Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Chủ Nhật, 10/10/2021, 09:07

Ngày 9/10, những chuyến tàu “đặc biệt”, “tàu nghĩa tình” từ ga Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh), ga Dĩ An (Bình Dương), ga Biên Hòa (Đồng Nai) đã xuất phát hoặc về ga Đồng Hới, Quảng Bình. Sở dĩ, nhiều người gọi đây là những chuyến tàu đặc biệt hay nghĩa tình bởi tàu chỉ xuất phát từ ga đi và chỉ đến nhà ga ở Quảng Bình, chở theo 2960 công dân Quảng Bình hồi hương từ các tỉnh phía Nam.

Cách làm, cách tổ chức đưa công dân về quê vừa an toàn vừa phòng, chống dịch của Quảng Bình đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và rất được người dân cảm kích, các nhà hảo tâm chung tay ủng hộ.

Được biết để đón được gần 3.000 người về quê trong đợt này, tỉnh Quảng Bình đã làm việc rốt ráo với các địa phương nơi có công dân lưu trú và Bộ Giao thông Vận tải và ngành Đường sắt. Sau đó, tỉnh chia ra ưu tiên đón 4 nhóm đối tượng trước gồm: Phụ nữ mang thai (tình trạng sức khỏe bà mẹ và thai nhi ổn định); phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; học sinh đang học tập tại các trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vào thăm người thân; và cuối cùng là người già (nam từ 60 tuổi trở lên, nữ từ 55 tuổi trở lên) đi thăm người thân, nhưng mắc kẹt ở lại các tỉnh có dịch không về quê được.

Những chuyến xe nặng nghĩa tình -0
Tỉnh Quảng Bình phối hợp các địa phương phía Nam và ngành Đường sắt đưa người thuộc nhóm ưu tiên về quê.

Các công dân để được đón về quê đều đăng ký, hoặc người nhà đăng ký tại UBND xã, phường, thị trấn trước đó, sau đó được tổng hợp gửi cho UBND huyện phê duyệt và gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình lên danh sách, sắp xếp chuyến tàu. Đồng thời, tất cả công dân được đón về quê, để đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển, và khi về quê phòng, chống dịch COVID-19 nên tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu phải có xét nghiệm RT-PRC hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính với SARS-CoV-2, trong 72 giờ trước khi trở về địa phương. Công dân phải cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của tỉnh khi trở về quê và sau hoàn thành cách ly tập trung.

Sau khi hoàn tất các thủ tục đăng ký, xét nghiệm… các công dân được thông báo cụ thể số tàu, nhà ga, ngày giờ ra ga lên tàu về quê. Theo đó, ga Sài Gòn dành cho công dân lưu trú ở thành phố Hồ Chí Minh; ga Dĩ An đón công dân ở Bình Dương và ga Biên Hòa đón công dân ở Đồng Nai và các địa phương lân cận. Các công dân lên tàu khi về đến Quảng Bình, cơ quan chức năng của tỉnh sẽ bàn giao công dân các địa phương về theo huyện, thành phố, thị xã tại các ga Mỹ Đức (bàn giao công dân huyện Lệ Thủy); ga Đồng Hới (thành phố Đồng Hới); ga Hoàn Lão (huyện Bố Trạch), ga Minh Lệ (bàn giao công dân thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch); ga Đồng Lê (công dân 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa). Về các trung tâm cách ly tập trung, các công dân tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm. UBND các huyện, thị xã, thành phố dựa trên kết quả đánh giá dịch tễ và các vùng nguy cơ để phân loại, hướng dẫn biện pháp cách ly phù hợp.

Vừa xuống ga Đồng Hới, chị Trần Thị Mỹ tay dắt con nhỏ bỗng khóc òa, được mọi người vỗ vai động viên chị Mỹ cho biết, chị vô cùng vui sướng xúc động khi đặt chân đến ga Đồng Hới, nơi chị thường đi lại nhưng mấy tháng qua chị nghĩ biết bao giờ mới được trở về. Cũng may mắn như chị Mỹ được trở về quê lần này, rất nhiều chị mang thai gần đến ngày sinh, khi đăng ký và được thông báo đưa về quê, đã hai ba đêm không ngủ, mừng và chờ lúc được lên tàu về quê. Đêm 8/10, khi tàu đang lăn bánh trên đường ray trên đường về quê đã có 2 thai phụ sinh con ngay trên tàu. Những em bé chào đời trong niềm vui, hạnh phúc vô bờ, tiếp thêm sức mạnh cho rất nhiều người trên hành trình trở về nhà.

Để đón cùng lúc gần 3.000 người về quê an toàn, và đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương họp bàn đưa ra rất nhiều ý kiến rồi đi đến thống nhất việc chọn phương án. Theo đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình xác định nhu cầu trở về quê hương của bà con là rất chính đáng. Việc tổ chức đưa công dân về quê là hành động thiết thực, thể hiện tinh thần nhân văn, nhân ái. Căn cứ năng lực tiếp nhận của tỉnh cả về cơ sở cách ly, điều kiện khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe… Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình thống nhất chủ trương đưa đón công dân về quê, số lượng 3.000 người có hoàn cảnh thực sự khó khăn, có nguyện vọng về quê theo thứ tự ưu tiên.

