Derby London Chelsea - Arsenal cuối tuần này:

Arsene Wenger và bài học "dụng nhân"

Thứ Sáu, 03/02/2017, 14:36
Chelsea và Arsenal đã "đổi ngôi" cho nhau kể từ trận derby London lượt đi mùa giải này, khi Chelsea thất thủ 0-3 tại Emirates. Kể từ cú vấp đó, The Blues đã tiến những bước vững chắc trên con đường chinh phục ngai vàng Premier League bằng chuỗi 14 chiến thắng. Trước khi hai đội gặp lại vào tối thứ bảy, Chelsea đang bỏ xa Arsenal 9 điểm.


Thất bại ngay tại sân nhà trước Watford cách đây 2 ngày tiếp tục cho thấy bản lĩnh yếu kém của Arsenal trong những chặng nước rút. Điều đó tiếp tục chứng minh Arsenal gần như không thể trở thành đối trọng của Chelsea trong cuộc đua vô địch ở Premier League. Một cách nói khác, Wenger không phải "đối thủ" của Conte trên mặt trận chuyên môn.

Nhưng những người theo dõi bóng đá lâu năm luôn phải thừa nhận, Wenger đã vượt qua khuôn khổ của một HLV bóng đá đơn thuần. Conte tất nhiên không nằm ngoài đám đông.
Arsene Wenger luôn nhận được sự kính trọng tuyệt đối từ những người đồng nghiệp ít tuổi như Antonio Conte.

Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Independent trước trận cầu mang tính chất 6 điểm, Conte đã dành tặng những lời tri ân cho người đồng nghiệp và cũng là bậc tiền bối bên kia chiến tuyến: "Tôi khao khát chiến thắng. Nhưng tôi thèm khát được như Wenger, một địa vị đích thực trong làng huấn luyện chứ không phải kẻ hành khất làm thuê".

Arsene Wenger có thể đã ở rất xa thời đỉnh cao rồi, nhưng những bài học về chiến lược quản trị đội bóng của ông vẫn sẽ luôn là tấm gương cho bậc hậu duệ noi theo.

Luôn luôn "cười"

Sau Sir Alex, Arsene Wenger là HLV gây dựng triều đại bền vững nhất của riêng mình trong thời hiện đại. 20 năm tại vị ở Arsenal, Arsene Wenger là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của nghề huấn luyện bóng đá - công việc khắc nghiệt nhất trong ngành thể thao theo khảo sát của ESPN SPI.

Nói về Wenger là nói về những mâu thuẫn tồn tại nơi chính chiến lược gia này. Ông là HLV duy nhất trong kỷ nguyên mở trải qua mùa giải bất bại (2003/04), song đồng thời là HLV kém cỏi nhất khoảng một thập kỷ (tính riêng trong giới sao số) trở lại đây với chỉ 2 danh hiệu FA Cup. Vậy Wenger có gì trong tay để duy trì chiếc ghế vốn luôn nằm trong tầm ngắm của dư luận?

Khác với phần đông các đồng nghiệp, triết lý làm việc của Wenger là sự tin tưởng. Chính vì Wenger luôn đặt niềm tin vào những người cộng sự mà ông không bị tác động bên ngoài chi phối.

Wenger đuối chuyên môn khi đặt cạnh các HLV tuổi trẻ tài cao khác nhưng xét cho cùng, mỗi người có một công việc của riêng mình. Wenger chỉ quan tâm thái độ của giới chủ, cầu thủ và CĐV. Sự đơn giản trong lối tư duy của Wenger giúp ông tồn tại trong thế giới bóng đá khắc nghiệt.
Chelsea cần 3 điểm để duy trì thế dẫn đầu, còn Arsenal phải thắng nếu muốn nuôi hy vọng vô địch.

Wenger sinh ra khi thế chiến thứ 2 vừa đi qua tại làng Duttlenheim, tỉnh Strasbourg, sát biên giới Pháp và một vài quốc gia lân cận. Tàn dư chiến tranh để lại khủng khiếp tới mức 1/2 dân số trong vùng là… binh lính Đức cùng quân đồng minh đầu hàng. Gia đình Wenger làm lại từ đầu, tất cả những gì họ có trong tay là một quán rượu kiêm sửa ôtô tồi tàn quân Đức bỏ lại.

