Độc đáo nghề đúc tượng ông Công, ông Táo dịp cuối năm

Thứ Bảy, 31/12/2016, 16:46

Ngoài làng gốm Thanh Hà ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), ở Thừa Thiên- Huế còn có làng nghề chuyên sản xuất tượng ông Công, ông Táo để phục vụ thị trường khắp mọi miền đất nước vào dịp 23 tháng Chạp âm lịch.

Càng gần đến cuối năm, những người thợ ở làng nghề Địa Linh, xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế) nỗ lực chạy đua với thời gian để sản xuất những mẻ tượng Táo quân cung ứng cho thị trường tại Huế và các tỉnh thành ở khu vực miền Trung, miền Nam.

Người thợ ở thôn Địa Linh thức khuya dậy sớm, cần mẫn với công việc đúc tượng Táo quân.

Sau quãng thời gian dài tồn tại với hàng chục hộ dân làm nghề, hiện ở thôn Địa Linh còn lại 3 anh em ông Võ Văn Đức, Võ Văn Hay và Võ Văn Nam cùng một số ít hộ dân khác cùng làm nghề đúc tượng Táo quân.

Ông Võ Văn Nam, một trong số ít hộ dân còn lại ở thôn Địa Linh đeo đuổi nghề đúc tượng ông Công, ông Táo.

Để có một sản phẩm tượng ông Công, ông Táo hoàn chỉnh, người thợ ở làng nghề Địa Linh phải thực hiện nhiều công đoạn khác nhau như chọn đất sét, làm đất, chày đất, nhồi nhuyễn, đúc tượng bằng khuôn đúc gỗ. 

Tiếp đến, tượng được đưa vào lò nung. Và công đoạn cuối cùng là sơn hoặc vẽ màu lên tượng.

Đúc tượng Táo quân đòi hỏi sự tỷ mẫn của người thợ.

Hiện, tượng Táo quân được bán với giá từ 500 đồng đến 2000 đồng/tượng tùy theo loại. Cứ mỗi dịp cận Tết cổ truyền của dân tộc, các gia đình làm nghề ở Địa Linh sản xuất khoảng từ 40 đến 50.000 tượng để cung ứng ra thị trường các tỉnh thành trong cả nước. 

Sau khi đúc, tượng ông Công, ông Táo được phơi khô. Do thời tiết cuối năm ở Huế mưa gió liên hồi nên người thợ Địa Linh phải che bạt để phơi tượng ngay trong sân nhà.

Để kịp cung ứng sản phẩm cho khách hàng, những người thợ ở Địa Linh thường bắt đầu công việc từ 3h sáng đến 10h đêm mỗi ngày...

Tiếp đến, tượng được đưa vào lò nung. Công đoạn nung tượng rất quan trọng và người thợ phải thường xuyên theo dõi để điều chỉnh nhiệt độ lò nung hợp lý.

Theo ông Võ Văn Nam, do nghề đúc tượng Táo quân vất vả, thu nhấp lại thấp nên có nhiều hộ dân trong thôn đã phải bỏ nghề để chuyển sang làm nghề khác mưu sinh. 

Một mẻ tượng ông Công, ông Táo vừa được nung ra lò.

“Tuy nhiên, đối với gia đình tôi, đây là nghề gia truyền nên không thể bỏ được. Hiện tôi đã và đang truyền nghề cho con cháu dâu, rễ trong nhà nhằm tiếp tục duy trì nghề đúc tượng ông Công, ông Táo”, ông Nam bày tỏ.

Cứ đến dịp cận Tết, vợ chồng chị Võ Thị Hằng (con gái ông Võ Văn Nam) đảm nhận việc vẽ hình ông Công, ông Táo. Hiện đây là mặt hàng được thị trường ưa chuộng vào dịp cuối năm.

Sản phẩm tượng ông Công, ông Táo thương hiệu "Địa Linh" hoàn thiện và chuẩn bị xuất xưởng đến mọi miền đất nước phục vụ người dân trong dịp cúng lễ tiễn ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp.
Theo tín ngưỡng của người Việt, tam vị Táo quân được xem là vị thần cai quản việc bếp núc và luôn được thờ ở gian bếp mỗi gia đình. 

Trước Tết Nguyên đán vào ngày 23 tháng Chạp, người dân sẽ đưa ông Táo về trời. Và đi kèm với đó sẽ là Bộ ba tượng ông Táo mới được thay lên bếp.

Công đoạn vẽ, "trang trí" cho ông Công, ông Táo được người dân ở Địa Linh thực hiện công phu.
Anh Khoa
.
.
.