Cẩn trọng bảo vệ tài sản khi tham gia giao thông

Thứ Tư, 31/10/2018, 09:50
Giật chiếc giỏ xách để kiếm tiền thỏa mãn cơn nghiện game, hai tên cướp tuổi teen lại cướp đi mạng sống của một người phụ nữ. 


Tài sản trong bóp chỉ có 500 ngàn và chiếc ĐTDĐ Galaxy Note 8 nhưng qua vụ án này cho thấy, các nạn nhân đã quá hớ hênh với tài sản của mình khi lưu thông trên đường để rồi tự biến mình thành “con mồi” của các đối tượng…

Chỉ vì đam mê chiếc xe Winner nhưng không có tiền mua, Lê Minh Thuận (15 tuổi, ngụ quận 6, tạm trú Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) đã lên kế hoạch sát hại anh L.N.H. (20 tuổi, sinh viên ĐH GTVT TP Hồ Chí Minh, chạy Grabbike) tại Bình Chánh để cướp chiếc xe. Vụ án gây căm phẫn trong dư luận mấy ngày qua. 

Hay gần đây nhất là vụ 2 đối tượng Trần Thanh Tín (15 tuổi) và Ngô Hoàng Anh (18 tuổi, ngụ Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) vì không có tiền chơi game đã thực hiện vụ cướp giật dưới chân cầu Thủ Thiêm khiến chị Dung (ngoài 30 tuổi) tử vong, chị Nguyễn Hồng Trúc Vy (25 tuổi, ngụ Gò Vấp) bị thương tích nặng.

Sự hớ hênh của các nạn nhân đã tự biến mình thành “con mồi” của các đối tượng cướp giật.

Đại tá Nguyễn Hoàng Thắng, Trưởng Công an quận Bình Thạnh cho biết, 2 đối tượng trên tuổi đời khá nhỏ nhưng thực hiện hành vi cướp giật quá táo tợn. 

Để truy xét, bắt được được 2 đối tượng này, Công an quận Bình Thạnh đã thu thập chứng cứ, thông tin từ dữ liệu camera, từ người dân; đồng thời phối hợp kịp thời với Công an nhiều địa phương. Manh mối phá án bắt đầu từ nguồn tin của một người dân thông báo, một phụ nữ đem bán chiếc ĐTDĐ có hình dạng giống như chiếc điện thoại mà nạn nhân bị cướp, các tổ công tác đã làm việc với người phụ nữ này và bắt được Tín. 

Riêng Hoàng Anh, các tổ công tác bị người thân Hoàng Anh chống đối, trong đó có trường hợp anh của Hoàng Anh đang bị nhiễm HIV đã dùng dao rạch tay cho chảy máu đe dọa các trinh sát để Hoàng Anh leo lên mái nhà lẩn trốn.

“Tội phạm trẻ, manh động nhưng điều cốt lõi là người dân còn kém ý thức khi bảo vệ tài sản của mình, nhất là phụ nữ cầm tài sản hớ hênh trong đêm khuya vắng”, một trinh sát tham gia khám phá vụ án cảnh báo.

Dạo quanh các tuyến đường tại trung tâm thành phố, PV Báo CAND  ghi nhận, nhiều người, nhất là phụ nữ vẫn còn rất chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ tài sản của mình, nhất là cầm tài sản trên đường. Nhiều phụ nữ đeo giỏ xách hàng hiệu ngang người bên trong chứa ĐTDĐ xịn, tiền bạc nhưng cứ vô tư để lộ ra ngoài.

Trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1, chỉ đứng chưa tới 15 phút,  chúng tôi ghi nhận có hơn 30 người đeo giỏ xách một cách hớ hênh và có cả hàng chục người vừa điều khiển phương tiện vừa nghe điện thoại.

