Những lão bà “vác tù và hàng tổng”

Thứ Năm, 18/08/2016, 08:52
Đều đã vào độ tuổi xưa nay hiếm nhưng họ vẫn bền bỉ công việc “vác tù và hàng tổng” như mọi người vẫn nói vui, đó là tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo. Tóc đã điểm bạc, tuổi không còn trẻ, sức không còn khỏe, họ vẫn luôn tất bật với những chuyến đi đến các miền quê trong nhiều năm qua để giúp đỡ bà con…

Trụ sở Trung tâm Tư vấn pháp luật dành cho người nghèo và Hỗ trợ cộng đồng (thuộc Hội Luật gia Việt Nam) nằm khiêm nhường trên con phố Nguyễn Thượng Hiền (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Những người làm việc ở đây cũng vậy, lặng thầm và tận tụy với công việc thiện nguyện. 

Từ ngày 20-7-2004, Trung tâm được thành lập, những người phụ nữ vừa đến tuổi nghỉ hưu, rời vị trí công tác, họ bắt tay gây dựng trung tâm trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn về mọi mặt... Tính đến nay, họ chưa từng có một ngày nghỉ hưu đúng nghĩa. 

Những ngày đầu, Trung tâm chỉ có chức năng tư vấn pháp luật miễn phí tại chỗ cho người nghèo và các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, chưa có hoạt động tư vấn lưu động như bây giờ. 

Bà Nguyễn Thị Bích Nga (bìa trái), thành viên nhóm tư vấn trong một lần giải đáp pháp luật cho người dân tỉnh Điện Biên.

Bà Đặng Thu Viện, hiện là Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Thời kỳ đầu chúng tôi phải kiêm luôn việc tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp để có thêm kinh phí duy trì hoạt động của Trung tâm. Tuy vất vả nhưng việc tư vấn miễn phí đã trợ giúp pháp lý cho bà con nghèo trong nhiều vụ việc nên ngày càng được tin tưởng và ủng hộ”.

Khi những lo toan về cái ăn cái mặc còn đè nặng thì việc chủ động đi tư vấn pháp luật là điều xa vời, nhất là bà con ở vùng cao. Bởi thế nên phải đến với bà con, gặp gỡ, lắng nghe và cung cấp cho họ những kiến thức về pháp luật. Nghĩ là làm, các thành viên của Trung tâm quyết định triển khai thêm hình thức tư vấn lưu động tại các địa phương. 

Mô hình tư vấn điểm được triển khai tại xã Ngũ Kiên (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Tổ tư vấn đã vận động, tập hợp người dân đến trụ sở UBND xã Ngũ Kiên để nghe và giải đáp những thắc mắc về pháp luật, hướng dẫn người dân giải quyết thấu tình đạt lý nhiều vụ việc. 

Ngày nhóm tư vấn rời xã Ngũ Kiên, bà con quyến luyến, bắt cả một bao ốc “gửi các cô mang lên Hà Nội làm quà”. Vậy là hướng tư vấn mới sau thời gian thử nghiệm đã cho kết quả. Những người phụ nữ dường như quên đi tuổi tác, tiếp tục lên đường, cho dù xa xôi hơn, khó khăn hơn.

Từ năm 2008 đến nay, thông qua Hội Luật gia Việt Nam, Trung tâm tư vấn là đơn vị trực tiếp thực hiện dự án “Tư vấn pháp luật cho người dân nông thôn” của Tổ chức phát triển nông nghiệp Đan Mạch khu vực châu Á (ADDA). 

Lộ trình đã thành quen, họ bắt xe khách từ Hà Nội đến các tỉnh, đi xe máy xuống huyện, xuống xã và đi bộ vào tận bản. Nhiều làng bản thuộc các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình… đều in dấu chân của họ. Ai cũng cố chạy đua với thời gian, với sức khỏe, với tuổi tác để giúp đỡ người dân bớt đi những băn khoăn và có thêm kiến thức bổ ích về pháp luật…

Bài giảng về pháp luật cho bà con không giống giờ dạy lý thuyết với những chương, điều, mục khô khan mà luôn sinh động và được cụ thể hóa thành cái cây, con vật nuôi và ruộng đất – những thứ gắn bó thiết thực với người dân hằng ngày. 

Ban đầu dân bản còn ngại hỏi, nhưng khi nhóm tư vấn đưa ra những tình huống cụ thể để gợi mở thì buổi tư vấn trở nên sôi nổi… Công việc tư vấn pháp luật tuy vất vả nhưng “lãi” nhất là gom giữ được nhiều kỉ niệm đẹp và tình cảm của đồng bào. 

Những ngày cuối năm 2010, sắp Tết rồi mà bà con xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) vẫn quay quắt trong cái đói. Bà Nguyễn Thị Bích Nga, một thành viên của nhóm tư vấn vừa lên đến Phình Sáng đã quyết định quay về Hà Nội vận động, quyên góp được 6 tấn gạo rồi thuê xe ôtô chở lên phân phát cho bà con. 

Chỉ khi thấy người dân có bữa cơm no, họ mới tạm an lòng trở về xuôi lo cái Tết của gia đình. Nhiều lần xuống bản, không cầm lòng được khi thấy người dân co ro trong giá rét, họ đã tặng những bộ quần áo mang theo để bà con được mặc ấm hơn… 

Việc tư vấn cho bà con không thể đại khái mà phải sát sao và kĩ càng. Người dân càng bức xúc, nôn nóng, mất bình tĩnh thì họ càng phải mềm mỏng, sáng suốt và công tâm. 

Ở xã Chiềng Sàng (Yên Châu, Sơn La) có thời kì góp đất rừng để trồng cây cao su. Nhóm tư vấn đã hướng dẫn bà con tách sổ đỏ để xác định rõ đâu là đất đã góp, đâu là đất của hộ gia đình. Lần này ghé thăm Chiềng Sàng, khi bà con đã hoàn thành thủ tục tách sổ đỏ, lại được họ hướng dẫn: Bà con đã góp đất thì sổ đỏ mảnh đất đó phải nộp lại, chỉ giữ sổ đỏ phần đất của gia đình. 

Bà con thắc mắc tại sao sau 7 năm góp đất mà chưa được chia lợi nhuận? Các nhà tư vẫn miễn phí lại mềm mỏng giải thích đến khi cây cao su cho mủ, mang lại giá trị kinh tế thì bà con sẽ được hưởng lợi.

Đến các bản làng, nhìn những đứa trẻ còi cọc, tật nguyền, những ông bố bà mẹ chưa thành người lớn, là anh em họ của nhau, họ thấy xót xa vô cùng. Biết bao công sức đã bỏ ra mong cải thiện được tình trạng hôn nhân cận huyết và nạn tảo hôn vẫn còn phổ biến ở các thôn bản. 

Từ việc giải thích, nêu tác hại, lấy ví dụ người thật việc thật trong bản trong xã để bà con được mắt thấy tai nghe. Những chuyến đi nối tiếp những chuyến đi, họ luôn đau đáu niềm trăn trở về một thế hệ tư vấn viên được trẻ hóa, tự nguyện bỏ thời gian, công sức để tiếp tục công việc thiết thực và đầy ý nghĩa này.

Huyền Trần
.
.
.