Ông nhớ lại thời đại của mình được bao trùm bởi mơ ước về cuộc sống ấm no. Ai ai cũng ước rằng mỗi sáng, họ có một cái bánh mỳ; bữa trưa, họ được ăn món thịt bò nướng đá; bữa tối, họ được thưởng thức sa lát đi kèm loại rượu vang rẻ tiền nhất châu Âu. Đó là nền tảng làm nên một Arsene Wenger ngày nay.

Vì vậy, những điều kinh khủng mà HLV phải đối mặt hàng ngày chỉ là "chuyện nhỏ" trong mắt Wenger, bởi ông còn phải trải qua nhiều điều tồi tệ hơn nữa.

Gỡ từng lớp vỏ bọc

Trong đội hình gồm các cầu thủ tới từ 18 tới 20 quốc gia khác nhau, sự tương tác giữa các bên là thứ xa xỉ. Nhưng nhìn lại chặng đường đã qua của Wenger, ở đâu ông cũng tạo ra đế chế bất khả xâm phạm với những người hầu cận trung thành.

Wenger phân tích cách ông thu hút sự chú ý, buộc người khác phải tin tưởng và tuân lệnh. Giáo sư người Pháp ví con người giống tảng băng trôi. Lần tiếp xúc đầu tiên, chỉ một phần rất nhỏ về con người thật của đối tác bạn đang làm việc được bộc lộ. Bên dưới tảng băng đó là dòng nước xiết với đủ mọi thành phần cấu thành: tảo biển, muối, động vật…

Tất cả những tạp chất đó hợp lại làm một, tạo ra nền móng cho tảng băng có thể trụ vững trên mặt nước. Những gì chúng ta nhìn thấy trên bề mặt chỉ là kết quả của một chuỗi những sự xung đột bên dưới.

Trong bóng đá, để tạo ra môi trường chiến thắng, các HLV phải biết cách làm cho học trò lắng nghe họ. Nhưng mỗi cầu thủ là một sắc thái khác nhau, ẩn sâu bên trong từng sắc thái đó là những sắc thể thiên biến vạn hóa. Muốn giải quyết triệt để vấn đề, hay nói cụ thể là hướng mọi người về cùng một phía, không thể đi từ ngọn đi xuống. Đào bới từ rễ cây, bóc từng lớp vỏ, đấy gọi là "Xây nhà từ móng" theo thuật ngữ chuyên môn.

Chẳng hạn, cầu thủ A uống rượu tới sáng và bỏ dở buổi tập. HLV tiến gần, quát thẳng vào mặt anh ta: "Thằng điên, còn tái phạm thì đừng trách". Chẳng ích gì bởi anh A đã uống rượu 1 lần thì sẽ có lần 2.

Hướng đi đúng đắn là đưa ra những câu hỏi "Vì sao" và truy ngược lại. Vì sao cậu uống rượu? Vì tôi tức giận. Vì sao cậu tức giận? Vì tôi không được đá chính? Vì sao cậu không được đá chính? Vì anh B đá hay hơn tôi. Đấy, chẳng phải các HLV không cần tự mình nói ra những lời cay đắng mà vẫn giúp giới cầu thủ hiểu được họ đang gặp phải khó khăn gì hay sao?

Những năm tháng làm việc ở Nhật Bản dạy cho Arsene Wenger "tinh thần aikido". Triết lý của môn võ này là bằng mọi cách khóa hướng ra đòn của đối phương và phản công. Nói một cách dễ hiểu, "tinh thần aikido" là "không, bạn sai rồi, tôi mới đúng".
Chelsea gặp Arsenal là trận cầu tâm điểm vòng 24 Premier League cuối tuần này.

Tháng 8-2011, Arsenal thảm bại 2-8 trước Man Utd. Báo chí Anh gọi đó là nỗi sỉ nhục. Trong buổi họp báo, một phóng viên tờ Mirror gọi Wenger là "lão già bảo thủ". Bình thường, những HLV khác sẽ đệ đơn từ chức nhưng Wenger thì không. Cũng chẳng thể gọi Wenger là đồ mặt dày như tờ Independent mô tả bởi ông đưa ra một ví dụ rất thực tế.

