Tìm ra nguyên nhân tiêu chết hàng loạt ở Bình Phước

Thứ Tư, 18/04/2018, 09:47
Ngày 17-4, tin từ UBND huyện biên giới Bù Gia Mập (Bình Phước) – địa phương giáp Vương quốc Campuchia cho biết, gần đây người nông dân trồng tiêu ở xã Đắk Ơ điêu đứng vì tiêu chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân.


Gia đình ông Vũ Đình Môn, thôn 10, xã Đắk Ơ có 2.400 trụ tiêu 12 năm tuổi. Đến nay trên 1.500 trụ đã chết và vẫn tiếp tục lan rộng. Trước hiện tượng tiêu chết hàng loạt gia đình ông Môn cùng một số hộ dân trong vùng đã mời chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp đến xem xét, chữa trị tại vườn nhưng bệnh vẫn không giảm.

Nhiều diện tích tiêu chết hàng loạt khiến người dân xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập điêu đứng .

Cách vườn tiêu ông Môn không xa, gia đình bà Nguyễn Thị Thay có 1.400 trụ tiêu nhưng gần đây bỗng dưng bị rũ lá và rụng từ ngọn đến gốc, sau đó lan nhanh toàn vườn, đến nay đã làm thiệt hại hơn 1.000 trụ.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng huyện, đến nay xã Đắk Ơ đã có hơn 143ha tiêu chết. Trước thực trạng đó, huyện Bù Gia Mập đã đề nghị cấp trên xem xét hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và các hộ cận nghèo bị ảnh hưởng do tiêu chết. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng lấy mẫu phân tích tìm ra nguyên nhân để có biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho bà con.

Cơ quan chức năng huyện Bù Gia Mập, cho biết nguyên nhân làm tiêu chết là do trong thời điểm giá tiêu tăng cao đột biến, bà con trồng ồ ạt và chăm sóc không đúng kỹ thuật, không phù hợp với sự phát triển, sinh trưởng của cây tiêu. 

Đặc biệt, năm vừa qua do thời tiết mưa quá nhiều, nước không thoát kịp làm rễ tiêu bị ngập úng dẫn đến thối rễ khi chuyển mùa. Ngoài ra do mưa nhiều, độ ẩm trong không khí cao, đó là môi trường tốt tạo điều kiện cho dịch bệnh, nấm bệnh bùng phát lay lan nhanh, làm tiêu chết hàng loạt.

Ông Phan Văn Hà, Phó Trạm Khuyến nông huyện Bù Gia Mập, cho biết, trước hiện tượng tiêu chết hàng loạt, cán bộ Trạm đã khảo sát thực tế, sau đó tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn tiêu, mặt khác khuyến cáo bà con có những biện pháp chăm sóc khi cây tiêu đã bị nhiễm bệnh; chăm sóc đúng kỹ thuật, dùng đúng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. 

“Bà con cần xử lý đất, khi đất trồng tiêu đã bệnh rồi thì cần phải xử lý đất từ 1 đến 2 năm mới trồng lại được. Đối với những cây chết thì bà con cần phải thu gom lại và đào cả gốc rễ mang ra ngoài vườn để đốt, tiêu hủy tránh lây lan cây bên cạnh. Khi bà con đào gốc xong cần kết hợp bón vôi, rắc vôi xung quanh để xử lý nấm bệnh. Còn những vườn chết trắng thì bà con vệ sinh hết tàn dư tiêu chứa mầm mống bệnh”, ông Hà nói.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, tỉnh hiện có 17.178ha tiêu (vượt hơn 2.000ha so với quy hoạch). 

Gần đây, năng suất hồ tiêu của Bình Phước tăng không đáng kể, đạt 28,14 tạ/ha, sản lượng đạt 25.326 tấn, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2017 (giảm 8.442 tấn). 

Nguyên nhân do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết, sâu bệnh nên tiêu chết nhiều. 

Giá thu mua tiêu tại các đại lý trên địa bàn tỉnh Bình Phước ngày 17-4, từ 55.000 – 60.000 đồng/kg, tùy loại. 

Đức Trí
.
.
.