Trò chuyện chủ nhật

Cần sớm có khung pháp lý để chặn đứng các sàn ngoại hối trái phép

Chủ Nhật, 01/08/2021, 11:00

Hàng nghìn lá đơn tố cáo, hàng vạn nạn nhân tán gia bại sản chỉ vì mờ mắt trước giấc mơ giàu lên nhanh chóng mà không cần phải làm gì, chỉ cần bỏ tiền nhờ đầu tư hộ bởi các đối tượng lập ra cái gọi là “sàn đầu tư ngoại hối -forex”.

Dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần khuyến cáo, giới truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền nhưng danh sách nạn nhân vẫn ngày một nối dài và chưa có dấu hiệu dừng lại. Làm thế nào để nhận diện những sàn lừa đảo, ngăn chặn những nạn nhân mới sập bẫy trong khi hành lang pháp lý chưa đầy đủ?

PV Chuyên mục Trò chuyện chủ nhật của Báo CAND đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ (TS) Nguyễn Trí Hiếu, người đã có hàng chục năm kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính.               

PV: Thưa TS, vì sao các đối tượng lừa đảo vẫn có thể lừa được hàng nghìn hàng vạn nạn nhân, dù các thủ đoạn lừa đảo hầu như không mới?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Vì chúng đánh vào lòng tham. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh hoành hành hiện nay, các kênh đầu tư đều không mang lại nhiều lợi nhuận, nhất là kênh gửi tiết kiệm ngày càng thấp, nên nhiều người mong muốn tìm kênh đầu tư sinh lợi. Vì thế, những đối tượng lừa đảo đã lợi dụng điểm yếu này để câu nhử nạn nhân với lãi suất lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn phần trăm. Đã thế, chỉ việc bỏ tiền vào mà không phải làm gì, ngồi không tiền vẫn đổ về tài khoản. Để tạo lòng tin, những đối tượng này tổ chức các buổi học, tư vấn, tiệc tùng sang trọng, phô bày cuộc sống xa hoa khiến nhiều người mờ mắt. Mà người Việt dễ tin lắm, chỉ cần người đứng ra huy động, đưa ra những con số, biểu đồ, chạy tới chạy lui trong các phòng họp khách sạn hoành tráng là có thể “xuống tiền” ngay được, mà không biết rằng sân chơi đó là cạm bẫy của sự lừa đảo.

PV: Lỗi của nạn nhân thì đã rõ, và hậu quả thì hàng nghìn người đã gánh chịu, nhưng đâu phải dễ để “dắt mũi” hàng trăm nghìn người, thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Sở dĩ những đối tượng lừa đảo đầu tư này có thể thành công, là vì chúng biết lợi dụng vào xu hướng công nghệ thế giới như sử dụng mạng Internet làm phương tiện, những khái niệm công nghệ mới như blockchain, mã khối, lợi dụng sự biến động của tiền kỹ thuật số - mà chúng ta hay gọi dân dã là tiền ảo, để lừa đảo. Vì thế, không những sự tham lam, nhẹ dạ của nhiều người muốn làm giàu qua đêm, mà hình ảnh của "công nghệ" mới, của thời đại công nghệ 4.0 đã làm choáng ngợp nhiều người và làm họ trở thành những con mồi dễ dàng cho lừa đảo. Tôi phải nói người Việt rất nhẹ dạ và nhiều người trong số đó dễ bị mê hoặc trên mọi phương diện tài chính, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tham gia một cách mù quáng vào những sàn forex, tiền ảo chỉ là một biểu hiện rõ rệt nhất về sự nhẹ dạ của người Việt. Thực tế chứng minh phần lớn những người chấp nhận đầu tư ngoài việc không chế ngự được lòng tham, họ thường tin rằng “biết đâu mình không nằm trong số 99% người bị lừa, mà mình sẽ nằm trong số 1% người may mắn”. Song con số 1% may mắn đó không bao giờ tồn tại, thậm chí là 0% và đều là lừa đảo hết. Do vậy phải bỏ tâm lý biết đâu mình may mắn. Miếng pho-mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột!

Cần sớm có khung pháp lý để chặn đứng các sàn ngoại hối trái phép  -0
TS Nguyễn Trí Hiếu.  

