Mất tiền triệu sửa điều hòa đang chạy tốt

Thứ Năm, 04/06/2015, 08:50
Khi thời tiết nắng nóng cũng là lúc các thiết bị làm mát tiêu thụ mạnh nhất. Những chiếc máy lạnh, quạt phun sương, tủ lạnh được chở nhiều trên phố, những ông thợ sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa phóng như bay với đồ đạc dụng cụ bơm gas, sửa chữa… Nhiều trung tâm điện máy, điện lạnh giảm giá với những lời quảng cáo gây sốc. Và cũng có nhiều chiêu trò thổi giá, thu lời.

Đúng vào ngày nóng, chiếc điều hòa của gia đình anh Nguyễn Khắc Dũng ở chung cư Nàng Hương, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội bỗng trở chứng dù mới bảo dưỡng. Huy động các kiến thức sơ đẳng về điều hòa, anh thử mò mẫm nhưng không khiến điều hòa chạy được nên đành gọi thợ sửa chữa. 

Kiểm tra xong, anh thợ thông báo điều hòa bị hỏng, phải thay thế một số bộ phận. Không còn lựa chọn nào khác, anh chấp nhận mức giá hơn 1 triệu đồng và sửa chữa ngay để còn sử dụng. Sửa xong, anh thợ kiểm tra ổn thỏa trước sự chứng kiến của anh Dũng. Tuy nhiên, sau khi anh thợ ra về, anh tắt máy và bật lại thì điều hòa không chạy, giống hệt lúc trước khi sửa. 

Thợ sửa điều hòa luôn trong tình trạng “chạy sô” ngày nắng nóng.

Chợt anh Dũng lóe ra ý nghĩ, có thể lý do từ chiếc điều khiển điều hòa. Anh chạy sang hàng xóm, mượn điều khiển cùng chủng loại. Bất ngờ thay, chiếc điều hòa chạy vo vo. Lúc này anh mới ngẩn người nhận ra, điều hòa của mình không bị hỏng mà là hỏng điều khiển. Anh thợ sửa điều hòa kia đã cố tình lừa dối để lấy số tiền hơn 1 triệu đồng của anh. 

Trong những ngày nắng nóng, sửa điều hòa trở thành dịch vụ lên cơn sốt. Do phải chờ đợi lâu nên nhiều gia đình phải tìm đến các dịch vụ sửa chữa không quen biết, dễ dẫn đến tình trạng bị bắt chẹt như trường hợp của anh Dũng. 

Anh Trần Minh Sá, nhân viên kỹ thuật một công ty chuyên sửa chữa và lắp đặt điều hòa ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Việc có bắt chẹt khách vào những này hay không là phụ thuộc vào lương tâm của người thợ. Bởi ít người sử dụng hiểu về máy móc và nguyên lý hoạt động của điều hòa”. Theo anh Sá, việc anh Dũng bị mất tiền oan chính là cách thức phổ biến mà một số người thợ áp dụng để bắt chẹt khách hàng. 

Nhiều trường hợp blok máy chưa bị hỏng nhưng thợ sửa chữa đề nghị thay blok để hưởng chênh lệch bán hàng, người sử dụng không hiểu nên đồng ý thay blok là rất lãng phí mà không cần thiết. Giá một blok “nguyên cao su” (tức là hàng mới) có giá khoảng từ 3 triệu đồng trở lên, còn blok cũ (hàng bãi) thì có giá chỉ bằng một nửa, khoảng 1,5 triệu đồng. Nếu không kiểm tra, khách hàng có thể phải trả mức giá cao mà lại sử dụng blok cũ. Ngoài ra, còn có tình trạng công nhân lắp đặt tính mức giá thiết bị lắp đặt, thay thế cao hơn mức công ty hoặc các trung tâm điện máy đưa ra rất nhiều.

Nhìn bảng giá lắp đặt của một trung tâm điện máy (với công lắp đặt từ 200.000đ – 300.000đ, một bộ ống đồng và bảo ôn máy 9000 BTU có giá 130.000đ, ống nước PVC 21 25.000 đ/m…) anh Sá cho biết, mức giá có cao hơn bên ngoài một chút cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, anh Sá cảnh báo, nhiều thợ sửa điều hòa không công khai mức giá của công ty mà khi gặp khách hàng, lắp đặt xong mới áp giá khiến chủ nhà bị đặt vào sự đã rồi. Đó cũng là trường hợp của anh Phạm Văn Hải ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. 

Anh Hải mua máy điều hòa được miễn phí công lắp đặt. Tuy nhiên, sau khi xong việc, thợ lắp đặt yêu cầu thanh toán số tiền 700.000 đồng vật liệu. Đó là mức giá mà anh không nghĩ đến khi mua máy điều hòa. Bởi vậy, trước khi lắp đặt hoặc sửa chữa, người dân cần thỏa thuận mức giá trước để tránh bị mất tiền oan.

Lý giải tình trạng càng vào ngày nóng, khách gọi sửa điều hòa càng nhiều, anh Sá cho biết: Do nhiệt độ ngoài trời lên cao, máy không giải nhiệt kịp nên rơ le tự ngắt để bảo vệ máy. Người sử dụng nghĩ rằng điều hòa bị hỏng, việc đầu tiên là gọi thợ đến sửa chữa. Cũng có trường hợp blok của máy bị cháy do rơ le bảo vệ đã ngắt nhiều lần, để quá lâu, rơ le cũng bị quá tải… 

Thêm một nguyên nhân nữa, là do quá trình sử dụng lâu, máy lạnh bị hết gas cũng khiến cho máy không hoạt động được bình thường, mô tơ thiếu gas lạnh về làm mát sẽ khiến cho máy bị hỏng. Nhu cầu sửa nhiều nên cũng nhiều nguy cơ người dân bị bắt chẹt, bị làm giá hoặc nói dối để thay đồ. 

Theo anh Sá, người sử dụng cần phải nắm được một số nguyên lý hoạt động cơ bản của máy điều hòa để tránh bị bắt chẹt. Đồng thời, mỗi gia đình cần tìm cho mình một địa chỉ tin cậy để bảo dưỡng và sửa chữa điều hòa. 

Anh Sá đưa ra lời khuyên: “Chỉ để nhiệt độ ở mức vừa phải, từ 23-25 độ chứ không nên để quá thấp. Nên để nhiệt độ phòng chênh với bên ngoài từ 5-6 độ. Cố gắng hạn chế số lượng điều hòa trong gia đình để vừa tiết kiệm điện, vừa tránh quá tải”. 

Còn Công ty Cổ phần điện lạnh TST cũng đưa ra khuyến cáo: “Điều hòa phải được bảo dưỡng, bảo trì, vệ sinh và bổ sung gas định kỳ 1 năm 1 lần”.

Minh Phương
.
.
.