Ông Hồ An Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Quảng Bình cho biết, kế hoạch đón con em Quảng Bình đang lưu trú tại thành phố Hồ Chí Minhvà các tỉnh phía Nam có hoàn cảnh khó khăn trở về quê do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 luôn là trăn trở của lãnh đạo địa phương. Nhưng với số lượng người Quảng Bình làm ăn, sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng dịch phía Nam rất lớn, và rất nhiều người muốn về quê, song nguồn lực của tỉnh hạn chế, nên tỉnh mới chỉ có thể đón được số lượng nhất định như trên. Tỉnh rất mong nhiều người chưa được đón về đợt này hết sức thông cảm và chia sẻ với tỉnh. Và những người được đón về chấp hành tốt chủ trương phòng, chống dịch của tỉnh vì mục tiêu chung, cố gắng đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới.

Những chuyến xe nặng nghĩa tình -0
Các em nhỏ tại các tỉnh phía Nam được đón lên tàu về quê.

* Ngày 9/10, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương, tạo điều kiện cho 2 nhóm thiện nguyện là nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng và nhóm Bạn thương nhau chở miễn phí người dân bằng ôtô ra các tỉnh, thành phố phía Bắc. Theo đó, người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chạy xe máy về, khi qua địa phận Đà Nẵng sẽ được đón tại Trạm trung chuyển phía nam hầm Hải Vân và đưa lên ôtô để tiếp tục hành trình. Các nhóm thiện nguyện cũng huy động ôtô tải để chở xe máy và tài sản của người dân.

Ông Nguyễn Hà Nam, Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, các chuyến xe 0 đồng sẽ chạy ra đến điểm cuối là Hà Nội. Người dân ở các tỉnh như Cao Bằng, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang... khi đến Hà Nội sẽ nhận lại xe máy và tự đi tiếp về quê. Các phương tiện chở người về quê không vào nội địa các tỉnh, thành phố, chỉ dừng ở chốt để người dân xuống nhận lại tài sản, khai báo y tế và thực hiện cách ly theo quy định của địa phương. UBND TP Đà Nẵng yêu cầu 2 nhóm tình nguyện trên tuyệt đối không thu tiền của người dân. Các tình nguyện viên phải có biện pháp về y tế, bảo đảm không để lây nhiễm dịch bệnh trong quá trình di chuyển.

Đồng thời, khi về lại Đà Nẵng, các tài xế phải tuân thủ quy định người vào thành phố, khai báo y tế bằng mã QR, test nhanh COVID-19, chấp hành cách ly tại nhà, tuyệt đối không để tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh ra ngoài cộng đồng. TP Đà Nẵng đã tổng hợp danh sách các tài xế, số điện thoại, biển số các xe đưa người dân về quê và trong ngày 9/10 có văn bản giới thiệu các đoàn này gửi đến các tỉnh, thành phố phía Bắc để công tác vận chuyển diễn ra thuận lợi.

Tối 8/10, chuyến xe đầu tiên do nhóm thiện nguyện Bạn thương nhau tổ chức đã đưa 22 người đầu tiên về các tỉnh phía Bắc. Tính đến chiều 9/10, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia đóng góp, tài trợ kinh phí đủ để thực hiện 55 chuyến xe nghĩa tình giúp người dân về quê thông qua các nhóm thiện nguyện. Đây là nghĩa cử cao đẹp của người dân Đà Nẵng và các nhóm tình nguyện để giúp người dân đỡ nhọc nhằn trên hành trình trở về quê hương sau nhiều tháng ròng rã chịu nhiều gian khổ, thiếu thốn do đại dịch COVID-19.

Cũng trong ngày 9/10, Công an TP Đà Nẵng đã phối hợp với các đơn vị và cá nhận tặng 300 suất quà, mỗi suất 200 ngàn đồng cho người dân từ các tỉnh thành phía Nam về quê qua địa bàn Đà Nẵng. Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cũng trao tặng 2 xe máy mới để giúp 2 gia đình có phương tiện di chuyển đã cũ nát, không đảm bảo an toàn khi lưu thông kèm với khoản tiền mặt 2 triệu đồng/xe để người dân có thể làm thủ tục đăng ký xe tại quê nhà.

Thai phụ bị đau bụng “dọa” sinh non được cấp cứu và đưa về quê bằng ôtô

Lúc 15h ngày 9/10, thai phụ Đinh Thị Phương Anh cùng 4 thành viên trong gia đình đã được nhóm cộng đồng thiện nguyện tỉnh Quảng Ngãi sử dụng ôtô chở về quê ở thôn Cát Thành, xã Thành Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Trước đó, vào tối 6/10, nhóm cộng đồng thiện nguyện Quảng Ngãi đang tham gia hoạt động tiếp sức bà con trên đường về quê bằng xe máy thì phát hiện chị Phương Anh cùng gia đình đi xe máy từ TP Hồ Chí Minh về quê đến địa phận tỉnh Quảng Ngãi, do gặp mưa lớn nên trú dưới một hiên nhà dân; trong tình trạng chị này bị đau bụng thất thường và có dấu hiệu “dọa” sinh non. Nhóm cộng đồng thiện nguyện đã nhanh chóng đưa chị Phương Anh vào bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Quảng Ngãi để cấp cứu. Thời điểm nhập viện, thai phụ này mới mang thai được 35 tuần.

Nhóm PV
.
.
.