Ăn Tết Kỷ Hợi không... thịt lợn(!)

Thứ Tư, 13/02/2019, 10:12
Sự khan hiếm gà đã được dự báo từ phiên chợ cuối cùng của năm cũ Mậu Tuất – sáng 30 tết, do người dân tại nhiều vùng quê của Bến Tre đã chọn thịt gà thay thế cho thịt heo vì bệnh lở mồm long móng tại Bến Tre vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt hẳn.


Sau Tết, nhiều chợ quê trên địa bàn tỉnh Bến Tre không còn đủ gà để phục vụ nhu cầu “mâm thiêng” (cúng gà trống) theo phong tục của người dân. Thực tế, sự khan hiếm loại gia cầm quen thuộc này đã được dự báo từ phiên chợ cuối cùng của năm cũ Mậu Tuất – sáng 30 tết, do người dân tại nhiều vùng quê của Bến Tre đã chọn thịt gà thay thế cho thịt heo (lợn) vì bệnh lở mồm long móng (LMLM) tại Bến Tre vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt hẳn.

Ám ảnh lên tận bàn ăn

Chị Nguyễn Thị Phượng (ngụ ấp Phú Lợi Hạ, xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam) cho biết, trọn cả cái Tết này, nhà chị không mua ký thịt heo nào vì ngại mua nhầm heo bị bệnh LMLM. “Mà đâu phải chỉ nhà tôi, xóm tôi, rất nhiều người dân An Định và các xã liền kề như Bình Khánh Đông, Bình Khánh Tây, Tân Trung, Minh Đức, Cẩm Sơn, Ngãi Đăng, Hương Mỹ... Tết năm nay cũng không dám rờ tới thịt heo”, chị Phượng cho biết thêm.

Trước Tết Kỷ Hợi, khi dịch LMLM xảy ra, nhìn cảnh heo bệnh chết được người nuôi vứt xuống kênh rạch, trôi lềnh bềnh và bị ruồi nhặng bâu thành bầy trên mặt nước, nhiều người thật sự lo ngại về sự ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh. 

“Với những gì tận mắt thấy, tận tai nghe thì người dân khó có thể mạnh miệng ăn thịt heo”, chị Phượng nói và cho biết thêm, có lẽ do nhu cầu của những ngày Tết nên dù heo bệnh hoặc nghi bị bệnh, thương lái vẫn mua bình thường, thậm chí còn dùng “chiêu” để ép giá người nuôi. 

“Heo không bệnh cũng bị thương lái nghi là bệnh để mua với giá thấp hơn nhiều, thậm chí chỉ còn nửa giá. Một người nuôi gần nhà tôi, mấy ngày trước còn hí hửng chuẩn bị xuất chuồng cả chục con heo với giá 4,6 triệu đồng/tạ. Tới khi nghe thương lái nói heo có dấu hiệu bị bệnh, giá chỉ còn 3,2 triệu đồng/tạ, cũng đành phải bán bởi nếu không bán, heo bệnh ngã ngang chết thì coi như trắng tay. Ngại nhất là heo bị bệnh cũng được mối lái hốt sạch”, chị Phượng kể thêm.
Người dân ở xã Tân Trung, Mỏ Cày Nam chọn thịt gà thay thế cho thịt heo trong ba ngày Tết.

Tại nhiều chợ xã của huyện Mỏ Cày Nam, các quầy bán thịt heo trong phiên chợ cuối cùng của năm cũ ế ẩm đến lạ thường. “Bà con sợ gặp phải heo bệnh thì coi kỹ phần da. Nếu heo bệnh thì da sẽ có vết bầm hoặc thịt có đốm đỏ nhỏ. Nếu thịt heo bệnh sẽ có vết lở loét, không có độ đàn hồi cao, có cảm giác thịt nhão, nhớt trên đầu ngón tay. Còn cách nhận biết này nữa, nếu con heo đã chết mà đem đi làm thịt thì chắc chắc màu thịt không đỏ mà có màu tím, nặng mùi...” - chị chủ sạp bán thịt heo tại chợ Bình Khánh Đông nhiệt tình chia sẻ với nhiều người đi ngang qua cách phân biệt nhằm xóa tan mọi nghi ngờ thịt heo mà chị đang bán không phải từ heo bệnh, nhưng sạp thịt của chị vẫn còn nguyên dù phiên chợ sắp tan.

