Công an phụ trách xã và chuyện giải quyết “xâm canh, xâm cư”

Thứ Tư, 28/09/2016, 10:31
Do người dân không thể canh tác trên vùng đất đá sỏi, cằn cỗi, họ đã di chuyển từ xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang về thôn Tùng Lâm, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên chặt phá rừng để dựng nhà, trồng cấy, gây xói mòn, lở đất, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trên đỉnh núi, khiến cánh rừng đầu nguồn bị tàn phá.


“Xâm canh, xâm cư” là câu chuyện không còn mới mẻ và lạ lẫm ở vùng núi cao Yên Bái. Do người dân không thể canh tác trên vùng đất đá sỏi, cằn cỗi, họ đã di chuyển từ xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang về thôn Tùng Lâm, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên chặt phá rừng để dựng nhà, trồng cấy, gây xói mòn, lở đất, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trên đỉnh núi, khiến cánh rừng đầu nguồn bị tàn phá.

Làm thế nào để vận động người dân quay trở về là một khó khăn lớn của Công an huyện Lục Yên

Ở  vùng cao, chuyện “xâm canh, xâm cư” gây mâu thuẫn trong đồng bào dân tộc vẫn thường xảy ra. Khi 11 hộ dân ở xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang định cư trái phép sang thôn Tùng Lâm, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã khiến cho cánh rừng đầu nguồn bị chặt phá, ảnh hưởng đến nguồn nước của các hộ dân sinh sống phía dưới.

Những vất vả của Công an huyện Lục Yên khi tăng cường cơ sở lên thôn Tùng Lâm.

Những hộ di cư này đều là người dân tộc Mông, Dao, khi “xâm canh, xâm cư” sang xã Lâm Thượng đã chặt phá rừng, dựng nhà để sinh sống... gây mâu thuẫn với nhân dân sở tại, dẫn tới phức tạp về tình hình ANTT.

Trước tình hình đó, Công an huyện Lục Yên đã xây dựng kế hoạch thành lập Tổ Công an tăng cường cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con di cư trái phép quay trở về.

Thượng tá Bùi Việt Hùng, Trưởng Công an huyện Lục Yên cho biết: “Đây là chuyến đi khá vất vả do thôn Tùng Lâm nằm trên đỉnh núi cao, hoàn toàn phải đi bộ. 11 đồng chí được tăng cường phải tự dựng lán, tự tìm kiếm thức ăn, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”.

Gặp những cán bộ Công an tăng cường lên Tùng Lâm, chúng tôi mới hiểu hết được sự vất vả của Công an phụ trách xã, mới thấu hiểu nhiệm vụ của họ khó khăn đến nhường nào.

Cuốc bộ 3 tiếng trong mưa rừng, con đường độc đạo vào Tùng Lâm chằng chịt cây cối, vắt rừng thấy hơi người kéo ra từng đàn. Mỗi người một cây gậy, khoác chiếc áo mưa, leo đồi, vượt núi.

Núi cao chót vót, mệt đến mức tim thắt lại, thế nhưng họ phải chạy bởi nếu dừng lại thì vắt cắn. Là Tổ trưởng của Tổ công tác, Đại úy Hoàng Quốc Hiệp kể lại: “Vắt đen thì bò ở chân, vắt xanh lao như chim bay vào người. Tới nơi, anh em dựng lán trại để ở, sáng ra thấy vắt bò lăn lóc, thấy mà ghê nhưng anh em phải vượt qua.

Ở đây giáp với Sa Pa nên đêm trời rất lạnh, chúng tôi đi không mang chăn màn vì cồng kềnh, chỉ có dùng áo để đắp. Anh em lên đây chỉ mang thực phẩm khô, phải đi kiếm rau rừng.

Không điện, chỉ có ánh sáng của đèn pin mang theo nhưng chúng tôi phải dùng hết sức tiết kiệm, chỉ phục vụ cho đi đường và ăn cơm tối”.

