Nữ cán bộ tư tưởng đặc biệt ở “xóm cùi”

Thứ Bảy, 17/01/2015, 15:05
Ở trại phong Phú Bình có một người phụ nữ đã tình nguyện hy sinh tuổi thanh xuân để giành tình yêu thương, chăm sóc, chở che đến những kiếp già neo đơn. Hơn 28 năm làm việc, chị luôn xem họ như những người thân, đứa con, anh chị trong gia đình. Chị Nguyễn Thị Yên, 53 tuổi, quê ở xóm Cục, Lương Tài, Bắc Ninh.

“Bảo mẫu” tâm lý ở xóm cùi

Khi còn ở tuổi đôi mươi, (những năm 1980) chị Yên là cô gái, được nhiều anh chàng trong xã theo đuổi. Tuy nhiên, chị đã không theo những “cuộc chơi” mà tâm huyết với công việc chăm lo, giúp đỡ bệnh nhân ở trại phong Quả Cảm, (Bắc Ninh).

Chị Nguyễn Thị Yên.

Ban đầu chị theo người cô ruột vào trại phong chăm sóc những bệnh nhân phong và học cách cô thay băng, chăm sóc, động viên họ. Mỗi lần chăm sóc, thay băng, bôi thuốc cho bệnh nhân phong chị Yên lại cảm thương cho những số phận.

Sau một thời gian, chị Yên được phân vào nhận việc tại trại phong Quả Cảm, (Bắc Ninh), Cẩm Thủy (Thanh Hóa) và hiện tại là Phú Bình (Thái Nguyên). Nhiều người trong xóm lúc đó không thích công việc chị làm, vì họ không muốn chị mang bệnh hủi về xóm. Bỏ qua những lời đàm tiếu, vượt lên mặc cảm, người phụ nữ đã theo cô ruột tiếp tục đi chăm sóc bệnh nhân phong tại trại phong Quả Cảm, Phú Bình.

 Đa phần những bệnh nhân trong trại phong Phú Bình là người già neo đơn bị mất một phần chân hoặc tay nên rất khó để di chuyển. Vào mùa lạnh tiết trời trở rét khiến vết thương bị nhiễm trùng tái phát mạnh hơn, tê tái khắp người. Có những cụ vết thương nặng nên chỉ húp được vài thìa cháo vì đau nhức mấy ngày đêm liên tiếp. Thời gian rỗi chị tranh thủ vào xem các cụ cần gì thêm để giúp. Về sau, chị hướng dẫn cho các cụ làm những việc nhẹ, thời gian còn lại để chăm lo cho người bị bệnh nặng. Phần lớn thời gian trong ngày chị Yên giành để giặt giũ, quét dọn, tâm sự với mọi người.

Chị Yên thật thà tâm sự: Không phải số phận hay ai xúi giục mà chị là người đã chủ động chọn cho mình công việc này. Người phụ nữ chọn công việc này với hy vong được ngày ngày “góp nhặt” thêm những tiếng cười, sức khỏe, niềm vui cho những kiếp người neo đơn trong “xóm cùi” nhỏ chứa đựng tình thương.

Bước qua tuổi 50, chị Yên đã góp sức vào công việc chăm lo, “góp nhặt” hàng ngàn tiếng cười ở hầu khắp các trại phong ở miền bắc như Qua Cảm (Bắc Ninh), Quyết Tiến (Tuyên Quang), Sóc Sơn (Hà Nội),  Cẩm Thủy (Thanh Hóa) rồi đến trại phong Phú Bình (Thái Nguyên).

Dù không giàu tiền, giàu bạc nhưng chị Yên giàu tình thương, luôn hết lòng với những con người có số phận kém may mắn ở đây. Hơn 28 năm làm công tác tình nguyện, chị Yên luôn giành đến các cụ tình cảm chân thành, tiếp thêm nghị lực sống cho hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày. Tuy tất bật với công việc nhưng chị cũng rất nhanh ý trong việc nắm bắt tâm lý người già. Mỗi khi thấy cụ bi quan, ngồi trước cửa kể lể, chị lại bỏ giở công việc đang làm để lại gần bên các cụ dùng những lời lẽ ngọt ngào để an ủi, giúp họ lấy lại tinh thần sống vui, khỏe, lạc quan hơn. Theo thời gian mọi người xem chị như con cháu trong nhà, lũ trẻ thường gọi chị với cái tên quen thuộc là mẹ Yên, người già thì nhận chị làm con. Những tiếng gọi ấy tiếp thêm động lực để người phụ nữ quên đi những lời bàn tán, chống đối từ gia đình.

Nhiều người hỏi về nguy cơ lây nhiễm bệnh sang mình, chị Yên nói có lẽ phần tình thương đã lấn át phần sợ hãi trong người nên đã từ lâu chị không nghĩ đến chuyện lây nhiễm.

