Tín hiệu vui từ những làng chài ven biển miền Trung

Biển đã hồi sinh, niềm vui trở lại

Thứ Năm, 04/05/2017, 08:29
Không còn cảnh đìu hiu như sau sự cố môi trường biển, giờ các cảng cá đều tấp nập tàu, thuyền và người bán, kẻ mua.

Một ngày cuối tháng Tư, chúng tôi về xã Phú Thuận (Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) và chứng kiến cảnh bà con ngư dân nơi đây đang háo hức chuẩn bị cho một chuyến ra khơi mới.

Nhìn những căn nhà khang trang mọc lên 2 bên tuyến đường QL49B và kéo dài đến gần đồi cát trắng ven biển mới thấy hết được sức sống mới của làng chài nơi đây sau sự cố môi trường biển.

Đang hì hục chuẩn bị đưa ngư lưới cụ xuống tàu cá, ngư dân Trần Văn Chiến, Tổ trưởng Tổ tàu đoàn kết thôn An Dương 3, xã Phú Thuận, vui mừng cho biết, giai đoạn khó khăn của ngư dân trong thôn đã qua; giờ đây biển đã hồi sinh, tôm cá có nhiều trở lại nên bà con tiếp tục nghề đánh bắt hải sản và đã thu được nhiều kết quả đáng kể.

“Thôn có 25 tàu đánh cá công suất từ 90-840CV với gần 300 lao động biển thường xuyên và hàng chục thuyền đánh bắt gần bờ. Bà con ngư dân cần cù, chịu khó bám biển nên biển cả không phụ lòng người. Nhờ những chuyến tàu đầy ắp tôm cá trở về từ đại dương mà người dân trong thôn xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi con cái ăn học thành đạt… Dịp này, nhiều thuyền gần bờ còn trúng đậm cá đục, có hộ chỉ ra khơi trong một ngày đêm đã kiếm được chục triệu đồng, báo hiệu vùng biển gần bờ đã hồi sinh trở lại như trước”, ông Chiến tươi cười nói.

Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, toàn xã có 2.080 hộ, 9.830 khẩu với 80% là lao động biển. Trong đó, nhiều ngư dân ở các thôn An Dương 1 và 3 đã trở thành “triệu phú”, sẵn sàng đầu tư tiền tỷ để đóng mới những con tàu lớn vượt biển ra khơi.

Trong đó phải kể đến ngư dân Trần Văn Chiến đóng tàu vỏ thép số hiệu TTH-99999 công suất 840CV, với kinh phí hơn 18 tỷ đồng; ngư dân Nguyễn Thanh Bình đóng mới tàu cá công suất 800CV; ngư dân Ngô Đức Lanh và Phan Ngạch đóng 2 tàu cá công suất 500CV...

Nhờ vào nguồn lợi từ việc đánh bắt hải sản đem lại nên ngoài phát triển kinh tế hộ gia đình, ngư dân xã Phú Thuận còn chung tay góp sức xây dựng nhiều công trình công cộng, góp phần đổi mới diện mạo quê hương.

Điển hình như mới đây, người dân thôn An Dương 1 đã tự đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn khang trang với kinh phí hơn 1 tỷ đồng và đã đưa vào sử dụng.

“Nhờ có tàu cá công suất lớn cộng với sự thay đổi về trang thiết bị và ngư lưới cụ nên hiệu quả đánh bắt hải sản của ngư dân ngày càng được nâng cao rõ rệt. Nếu trong năm 2016 toàn xã đánh bắt được 9.600 tấn hải sản thì chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, sản lượng hải sản đánh bắt đạt 3.400 tấn. Chính sự nỗ lực bám biển của ngư dân đã giúp làng quê ở Phú Thuận khởi sắc từng ngày”, ông Tùy khẳng định.

Nhộn nhịp kẻ bán người mua tại các chợ cá khi những chuyến tàu đánh bắt hải sản đầy khoang trở về.

Tại chợ cá Cửa Tùng, (thị trấn Cửa Tùng, Quảng Trị) tấp nập kẻ mua, người bán từ suốt 2 tháng nay.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhạn, ở khu phố An Hòa 1, thị trấn Cửa Tùng, một chủ hàng cá cho chúng tôi hay, gia đình chị có tàu cá công suất 900CV, đi gần 2 tháng nay với hơn 30 bạn thuyền và đã “thắng lớn”. Khó khăn đã vượt qua, cuộc sống gia đình chị và bà con ngư dân nơi đây đã ổn định và có chiều hướng phát triển đi lên...

