Đêm đầu tiên Hà Nội đối mặt với dàn pháo đài bay B52 của Mỹ

Thứ Hai, 25/12/2017, 09:18
Tiến đến chiếc còi báo động màu đỏ đặt ở góc phòng, ông dùng hết sức nhấn, trong đầu chỉ một niềm đau đáu: “Đồng bào ơi, xuống hầm, xuống hầm đi”. 

Chiếc còi trong hầm trực ban được kết nối với hệ thống còi lớn đặt trên nóc Hội trường Ba Đình. Nhận được tín hiệu, còi báo động phòng không ở Nhà hát lớn, Bưu điện, nhà ga... và các điểm khác trên toàn thành phố đồng loạt rú vang, nhắc nhở người dân nhanh chóng xuống hầm trú ẩn. 

Đó là ký ức của Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên trợ lý tên lửa Cục Tác chiến QĐND Việt Nam về đêm đầu tiên, Hà Nội đối mặt với pháo đài bay B52, trong chiến dịch Linebacker II của Mỹ, ném hơn 20 vạn tấn bom xuống Hà Nội và các mục tiêu khác ở miền Bắc cuối tháng 12-1972.

Dù đã trên 90 tuổi nhưng Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh vẫn còn giữ được chất giọng hào sảng khi kể lại những hồi ức của mình về đêm ngày 18-12-1972, cách đây 45 năm. 

Thời điểm ấy, ông còn là Thiếu tá và khi đang trực ban dưới hầm thì Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài gọi ông và bảo: "Ông Thọ (Lê Đức Thọ - PV) vừa từ Paris - Pháp về. Hội nghị bế tắc. Chúng sẽ đánh mạnh, cậu phải ở dưới hầm mà trực chiến". 

Dưới này, tức là hầm T1, nằm sâu trong Hoàng thành Thăng Long, là nơi đầu tiên tiếp nhận thông tin quân sự. Trước đó một ngày, các lực lượng vũ trang miền Bắc, đặc biệt là đơn vị phòng không đã nhận lệnh, lên dây cót tinh thần chiến đấu ở mức cao nhất, đề phòng B-52 Mỹ đánh từ vĩ tuyến 20 trở ra phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh gặp lại các cựu dân quân tham gia trận “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm năm 1972.

Theo lời kể của Tướng Ninh, trong chiến dịch Linebacker (tháng 4 tới tháng 10-1972), lần đầu tiên Hải Phòng bị B52 rải thảm vào ngày 16-4. Các trung đoàn tên lửa bắn 93 phát nhưng không trúng.

Trưa 18-12-1972, cơ quan tình báo phát hiện và báo về, ở phía Đông Philippines, hàng chục máy bay tiếp dầu cho B52 cùng các máy bay chiến thuật khác của Mỹ để chuẩn bị đánh vào Hà Nội ngay trong buổi tối. Đúng 16h, Bộ Tổng Tham mưu thông báo có 32 chiếc B52 xuất kích từ đảo Guam đến đánh phá miền Bắc. 

18h50’, toàn Quân chủng Phòng không - Không quân vào lệnh báo động cấp I. Đúng 19h, Sở Chỉ huy nhận được điện báo của Quân chủng Phòng không - Không quân, rằng trạm radar của Trung đoàn 291 đóng ở Đô Lương, Nghệ An đã phát hiện máy bay B52 Mỹ từng tốp từ phía Lào hướng lên phía Bắc Việt Nam, nhằm thẳng Hà Nội. 

“Tôi điếng người, nghĩ đến B52 hơn 80 tấn mỗi chiếc, mỗi quả bom ném xuống đào được cái hố to hơn cả giếng làng. Trời rét mà người tôi túa mồ hôi. Đã qua nhiều năm đánh Pháp, đánh Mỹ cộng lại cũng chưa bao giờ tôi thấy hai vai nặng trĩu như lúc này”, ông Ninh nhớ lại. 

Ông Ninh nhấc điện thoại báo cáo với Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, đề nghị cho phép kéo còi báo động sớm hơn quy định. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng ý và yêu cầu Quân chủng Phòng không - Không quân và các quân khu báo động phòng không cho nhân dân biết.

Thiếu tá trực ban Nguyễn Văn Ninh tiến đến góc phòng, ấn chiếc còi báo động màu đỏ. Còi báo động rú lên, đồng loạt 25 cái điện thoại đặt trong phòng réo chuông liên hồi. Có đồng chí lãnh đạo hỏi: "Tập hay báo động thật?". Tổ trực ban chỉ kịp trả lời: "Mời đồng chí xuống hầm", rồi cúp máy. 

Đúng 19h40, dàn pháo đài bay B52 đồng loạt trút bom xuống Hà Nội và vùng phụ cận. Cả thủ đô hứng chịu hàng trăm quả bom. Các khu công nghiệp, kho tàng, khu đông dân cư, trận địa phòng không ở Đông Anh, Yên Viên, kho xăng Đức Giang, Bệnh viện Bạch Mai, Đài Tiếng nói Việt Nam ở Mễ Trì… đều bị trúng bom. 

Trong hai mươi phút đầu, bên trên bom ném xuống, bên dưới pháo cao xạ, tên lửa bắn lên, lưới lửa phòng không của ta đáp trả sáng rực cả bầu trời.

Khoảng 20h18’, đài quan sát trên đỉnh Cột cờ báo về có đám cháy to ở phía Bắc. Cùng lúc đó, kíp trực cũng nhận được điện báo tên lửa của Trung đoàn 261 đã bắn rơi một chiếc B52 ở huyện Đông Anh. 

"Căn hầm như muốn nổ tung. Lúc ấy, tôi ôm các đồng chí Văn Tiến Dũng, Lê Huy Mai, Phùng Thế Tài mà rơi nước mắt vì sung sướng", Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh bồi hồi. Cục Tác chiến yêu cầu phải kiểm tra cho chính xác có thật chiếc B52 bị ta bắn rơi hay không rồi mới công bố. 

Ông Ninh chuẩn bị đi thì Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài kéo vào trong hầm, bảo: "Bây giờ trời tối đen, đang lo đánh mà đi thì cũng không thấy gì. Sáng mai, anh em đi thật sớm, xác định rồi về báo cáo Bộ Chính trị". 

Sáng hôm sau, chiếc Mi-8 đưa 4 người sang Phủ Lỗ. Khi trực thăng đáp xuống cánh đồng, người dân đang túm tụm xem xác máy bay. Khi trông thấy phù hiệu B52, cả nhóm kiểm tra thật kỹ rồi về báo cáo Bộ Chính trị. 

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, thống kê từ đêm 18-12 đến rạng sáng hôm sau, 90 lần chiếc B52 và 135 lần máy bay chiến thuật của không quân Mỹ đã đánh ba đợt vào Hà Nội, 28 lần máy bay chiến thuật của Hải quân Mỹ rải bom Hải Phòng và vùng lân cận. Tên lửa của ta tại Hà Nội bắn rơi ba chiếc B52, trong đó hai chiếc rơi tại chỗ.

Ngọc Yến
.
.
.