Anh Nguyễn Bảo Quốc, bán tạp hóa cạnh một sạp bán thịt heo tại chợ Đình, xã Cẩm Sơn cho biết: “Thường, sáng 30 Tết, sạp cạnh bên bán hết sạch 3-4 con heo. Còn Tết năm nay, 3-4 sạp chia nhau một con heo, chủ sạp mời mỏi cả miệng, hướng dẫn cả cách phân biệt giữa thịt heo bệnh với thịt heo không bệnh nhưng tới trưa vẫn không bán hết”, anh Quốc cho biết.

Tìm hiểu nguồn căn từ góc độ người tiêu dùng, nhiều người ngán ngại thịt heo là có cơ sở. Một người dân ở xã Cẩm Sơn - một trong những xã khởi phát dịch bệnh LMLM trên heo của huyện Mỏ Cày Nam kể, trước Tết, vì tiếc của, khi hay tin cán bộ thú y xuống kiểm tra, đã có người nuôi vội lùa số heo nghi bị bệnh LMLM rời khỏi chuồng, đi sâu ra sau vườn để... giấu. Khi cán bộ thú y rút lui, họ lùa số heo này trở lại chuồng rồi hẹn mối lái đến bắt. 

“Chính sự đối phó và không chịu khai báo của một số người mà dịch bệnh vẫn tiềm ẩn. Và chính điều này càng khiến người ta ngán ngại thịt heo dù thấy thịt bày bán ngoài chợ có đóng dấu kiểm dịch”, người dân này nói.

Không chỉ ngán ngại thịt heo, mà nhiều sản phẩm được làm từ thịt heo hoặc có nhân thịt heo (lạp xưởng, bánh bao, bánh mì,...), hàng quán cũng bị “ế lây”. Anh Nguyễn Văn Mẫn (ấp Phú Lợi Hạ, xã An Định) cho biết, các quán hủ tiếu chay nằm dọc theo QL57 mấy ngày Tết rất đông khách. Trong khi đó, các quán hủ tiếu, bánh canh, cháo lòng heo... thì rất vắng, thậm chí không có khách ghé qua. 

“Ngày Tết, lấy lạp xưởng tươi luộc nước dừa ra đãi khách. Bưng lên bàn mà chủ nhà phải giải thích đây là lạp xưởng có nguồn gốc từ Long An, được người thân đem về cho, khách mới dám ăn. Bởi trước đó, cũng có thông tin rằng bán ngoài chợ không hết, thịt heo bệnh người ta đem về làm lạp xưởng bán. Nghe mà ai cũng cảm thấy ám ảnh dù biết rằng, ngày Tết, không có nồi thịt heo kho rệu, thấy cũng thiếu thiếu...”, chị Nguyễn Thị Trang (nhà gần chợ Kinh, xã Tân Trung) bộc bạch. 

Quyết liệt đẩy lùi dịch

Anh Nguyễn Văn Bé, người có hơn chục năm nuôi và cung cấp heo con giống ở ấp Phú Sơn, xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam thở phào cho biết, dù vẫn đang còn trong thời gian theo dõi nhưng tới thời điểm này, đã hơn 2 tuần trôi qua, mấy chục con heo mẹ lẫn con trong chuồng của anh đã không còn biểu hiện của mầm bệnh LMLM. 

