Từ một cuộc đời đến tiếng nói của lương tri

Thứ Sáu, 29/11/2024, 07:22

Trung tuần tháng 11 vừa qua, tại Hà Nội, Viện Pháp tại Việt Nam và đoàn kịch Lumière d'Aout đã biểu diễn vở kịch "Những thân thể nhiễm độc" của đạo diễn người Pháp gốc Việt Marine Bachelot Nguyễn. Đây là vở kịch dựa theo câu chuyện về cuộc đời bà Trần Tố Nga - một phụ nữ Việt Nam suốt đời dấn thân vào nhiều cuộc chiến: Cuộc chiến chống lại chủ nghĩa đế quốc, cuộc chiến bảo vệ nữ quyền, bảo vệ hệ sinh thái...

Có thể nói, ê-kíp sáng tạo đã xây dựng được một vở kịch như "tiếng nói của lương  tri" khi tái hiện hình ảnh con người bị tổn thương, bị nhiễm độc bởi bi kịch lịch sử nhưng luôn kiên cường đấu tranh vì công lý.

1.jpg -0
Bà Trần Tố Nga (giữa) cùng đạo diễn Marine Bachelot Nguyễn (phải) và diễn viên Angélica-Kiyomi Tisseyre Sékiné sau một buổi trình diễn vở kịch "Những thân thể nhiễm độc".

Theo chia sẻ của biên kịch, đạo diễn người Pháp gốc Việt Marine Bachelot Nguyễn, cơ duyên ra đời vở kịch này khá tình cờ. Vào mùa xuân năm 2019, trong lúc đang viết vở "Circulations Capitales" (tạm dịch: "Lưu chuyển ký ức"), bà đã đọc cuốn "Ma Terre empoisonnée" (tạm dịch: "Mảnh đất bị nhiễm độc của tôi"), cuốn tự truyện của bà Trần Tố Nga.

Số phận đầy biến cố của người phụ nữ này đã làm Marine Bachelot Nguyễn thấy rất ấn tượng và cảm động. Đó là câu chuyện của người đã sống qua một thời kỳ lịch sử Việt Nam - từ một đứa trẻ trong cuộc chiến tranh giành độc lập đến một chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trải qua thời kỳ xây dựng chủ nghĩa cộng sản sau năm 1975, rồi sang Pháp sinh sống vào những năm 1990.

Ở tuổi nghỉ hưu, bà Trần Tố Nga nhận thức được gốc rễ các vấn đề sức khỏe của mình sau những lần trực tiếp bị phơi nhiễm chất độc da cam, bà đã đứng lên thực hiện cuộc đấu tranh mang tính lịch sử. Tháng 5/2009, bà ra làm chứng tại Tòa án Lương tâm quốc tế vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ở Paris.

Sau đó, được sự đồng hành giúp đỡ của luật sư William Bourdon, các cộng sự và nhà văn André Bounty - Chủ tịch Ủy ban Quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, bà quyết định đứng nguyên đơn để kiện các công ty đã sản xuất, cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, trong đó có những công ty hóa chất khổng lồ của Mỹ như: Dow Chemical, Monsanto Ltd, Pharmacia Corporation, Hercules Incorporated...

Bà yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm về việc sản xuất chất độc gây ra ô nhiễm đất và ảnh hưởng đến sức khỏe con người qua nhiều thế hệ. Bà yêu cầu bồi thường cho bản thân và cho các nạn nhân chất độc da cam khác. Cuộc chiến pháp lý của bà kéo dài đến nay đã trên 10 năm, với nhiều phiên điều trần và xét xử đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ của công luận thế giới.

Từ cảm hứng về cuộc đời và công cuộc đấu tranh vì công lý cho bản thân mình và đại diện cho hàng triệu con người bị ảnh hưởng bởi chất độc trong thuốc diệt cỏ mà quân đội Mỹ đã rải xuống lãnh thổ Việt Nam, biên kịch, đạo diễn Marine Bachelot Nguyễn đã xây dựng thành công vở kịch "Những thân thể nhiễm độc" và công diễn tại Festival Avignon danh giá. Trước khi được biểu diễn tại Hà Nội vào ngày 15/11, vở kịch đã được biểu diễn tại TP Hồ Chí Minh (5/11) và Đà Nẵng (9/11).

Vở diễn được kể ở ngôi thứ nhất, tái hiện nhiều mốc thời gian, độ tuổi khác nhau của nhân vật chính do diễn viên kiêm vũ công Angélica-Kiyomi Tisseyre Sékiné thủ vai. Angélica là nữ diễn viên trẻ người Pháp gốc Nhật - Việt thủ vai nhân vật Trần Tố Nga, đồng thời cũng là hiện thân của những tiếng nói khác: tiếng nói của quá khứ, tiếng nói tại các phiên tòa...

Câu chuyện được kể đan xen với các phần trình diễn, văn bản, video, hình ảnh sinh động về cuộc đời và cuộc đấu tranh của bà Trần Tố Nga, tái hiện hình ảnh những con người bị tổn thương và bị nhiễm độc bởi bi kịch lịch sử nhưng luôn kiên cường đấu tranh vì công lý cho những con người đang phải chịu nỗi đau từ thảm họa mang tên chất độc da cam.

