Bình yên một vùng quê

Thứ Hai, 04/02/2019, 12:49
Tháng cuối năm, chúng tôi có dịp về thăm xã Đông Phương (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) - xã đầu tiên của huyện được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”.


Con đường nhựa bằng phẳng dẫn vào Trung tâm xã chạy song song với con kênh nhỏ, hai bên là nhà xây san sát, tầng một đều có một cửa hiệu bán các mặt hàng, từ nông sản, hải sản đến tạp hóa, cho dù xã có chợ họp hằng ngày trên khuôn viên 7.000m2.

Tôi quan sát kỹ các biển quảng cáo mặt hàng cần đáp ứng nhu cầu nhân dân, nhưng tuyệt nhiên không có quán Internet và karaoke! Hiểu sự quan tâm của tôi, Chủ tịch xã Đông Phương Phạm Minh Cảnh giải thích: Đã mấy năm rồi, bà con tán thành và ủng hộ quy định “3 không”: không mở quán Internet (nhằm ngăn ngừa các cháu chỉ vùi đầu vào “chát” trên mạng); không mở quán karaoke (nhằm khắc phục hiện tượng gây ồn ào về khuya, đồng thời quản lý giờ tự học các cháu); không cờ bạc, ma túy (một tệ nạn gây hệ lụy tiêu cực khó lường cho các gia đình có cháu, con nghiện ngập).

Anh Cảnh lý giải rõ thêm chủ trương này: đề ra như vậy, không có nghĩa là triệt tiêu các gia đình dùng Internet và hát karaoke, mà muốn đề cao trách nhiệm của gia đình quản lý chặt chẽ các cháu về giờ giấc và phạm vi sử dụng.

Xã Đông Phương nhìn từ trên cao. Ảnh: Lã Quý Hưng

Đi sâu tìm hiểu kết quả phong trào xây dựng nông thôn mới ở Đông Phương, tôi càng thấu hiểu ý nghĩa sự bình yên này ở mỗi gia đình, mỗi ngõ xóm bắt nguồn từ chủ trương “3 không”, đang tạo thêm cơ sở để nảy nở các phong trào thi đua, khơi dậy sự náo nức, ý thức tự nguyện làm những việc có ích cho cộng đồng, như “hiến đất mở đường”, “góp đất làm đường giao thông đồng ruộng”, “chung tay xây dựng và làm đẹp trường học, nhà văn hóa”…

Đến tháng 6-2014, xã đã hoàn thành xây dựng 100% các tuyến đường liên xã, liên thôn, liên xóm, liên đồng ruộng với chiều dài hơn 40km. Sân thể thao xã rộng hơn 10.000m2; hệ thống trường học, hồ trung tâm, nhà bia tưởng niệm liệt sĩ… được quy hoạch khoa học. 7/7 thôn của xã có nhà văn hóa đạt chuẩn. Từ năm 2011 đến 2014, nhân dân đã hiến hơn 20 ngàn mét vuông đất để mở đường giao thông, tự nguyện dỡ bỏ các tường bao, cổng, công trình phụ để mặt đường thoáng rộng…

“Thế còn kinh tế ra sao?” - tôi hỏi. Chủ tịch cười sôi nổi: “Xin được tâm sự lòng vòng một chút. Ấy là ở một xã vốn thuần nông, với số dân gần một vạn người, xưa thuộc vùng chiêm trũng, mà đất trồng lúa chỉ có 482ha, vì vậy sau khi thu hoạch mùa màng, hàng ngàn người đã vào Tây Nguyên, Bình Phước tìm kế sinh nhai. 

Hiện nay, ở Bình Phước, đã hình thành “làng Đông Phương” với hàng trăm khẩu. Thực trạng đó đã thôi thúc lãnh đạo xã phải tìm cách tái cơ cấu nông nghiệp.

Nói thì dễ, nhưng bắt tay triển khai thì không đơn giản chút nào. Đã có năm, xã liên kết với một doanh nghiệp tổ chức xây dựng vùng chuyên canh trồng các loại ớt. Đến mùa thu hoạch, ớt xanh, ớt đỏ, ớt vàng trĩu quả, nhìn mát mắt, nhưng tiêu thụ rất khó khăn vì giá bèo bọt.

Mấy năm nay, để giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động dôi dư, xã tạo điều kiện về đất đai cho các nhà doanh nghiệp mở công ty sản xuất giày và công ty may xuất khẩu. Nhờ vậy, cơ cấu kinh tế có sự thay đổi đáng kể: công nghiệp - xây dựng 51%; nông nghiệp 32,5%; thương mại - dịch vụ 16,5% (trước năm 2010 cơ cấu là 3-5-2). Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 38,8 triệu đồng, tăng 4 lần so với năm 2010”.