“Trước Tết khoảng tuần, 2 bầy heo con gần 30 con của tôi mới chỉ 2-3 ngày tuổi đang bú mẹ bỗng lật ngang, giãy giụa rồi chết. Khi phát hiện sự bất thường này, tôi báo ngay và cán bộ thú ý đã kịp thời có mặt, giúp chúng tôi tiêu hủy số heo bệnh, đồng thời tiêm phòng đầy đủ toàn bộ số heo mẹ, heo con còn lại, tăng cường vệ sinh tiêu độc chuồng trại. Nhờ vậy mà các bầy heo con khác cùng hàng chục heo nái của tôi đến nay đã an toàn”, anh Bé kể thêm.

Đầu năm 2019, đàn heo của tỉnh có khoảng 598.199 con. Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc là 2 địa phương có tổng đàn heo nhiều nhất (trên 500.000 con). Thạc sĩ Phan Trung Nghĩa, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre cho biết, từ ngày 2 đến 15-1-2019, toàn tỉnh phát hiện 6 ổ dịch bệnh LMLM trên heo tại 6 ấp thuộc 6 xã của 3 huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm, với tổng số heo mắc bệnh là 105 con. Trong đó, tổng số tiêu hủy là 65 con, tại xã Cẩm Sơn, Thành Thới B và Tân Thành Bình; số heo có nguy cơ lây nhiễm cao khoảng 135.694 con.

“Hiện dịch bệnh LMLM trên heo trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang trong tầm kiểm soát. Ngoài số ổ dịch và số heo mắc bệnh tại 3 huyện kể trên, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh chưa ghi nhận thêm bất cứ trường hợp báo cáo dịch nào khác”, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết và thông tin thêm, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở NN&PTNT, Chi cục đã hoàn tất kế hoạch tiêm phòng sớm vắc-xin phòng bệnh LMLM đợt 1 năm 2019 cho các xã có ổ dịch cũ và vùng nguy cơ cao cho cả các đối tượng là trâu, bò, dê, cừu của các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú với tổng số 22.000 liều. Đồng thời, Chi cục đã mua khẩn cấp vắc-xin chống dịch (20.000 liều), chuẩn bị hóa chất và tiến hành tiêm phòng bao vây và tiêu độc từ 23-1.

Trước đó, UBND tỉnh cũng có công văn gửi Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố của tỉnh yêu cầu tổ chức tuyên truyền cho người chăn nuôi thực hiện nghiêm túc công tác tiêm phòng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và phải có giấy chứng nhận tiêm phòng đầy đủ (2 mũi/lần đầu), vệ sinh tiêu độc chuồng trại và báo cáo với chính quyền địa phương khi có dịch bệnh xảy ra để xử lý kịp thời.

Tổ chức kiểm tra, giám sát, thường xuyên, liên tục tình hình dịch bệnh để kịp thời xử lý khi dịch bệnh còn ở diện hẹp. Chấn chỉnh kịp thời các hoạt động kinh doanh, giết mổ động vật, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt đối với các khu vực có dịch bệnh đã xảy ra. 

Khẩn trương điều tra tổng đàn của từng ấp để phục vụ công tác phòng, chống dịch, nhất là điều tra thống kê tình hình tiêm phòng vắc-xin LMLM ở các xã đã có xét nghiệm dương tính. 

Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh đang diễn ra ở các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi có kết quả dương tính với vi-rút gây LMLM trên heo, thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật...

Theo ngành chức năng tỉnh Bến Tre, khi bắt buộc phải tiêu hủy heo bệnh, người chăn nuôi được hỗ trợ 30.000 đồng/kg heo. Điều kiện để được hỗ trợ là người nuôi có đăng ký chăn nuôi (chăn nuôi tập trung, gia trại); có khai báo khi dịch bệnh xảy ra. Ngoài ra, người nuôi được hỗ trợ hóa chất tiêu độc và kinh phí thực hiện tiêu hủy heo bệnh. 

Kể từ ngày 1-4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre thực hiện kiểm tra giấy chứng nhận tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh LMLM đối với gia súc khi đăng ký kiểm dịch xuất tỉnh; không thực hiện lấy mẫu giám sát bệnh LMLM tại cơ sở thu gom như trước đây.

Thái Bình
.
.
.