Được đạo diễn chọn tham gia vở kịch này, diễn viên Angélica có cùng độ tuổi với nhân vật Trần Tố Nga khi bà là chiến sĩ ở vùng du kích, cùng độ tuổi với rất nhiều thanh niên cùng bà gia nhập Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam nên đã tạo nên một sự gần gũi, chân thực. Mặc dù vở kịch được trình diễn tại các nhà hát - sân khấu lớn nhỏ khác nhau, với hệ thống phối cảnh, video, ánh sáng cầu kỳ nhưng vẫn giữ được sự trang nhã và tối giản.

Với thời lượng của vở là 1 giờ 20 phút, các video được dựng bằng cách kết hợp sinh động những hình ảnh tư liệu xưa và nay. Những hình ảnh trong các cuộc phỏng vấn của bà Trần Tố Nga được trau chuốt, chọn lọc kỹ lưỡng để phù hợp với vai diễn của nghệ sĩ, mang lại nhiều cảm giác mới lạ cho vở kịch và chứa đựng những thông điệp nhân văn sâu sắc.

untitled-4.jpg -1
Bà Trần Tố Nga tuần hành cùng các nạn nhân chất độc da cam tại TP. Hồ Chí Minh năm 2015 (Ảnh: Tự Trung)

Từ cuốn tự truyện "Ma terre empoisonnée" của bà Trần Tố Nga được NXB Stock của Pháp ấn hành hồi tháng 3/2016 mà đạo diễn người Pháp gốc Việt Marine Bachelot Nguyễn đã đọc được và trở thành cơ duyên ra đời vở kịch "Những thân thể nhiễm độc" sau khi có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện cùng nhân vật.

Sau khi bản tiếng Pháp vừa ra mắt, ngay trong năm 2016, tác giả bắt tay vào viết tiếp tự truyện của mình bằng tiếng Việt để thông điệp của mình tiếp cận với độc giả trong nước. Đầu năm 2017, tự truyện "Đường Trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt" của bà Trần Tố Nga được NXB Trẻ ấn hành, trong đó tác giả viết thêm nhiều chi tiết về cuộc đời bà từ khi được sinh ra ở Sóc Trăng đến khi theo đuổi vụ kiện mà cuốn sách tiếng Pháp đã không thể truyền tải hết.

Câu chuyện chân thực từ cuộc đời bà Trần Tố Nga đều gắn với những biến động lịch sử của đất nước: từ khi là học sinh miền Nam, tập kết ra Bắc rồi trở lại miền Nam làm phóng viên chiến trường, là tù nhân chính trị đến khi đất nước hòa bình. Mang trong người chất độc da cam, bà Trần Tố Nga sinh ra 3 người con gái đều bị nhiễm chất độc này, trong đó con gái đầu qua đời khi 17 tháng tuổi là nỗi đau khôn nguôi của bà. Nhưng, vượt qua tất cả, bà Trần Tố Nga luôn bền bỉ với những hoạt động giáo dục, thiện nguyện và từng được Tổng thống Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh.

"Đường Trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt" vượt trên số phận của một cá nhân, còn là câu chuyện về một thế hệ, một giai đoạn lịch sử dân tộc tác động trực tiếp đến thân phận mỗi người. Người phụ nữ kiên cường ấy đã hoàn thành "Đường Trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt" khi 75 tuổi,  đang điều trị bệnh ung thư và coi việc dấn thân vào cuộc chiến giành công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam từ năm 2009 ở Tòa án Lương tâm quốc tế vì nạn nhân nhiễm chất độc da cam Việt Nam đến nay là cống hiến cuối cùng của cuộc đời mình. 

Biên kịch, đạo diễn Marine Bachelot Nguyễn:

"Tiểu sử và cuộc chiến pháp lý của bà Trần Tố Nga là chủ đề của nhiều bài báo cũng như một số video hay phim tài liệu gần đây. Với tư cách là đạo diễn, mục tiêu của tôi là tạo ra một màn độc thoại truyền cảm và độc đáo, tái hiện xuyên suốt các thời kỳ, tạo ra cầu nối và những điều bất ngờ. Điều khiến tôi quan tâm không phải là bộ phim tiểu sử được thần thánh hóa, mà là cách cơ thể và tâm hồn của người phụ nữ này sẽ kể câu chuyện cho khán giả. Làm thế nào mà lịch sử và thế giới lại chảy trong cơ thể ấy, trong từng tế bào và cả trong trí tưởng tượng của bà. Sự phản kháng của người phụ nữ này trong suốt cả cuộc đời để chống lại các thế lực thực dân đế quốc và tư bản, đối với tôi đó là một mẫu mực. Tiểu sử và các cuộc đấu tranh của bà giúp chúng ta có thể tiếp cận với các trang cơ bản của lịch sử đương đại, trong sự đan xen của các phương diện chính trị, kinh tế, con người và hệ sinh thái...".

* Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% tổng số đó là chất độc da cam, chứa 366 kg dioxin rải xuống Việt Nam. Hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh đã gây ra thảm họa khủng khiếp đối với môi trường và sức khỏe con người Việt Nam. Theo thống kê, 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam bị phun rải chất độc hóa học, trong đó 86% diện tích bị phun rải trên 2 lần. Chất độc da cam/dioxin đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó trên 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam.

Nguyệt Hà
.
.
.