PV: Là người hoạt động tài chính nhiều năm ở Mỹ và nhiều nước khác, ông có thể cho biết trên thế giới, có mô hình kiểu này không?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Ở Mỹ hay nhiều nước phát triển, hoạt động đầu tư forex không phổ biến đối với các nhà đầu tư cá nhân vì rủi ro cao. Phải các nhà đầu tư chuyên nghiệp, là những chuyên gia trong lĩnh vực ngoại hối mới đầu tư forex, trong đó chủ yếu là các ngân hàng, có các bộ phận về ngoại hối, nguồn vốn. Còn người dân gần như không bao giờ đổ tiền vào đầu tư forex. Còn ở Việt Nam thì ngược lại và đa số các sàn giao dịch forex quảng cáo là đến từ Anh, Pháp, Mỹ nhưng thực tế các sàn forex quốc tế chuyên nghiệp không dại gì vào khi biết đó là hoạt động bất hợp pháp tại Việt Nam.

PV: Vậy làm thế nào để nhận ra dấu hiệu lừa đảo, thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Không có mô hình kinh doanh đầu tư đúng nghĩa nào có thể sinh lãi 3-4%/ngày, tức cả ngàn phần trăm/năm. Các mô hình quảng cáo siêu lợi nhuận luôn có yếu tố lừa đảo, nhà đầu tư phải cẩn thận đề phòng. Thực tế, nếu lợi nhuận cao như vậy thì các công ty dễ dàng kêu gọi nhà đầu tư lớn hoặc tự mình đầu tư lớn để tự kiếm tiền, không bao giờ phải đi mời gọi các nhà đầu tư nhỏ lẻ qua mạng. Nếu đầu tư vào các hình thức như thế này chỉ vì tin lợi nhuận cao thì nhà đầu tư quá liều lĩnh.

Vấn đề quan trọng của người đầu tư là khi được chào mời lãi suất siêu khủng, họ phải hiểu xem tiền mà họ nhận được đó lấy từ đâu ra. Nếu người mời chào chỉ hứa rằng bỏ vào 300 triệu đồng lời 3.000 tỷ đồng mà không cho biết chi tiết cụ thể của cách thức đầu tư từ đâu đẻ ra số tiền lãi khủng như thế thì 110% là lừa đảo. Tôi cho rằng 100% dự án đa cấp tiền ảo tại Việt Nam nở rộ gần đây đều có dấu hiệu lừa đảo.

PV: Cho đến thời điểm này, tiền ảo vẫn chưa được thừa nhận, cũng như cơ quan chức năng chưa cấp phép cho các sàn forex được hoạt động. Nhưng rõ ràng, việc chậm trễ quản lý, không theo kịp thực tế cuộc sống đã gây ra nhiều hệ lụy. Theo ông, có vướng mắc gì ở đây?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý về tiền tệ truyền thống. Tiền ảo và forex lại không phải là tiền tệ truyền thống, nên có thể có sự lúng túng trong quá trình quản lý. Hơn nữa đây là phạm trù mới mẻ, ngay cả trên thế giới, cũng có nước công nhận, có nước không. Trong cuộc các mạng công nghiệp, Việt Nam lại đi sau thế giới, nên vẫn chưa đủ khả năng đưa ra một quy định phù hợp, và hệ lụy là sự bỏ ngỏ này tạo ra khoảng trống cho các đối tượng lừa đảo, sử dụng để rửa tiền, chuyển tiền xuyên quốc gia…

PV: Vậy để lấp khoảng trống pháp lý này, ông có đề xuất gì?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Về sàn forex, nên đưa ngay quy định cho nó hoạt động hay không, cấm hay không cấm. Nếu cấm thì sẽ xử lý về hình sự hay thương mại, có chế tài cụ thể để xử lý. Nếu cho hoạt động thì có được mua bán ngoại tệ liên quan đến tiền đồng hay không, mô hình tổ chức sàn như thế nào… Các sàn phải có giá để giao dịch, có vốn, trụ sở, ban điều hành minh bạch, có tài khoản tại ngân hàng để kiểm soát chặt. Trách nhiệm tùy thuộc vào Luật Doanh nghiệp, có những sai phạm có thể xử lý hành chính như đăng ký không đúng, hoạt động vượt giới hạn luật pháp cho phép, có những sai phạm có thể xử lý hình sự như mang tính lừa đảo, thông tin gian dối…

