Người lấy nước mắt thiên hạ bằng chuyện tử tế

Thứ Hai, 30/01/2017, 15:00
Không có cảnh sex - sốc - sến, nhân vật trong phim thậm chí còn rất lam lũ, nhưng nhiều khán giả khi xem phim tài liệu của Đặng Hồng Giang đã khóc vì cảm phục bản lĩnh không đầu hàng số phận của các nhân vật.

Không phải dễ dàng mà 4 bộ phim tài liệu ra mắt trong hai năm 2015- 2016 của Đặng Hồng Giang đã được phát hành qua hệ thống rạp thương mại của đơn vị chuyên phát hành phim bom tấn BHD. Còn Đặng Hồng Giang thì bảo rằng anh chỉ muốn “minh oan” cho phim tài liệu mà thôi…

I- Dáng gày gò, gương mặt khắc khổ, ăn mặc xuềnh xoàng tới mức không thể xuềnh xoàng hơn, nếu mới gặp, ấn tượng về Đặng Hồng Giang là… không ấn tượng gì cả, bởi trông anh giống một… ông xe ôm hơn là một đạo diễn điện ảnh.

Trước khi trở thành đạo diễn phim tài liệu, Đặng Hồng Giang từng có 10 năm làm phóng viên Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2007, anh quyết định bỏ nghề báo để... đi du học.

Năm 2011, về nước, anh lập hãng phim Oriental Pictures vừa làm phim cho một số kênh truyền hình, nhiều nhất là với Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh; vừa “ủ mưu” làm một bộ phim của riêng mình.

Giang kể rằng trước khi bắt tay vào làm dự án phim của riêng mình, anh đã tự làm một cuộc điều tra xã hội học ở TP Hồ Chí Minh về phim tài liệu với 400 người ở nhiều lứa tuổi, nhiều tầng lớp xã hội. Có tới 86% lắc đầu với phim tài liệu vì cho rằng phim tài liệu là về lịch sử, chiến tranh; 8% trả lời là gặp thì xem trên tivi; 6% còn lại đa số là người trẻ thì… không hiểu phim tài liệu là cái gì.

Đạo diễn Đặng Hồng Giang cùng hai bé sinh đôi từ tinh trùng người chồng đã mất của chị Hoàng Thị Kim Dung, nhân vật trong phim "Mầm sống".

Đặng Hồng Giang bảo anh đã mổ xẻ tận tường nguyên cớ vì sao người ta lại không xem phim tài liệu và thấy lỗi chính trước hết là từ những nhà làm phim. Bởi 86% số người lắc đầu vì nghĩ phim tài liệu là về lịch sử, chiến tranh ấy lại nói rất thích xem phim trên hai kênh Discovery, National Geographic, là hai kênh truyền hình chuyên về... phim tài liệu. 

Hóa ra họ vẫn xem nhưng chỉ có điều họ không biết đó chính là phim tài liệu. Nghĩa là để phim tài liệu có khán giả thì các nhà làm phim hãy đổi mới chính mình trước; hãy cứ làm được phim hay như trên Discovery, National Geographic đi đã.

II- Hôm chiếu ra mắt chùm phim “Đáng Sống” ở Hà Nội, có một người đàn ông trung niên đến từ rất sớm. Ông tự giới thiệu là Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng). 

Thầy Quý nói rằng ông đi từ Hải Phòng lên xem phim và muốn một lần nữa mời Đặng Hồng Giang mang chùm phim "Đáng sống" về chiếu ở sân trường cho học sinh của ông được xem như đã từng chiếu bộ phim "Lửa thiện nhân" vào năm 2015. Bởi lần đầu tiên hơn 1.500 học sinh của thầy đã ngồi im phăng phắc suốt hơn 70 phút giữa sân trường xem "Lửa thiện nhân". Là một nhà giáo dục, ông thấy đó là cách rất tốt để dạy các em những bài học làm người.     

Nhưng, “Lửa thiện nhân” không chỉ chinh phục 1.500 học sinh của thầy Quý mà đã tạo ra một cơn sốt trong nhiều tháng tại các rạp chiếu phim suốt từ Bắc vào Nam trong năm 2015.