Ngày đầu về trại phong Quả Cảm, Phú Bình, chị đã nghĩ ra ý tưởng trồng hai luống rau ở trước sân. Theo thời gian, các cụ thấy chị ngày ngày dậy sớm tưới rau, thức khuya làm việc nên mọi người dậy ra sân nhìn chị làm, tiện thể dậy tập thể dục. Bên cạnh đó, chị hướng dẫn mọi người trồng cây rau, chăm sóc cây để tự túc thêm củ khoai, khúc sắn cho bữa ăn hằng ngày, phòng ngày mưa gió không ra ngoài đi chợ hoặc hết thức ăn. Bên cạnh việc tăng gia sản xuất, chị Yên cũng tổ chức văn nghệ vào mỗi cuối tuần. Chị dạy cho các cháu tập văn nghệ rồi tâm sự, tuyên truyền để các cháu, các cụ hiểu thêm về căn bệnh đang mang trong người để mọi người vui tươi hơn trong cuộc sống.

Sức mạnh của tình thương và lòng nhân ái

Không chỉ dừng lại ở việc tâm sự, giúp các cụ ngày hai bữa cơm, chị Yên luôn khuyến khích mọi người cùng nhau tăng gia sản xuất trong khu dân cư nhỏ. Trước đây mọi người ít tham gia trồng trọt vì bản thân họ sợ nhiễm trùng vào vết thương. Tuy nhiên, từ khi vào đây chị Yên đã tuyên truyền đến chị em tận dụng những khu đất trống để tăng gia trồng rau dền, rau muống, rau khoai … để đỡ đần tiền thức ăn. Trại phong Phú Bình có 1/3 số hộ gia đình nhỏ vào ở chung để tiện bề chăm sóc bố mẹ. Phần lớn mọi người đều tham gia lao động nên chị đã vận động các đôi vợ chồng tăng gia sản xuất trồng ngô, khoai sắn, một số loại cây rau, củ như khoai lang, rau mồng tơi, mướp, đu đủ ... Thời gian đầu chị Yên khuyến khích mọi người trồng khoai, lạc theo vụ, kết hợp trồng rau quả trong vườn. Đến ngày thu hoạch, chị tập hợp cả trại rồi đem luộc nồi thật lớn gồm ngô, khoai, lạc để tất cả mọi người cùng ăn và thi tài văn nghệ. Khi chỉ còn những người cùng cảnh với nhau, vẻ mặt ngại ngùng, bi quan của mỗi người được rủ bỏ để nhường chổ cho những niềm vui, tiếng cười, lời ca và hơn hết là sức mạnh tình thương. Đây thực sự là cách làm hay để mọi người cùng hòa mình vào công đồng nhỏ và sống vui tươi, lạc quan hơn, bớt buồn tủi, bi quan về bản thân. Theo thời gian, những mét đất để trống được phân cho các cụ trước khi vào trại phong đã mọc lên những hoa màu, cây quả. Khu ao rộng đằng trước nhà cũng được hồi sinh để nuôi thêm những đàn cá nhỏ được đánh bắt mỗi năm hai lần vào dịp hè và tết cổ truyền.

Bên cạnh đó, chị khuyến khích cháu nhỏ trong mỗi gia đình ở đây chăm chỉ học tập, các cháu có thành tích tốt trong học tập đều được trại phong trao phần thưởng vào cuối mỗi năm học. “Cách đây hai năm, khi chưa có chị Yên đến, khu trại phong này buồn lắm. Từ ngày chị Yên đến ở lại đây các cụ trông tươi vui hẵn lên, lũ trẻ thì học tập hăng hái hơn nhiều và một số hộ gia đình trong trại phong tích cực trong chuyện tăng gia sản xuất. Mọi người trong trại phóng phấn khởi lắm”- cụ Phạm Sỹ Thường, trưởng ban quan trị bệnh nhân tại trại phong Phú Bình cho biết.

Chính lòng nhiệt tình, tâm huyết của chị Yên đã góp phần khơi dậy niềm tin sống trong mỗi bệnh nhân phong. Dù nhìn bề ngoài họ có vẻ bi quan nhưng trong tận trái tim họ luôn khao khát được sống, được hòa nhập với cộng đồng, được quan tâm, thương yêu để vơi bớt nỗi đau bệnh tật. chị Yên là người đã góp chút sức nhỏ vào việc tuyên truyền, vận động để mọi người vươn lên trong cuộc sống. Những hành động của chị Yên tuy nhỏ nhưng lại góp phần không hề nhỏ vào việc xóa bỏ sự kỳ thị, xa cách giữa bệnh nhân phong với mọi người. Công việc tuy nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa nhân đạo vô cùng lớn, những hành động, nghĩa cử cao đẹp đó khiến nhiều người trong xã hội phải cảm phục. Tấm lòng tương thân tương ái của chị đã góp sức giúp những người vốn có số phận kém may mắn trong cuộc sống có thêm động lực, ý chí để vượt lên bệnh tật, tiếp tục sống.

Lê Kiên
.
.
.