Hiệu quả từ mô hình câu lạc bộ ngư dân trẻ vươn khơi bám biển

Thứ Hai, 03/08/2020, 10:11
Với tinh thần nhiệt huyết, xung kích, sáng tạo, hàng trăm ngư dân trẻ ở các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung đã tự nguyện thành lập các câu lạc bộ (CLB) “Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển” để hỗ trợ, giúp nhau cùng vươn khơi bám biển, bảo vệ ngư trường.

Từ cuối tháng 9-2015, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cho ra mắt 2 CLB “Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển” ở xã Phú Thuận và thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang. Thời điểm ấy, mỗi CLB chỉ có hơn 20 thành viên, đến nay sau gần 5 năm, số lượng ngư dân trẻ tham gia tăng lên gấp đôi. Nhờ thế mà hoạt động vươn khơi bám biển của các ngư dân gặp nhiều thuận lợi hơn trước. 

Nhìn con tàu vỏ gỗ công suất hơn 600CV, trên nóc tàu treo cờ Tổ quốc bay phấp phới trong gió biển, khi tàu về cập cảng cá Thừa Thiên-Huế, ít ai ngờ rằng chủ tàu cá này là anh Nguyễn Văn Lành, thuộc “thế hệ 8X”. 

Gia đình anh Lành ở thị trấn Thuận An, đã có 3 đời làm nghề đi biển. Sau nhiều năm cùng với cha ruột đánh bắt cá trên ngư trường truyền thống, anh Lành mạnh dạn vay mượn hơn 700 triệu đồng cộng với số vốn tích cóp để đóng mới chiếc tàu cá này. 

“Lúc đầu, tàu cá của mình hoạt động riêng lẻ nên hiệu quả đánh bắt không cao. Khi gia nhập vào CLB “Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển” nên những chuyến biển của mình và các bạn tàu dài ngày hơn, đánh bắt được nhiều hải sản, cho thu nhập kinh tế khá hơn trước rất nhiều”, anh Lành bày tỏ.

Nhiều ngư dân trẻ ở tỉnh Thừa Thiên-Huế làm chủ tàu cá công suất lớn để vươn khơi xa.

Nhắc đến những ngư dân trẻ năng động, người dân Thuận An ai cũng biết hai anh em ruột Nguyễn Văn Diện và Nguyễn Văn Biện ở tổ dân phố Hải Bình, hiện đang sở hữu 2 con tàu có công suất 800CV và hơn 900CV. 

Anh Biện kể, cũng như các ngư dân trẻ khác ở địa phương, anh được gia đình và chính quyền các cấp động viên, tạo điều kiện vay vốn để đóng mới tàu cá 800CV làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Mỗi chuyến đi biển của các tàu hậu cần trong CLB kéo dài từ 5 đến 7 ngày; vươn ra ngư trường Hoàng Sa để thu mua hải sản của những tàu cá hoạt động đánh bắt tại rồi đưa về cảng cá Thừa Thiên-Huế để bán. 

Cứ mỗi chuyến ra khơi, tàu tiêu thụ hoảng 700 cây đá, 1.000 lít dầu cùng các nhu yếu phẩm phục vụ cho lao động trên tàu; song trừ các khoản chi phí thì lãi được hàng chục triệu đồng để chia cho bạn tàu. 

Còn anh Trần Văn Cường, ở tổ dân phố Tân Bình, dù mới 29 tuổi, nhưng đã là chủ chiếc tàu cá công suất hơn 1.000CV, được đóng mới với số tiền 3,5 tỷ đồng. Ngoài việc đánh bắt hải sản, làm dịch vụ hậu cần, với con tàu này anh Cường còn vớt rác thải nhựa trên biển đưa vào bờ bán gây quỹ giúp học sinh nghèo. 

Dám nghĩ, dám làm, xung kích, sáng tạo nên anh Cường được bầu làm Chủ nhiệm CLB “Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển” thị trấn Thuận An. CLB này có hơn 30 thành viên, với trên 10 tàu cá công suất lớn, trong đó có 4 tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67. Các thành viên đều có tuổi đời từ 25-35 và được phân công “đi bạn” cho các tàu cá của ngư dân trong CLB. 

Ngoài những ngày bám biển, CLB còn tổ chức nhiều đợt sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, nghề nghiệp giữa các ngư dân với nhau. Đặc biệt mỗi khi gặp sự cố trên biển, nhất là khi tàu cá hỏng hóc máy móc, bị tàu nước ngoài đe dọa thì các chủ tàu đều kịp thời hỗ trợ cho nhau…

Theo ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, thị trấn có trên 400 tàu thuyền hoạt động đánh bắt gần bờ và xa bờ, trong đó ngư trường xa bờ tập trung chủ yếu ở Hoàng Sa với sản lượng hải sản khai thác đạt hơn 10.000 tấn/năm. 

Đặc biệt, từ khi có CLB “Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển” thì hoạt động ngư nghiệp của địa phương trở nên sôi động, đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, thời gian gần đây, các ngư dân trẻ đang nỗ lực thực hiện hoạt động đánh bắt hải sản trên biển hợp pháp đúng theo Luật Thủy sản và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45/CT-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). 

Các ngư dân trẻ trong CLB còn tích cực tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU đến các ngư dân, chủ tàu cá địa phương. Nhờ thế nên nhiều ngư dân, chủ phương tiện tàu cá hoạt động đánh bắt xa bờ ở Thuận An nói riêng, tỉnh Thừa Thiên-Huế nói chung đã chấp hành nghiêm quy định để thực hiện tốt công tác phòng, chống khai thác IUU.

Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện toàn tỉnh có hơn 2.000 tàu cá, số tàu hoạt động đánh bắt xa bờ hơn 400 chiếc với khoảng 200 tàu có công suất từ 400CV trở lên, trong đó có rất nhiều tàu cá công suất lớn do các ngư dân trẻ làm chủ sở hữu, làm thuyền trưởng. 

Ngoài tăng cường công tác tuyên truyền đến các ngư dân thực hiện tốt công tác phòng, chống khai thác IUU, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế còn phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn, trang bị kiến thức quốc phòng cho các ngư dân trẻ và ngư dân đi biển. 

Hoạt động vươn khơi bám biển đánh bắt xa bờ của ngư dân, đặc biệt là các ngư dân trẻ ngày càng trở nên quan trọng. Những tàu cá ra khơi với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc tàu đều là những cột mốc góp phần bảo vệ ngư trường, lãnh hải, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Anh Khoa
.
.
.