SOS! Sau lễ hội lại ngập... rác

Thứ Sáu, 04/01/2019, 09:01
Hình ảnh xung quanh hồ Gươm ngập rác, những cây cúc vạn thọ bị giẫm tơi bời, vạt hoa lan ý bị xoá sổ sau lễ hội đếm ngược chào mừng năm 2019 mà buồn. Buồn hơn nữa, đây chẳng phải lần đầu tiên cảnh này diễn ra ở Hà Nội. Và ở TP HCM, rác cũng ngập ngụa sau đêm hội ở đường hoa Nguyễn Huệ.


1.Chiều 31-12, chọn khoảng thời gian gần cuối cùng của năm cũ và cũng để tránh cảnh quá đông người, tôi cùng con tham gia coundown (đếm ngược) sớm. Do đúng đợt nghỉ lễ dài nên đường Hà Nội vắng tanh, mẹ con tôi là hai vị khách trên chuyến xe bus đến bến cuối cùng là phố Trần Nhật Duật. Xuống xe, chúng tôi thảnh thơi đi bộ qua phố Trần Hưng Đạo – Lê Thánh Tông – Phan Chu Trinh – Tràng Tiền…, đúng là trái tim Hà Nội nên nơi đây không khí hội hè tràn ngập.

 Trên sân khấu ngoài trời tại quảng trường Cách mạng tháng Tám, các nghệ sỹ đang rap nhạc – Những bản nhạc sôi động cùng phong cách biểu diễn tươi trẻ tạo nên khí thế thật cuồng nhiệt. Cách đấy không xa, tại tượng đài Lê Thái Tổ trên phố Đinh Tiên Hoàng cũng có một sân khấu ngoài trời rất hoành tráng được dựng lên để phục vụ khán giả trong khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ 2018 và năm mới 2019.

Không gian lễ hội khu vực hồ Gươm ngày này còn được trang hoàng bằng những bồn hoa, vườn hoa nhỏ, thảm hoa đủ sắc màu.

Hình ảnh hồ Gươm ngày cuối cùng của năm cũ thật lung linh cùng cảm nhận về thái độ ứng xử văn minh khi tham gia lễ hội của mọi người sẽ đọng lại trong tôi nếu như sáng 1-1, trên báo chí, facebook không tràn ngập những bài viết, lời phàn nàn về… rác sau lễ hội. Rác ngập mặt đường lớn, lối đi nhỏ. Rác ở đây là vỏ đựng đồ ăn, đồ uống, đồ chơi… 

Những thứ rác này, nếu vì quá đông người mà không thể tìm ra thùng rác (hoặc thùng rác bị quá tải) thì vẫn có thế cho vào túi để mang về và cho vào sọt rác ở nhà. Thế nhưng, những người đi chơi lễ hội (đa số là người trẻ) lại thẳng tay vứt nó xuống chân mình?! Mà nào chỉ vứt rác, những vạt hoa đẹp thế, tươi thắm thế mà họ vẫn nỡ bước vào, nỡ giẫm nát? 

Nhìn cái ảnh, 2 hai chị công nhân đứng bên cạnh vạt hoa mà cũng không cản nổi việc người ta “không được giẫm lên hoa” tôi thấy thật đau lòng. Để có một chỗ đứng tốt nhìn lên sân khấu, những người “yêu nghệ thuật” đã bấp chấp mà giẫm đạp lên cái đẹp ngay dưới chân mình!

Kết thúc lễ hội đếm ngược, chị công nhân vệ sinh sẽ thức thâu đêm dọn rác để ngày đầu tiên của năm mới, mọi người ra đường sẽ thấy phong quang sạch đẹp. Còn chị công nhân cây xanh thì sẽ gắng sức gượng dậy những cây cúc vạn thọ bị gẫy giập, trồng những cây hoa mới vào vạt hoa đã “biến mất”. Nhưng còn cái tình trạng sau lễ hội ngập… rác, là tàn phá hoa thì bao giờ mới hết?

2. Ở thành phố Hồ Chí Minh, sau lễ hội đếm ngược, có một nhóm thanh niên tình nguyện đã dọn rác cùng các chị công nhân đến 2h sáng. Họ nhặt rác bằng tay không. Việc làm của họ được truyền thông phát hiện và đăng tải. Thông điệp của họ về ý thức không được xả rác, bảo vệ môi trường được truyền đi. Hy vọng, câu chuyện của họ sẽ tác động đến những người đã xả rác đêm qua.

Câu chuyện của những bạn trẻ này khiến tôi nhớ đến hành động của các cổ động viên Nhật Bản trong mùa World Cup vừa qua. Đội bóng của họ đã thua, nhưng sau trận thua của đội nhà, họ đã ở lại nhặt rác trên sân vận động. Ôi! Hành động ấy đẹp biết bao.

Chúng ta – Đặc biệt là những người tham gia lễ hội sẽ thật đẹp khi chỉ cần nhét cái vỏ kẹo vào túi, cầm vỏ chai trên tay và chỉ xả rác đúng chỗ. Còn với hoa ư? Chỉ cần chúng ta thuộc nằm lòng câu mà ông bà ta đã dạy “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” là sẽ không nỡ giẫm lên hoa. Và khi ấy, sau lễ hội, những cảnh sắc tươi đẹp không những không bị tàn phá mà còn được nâng niu, gìn giữ để mọi người cùng thưởng ngoạn.

Cao Hồng
.
.
.