0 là không đủ để họ lật ngược thế cờ. Iran bị loại với tỷ số chung cuộc 1-2. Các cầu thủ vẫn được chào đón như những người anh hùng. Nhưng có một câu chuyện khác diễn ra và được chú ý hơn nhiều.

Rất nhiều phụ nữ Iran cũng đã xuất hiện chào đón đội tuyển, nhưng ngoài việc tung hô đội bóng, họ còn cùng nhau giận dữ, phản đối khi các cơ quan chức năng đồng ý mở cửa sân vận động cho 30 phụ nữ là cổ động viên của đội tuyển Cộng hòa Ireland vào sân, trong khi bản thân họ vẫn bị cấm. Mặc dù những phụ nữ cổ động viên của đội khách vẫn phải tuân theo quy tắc ăn mặc, trang phục, nhưng việc duy trì lệnh cấm với phụ nữ bản địa đã khiến một phần lớn cổ động viên nữ Iran phản đối. Và đó là tiền đề cho một cuộc cách mạng văn hóa bóng đá ở Iran.

2. Phản ứng về sự kiện này, phát ngôn từ Chính phủ đã lập luận rằng: Những phụ nữ Ireland không thể nói được tiếng Persian, do đó họ sẽ không hiểu được những ngôn từ bậy bạ, những lời nguyền rủa, nhục mạ bẩn thỉu chắc chắn sẽ xuất hiện rất nhiều trong suốt cả trận đấu. Các phương tiện truyền thông cũng bắt đầu đưa sự việc này ra bình luận. Chính phủ dù không muốn nhưng cũng không thể "bịt miệng" tất cả. Còn phụ nữ Iran thì liên tục phản đối, yêu cầu phải trao lại quyền lợi chính đáng cho họ. Và cuộc chiến đó kéo dài suốt gần 2 năm.

Phụ nữ Iran đã xuất hiện ở một góc SVĐ.

Đến năm 2003, phụ nữ Iran mới được phép vào sân vận động, xem một trận đấu của câu lạc bộ Peykan FC, một đội bóng nổi tiếng ở Tehran. Sở dĩ các nhà chức trách chọn trận đấu của Peykan FC là do các cổ động viên của đội bóng này chửi thề, nói tục, chế giễu đối thủ ít nhất trong số tất cả các đội bóng khác tại Iran. Và đến tháng 5 năm 2005, lần đầu tiên phụ nữ Iran chính thức được "tự do", được đi xem bóng đá như nam giới, đó là trận đấu của ĐTQG Iran gặp CHDCND Triều Tiên (Iran thắng 1-0) tại vòng loại World Cup 2006.

Cùng với 20 phụ nữ khác, trong đó có Niloofar Ardalan, con gái của cựu thủ môn đội tuyển Iran (Niloufar Ardalan), một nhóm phụ nữ đã đứng lên đòi "quyền lợi bóng đá", khiến cho cuộc đấu tranh trở thành một phần của mục đích chính trị. Và nó trở thành vấn đề quan trọng trong kế hoạch tranh cử chức Tổng thống của ông Akbar Hashemi Rafsanjani. Tuy nhiên, để được có mặt tại sân vận động, họ vẫn phải mặc trang phục truyền thống, trùm kín người và mặt và ngồi riêng một nhóm cách xa khu vực dành cho cổ động viên nam giới, và vị trí đó lại nằm giữa… hai nhóm cổ động viên của CHDCND Triều Tiên, với lí do để họ không thể nghe được những vị khách nói gì. Bên cạnh đó, họ cũng bị hạn chế thể hiện cảm xúc khi một nhóm cảnh sát cứ đứng cạnh, nhìn họ chằm chằm.

Mặc dù giành quyền lọt vào vòng chung kết World Cup 2006, nhưng giải đấu năm đó đánh dấu một bước thụt lùi của bóng đá Iran với những rắc rối về chính trị. Trước khi giải đấu này khởi tranh, nhiều tổ chức nhân quyền và cộng đồng quốc tế, các chính trị gia phương Tây từng có ý kiến đề nghị loại Iran khỏi World Cup vì quốc gia này tiếp tục duy trì hoạt động làm giàu uranium.

Tiếp đó, sau khi rời World Cup 2006 với 1 điểm duy nất sau trận hòa Angola (thua Mexico, Bồ Đào Nha), nhiều thông tin cho rằng ngay trong nội bộ đội bóng khi đó cũng chia rẽ làm hai phe phái, chống đối và ủng hộ chính phủ. Một năm sau đó, bóng đá Iran nhận lệnh cấm của FIFA sau khi có những dấu hiệu bóng đá bị chi phối bởi chính phủ. Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Iran, Mohammed Dadkan bị sa thải sau khi chỉ trích chính phủ đã làm đội tuyển bị ảnh hưởng tại World Cup 2006. Tuy nhiên lệnh cấm sau đó đã được rút lại khi chính phủ Iran cam kết sẽ tạo một lộ trình cải cách bóng đá.