Vượt qua tất cả những khó khăn đó, ngay sau khi ổn định chỗ ở, tổ công tác đến vận động từng hộ dân. 11 hộ trong thôn ban ngày đều đi nương, chỉ đến tối mới trở về. Do không có điện nên Tổ công tác phải hẹn dân đến làm việc tại lán của anh em.

“Chúng tôi phải nấu cơm cho dân ăn rồi mới tiến hành vận động” – một chiến sĩ kể lại. Những cán bộ cử đi tăng cường hầu hết đều là người dân tộc, cho nên trong giao tiếp với người dân đã không gặp bất cứ trở ngại nào về ngôn ngữ.

Người dân khi nghe cán bộ tuyên truyền, giải thích, nhất định không chịu quay về Hà Giang. Thậm chí, có người còn nói: “Chết tôi cũng không về, vì bên kia đất đai khắc nghiệt, không có nước để canh tác…”. Đại úy Hoàng Quốc Hiệp cho biết: “Việc vận động không thể ngày một ngày hai là người dân đã nghe, mà nó phải giống như “mưa dầm thấm lâu”.

Chúng tôi chia nhau, vận động từng gia đình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. Được biết, đây đều là những hộ dân có điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn. Có nhiều hộ đã bán đất, bán nhà bên Hà Giang, họ nói nếu trở về thì không biết ở đâu.

Trước tình hình đó, chúng tôi cử người về báo cáo lãnh đạo Công an huyện xin chủ trương. Sau đó Công an huyện phối hợp với tỉnh Hà Giang để tìm phương án giải quyết cho nhân dân như hỗ trợ về đất đai, vận chuyển nhà…”.

 Sau nhiều thời gian kiên trì, vận động, Công an huyện Lục Yên đã gỡ được nút thắt trong lòng nhân dân, khiến họ yên tâm tin tưởng và 6 hộ đầu tiên đã tự nguyện quay về mảnh đất nơi họ rời bỏ.

Khi quay về, họ phải dỡ bỏ nhà đã dựng ở Tùng Lâm. Những ngôi nhà bằng gỗ nằm chông chênh trên núi cao, để xây dựng nó người dân phải vận chuyển gỗ hoàn toàn bằng vai lên đỉnh núi. Để vận động được người dân quay về là cả một quá trình đầy khó khăn bởi tổ công tác đi theo đợt, mỗi đợt từ 5-10 ngày.

Đại úy Hoàng Quốc Hiệp cho biết, khó khăn lớn nhất là đi lại, ăn uống, sinh hoạt. Sóng điện thoại phập phù, anh em muốn gọi điện phải băng qua cả một dãy núi. Rồi chuyện đi Hà Giang để xác minh lý lịch, từ xã lên đến nhà dân phải đi bộ tới 6 tiếng…

Nhưng tất cả sự vất vả đó đã được đền đáp xứng đáng khi người dân hiểu và tin tưởng vào lực lượng Công an, chấp hành quay trở về địa phương nơi cư trú.

Công an huyện Lục Yên có 25 CBCS phụ trách 24 xã, 1 thị trấn, trong đó 11 xã là vùng cao, vùng sâu, đặc biệt xã trung tâm cách huyện 50km; có những thôn, bản xe máy không đi vào được.

Trở ngại lớn nhất với những cán bộ Công an phụ trách xã là ngôn ngữ và địa hình, nhưng để vận động bà con, các cán bộ này đều học và nói thành thạo từ 1 đến 3 thứ tiếng dân tộc.

Đặc biệt, trong công tác giải quyết tình trạng “xâm canh, xâm cư”, Công an huyện Lục Yên đều làm rất tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhờ đó đã giải quyết thành công nhiều vụ việc, đảm bảo ANTT cho địa bàn, giữ gìn môi trường và tài nguyên rừng.

Hằng Mai
.
.
.