4 vạn tấn lưu huỳnh chất đống rình rập cháy tại Cảng Hải Phòng

Thứ Hai, 16/10/2017, 19:58
Số hàng này bị ứ đọng tại cảng từ tháng 9-2017, do phía đối tác Trung Quốc hiện nay đang chững lại việc nhập khẩu mặt hàng này.


Theo ghi nhận của phóng viên, vào sáng 16-10, tại khu vực cảng Hoàng Diệu hiện có 3 đống lưu huỳnh có màu vàng chanh, bốc mùi hăng nồng nặc. Toàn bộ số lưu huỳnh này được tập kết trên bãi bê tông nằm sát cầu cảng, xung quanh được gia cố tạm bợ bởi các cục bê tông, bao chứa lưu huỳnh.

Qua tìm hiểu được biết số lưu huỳnh này được đưa về cảng Hoàng Diệu chất đống, để dầm mưa, dãi nắng đã gần 1 tháng nay.

Lưu huỳnh được chất thành đống tại cảng Hải Phòng có nguy cơ mất an toàn và gây ô nhiễm môi trường

Đáng chú ý, lưu huỳnh là chất dễ cháy, có thể xảy ra trong trường hợp có ma sát mạnh.

Theo ông Trần Lưu Phương, Phó Giám đốc cảng Hoàng Diệu, số lưu huỳnh đang tập kết tại cảng là của công ty Traco (Hải Phòng) nhập về để tái xuất sang Trung Quốc.

PGĐ cảng Hoàng Diệu trả lời báo chí.

Cũng theo ông Phương, trước đây lưu huỳnh nhập về được bốc từ tàu biển lên thẳng toa tàu hoả chở đi nên không có tồn đọng tại cảng. Số hàng này bị ứ đọng tại cảng từ tháng 9-2017, do tình hình thời tiết mưa nhiều ngày qua đã ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông khu vực Lào Cai cũng như phía đối tác Trung Quốc hiện nay đang chững lại việc nhập khẩu mặt hàng này.

Ông Phương khẳng định, hàng lưu huỳnh là loại hàng rời, dễ cháy nổ. Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực tập kết đơn vị dịch vụ thuê bến bãi cũng như những đơn vị liên quan tỏ ra rất thờ ở đối với việc đề phòng cháy nổ cũng nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường. 

Không hề có lực lượng canh gác tại khu vực. các hạt lưu huỳnh từ trong đống lưu huỳnh chảy ra, vương vãi khắp cẩu cảng ở gần đó, thậm chí rơi cả xuống sông Cấm.

Số lưu huỳnh để ngoài trời nên rất dễ dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Theo quy định lưu huỳnh phải được lưu giữ trong nhà kho đảm bảo điều kiện thoáng mát. Tuy nhiên theo ông Phương giải thích hiện nay do cảng Hoàng Diệu hiện đang trong quá trình di dời, bàn giao cơ sở hạ tầng cũ cho TP Hải Phòng, việc nên việc đầu tư thêm cơ sở hạ tầng sẽ gây tốn kém. Việc để lượng hàng lớn, không được che bạt nguy cơ gây mất an toàn, ô nhiễm môi trường chỉ là tình huống phát sinh.

“Theo đó cảng Hoàng Diệu đã xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an toàn. Đồng thời cảng Hoàng Diệu đã thống nhất với chủ hàng, chậm nhất trong 10 ngày tời toàn bộ số lưu huỳnh sẽ được giải phóng” – ông Phương nói.

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Đặng Thế Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường (CATP Hải Phòng) cho biết, ngay sau khi phát hiện vụ việc, đơn vị đã chủ động làm việc với lãnh đạo cảng Hoàng Diệu và cử đội chuyên trách đến để lập biên bản, nắm tình hình và yêu cầu Cảng Hoàng Diệu có những biện pháp để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ cũng như các vấn đề khác liên quan đến ô nhiễm môi trường…

V.Huy
.
.
.