Khổ vì dòng kênh ô nhiễm

Thứ Hai, 11/09/2017, 09:13
Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân sống dọc 7 tuyến kênh ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) phải chịu ô nhiễm do mùi hôi bốc lên từ lớp bùn đọng từ trước của khu công nghiệp (KCN) An Nghiệp (xã An Hiệp, huyện Châu Thành).

Ông Lâm Huỳnh Minh Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân, cho biết: “Bảy tuyến kênh với độ dài khoảng 15km đã bị ô nhiễm, diện tích đất sản xuất bị ảnh hưởng khoảng 1.000ha của 250 hộ dân. Nông dân ở đây chuẩn bị vụ lúa mới nhưng chưa ai dám bơm nước kênh lên đồng để làm đất vì sợ trong nước có chất độc hại.

Người dân thẫn thờ bên dòng kênh ô nhiễm nhiều năm.

Sắp tới, UBND xã sẽ có báo cáo gửi các ngành chức năng để có hướng khắc phục tình trạng ô nhiễm tại 7 tuyến kênh trên địa bàn là các kênh 6 Thước, kênh 30/4, kênh 20, kênh Huỳnh Văn Lợi, kênh Trại giam, kênh Vành Đai và kênh Xây Chô. Những kênh này bị ảnh hưởng ô nhiễm từ kênh Thẻ 25 nằm tiếp giáp KCN”.

Theo người dân, từ đầu kênh Xây Chô, băng qua kênh 30-4 là đến kênh Thẻ 25. Mùi hôi bốc lên bắt đầu từ con kênh Thẻ 25 này khiến người dân không thể nào chịu được. Nước kênh đen như mực, nổi đầy những bọt khí và thối kinh khủng.

Cũng từ con kênh Thẻ 25 này, các kênh lân cận như kênh 30-4, kênh 6 Thước, kênh 20, kênh Huỳnh Văn Lợi, kênh Trại giam, kênh Vành Đai và kênh Xây Chô cũng bị ô nhiễm do tiếp nhận nguồn nước ô nhiễm, bốc mùi hôi thối từ kênh Thẻ 25 bởi con kênh này chính là nơi tiếp nhận nguồn nước thải từ KCN rồi đổ vào kênh 30-4 trước khi “phân phối” cho các tuyến kênh nội đồng, như nêu trên.

Ông Liêu Phô (ngụ ấp Phước Hòa, xã Phú Tân), bức xúc: “Kênh Thẻ 25 nước đen và thối kinh khủng. Ai vào đó lâu một chút đều bị nhức đầu, khó thở”. Người hàng xóm với ông Liêu Phô là bà Thạch Thị Hường, than thở: “Những ngày qua, nước nước ở các con kênh nhuộm màu đen, mùi hôi thối bốc lên không sao ngủ được. Không phải mới đây mà mấy năm nay người dân chúng tôi quanh KCN này quá khổ sở vì tình trạng ô nhiễm. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chúng tôi không chịu nổi”.

Tại kênh 30-4 gần đó, tình trạng cũng tương tự. Nước đen ngòm và mùi hôi tanh bốc lên khiến ai chứng kiến cũng phải lắc đầu kêu trời. Ông Danh Dân, nhà ở kế bên kênh 30-4 than thở: “Tôi ở đây từ năm 1984, khi chưa có KCN, nước ở các dòng kênh luôn trong xanh, bà con sử dụng rất thoải mái, yên tâm. Nhưng từ khi có KCN thì tình trạng ô nhiễm, mùi hôi thối ở các dòng kênh xuất hiện, càng về sau càng nặng hơn. Đặc biệt, khoảng 3-4 năm gần đây thì tình trạng ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng hơn. Chưa đầy hai tháng qua, dòng nước kênh 30-4 đã hai lần bị ô nhiễm nặng, bà con không dám bơm nước vào ruộng”.

Theo ông Danh Dân, kênh Thẻ 25 là nơi tiếp nhận nước thải từ nhà máy xử lý nước thải của KCN An Nghiệp đổ vào. Từ đó, nguồn nước từ kênh này đổ ra các dòng kênh 30-4, kênh 6 Thước, kênh 20, kênh Huỳnh Văn Lợi, kênh Trại giam, kênh Vành Đai và kênh Xây Chô.

Giải thích nguyên nhân ô nhiễm, ông Lâm Hùng Kiện, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “KCN An Nghiệp đi vào hoạt động từ năm 2009. Khi nhà máy xử lý nước thải chưa được nâng công suất, kênh Thẻ 25 là nơi tiếp nhận nguồn nước thải bị ô nhiễm. Vì thế, kênh Thẻ 25 bốc mùi hôi thối không phải do Nhà máy xử lý nước thải KCN An Nghiệp mà do bùn cặn ô nhiễm từ mấy năm trước. Lớp bùn này nằm im dưới lòng kênh nay bị cuốn lên do dự án nạo vét kênh. Bùn đang được nạo vét bơm lên khu đất trống trong KCN, khoảng 10 ngày nữa sẽ hết hôi khi việc nạo vét kênh hoàn thành”.

Theo ông Kiện, người dân cho rằng nước thải của nhà máy xử lý gây ô nhiễm môi trường là không đúng vì nhà máy xử lý nước thải của KCN có công suất 10.000m³/ngày đêm, kết quả phân tích mẫu nước thải xử lý đều đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi thải ra môi trường bên ngoài.

Trong khi đó, ông Danh Dân, khẳng định: “Giải thích như vậy là không thuyết phục. Theo chúng tôi, các kênh bị ô nhiễm do tiếp nhận nguồn nước bốc mùi hôi thối từ kênh Thẻ 25 mà kênh này nơi nước trong KCN xả xuống”.

Theo nhiều người dân ở xung quanh KCN An Nghiệp, tình trạng ô nhiễm môi trường đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa khắc phục được dứt điểm dù ở KCN này đã có nhà máy xử lý nước thải qui mô lớn, được xây dựng với kinh phí hàng trăm tỉ đồng.

C.Xuân
.
.
.