Kon Tum tập trung chống hạn

Thứ Năm, 07/04/2016, 10:28
Tính đến ngày 31-3-2016 trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra khô hạn, thiếu nước tại một số khu vực với diện tích 2.106,16 ha gồm: 1.226,38 ha lúa; 857,03 ha cây công nghiệp (cà phê, hồ tiêu...) và 22,75 ha rau màu các loại.

Trong đó diện tích cây trồng bị mất trắng: 867,7 ha (lúa: 837,6 ha; cây công nghiệp: 30,1 ha), cây trồng khác bị giảm năng suất: 1.238,5 ha (lúa: 388,8 ha; cây công nghiệp: 826,9 ha; rau màu các loại: 22,75 ha). Uớc giá trị thiệt hại do hạn hán gây nên đối với sản xuất nông nghiệp tại thời điểm khoảng 90 tỷ đồng.

Nhiều người dân bỏ ra cả trăm triệu đồng thuê máy đào hồ tìm nguồn nước cứu cà phê.

Dự báo, đến cuối vụ Đông Xuân năm 2016, trên địa bàn tỉnh, số diện tích có thể bị khô hạn, thiếu nước là 6.930 ha gồm: 1.900 ha lúa; 5.000 ha cây công nghiệp (chủ yếu là cà phê, hồ tiêu...) và 30 ha rau màu các loại.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 45 công trình nước sinh hoạt nhưng nguồn nước đến của các đầu mối bị cạn kiệt, hạn chế cấp nước cho khoảng 1.176 hộ dân; có 8.274 giếng nước có khả năng bị thiếu nước do lưu lượng phục hồi sau thời gian bơm rất nhỏ so với nhu cầu sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến nước sinh hoạt của 10.389 hộ dân.

Đến giữa tháng 3, tỉnh Kon Tum cũng phải công bố tình trạng thiên tai với mức rủi ro cấp độ 1.

Hiện các tỉnh Tây Nguyên đang phải trợ cấp gạo để cứu đói, trợ cấp tiền để mua nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn, hạn chế đến mức thấp nhất khi dùng nước tưới cho cây trồng và chăn nuôi gia súc... Những biện pháp mặc dù chỉ mang tính cấp bách, nhất thời song đã góp phần ổn định tối thiểu đời sống cho người dân; ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Tại tỉnh Kon Tum, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức Đoàn công tác liên ngành, phối hợp với Đoàn công tác Bộ NN&PTNT tiến hành kiểm tra, nắm bắt tình hình ở một số địa phương khô hạn nhất. Từ cuối năm 2015 đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh đã ban hành 07 văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống hạn hán trên địa bàn.

Nội dung các công văn nhằm chỉ đạo tập trung đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, đơn vị và người dân nắm tình hình hạn hán để chủ động thực hiện các biện pháp sử dụng tiết kiệm điện, nước; tổ chức, vận động các lực lượng tham gia nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, đào ao, giếng, đắp đập tạm để ngăn, trữ nước; tăng cường hướng dẫn kinh nghiệm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng nước hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các nhà máy thủy điện trong việc điều tiết, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước xả để phục vụ sản xuất Đông - Xuân 2015-2016.

UBND các huyện, thành phố và Ban quản lý Khai thác các công trình thủy lợi đã và đang tổ chức bơm nước chống hạn cho 179,6 ha lúa và ngành nông nghiệp; chủ động xuất ngân sách địa phương với số tiền khoảng hơn 7,6 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân triển khai các biện pháp phòng, ứng phó hạn hán như: đào (khoan) giếng và mua các thiết bị tích trữ nước sinh hoạt; nạo vét kênh mương, lòng hồ chứa nước; sửa chữa các công trình thủy lợi; lắp đặt máy bơm…

Đối với nước sinh hoạt, hạn hán vẫn đang diễn ra trên diện rộng và nguy cơ thiếu nước sinh hoạt ngày càng cao lên; các huyện, thành phố đã và đang rà soát lại tất cả các công trình nước tự chảy, các công trình nước tập trung, giếng nước của từng thôn, làng, hộ gia đình để chủ động có các giải pháp hiệu quả đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân như tuyên truyền vận động các hộ dân nạo vét giếng, chia sẻ nguồn nước giữa các hộ dân trong cụm dân cư, sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt tối thiểu cho nhân dân.

Ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã kiểm tra chất lượng nguồn nước, không để nhân dân dùng nguồn nước không hợp vệ sinh và có phương án kịp thời cấp nước cho những vùng thiếu nước trọng điểm về thiếu nước sinh hoạt như huyện Ia HDrai, huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum, các địa phương đã hỗ trợ kinh phí để đào giếng, khoan giếng, mua bồn chứa và vận chuyển nước từ nơi khác đến một số điểm cấp.

N.H.Khôi
.
.
.