Tiền Giang - Bến Tre - Sóc Trăng rà soát, chủ động ứng phó với bão

Chủ Nhật, 25/11/2018, 09:15
Sáng 25-11, trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cùng lực lượng chức năng đã kiểm tra các bến phà, nơi neo tàu thuyền tại các huyện ven biển như: thị xã Gò Công, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và huyện Chợ Gạo.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến của bão, rà soát lại các phương án để chủ động ứng phó kịp thời với cơn bão số 9. Trong sáng nay, tại các huyện ven biển Tiền Giang trời mưa nhẹ, nhiều nơi gió thổi mạnh.

Tại huyện Tân Phú Đông, từ tối hôm qua, chính quyền địa phương đã yêu cầu ngưng hoạt động tại các bến đò, bến phà để đảm bảo an toàn cho người dân. Huyện Tân Phú Đông đã sơ tán 3.139 người ngoài đê đến nơi tránh, trú an toàn và chằng chống 687 căn nhà thô sơ. Lãnh đạo huyện Tân Phú Đông cũng đến thăm hỏi, các hộ dân sơ tán tránh bão tại xã Phú Tân.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng kiểm tra công tác tại các huyện ven biển vào sáng 25-11. 

Trong tối 24-11, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đã trực tiếp kiểm tra thực tế tại các nơi tài neo tránh bão, khu vực người dân sơ tán. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền đến kiểm tra nơi ăn, ở khu tránh, trú bão tại Trạm Y tế xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) và thăm hỏi, động viên người dân trong những ngày tránh, trú bão.

Người dân tránh, trú bão tại trụ sở UBND xã Phú Tân (huyện Gò Công Đông).

Huyện Gò Công Đông đã kêu gọi 860 phương tiện vào bờ hoặc tránh ra vùng nguy hiểm, 640 nhà được chằng chống, 1.240 hộ dân ngoài đê được sơ tán đến nơi an toàn. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã kiểm tra tại nơi neo tàu tránh bão ở xã Tân Thành và khu trú bão Cần Lộc (thị trấn Vàm Láng)…

Tại Bến Tre: Mưa bắt đầu lớn dần, kèm theo gió mạnh

Ghi nhận tại tỉnh Bến Tre, sáng 25-11 bắt đầu xuất hiện mưa lớn, gió mạnh dần lên, trời âm u. Riêng tại các vùng ven biển gió khá mạnh, xuất hiện dông một vài nơi. Theo báo cáo của Đài khí tượng thủy văn Bến Tre, hồi 4h ngày 25-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,1 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, cách Vũng Tàu khoảng 60km, cách Bến Tre 110km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km, bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão. 

Tại vùng biển Bến Tre, do ảnh hưởng của bão số 9, có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10,  giật cấp 12-13. Biển động rất mạnh. Có mưa rào và giông.  Tại vùng ven biển Bến Tre (ven biển các huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại) đề phòng khả năng có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. 

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng thăm hỏi, động viên người dân đang tránh, trú bão.

Trong mưa giông nguy cơ xảy ra gió giật mạnh và lốc xoáy. Từ giờ đến hết ngày 26-11 có mưa, rải rác có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có giông tập trung ngày 25-11; cần đề phòng gió giật mạnh và lốc xoáy. Lượng mưa đợt này khoảng 30-70mm.

Mọi công tác ứng phó với bão số 9 tại Bến Tre đã hoàn tất. Tại ba huyện ven biển của tỉnh Bến Tre (Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú) đã tiến hành di dời, sơ tán 24.000 hộ dân đến nơi an toàn; trong đó vận động di dời 20.315 người có nơi ở không an toàn đến khu vực an toàn tại khu tránh trú bão và 4.184 người được hỗ trợ sơ tán. Tính đến tối 24-11, lực lượng chức năng trong tỉnh đã liên lạc tổng số 3.106 phương tiện hoạt động trên biển, với 17.536 người. Hiện tại, có 1.246 phương tiện đang neo đậu tại khu vực an toàn.

Đồng thời, tỉnh cũng quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; tạm ngưng hoạt động đối với bến phà, bến đò ngang, đò dọc, đò du lịch... kể từ 17h, ngày 24-11; chỉ đạo cho học sinh các cấp, sinh viên được nghỉ học từ 13h, ngày 24-11 để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên tại các trường trên địa bàn; tạm ngưng hoạt động đối với các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, nhất là đối với các khu du lịch ven biển, ven sông, các cồn...