“Không biết trong giỏ xách có gì không mà nhiều người để hớ hênh như vậy! Nếu có tài sản bị mất thì đã đành, nếu bên trong không có tài sản, đeo lấy le kiểu “ta đang xài hàng hiệu” như thế này, nếu bị cướp không mất tài sản cũng bị té ngã chấn thương như chơi!”, anh Tùng (ngụ quận 1) bức xúc.

Đã từng là nạn nhân của vụ bị giật điện thoại, anh N.P. (ngụ quận 6, TP Hồ Chí Minh) kể giờ ra đường anh không dám sử dụng điện thoại. Rút kinh nghiệm, mỗi lần có cuộc gọi tới, anh thường không nghe hoặc tấp vào lề quan sát kỹ mới lấy điện thoại ra. 

“Hôm đó có cuộc gọi đến tôi tấp xe trên đường, lấy điện thoại ra nghe thì đầu dây bên kia tắt máy. Tôi đang lướt danh bạ dò số điện thoại thì 2 đối tượng áp sát giật rồi tháo chạy. Do trời mưa, đường vắng nên dù có tri hô cũng chẳng có ai ứng cứu, truy đuổi!”, anh P. kể.

Rất nhiều lần, chúng tôi chứng kiến đứng giữa phố đông đúc nhưng nhiều người vẫn vô tư dán mắt vào chiếc điện thoại nên khi các đối tượng ra tay, các nạn nhân đều trở tay không kịp. 

Nhiều người chỉ vì bất cẩn mà bị các đối tượng cướp tài sản rồi kéo lê trên đường. Như trường hợp chị Trần Thị Kim Thoa (24 tuổi, nhân viên làm việc ở quận 1). Vào cuối tháng 4-2018, chị Thoa đã bị Trương Hồng Thái (tự Quốc, 23 tuổi, ngụ quận 4) giật điện thoại trên đường Nguyễn Thái Học và kéo lê đi hơn 30m trên đường. 

Tương tự, đầu tháng 10-2017, trong lúc đứng sử dụng điện thoại trên đường Thạch Lam, quận Tân Phú, chị Trần Ngọc Mai (23 tuổi) bị Bùi Quốc Thuận áp sát. Khi chị Mai vừa bỏ điện thoại vào giỏ xách thì Thuận ra tay. Nạn nhân giằng co, Thuận tăng ga bỏ chạy, quai túi xách vướng vào xe máy của Thuận đã kéo luôn chị Mai đi một đoạn dài trên đường khiến nạn nhân bị trầy xước khắp người...

Trước những vụ cướp khá táo tợn vừa qua trên địa bàn, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết ngoài việc liên tục khuyến cáo người dân, lãnh đạo Công an thành phố còn chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương truy xét và nhanh chóng phá án.

Theo báo cáo của Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh, tại TP Hồ Chí Minh, mỗi tuần trung bình xảy ra hàng trăm vụ phạm pháp hình sự, các phòng nghiệp vụ và Công an các quận huyện khám phá gần 100 vụ bắt gần 100 đối tượng, nhiều nhất vẫn là các vụ cướp giật tài sản trên đường phố.

Theo thống kê và phân loại, các vụ cướp, cướp giật thường xảy ra vào ban đêm và nạn nhân đa phần các đối tượng nhắm vào là phụ nữ bởi ngoài việc đeo trang sức, giỏ xách làm đẹp, những nạn nhân này thường yếu ớt khi tri hô cướp giật hay dễ bị khống chế.

Để hạn chế các vụ cướp giật tài sản, nhất là vào ban đêm, Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân, nhất là phụ nữ cần cất giữ tài sản cẩn thận, không nên phô trương, cầm hớ hênh bên ngoài, khi lưu thông trên đường thì bỏ tài sản vào cốp xe, tránh đi một mình trên đường vắng, thiếu ánh sáng; cần quan sát những đối tượng khả nghi. Khi gặp cướp, cướp giật, tránh chống trả trực tiếp mà nên ghi nhận đặc điểm nhận dạng đối tượng và báo với cơ quan Công an gần nhất.

MINH ĐỨC
.
.
.