Để có bộ phim hơn 70 phút tái hiện cuộc đời chú bé Thiện Nhân từ một đứa trẻ bị bỏ rơi, bị súc vật ăn mất một chân và bộ phận sinh dục rồi may mắn được chị Mai Anh nhận về làm con nuôi; lặn lội khắp nơi tìm bác sĩ tái tạo lại “con chim”... Đặng Hồng Giang cùng êkip làm phim đã phải mất đến 3 năm ở bên cạnh gia đình nhân vật theo kiểu "3 cùng" để có những cảnh quay ưng ý nhất. Nhưng quay xong thì... hết tiền làm hậu kỳ.

Để có tiền làm hậu kỳ, anh quyết định mang tài sản cuối cùng là ngôi nhà đang ở tại thành phố Hồ Chí Minh đi thế chấp ngân hàng để lấy tiền làm phim.  

Đặng Hồng Giang kể rằng ngày đó cũng có lúc anh nghĩ đến những rủi ro nhưng không dám thổ lộ với anh em trong hãng phim vì sợ họ sẽ nản. "Tôi chỉ biết đem chuyện chiếu phim tài liệu bán vé ở... bên Tây, kể cho anh em nghe mà động viên nhau".

Năm 2013, Đặng Hồng Giang âm thầm gửi phim "Lửa thiện nhân" đi dự Liên hoan phim độc lập New York và bất ngờ vì được Ban tổ chức chọn chiếu vào buổi khai mạc liên hoan và bán vé với giá 12 USD/vé. 

Năm 2014, "Lửa thiện nhân" được chọn là đại diện cho Việt Nam trong chùm phim “Panorama - Điện ảnh thế giới chọn lọc” tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội. Cho tới lúc này Đặng Hồng Giang mới nghĩ tới việc đưa phim ra rạp.

Nhưng dù phim được chiếu ở New York không có nghĩa là ở Việt Nam sẽ được đón nhận ngay. Vì thế phải tới tháng 10-2015, "Lửa thiện nhân" lần đầu tiên được phát hành ở rạp Ngọc Khánh, một cái rạp... ít khán giả nhất Hà Nội. Nhưng rồi chính câu chuyện của Thiện Nhân đã gây sốt phòng vé, từ rạp Ngọc Khánh, "Lửa thiện nhân" đã gây sốt nhiều phòng vé ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.

Đạo diễn Đặng Hồng Giang chỉ đạo một cảnh quay phim "Một con đường" tại Quảng Trị.

III-Tròn một năm sau khi gây sốt với "Lửa thiện nhân", cuối năm 2016, Đặng Hồng Giang cho ra mắt chùm 3 phim tài liệu: "Đáng sống", "Mầm sống" và "Một con đường".

Tôi đã xem "Đáng sống" ngay trong buổi đầu tiên ra mắt ở Hà Nội tại một trong những phòng chiếu xịn nhất của hệ thống rạp thương mại BHD. "Đáng sống" là 3 câu chuyện với 3 nhân vật: chị Hoàng Thị Kim Dung, giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, người đã dũng cảm tự mình sinh hai cậu con trai từ tinh trùng của người chồng đã mất trước đó hai năm vì tai nạn giao thông; anh Tăng A Pẩu, một chủ doanh nghiệp ở TP HCM đã chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi suốt 10 năm qua và ông Nguyễn Ngọc Triệu, một nông dân ở Quảng Trị, chấp nhận hiểm nguy khi mưu sinh bằng nghề mót phế liệu chiến tranh để có tiền nuôi con học đại học. 

Để có chùm phim 90 phút này, Đặng Hồng Giang đã phải làm việc trong 4 năm (bắt đầu bấm máy từ tháng 11- 2012), bởi anh bảo rằng thể loại tài liệu hiện thực này không thể “ăn xổi” được.

