Người dân làm bẫy bảo vệ “quốc bảo” sâm Việt Nam

Thứ Sáu, 15/05/2020, 13:03
Để bảo vệ những cây sâm Ngọc Linh phát triển tốt, người đồng bào ở miền núi cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam làm bẫy chống lại những sinh vật phá hại cây sâm Ngọc Linh.


Những ngày này, cây sâm Ngọc Linh đang thời gian bắt đầu ra bông, nhiều sinh vật như sóc, chuột, chim thường đến phá hoại. Người trồng sâm ở huyện Nam Trà My phải làm bẫy đặt quanh vườn sâm để bắt những sinh vật này, tránh gây thiệt hại cho vườn sâm.
Anh Hồ Văn Theo, nhân viên Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My cho biết, các loại sinh vật hay tấn công cây sâm trong mùa cây sâm đang phát triển và chuẩn bị ra hạt. Đặc biệt là chuột. Chuột thường không chỉ ăn hạt, mà còn đào bới, cắn phá nhiều củ sâm gây thiệt hại nặng nề. Người dân phải tìm được đường đi của các loại chuột để đặt bẫy.
Ngoài một số chiếc bẫy được làm bằng sắt mua ngoài chợ về thì có rất nhiều chiếc bẫy do chính tay người đồng bào Xê Đăng ở huyện Nam Trà My chế tạo làm bằng vật liệu tự nhiên. Độc đáo nhất vẫn là loại bẫy đá.
Người dân dùng tảng đá lớn, khéo léo chống bằng cành cây rồi gắn với một nhánh cây nhỏ hơn. Mồi nhử được đặt dưới hốc đá, khi chuột tìm đến ăn mồi giẫm phải nhánh cây làm ngã cây chống, đá sẽ đè chặt.
Một cách khác là bẫy kẹp. Bẫy kẹp được đặt ở những đường luồng mà chuột thường đi qua.
“Bẫy này nếu một con mắc bẫy thì hôm sau phải chuyển bẫy đi nơi khác. Nếu tiếp tục đặt vị trí cũ, nó sẽ không đi qua", ông Hồ Văn Dem (người đồng bào Xê Đăng, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) cho hay.
Một chiếc bẫy được đặt trên cây giúp ngừa chuột, sóc đột nhập vườn sâm từ trên cao.
Ngoài đặt bẫy bắt những sinh vật phá hoại cây sâm. Để bảo vệ cây sâm Ngọc Linh, người dân cũng thường xuyên kiểm tra dịch hại trên cây sâm.
Hà Vy
.
.
.