Kè chống sạt lở khẩn cấp thi công kiểu “rùa bò”

Thứ Năm, 04/05/2017, 08:40
Sau 7 tháng thi công công trình kè chống sạt lở bờ sông Cu Đê, Đà Nẵng mới hoàn thành 8%.

Công trình kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Cu Đê, TP Đà Nẵng, với tổng vốn đầu tư 89,19 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, sau 7 tháng thi công, nay đã đến lúc phải hoàn thành theo hợp đồng ký kết, thế nhưng khối lượng công việc mới đạt khoảng 8%. Nguyên nhân nào khiến việc thi công công trình khẩn cấp này ì ạch kiểu “rùa bò” như vậy?

Công trình kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Cu Đê, thuộc địa phận huyện Hòa Vang, được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt dự án đầu tư theo Quyết định số 8132/ QĐ- UBND ngày 30-10-2015, trong tổng vốn đầu tư đó vốn xây lắp là 75,38 tỷ đồng, giải tỏa đền bù 3 tỷ đồng...

Kè có chiều dài 5.255,5m, bao gồm 6 tuyến là những khu vực bị sạt lở nghiêm trọng tại 2 xã Hòa Bắc và Hòa Liên (Hòa Bắc 4 tuyến, Hòa Liên 2 tuyến). Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông công chính Đà Nẵng quản lý điều hành.   

Chỉ 2 ngày sau khi ký hợp đồng xây lắp với chủ đầu tư, Công ty CP Lê Vũ, đơn vị trúng thầu đã khởi công xây dựng kè. Tuy vậy, khi tiến hành việc tạo mái kè tại tuyến số 5, thuộc địa phận xã Hòa Liên thì gặp trở ngại do mặt bằng chưa giải tỏa. Từ đó đến nay, đơn vị thi công… “án binh bất động”.

Thời gian gần đây đơn vị này cũng chỉ có thể triển khai các hạng mục dưới nước, cho dù thời tiết rất thuận lợi, nhân lực, trang thiết bị máy móc tập kết tại hiện trường khá đầy đủ.

Chúng tôi đến hiện trường tuyến kè số 5 vào những ngày cuối tháng 4-2017, đơn vị thi công đang thực hiện gia cố chân kè bằng đá hộc ở dưới nước. Sát đó, khu vực mái kè vẫn um tùm cây cối.

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Giám đốc Công ty CP Lê Vũ, chỉ huy trưởng công trình, cho biết: Kè đoạn tuyến số 5 này dài 1530,6m, có tác dụng bảo vệ đường 601 là chủ yếu; do bởi nhiều điểm sạt lở bờ sông đã “ăn” sát đường.

Thiệt hại sẽ khó lường nếu như việc xây dựng kè tại tuyến này chậm trễ, nhất là khi mưa lũ về mà đang thi công dang dở. Hiện việc thi công mái kè chưa thể triển khai, do chưa có mặt bằng. 

Đơn vị thi công đang gia cố chân kè tuyến số 5.

Trao đổi về thực trạng mặt bằng thi công dự án kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Cu Đê chưa giải tỏa, ông Lê Minh Tuấn, Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông công chính Đà Nẵng cho rằng, dự án được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt từ cuối tháng 10-2015, song mãi đến quý 2/2016 mới có kế hoạch đầu tư vốn từ Trung ương.

Hơn nữa, do yêu cầu cấp bách của công trình nên vừa giải tỏa đền bù, vừa triển khai thi công. Trong khi, 6 tuyến kè liên quan đến 176 hồ sơ, trong đó khá nhiều hồ sơ phải quy chủ, đòi hỏi phải có thời gian.

Việc giải tỏa đền bù phụ thuộc vào Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng và Hội đồng giải tỏa đền bù địa phương. Đơn vị đã phối hợp với Trung tâm đo đạc bản đồ và các cơ quan liên quan hoàn tất việc xác định các hồ sơ thửa cung cấp cho Trung tâm Phát triển quỹ đất…

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của chúng tôi, ông Trương Thanh Tùng, Phó Phòng Đền bù số 2, thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng cho hay, ngày 21-3-2017, Trung tâm mới nhận hồ sơ thửa từ đơn vị quản lý điều hành dự án.

Đến nay đã xác định trong số 176 hồ sơ có 9 hồ sơ thuộc đất thổ cư, 139 hồ sơ đất nông nghiệp, 28 hồ sơ đất do UBND 2 xã Hòa Bắc, Hòa Liên quản lý.

Khu vực có nhiều hồ sơ liên quan nhất đó là tuyến số 6 với 84 hồ sơ, tiếp đó là tuyến số 2 với 26 hồ sơ, tuyến số 5 với 23 hồ sơ… Thời điểm hiện tại, đơn vị đã lập hồ sơ kiểm kê đối với 6 hồ sơ đất thổ cư, 225 hồ sơ đất nông nghiệp.

Qua thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tại dự án này nhận thấy, nhân dân rất đồng thuận, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc xác định nguồn gốc đất, chưa gặp vướng mắc nào đáng kể.

Do công tác giải tỏa đền bù đảm bảo tính công khai, công bằng, đúng đối tượng, thực hiện tuần tự các bước theo quy trình, đòi hỏi phải có thời gian. 

Vướng mắc nổi cộm nhất hiện nay là 2-3 hồ sơ chưa quy chủ, giải phóng mặt bằng tại các bè nuôi cá lồng và rớ đặt trên sông Cu Đê…

Tuần tự công việc là vậy, nhưng khi hỏi, bao giờ đơn vị thi công có mặt bằng triển khai công trình, ông Tùng không thể đưa ra mốc thời gian cụ thể.

Với yêu cầu cấp bách của công trình kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Cu Đê, đề nghị các cơ quan liên quan cần tập trung giải quyết dứt điểm việc giải tỏa đền bù từng tuyến để có mặt bằng cho đơn vị thi công, không thể cùng lúc triển khai cả 6 tuyến.

Ông Trương Tấn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên bày tỏ rằng, khi thi công tuyến kè số 5, cơ quan giải tỏa đền bù phải tập trung giải quyết dứt điểm 23 hồ sơ của tuyến này. Đến nay xã vẫn chưa nhận được hồ sơ giải tỏa đền bù cả 2 tuyến thuộc địa bàn quản lý.

Quan điểm của địa phương là phối hợp chặt chẽ với cơ quan thực hiện việc giải tỏa đền bù và quản lý điều hành dự án, giải quyết rốt ráo các vướng mắc để sớm có mặt bằng cho đơn vị thi công. Với công trình quan trọng này, thi công chậm trễ hậu quả sẽ khó lường…

Nguyễn Cầu
.
.
.