Theo khảo sát của tờ AS trước vòng bán kết Champions League 2011/12, 100 người được hỏi đều chọn Barca và Real là hai đại diện vào chơi trận chung kết. Kết quả, Bayern và Chelsea mới là những bên bước tiếp. Wenger nói rằng, không ai nghĩ Bayern hay Chelsea tạo nên bất ngờ cũng giống việc không ai mường tượng ra viễn cảnh M.U vùi dập Arsenal.

Không nhiều người biết rằng, Wenger từng tới Bhutan trong 2 tuần để tìm hiểu về Phật giáo. Ở nơi cửa phật, ông học được tính hướng thiện và tinh thần lạc quan, đồng thời luôn chuẩn bị tâm thế đón nhận những điều không lường trước trong cuộc sống.

Chẳng ngẫu nhiên mà trong Louis van Gaal, HLV được mệnh danh "triết gia" đã phát biểu với từ De Telegraaf: "Nếu Wenger không làm HLV bóng đá, ông ấy sẽ là một giáo sư triết học lỗi lạc".

Nếu chót hâm mộ Wenger, đừng nhìn, đừng quan sát và đừng theo dõi ông ta dưới góc độ của một người hâm mộ bóng đá đơn thuần. Hãy tập chấp nhận và gạt bỏ yếu tố chuyên môn khỏi đường pitch, bạn mới có thể cảm nhận sâu sắc về người đàn ông này.

Thích đào tạo trẻ vì… "thù" Abramovic

Ngày Abramovich mới tới Chelsea, vị tỷ phú người Nga từng đặt vấn đề mua Viera và Henry với nguyên PCT David Dein của Arsenal. Họ gặp nhau ở một quán café, và Abramovich đã nhanh nhảu đòi làm việc trực tiếp với hai cầu thủ.

Dein nổi nóng, xách cặp tính bỏ về nhưng chưa kịp thì ông đã bị đối tác chơi cho một vố đau. Abramovich ngồi vắt chân, miệng nhả khói, rút từ túi áo từ 50 bảng, ném phịch xuống bàn café: "Đây, chỗ này gấp 2 lần những gì chúng ta gọi ra. Thừa bao nhiêu, ông đút túi mà ăn sáng".

Chuyện đến tai Wenger. Từ ngày hôm đó, ông nhận ra thành London đã chia ra làm hai thái cực trong tư tưởng đào tạo bóng đá: Một bên dùng sản phẩm tự trồng, bên kia dùng sức mạnh của đồng bảng.

"Project Youth", tạm dịch "Kế hoạch trẻ" được ông khởi động. Mục tiêu của Wenger là săn tìm các cầu thủ trẻ ít được chú ý ở Pháp, Tây Ban Nha và Argentina, mỗi mùa hè sẽ chỉ tuyển tối đa là 4 người và tất cả đều phải dưới 16 tuổi.

Theo lý giải của Wenger, tuổi 16 là thời kỳ nhận thức của con người bắt đầu đi vào khuôn phép. Trong trường hợp này, những tài năng trẻ được Wenger tuyển chọn sẽ học được lối sống trung thành, cách suy nghĩ của những người đồng đội nhiều năm làm việc cùng nhau. Cesc Fabregas và Gael Clichy là hai sản phẩm đầu tiên của "Kế hoạch trẻ".

Hè 2003, Chelsea bỏ ra 100 triệu bảng tân trang đội hình. Trong khi đó, Arsenal chỉ mất 1,5 triệu bảng cho chữ ký của Jens Lehmann. Nhưng "Pháo thủ" không hề tằn tiện. Họ chấp nhận bỏ ra khoản đầu tư lên tới 20 triệu bảng cho các cơ sở săn người trải dài ở 8 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.

Mùa 2003/04, Arsenal vô địch và ai cũng biết đến sự tồn tại của Fabregas và Clichy. Đấy là một thành công của Wenger. Sau 14 năm trôi qua, tài khóa của Arsenal tăng thêm 278.4 triệu bảng nhờ việc mua đi bán lại các viên ngọc thô.

Đơn Ca
.
.
.