Xem chùm phim mới của Đặng Hồng Giang, tôi thích "Một con đường" hơn cả. Người xem bị ám ảnh với hình ảnh ông nông dân Nguyễn Ngọc Triệu nhỏ thó, có tật nói lắp, suốt nhiều năm đã mưu sinh bằng cái nghề luôn đối mặt với thần chết là đi mót phế liệu, chủ yếu là mảnh bom, đạn và cả những quả bom, đạn còn sót lại sau chiến tranh. 

Ông Triệu và cả những người làng ông biết công việc hàng ngày là rất nguy hiểm, chính quyền cũng đã cấm nhưng vì miếng cơm manh áo, họ vẫn phải làm và phó mặc số phận cho may rủi để kiếm mỗi ngày vài chục ngàn đồng. Nhưng ông Triệu mưu sinh bằng nghề nguy hiểm này không chỉ để kiếm tiền sống qua ngày, mà ông có mục đích khác. Từ những đồng tiền phải đánh đổi bằng máu của bố ấy, con ông đã được học đại học và đỗ thủ khoa. Không phải riêng tôi mà nhiều khán giả dự buổi chiếu ra mắt hôm ấy đã rơi nước mắt khi nhìn người đàn ông nhỏ thó ôm lấy cậu con trai út giữa sân trường đại học trong ngày tốt nghiệp. 

Chỉ có sức mạnh của tình phụ tử thì người người đàn ông nhỏ thó, quê mùa ấy mới chấp nhận đánh đổi tất cả để lo cho tương lai của con như vậy. Sau ngày tốt nghiệp đại học, con ông đã tìm được việc làm ở một công ty tại TP Hồ Chí Minh, có tiền gửi về cho bố mẹ; ông không còn phải mưu sinh bằng cái nghề nguy hiểm ấy nữa. Và đến lúc ấy khán giả mới hiểu vì sao đạo diễn lại lấy tên “Một con đường” cho bộ phim này; con đường mà ông Triệu chọn để con ông thoát cơ cực là một con đường phi thường.

Trước khi quay "Một con đường", Đặng Hồng Giang đã mua bảo hiểm cho cả 11 người trong đoàn bởi anh ý thức được những hiểm nguy trước mặt khi đi cùng những người dân đang cuốc đất tìm mảnh đạn mảnh bom, đạn xót lại từ chiến tranh. Anh cũng nói rõ cho các thành viên trong đoàn biết mức độ nguy hiểm khi làm phim về những người đi "săn" bom, mìn. May thay, không một ai từ chối.

Nhưng khi quay bộ phim này, chính Đặng Hồng Giang và một quay phim đã… suýt chết. "Trong quá trình làm ruộng, người dân nhặt được những quả bom bi thì cứ vứt gom vào một cái hố. Bom bi nằm lỏng chỏng. Vì phim của tôi không can thiệp bằng lời bình nên tôi nhờ anh nông dân Trần Văn Lợi nói về những quả bom bi này. Tôi và cậu quay phim nhảy xuống cái hố đó trước, đặt máy quay. Anh Lợi đã cắm chiếc mai trên miệng hố đu nhảy xuống sau. Không ngờ đất bị lở, lưỡi mai cắm xuống chỉ cách những quả bom bi chừng 5-7cm gì đó. Các anh em khác đứng trên miệng hố bỏ chạy tóe ra. Tôi, cậu quay phim và anh Lợi khi đó đã ở dưới hố rồi, chỉ còn biết trơ mắt ếch ra nhìn nhau, may mà không nổ".

Nhưng chính vì thế mà mỗi cảnh quay trong “Một con đường” đều chân thực tới mức khán giả thấy... lạnh lưng.   

Hỏi kế hoạch sắp tới, Đặng Hồng Giang bảo rằng anh đang tính tới việc sẽ phát hành online để chùm phim "Đáng sống" được lan tỏa tiện lợi, rộng rãi hơn. Còn về lâu dài anh sẽ vẫn chọn những đề tài tích cực. “Bởi như thế ít nhất và trước hết là cho mình được nhìn cuộc đời sáng sủa hơn, tin yêu cuộc sống hơn và chia sẻ những điều đó với khán giả của mình".  

Nguyễn Thiêm
.
.
.