Nghe anh đọc vanh vách những con số (cả từ số lẻ), tôi nể phục một cán bộ xuất thân từ người lính, xuất ngũ về xã, lúc đầu tham gia công tác Đoàn thanh niên; sau được tín nhiệm bầu vào Ban Thường vụ Đảng ủy xã, rồi quyền Bí thư Đảng ủy; nay khóa thứ 2 làm Chủ tịch UBND xã. Với bề dày trải nghiệm ấy, anh được bà con và Đảng bộ gửi gắm tin yêu.

Cùng với tập thể Ban Chấp hành, anh đề xuất nhiều chủ trương, nhiều phương châm hành động thiết thực, hiện đang đi vào cuộc sống, như “Ba thật sự”: Tuyên truyền sâu rộng thật sự; dân chủ, minh bạch thật sự; giữ vững kỷ cương thật sự (sở dĩ phải nhấn từ thật sự vì những năm trước đó đã nêu nhưng nặng về hình thức, đảng viên và nhân dân yêu cầu phải làm thực chất, khắc phục bệnh “nói suông”). 

Hoặc khi triển khai công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết TW 4, khóa 12, tập thể Đảng bộ xã nhất trí nhấn mạnh chủ trương phấn đấu đạt “5 có” đối với mỗi cán bộ, đảng viên: có tâm huyết, có trách nhiệm, có năng lực, có chủ động, có sáng tạo.

Liên tục trong nhiều năm qua, xã đạt danh hiệu “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh” nhờ chủ trương sát hợp thực tiễn, được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ; trong đó vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên quyết định việc tập hợp, lôi cuốn các tổ chức đoàn thể và nhân dân tự giác thực thi có kết quả mọi chủ trương, chính sách.

Không khí hăng say lao động của công nhân tại các nhà máy ở vùng quê xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Chúng tôi ghé thăm Công ty sản xuất giày xuất khẩu Mậu Phúc hiện có hơn 400 công nhân và Công ty may xuất khẩu Đạt Đăng với 360 lao động. Thật thú vị khi hai anh em ruột Phan Hồng Lợi, 40 tuổi và Phan Bá Huy, 36 tuổi, người xã Đông Phương, đã chung lưng đấu cật mở Công ty Đạt Đăng. Cách đây gần mười năm, cũng trong dòng người đi vào Tây Nguyên, Sài Gòn tìm công ăn việc làm, Lợi đã tích lũy được một số vốn liếng và quyết định về quê cùng em ruột mở công ty này.

Được lãnh đạo xã ủng hộ, tạo điều kiện, Lợi và Huy thuê 400m2 đất để mở xưởng may quần áo thể thao mùa đông xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, đã đạt hiệu quả ban dầu. Lương công nhân bình quân đạt từ 5 triệu đến 5 triệu rưỡi/tháng (mức lương như Công ty Mậu Phúc gần bên).

Lợi cho biết, sang năm 2019, sẽ mở rộng thêm 400m2 nhà xưởng và thu nhận gấp đôi số công nhân (đa số là người xã Đông Phương). Hai anh em còn có phương án đào ao, trồng rau sạch để chủ động cung cấp thực phẩm cho người lao động.

Tôi hỏi chị Vy: “Làm việc ở Công ty có ổn không?”. Chị vui vẻ kể: “Nhà em có 5 người, gồm 2 vợ chồng và 3 cháu. Cả nhà nhận cấy một mẫu ruộng, như vậy thu hoạch từ lúa và từ nghề may, đã có của ăn, của để. Ba cháu có điều kiện học hành đến nơi, đến chốn vì vợ chồng luôn ở bên quan tâm động viên, kèm cặp, chỉ bảo”.

Vậy là, phương châm “ly nông bất ly hương” đang là hiện thực sống động ở vùng quê lúa Đông Phương. Chiều xuống, tốp thợ xây vẫn hối hả đẩy nhanh giai đoạn hoàn thiện trụ sở UBND xã ba tầng, được xây từ vốn tự tạo, chuẩn bị cơ sở vật chất cho Đại hội Đảng bộ xã trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ XIII.

Niềm vui lan truyền sang chúng tôi khi biết xã đã thanh toán xong vốn vợ đọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng từ năm 2016. Xây trụ sở và hoàn thiện Trung tâm văn hóa xã xong, Đông Phương sẽ tiến hành kè hai bờ kênh nhằm bảo đảm mỹ quan và môi trường sạch sẽ trên con đường chạy dọc xã. Tôi càng thấu hiểu mục tiêu “bình yên cuộc sống” chỉ được tạo dựng từ tổng hợp các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh… , mà thực tiễn Đông Phương đã và đang đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệp quý trong xây dựng nông thôn mới.

Thái Bình, tháng 12-2018

Ghi chép của Nguyễn Hồng Vinh
.
.
.