Tại Sóc Trăng, ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, địa phương chưa tổ chức sơ tán dân. Tuy nhiên, nếu bão chuyển hướng bất ngờ và Sóc Trăng ảnh hưởng bão số 9 thì tỉnh sẽ sơ tán hàng chục nghìn người dân ở các huyện Cù Lao Dung, Trần Đề, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu. Các phường, xã ven biển đã thành lập đội cơ động - xung kích. 

Tàu cá của các tỉnh vào trú bão tại cảng Trần Đề (Sóc Trăng). 

Lực lượng Quân đội, Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Sóc Trăng cũng đã huy động lực lượng ứng trực, sẵn sàng tới các địa bàn xung yếu, thực hiện các biện pháp di dời nhân dân đến các khu vực an toàn. Đồng thời giữ vững thông tin liên lạc thông suốt, sẵn sàng lực lượng ứng cứu giao thông, cấp phát lương thực, thực phẩm, vận chuyển, cứu chữa nạn nhân và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn khi có bão đổ bộ vào. 

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã chỉ đạo các cấp ngành, địa phương theo dõi, cập nhật thông tin và nắm chắc diễn biến tình hình bão thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền rộng rãi, bảo đảm an toàn về người và của, sẵn sàng tham gia ứng phó với bão số 9 trong mọi tình huống.

Các tàu cá đã được neo đậu cẩn thận. 

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho biết, ở thị xã ven biển này trời âm u, có mưa rào nhẹ. Hiện, cán bộ phòng chống bão đã trực tiếp đến các xã, phường để kiểm tra tình hình phòng chống bão. Các xã, phường đều thành lập đội cơ động - xung kích để hỗ trợ dân trong việc phòng chống bão. Các trạm chuyên môn đưa ra giải pháp và khuyến cáo về hỗ trợ kỹ thuật cho người dân sản xuất trong tình hình mưa bão, đặc biệt là hành sớm, lúa và tôm chuẩn bị thu hoạch. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không thả tôm và xuống giống rau màu trong thời gian mưa bão.

Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thị xã Vĩnh Châu đã chỉ đạo cho các xã, phường kết hợp cùng các Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, Vĩnh Châu, Lai Hòa thông báo cho chủ phương tiện tàu thuyền biết về diễn biến của bão số 9 để chủ động các phương án tránh, trú phù hợp. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản đối với các hoạt động trên biển...

Do giông lốc có thể xảy ra nên người dân và cơ quan chức năng ở huyện, thị ven biển phải chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, bệnh viện, trường học, các công trình công cộng. Sẵn sàng lực lượng phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. 

Ông Lưu Hữu Danh, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề cho biết: Thời tiết trưa ngày 25-11 ở địa phương vẫn bình thường. Hầu hết ngư dân đều đã đưa tàu vào nơi tránh trú bão, trong đó bà con chủ yếu đưa tàu thuyền vào Côn Đảo. 

Tàu cao tốc Superdong Trần Đề - Côn Đảo và ngược lại, đang neo đậu tại cảng Trần Đề (Sóc Trăng). 

Còn tại khu vực neo đậu tàu khu vực Cảng cá Trần Đề, hiện lực lượng chức năng đã bố trí tàu vào các khu vực tránh trú bão an toàn được 146 tàu xa bờ và trên 400 tàu gần bờ; điều động tàu vào những khu vực luồng lạch ven sông Hậu trú tránh, một số tàu thuyền các địa phương khác cũng được kêu gọi vào cảng và khu trú tránh, nghiêm cấm không cho tàu nào đã vào bờ được xuất bến cho đến khi có thông báo an toàn, hết bão số 9. 

Do ảnh hưởng của bão số 9 nên ba ngày vừa qua, tất cả các chuyến tàu cao tốc Sóc Trăng đi Côn Đảo và ngược lại của Công ty Superdong Kiên Giang cũng ngừng hoạt động. Với những hành khách đã đặt vé trước, Công ty chủ động liên hệ với khách thông báo diễn biến thời tiết đến hành khách, khi nào thời tiết ổn định, được phép của cơ quan chức năng sẽ thông báo cho hành khách biết để lên đường. Hoặc có thể hành khách đổi chuyến vào những ngày khác.


Văn Vĩnh - Trần Lĩnh -Đ.Văn-C.Xuân
.
.
.