Nỗ lực hồi sinh chợ nổi Ngã Bảy

Thứ Bảy, 06/06/2015, 10:19
Chợ nổi Ngã Bảy (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) nằm trên sông Cái Côn từ khi được dời về kênh Ba Ngàn không còn nhộn nhịp khách thương hồ. Bên cạnh đó, việc khai thác du lịch từ chợ nổi rất thưa vắng khách. Trước tình hình này, tỉnh Hậu Giang đã có chủ trương khôi phục lại chợ nổi có lịch sử hình thành gần 100 năm này.

Từ năm 1903-1914, người Pháp cho đào 7 con kênh xáng trên nhiều nhánh sông rẽ mỗi hướng. Chợ nổi Ngã Bảy (còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp) nằm ngay điểm giao nhau của 7 con kênh này. Nơi đây hình thành đầu mối giao thông thuỷ lớn nhất Nam Kỳ.

Thương hồ mua bán trên chợ nổi Ngã Bảy.

Theo đề tài nghiên cứu về chợ nổi Ngã Bảy của ông Bạch Nhật Trường, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, ngay khi hình thành, chợ nổi Ngã Bảy đã cho thấy tính hiệu quả của một phương thức giao thương mới. Lần hồi, từ cung cách mua bán thô sơ, qua sự lớn mạnh và cạnh tranh của thị trường, phương thức giao thương trên sông hoàn thiện dần với những sáng tạo độc đáo.

Sau khi các kênh được đào, những tàu, đò đi từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đến Nam kỳ lục tỉnh từ ngã Vàm Tấn (Đại Ngãi) theo sông Hậu như trước đây, nay dịch chuyển theo kinh Sóc Trăng hoặc kinh Quản Lộ qua Ngã Bảy. Tuy nhiên, vào năm 2002, do vấn đề về an toàn giao thông đường thuỷ nên ngành chức năng đã cho dời chợ nổi Ngã Bảy từ đoạn sông Cái Côn về kênh Ba Ngàn, cách vị trí cũ 3km.

Ông Trường cho biết: “Từ khi dời chợ nổi về kênh Ba Ngàn thì chợ nổi càng suy tàn, đìu hiu. Nhiều khách thương hồ đã từng một thời gắn bó nay cũng phải ra đi tìm cho mình một không gian mua bán mới. Chợ nổi bây giờ không còn sung túc như ngày xưa nữa, thu nhập kiếm được từ việc mua bán cũng khá bấp bênh, không ổn định, không đảm bảo cuộc sống cho gia đình”. Chính vì vậy, chợ nổi Ngã Bảy ngày càng thưa vắng không thu hút khách du lịch. Từ đó, các chương trình tour tham quan chợ nổi Ngã Bảy của các công ty du lịch cũng phải hủy bỏ.

Theo dự báo của các công ty du lịch, nếu tình trạng trên còn kéo dài thì trong một tương lai gần, chợ nổi Ngã Bảy sẽ bị “xóa sổ”. Ông Nguyễn Hoà Duy, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Ngã Bảy ngao ngán: “Bây giờ chợ nổi Ngã Bảy chỉ hoạt động từ 2-5 giờ sáng nên rất khó làm du lịch”. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Hậu Giang vừa phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy gắn với du lịch sông nước miệt vườn do UBND thị xã Ngã Bảy làm chủ đầu tư.

Theo ông Duy, UBND thị xã đã giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chủ trì công trình trên. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 35 tỉ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 3 ha với các hạng mục như: đường đi quanh chợ nổi, vỉa hè, kè sông cặp chợ nổi, bến tàu khách du lịch, hệ thống cấp điện, chiếu sáng, cấp thoát nước… Thời gian thi công 1 năm. Theo dự án này thì chợ nổi Ngã Bảy một lần nữa được di dời tới vị trí mới, nằm giữa cầu Phụng Hiệp và cầu Rạch Côn (bắc qua sông Cái Côn).

Ông Trịnh Quang Hưng, Bí thư Thị uỷ Ngã Bảy khẳng định: “Việc di dời chợ nổi Ngã Bảy là một động thái để khôi phục lại chợ nổi đã có lịch sử 100 năm này. Hiện mới chỉ xây dựng hạ tầng trên bờ. Sắp tới, chúng tôi sẽ kêu gọi đầu tư, xã hội hoá nhiều dịch vụ trên bờ, dưới sông và đi kèm với du lịch sinh thái miệt vườn, thu hút khách du lịch về Hậu Giang”.

Chợ nổi Ngã Bảy là một trong 7 chợ nổi lớn tại ĐBSCL, bên cạnh chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long), chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), chợ nổi Cà Mau (Cà Mau). Khi biết tin chợ nổi sắp được khôi phục, ông Lê Thành Tâm (60 tuổi), người dân sống lâu năm tại thị xã Ngã Bảy, hồ hởi: “Tôi có mấy đứa cháu ở xa lâu lâu về chơi, tụi nó muốn đi chợ nổi nhưng tầm 5 giờ sáng là chợ đã tan. Nghe nói chợ nổi sắp dời về ngay trung tâm thị xã hay biết mấy. Nó không chỉ cho du khách phương xa thưởng thức cảnh buôn bán trên sông có một không hai, mà làm cho thị xã Ngã Bảy ngày càng sôi động hơn với các dịch vụ ăn theo”.

Ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, việc đầu tư dự án bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy nhằm tái hiện lại không gian chợ nổi “trên bến dưới thuyền” và đẩy mạnh phát triển du lịch Hậu Giang theo hướng du lịch xanh.

Văn Vĩnh - Như Anh
.
.
.