3. Thế nhưng, năm 2009, trong trận đấu cuối cùng của vòng loại World Cup 2010 gặp Hàn Quốc, lại xảy ra một sự việc lớn. Bảy cầu thủ Iran gồm Javad Nekounam, Ali Karimi, Hossein Kaebi, Masoud Shojaei, Mohammad Nosrati, Vahid Hashemian và đội trưởng Mehdi Mahdavikia đã đeo băng tay xanh để ủng hộ phong trào xanh, phản đổi cuộc bầu cử năm 2009. Trước ngày diễn ra trận đấu, hàng trăm ngàn người đã đổ xuống đường biểu tình phản đối, cáo buộc gian lận phiếu bầu và tham nhũng trong cuộc bầu cử tổng thống.

Vài tờ báo ủng hộ Chính phủ Iran đã chỉ điểm một số cầu thủ, trong đó có cựu cầu thủ Bayern Munich là Ali Karimi. Mặc dù Giám đốc của đội tuyển quốc gia ông Mansour Pourhiedari, giải thích rằng dải băng xanh đó là lí do tôn giáo, nhưng cuối cùng hộ chiếu của nhiều cầu thủ bị tịch thu. Cả 7 cầu thủ này đều bị cấm thi đấu cho đội tuyển quốc gia vĩnh viễn. Sự việc này còn có sự liên hệ đến sự kiện bắt giữ Mohsen Safaei Farahani, người đứng đầu cơ quan quản lý bóng đá của Iran dưới thời cựu Tổng thống Khatami.

Hashemian và các cầu thủ Iran đeo băng tay xanh trong trận gặp Hàn Quốc năm 2009.

Một số trang web ủng hộ Tổng thống Ahmadinejad cáo buộc Farahani là thành viên của nhóm ủng hộ cải cách, đã ngầm kích động các cầu thủ đeo dây cổ tay màu xanh lá cây. Tháng 5 năm đó, FIFA yêu cầu Liên đoàn Bóng đá Iran giải trình sự việc này. Và sau đó Liên đoàn Bóng đá Iran buộc phải trả lại "quyền đá bóng" cho các tuyển thủ Iran. Các cầu thủ lại tỏa đi thi đấu ở phương Tây.

Một thế hệ trẻ ở Iran bắt đầu du nhập văn hóa kiểu tóc phương Tây với hình mẫu của David Beckham. Thành công của Iran tại vòng loại World Cup 2014 (giành quyền đến Brazil vào mùa hè tới) đã tạo ra một sự thay đổi lớn đến bóng đá và xã hội Iran. Rõ ràng bóng đá là phương tiện cho sự thay đổi lớn trong xã hội Iran. Và đó là lí do tại sao chính phủ luôn cố gắng kiểm soát nó. Nhưng cuối cùng thì không thể. Bóng đá thực sự quá mạnh mẽ để có thể bị kiềm tỏa…  

Bóng đá nữ ở Iran

Bóng đá nữ tại Iran vốn không bị lệ thuộc vào những quy định tôn giáo hà khắc. Trước cuộc cách mạng Hồi giáo, các cầu thủ nữ không cần phải đội khăn trùm kín đầu (được gọi là hijab). Nhưng sau đó, do quy định Hồi giáo buộc các cầu thủ thi đấu phải trùm kín đầu, nên FIFA từng ban hành lệnh cấm bóng đá nữ Iran thi đấu ở các giải quốc tế từ năm 2007. Lí do mà FIFA đưa ra là để đảm bảo về sức khỏe và điều kiện thi đấu của các cầu thủ.

Một số nước Hồi giáo cũng đưa ra quy định cầu thủ nữ phải trùm khăn kín đầu, thậm chí còn phải mặc kín, không được hở bất kì một bộ phận, một khoảng da thịt nào ra ngoài. Tuy nhiên, riêng khoản trùm đầu thì lại gây ra nhiều tranh cãi. Họ cho rằng FIFA cần phải tôn trọng những quy định của tôn giáo. Nhưng FIFA cương quyết giữ đúng những quy phạm về an toàn y tế khi thi đấu. Vì thế, đã có những giải pháp được đưa ra như những chiếc mũ đặc biệt được thiết kế cho những nữ cầu thủ theo đạo Hồi.

Năm 2011, đội tuyển nữ Iran đã bị xử thua 0-3 trong trận đấu với Jordan tại vòng loại Olympic 2012 vì trang phục không phù hợp quy chuẩn của FIFA.

L.Trung
.
.
.