Về tiền ảo, liên quan đến vấn đề tiền tệ nên cần thận trọng. Tuy nhiên, theo tôi phải coi nó như một loại hàng hóa, sản phẩm trí tuệ nên không thể cản được. Nên cho phép nhưng phải có giới hạn và kiểm soát thật chặt: Ai được lập sàn giao dịch tiền ảo, lĩnh vực nào được sử dụng; coi như một công ty tài chính về tiền kỹ thuật số khi có người điều hành, có vốn điều lệ, có pháp nhân…

Tôi được biết năm 2019 đã từng có dự thảo về chương trình thử nghiệm quản lý tiền ảo và sàn forex, tuy nhiên, nó đang bị “kẹt” ở đâu đó nên chưa thể có hiệu lực. Theo tôi, trong thời điểm này, ưu tiên chống dịch là cao nhất nhưng cũng không thể bỏ bê những việc quan trọng khác. Phải sớm có quy định pháp luật, không để mất kiểm soát như bây giờ, vì nó đang tạo ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Dịch bệnh là tiêu cực, nhưng nó cũng đang giúp thúc đẩy nền kinh tế số, và chúng ta cần nắm lấy cơ hội này để phát triển, vì thực tế chính những kẻ lừa đảo đang nắm lấy cơ hội này rất tốt để bành trướng.

PV: Trở lại với các nhà đầu tư, trong khi chưa có hành hang pháp lý, họ cần phải làm gì để tránh mắc bẫy lừa?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Phải tỉnh táo để nhận diện các dấu hiệu lừa đảo. Các đối tượng kêu gọi nhà đầu tư góp vốn vào một lĩnh vực tiềm năng nào đó nhưng thường khiến nhà đầu tư không hiểu. Thậm chí với cả người có chuyên môn cũng sẽ không hiểu do cách trình bày phức tạp hóa vấn đề.

Thứ hai, tổ chức các buổi roadshow hoành tráng với sự có mặt của các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng; đồng thời úp mở đánh lận trắng đen rằng những người nổi tiếng, có địa vị trong xã hội cũng tham gia dự án chung với họ. Bên ngoài thì thuê siêu xe đậu đầy đường để mọi người tập trung selfie PR... Nhưng quan trọng là phải tiết chế được lòng tham. Chỉ khi nào không còn những ảo tưởng vào sự giàu lên nhanh chóng, không còn những mơ mộng "tỷ phú chỉ sau một đêm", khi đó những sàn ngoại hối trái phép mới thực sự không còn đất sống.

PV: Vậy với những nạn nhân, có cách gì giúp họ đòi được tiền đã mất?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi là không thể vì không có khung pháp lý thì rất khó để áp dụng. Chính điều này đang làm khó lực lượng Công an: Họ nhận đơn tố cáo, thực hiện điều tra nhưng không thể đi xa hơn công tác tuyên truyền người dân, nhắc nhở cảnh cáo kẻ vi phạm, vì không có chế tài để xét xử trước tòa cũng như bắt giữ người. Vì thế, cần phải sớm có khung pháp lý để chặn những tiêu cực này lại, chặn để không có thêm các nạn nhân mới.

Ngoài ra, để bài trừ những hành động lừa đảo tài chính này, thì những biện pháp kiểm soát và xử lý của các cơ quan quản lý là không đủ. Chúng ta phải nhắm đến một chương trình giáo dục quần chúng về tài chính để người dân hiểu rõ về các công cụ tài chính, và từ đó xây dựng một kế hoạch tài chính cho riêng mình, thay vì lao đầu vào những kiểu đầu tư viển vông, thậm chí bất hợp pháp. Tôi vẫn nhấn mạnh, ngay cả khi hành lang pháp lý được siết chặt, nếu không kiểm soát được lòng tham, nhà đầu tư vẫn có thể dễ dàng sập bẫy.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà An (thực hiện)
.
.
.