Hiểm họa từ thói quen nướng cá, mực bằng cồn

Thứ Tư, 10/06/2015, 09:55
Ngọn lửa có màu xanh trong, cháy âm ỉ gặp cồn bùng lên bất ngờ gây bỏng cơ thể người… đó là thực tế đã và đang xuất hiện trong thời gian qua đối với nhiều trường hợp sử dụng cồn để nướng cá, mực. Để tránh gặp tai nạn bỏng, người dân cần thận trọng khi sử dụng loại nhiên liệu cồn này để nướng cá, mực.

Đã một tuần trôi qua, thế nhưng, khi nhắc đến vụ tai nạn bỏng của chị Nguyễn Thị H, ở Khâm Thiên, quận Đống Đa (Hà Nội), người thân của chị vẫn chưa hết bàng hoàng trước những hậu quả do thói quen nướng cá, mực bằng cồn gây ra. 

Theo lời của người thân chị H. cho biết, trước đó, tối 1/6, mọi người trong gia đình chị đang theo dõi tivi bỗng tá hỏa khi thấy ngọn lửa trên khay nướng cá, mực gần đó bùng lên gây bỏng mặt, ngực chị H. Ngay sau đó, chị H. được đưa đến Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội cấp cứu. Tại đây, qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, chị H bị bỏng độ I-II-III vùng mặt, ngực, tay với diện tích 20% cơ thể. Mặc dù đến nay, chị đã qua cơn nguy kịch, song vẫn tiếp tục phải điều trị.

Theo đánh giá của Khoa Bỏng – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội từ đầu mùa hè đến nay, số ca bỏng do nướng cá, mực nhập viện điều trị tăng gấp 2-3 lần so với năm ngoái. Có những ngày, số bệnh nhân bỏng nhập viện lên đến 5 trường hợp. 

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội, số ca bỏng do nướng cá, mực gia tăng đột biến trong thời gian qua cũng chính bởi mùa hè là quãng thời gian mà nhiều người dân có thói quen sử dụng cồn để nướng cá, mực nhiều hơn cả. Trong quá trình sử dụng cồn để nướng, không ít trường hợp bất cẩn, chủ quan khi cho rằng ngọn lửa xanh trong khay đã tắt. Nhưng trên thực tế, ngọn lửa này vẫn cháy âm ỉ, trong khi ta không nhận ra nên đổ thêm cồn vào và rồi ngọn lửa bùng lên. Lúc này, khi thấy lửa bùng lên, theo phản xạ, người nướng cá, mực sẽ vung chân, vung tay khiến ngọn lửa bắt vào chai đựng cồn, quần áo… gây bỏng cơ thể. 

Một bệnh nhân bỏng do nướng cá, mực bằng cồn đang được điều trị.

Trường hợp của chị Phạm Thị H., 23 tuổi, ở phố Minh Khai (Hà Nội) vẫn đang được các y, bác sĩ của khoa điều trị là một ví dụ điển hình. Tối hôm đó, do muốn ăn cá, mực nướng nên chị H. đã lấy cá, mực cho vào khay inox. Sẵn có chai cồn, chị vô tư đổ cồn vào trong khay với mục đích nướng cho cá, mực thơm, ngon. 

Chị H. châm lửa. Ít phút sau, tưởng rằng ngọn lửa trong khay đã tắt, trong khi cá mực chưa chín, chị liền đổ thêm cồn vào khay. Và ngọn lửa bùng lên, bắt vào chai cồn chị H. đang cầm trên tay. Lúc này, quá bất ngờ, chị H. chỉ còn biết kêu la… Theo hồ sơ bệnh án lưu tại bệnh viện, chị H. bị bỏng 2 chân, ngực… độ I-II-III, diện tích 20% cơ thể. 

“Từ giờ về sau, tôi sẽ không bao giờ sử dụng cồn để nướng, cá mực nữa. Nào tôi có biết đâu, hệ lụy do nướng cá, mực bằng cồn lại khủng khiếp đến như vậy…”, chị H. chia sẻ.

Nói về hậu quả tai nạn bỏng do bất cẩn trong quá trình sử dụng cồn để nướng cá, mực gây ra, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thống cho hay, để lại sẹo, da nhăn nheo, cắt bỏ tay, chân… là những hậu quả thường thấy đi kèm với số vụ tai nạn bỏng do cồn gây ra trong thời gian qua mà bệnh viện đã tiếp nhận, chẩn trị. Bên cạnh đó, các trường hợp bỏng cồn thường bị tổn thương các giác quan, đường hô hấp… thậm chí còn dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu, chẩn trị kịp thời. 

Những tai nạn này có thể tránh khỏi, nếu chúng ta thận trọng hơn khi thao tác, sử dụng cồn để nướng cá, mực, chớ để một chút sơ ý mà ta có thể phải đánh đổi cả sức khỏe, tính mạng của mình.

Phạm Anh
.
.
.