Đến cảng cá Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, gặp chúng tôi, ngư dân Hoàng Sỹ Tiến, ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, vội “khoe”: “Sau lần tàu ông Lê Văn Tuấn, ở thôn Xuân Lộc, xã Cửa Việt đánh bắt được hơn 100 tấn cá bè quỵt, bán được hơn 5 tỉ đồng, tàu của tui 1 tuần sau đó cũng đánh bắt được hơn 20 tấn thủy sản các loại, bán được gần tỉ đồng. Nói chung làng biển đã khởi sắc trở lại rồi…”.

Tương tự, các xã Hải An, Hải Khê, huyện Hải Lăng… ngư dân ra khơi đánh bắt và “trúng đậm” hải sản có giá trị kinh tế cao.

Theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, năm 2017, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đào tạo chuyển đổi nghề cho ngư dân kết hợp với ổn định và phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, động viên ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển phục vụ sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Mục tiêu, đến năm 2020 sẽ chuyển đổi được 50% tàu thuyền khai thác công suất từ dưới 20CV đến dưới 90CV lên công suất trên 90CV và đóng mới 100 tàu cá có công suất 90CV trở lên được đảm bảo khai thác trung bờ và xa bờ.

Tiếp tục tạo điều kiện cho bà con ngư dân được tiếp cận, vay vốn với nguồn vốn cho vay có mức lãi suất thấp, để đóng mới tàu thuyền, đặc biệt là tàu trên dưới 1000CV, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.

Về các làng biển ở Hà Tĩnh, trước Tết Nguyên đán giá cá cháo mỗi kg chỉ bán 30-50 nghìn đồng, thì nay đã tăng lên 120-150 nghìn đồng. Mực tươi, cá hố, cá chim, cá mú, tôm, cua, ghẹ… giá cũng tăng vọt.

Tại cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tàu cá ngư dân Thạch Bằng, Thạch Kim từ khơi xa về cập bến, tôm cá đầy khoang. Không còn cảnh đìu hiu như sau sự cố môi trường biển, giờ các cảng cá đều tấp nập tàu, thuyền và người bán, kẻ mua.

Chỉ sau ba ngày đánh bắt, anh Nguyễn Văn Hòa đã đánh bắt được gần 10 tấn cá đù. Những mẻ lưới trúng đậm “lộc biển” đã tiếp thêm sức mạnh cho anh cùng bao ngư dân miền Trung yên tâm bám biển.

Ở vùng bãi ngang ven biển Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, cũng tấp nập tàu thuyền cập bến, trong khoang chứa đầy cá hố, cá chim, cá cháo…

Từ đầu năm 2017 đến nay thời tiết thuận lợi nên nhiều cảng cá ở dọc các làng biển miền Trung nhộn nhịp cảnh tàu, thuyền ra khơi, vào cảng. Ngư dân miền Trung không chỉ vui mừng trong việc đánh bắt thuận lợi mà chính việc hải sản dễ tiêu thụ, bán được giá cao đã đem lại niềm vui cho họ gấp bội.

Tại các chợ, cách đây độ vài tháng, bà con bán thủy hải sản ngồi nhìn nhau buồn chán vì khó bán hàng thì nay giá hải sản tăng gấp đôi, gấp ba. Việc người dân tiêu thụ lại hải sản có thể nói là món quà lớn nhất, hạnh phúc nhất đối với ngư dân làm nghề biển trong những ngày này…

Đi dọc chiều dài gần 200km bờ biển tỉnh Quảng Bình, chúng tôi qua rất nhiều làng nghề truyền thống gắn liền với biển cả như: Bảo Ninh, Quang Phú, Đức Trạch, Cảnh Dương… Sự cố môi trường biển vừa qua đã làm không ít làng biển rơi vào hoàn cảnh điêu đứng. Nhưng rồi, từ việc miễn giảm, hỗ trợ tiền học phí cho học sinh, tiến hành thu mua cá cho ngư dân, động viên ngư dân của các cấp chính quyền địa phương đã giúp người dân an tâm phần nào và dần dần ổn định lại đời sống. Nhận được tiền hỗ trợ, đền bù chi trả do sự cố môi trường biển vừa qua, nhiều ngư dân chúng tôi gặp đều quả quyết: Biển cả là quê hương, họ quyết tâm bám biển, không chuyển đổi ngành nghề. Nhận tiền hỗ trợ đền bù, bà con gom góp mua sắm lại ngư lưới cụ, mua máy công suất lớn, đóng tàu để ra biển đánh bắt xa bờ. Nhờ đó, cuộc sống các làng chài nay đã có nhiều khởi sắc.
Thanh Bình – Sông Lam – Anh Khoa
.
.
.