Triển lãm mỹ thuật “Anh Em”: Vẽ bằng màu tình yêu

Thứ Sáu, 25/11/2022, 14:29

Năm họa sĩ, 5 phong cách, 5 cá tính sáng tác khác nhau đã cùng hội tụ trong triển lãm “Anh Em” với gần 40 tác phẩm hội họa độc đáo, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Không chỉ là một “bữa tiệc” màu sắc dành cho khán giả yêu hội họa, triển lãm lần này còn cho thấy tình yêu nghệ thuật bền bỉ, năng lực sáng tạo dồi dào của một thế hệ họa sĩ Việt Nam.

Triển lãm mỹ thuật “Anh Em” (diễn ra từ ngày 18 đến ngày 23/11) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là cuộc hội tụ lần thứ 2 của nhóm với các họa sĩ Vũ Thái Bình, Lê Thế Anh, Nguyễn Ngọc Tuấn, Nguyễn Cao Hoàng và Cấn Mạnh Tưởng. Nếu xét về tuổi đời, họa sĩ Vũ Thái Bình có thể coi là “anh cả” của nhóm. Từ lâu, anh đã được biết tới là một họa sĩ chuyên về giấy dó - chất liệu đánh giá là “đỏng đảnh” bậc nhất.

Triển lãm mỹ thuật “Anh Em”: Vẽ bằng màu tình yêu -0
Một tác phẩm của họa sĩ Lê Thế Anh.

Vũ Thái Bình là người điềm đạm, cẩn trọng. Điều này cũng thể hiện rõ trong các tác phẩm của anh. Chắc về kỹ thuật, đằm về cảm xúc, sâu về ý tưởng, tranh của Vũ Thái Bình đều mang đến không gian thuần khiết, thanh tịnh và tình. Không gian của anh là những gì giản dị, thân quen nhưng lại gợi nhiều cảm xúc. Có thể là một ngõ nắng, một vệt hoàng hôn hay thân thương trong dáng lưng còng của mẹ. Vũ Thái Bình được đồng nghiệp ngưỡng mộ bởi khả năngngười sáng tác khỏe và bền sức.

Ở triển lãm chung lần này, anh mang tới những tác phẩm đều là những sáng tác gần đây nhất của anh: “Chiều dần buông”, “Ngày mới”, “Ngày mới trên Mù Cang Chải”, “Cái vó bè”. Anh đưa vào tranh của mình những gì gần gũi, bình dị nhất như ánh hoàng hôn, một bình minh vùng sơn cước hay cái tĩnh lặng của mương nước quanh làng… cùng gửi gắm trong đó những rung động chân thành nhất, vì thế tranh của anh luôn chạm tới cảm xúc người xem một cách rất tự nhiên.

Ngắm tranh của Vũ Thái Bình, người xem có thể cảm nhận năng lượng yêu thương, chăm chút của họa sĩ trong từng nhát cọ, trong sự tinh tế đến nôn nao của các vệt màu. Giới chuyên môn đánh giá, Vũ Thái Bình rất giỏi trong việc sử dụng tương quan hòa sắc. Hòa sắc của anh rất dịu, êm và mát… tự nhiên như hơi thở, như nhịp đập trái tim.

Triển lãm mỹ thuật “Anh Em”: Vẽ bằng màu tình yêu -0
Tác phẩm “Mùa xuân chín” của họa sĩ Cấn Mạnh Tưởng.

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn hiện đang là giảng viên mỹ thuật của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Ai đã từng gặp và ngắm tranh của anh sẽ thường băn khoăn, sao một người có vẻ ngoài xù xì, gai góc và mạnh mẽ thế lại vẽ tranh mượt mà, dịu dàng và nhẹ nhàng thế. Tranh là người, vì thế có thể nhận thấy khá rõ Nguyễn Ngọc Tuấn là người giàu cảm xúc, lãng mạn. Anh yêu vẻ đẹp nhiều màu sắc, sự chói lòa của những gam màu đối lập. Anh vẽ nhanh và khỏe, cảm giác như muốn thâu tóm mọi khoảnh khắc để đưa vào tranh. Ở đó, những vệt màu ngắn, nhỏ, đan quyện vào nhau… theo trường phái ấn tượng được họa sĩ vẽ trong sự quấn quýt, hồ hởi. Với anh, màu sắc là chất xúc tác, là cảm hứng, là mạch nguồn để anh thăng hoa và cũng là cuộc dạo chơi.

Xem tranh của anh sẽ thấy chất hàn lâm của một người được đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài cùng vai trò của một nhà sư phạm… khiến anh rất giỏi quán xuyến trong bố cục và dựng hình. Anh khéo đưa vào trong đó những bố cục ẩn, những tuyến tính tưởng như vô tình mà lại hữu ý. Trong triển lãm nhóm “Anh Em” lần này, Nguyễn Ngọc Tuấn mang đến bộ tranh “Xuân, Hạ, Thu, Đông”, cùng là phong cảnh núi non nhưng sử dụng những gam màu khác nhau để ám chỉ các mùa. Có lẽ, đằng sau sự mơ mộng, lãng mạn của sương mù, mây núi... họa sĩ muốn gửi gắm thông điệp về sự trôi trảy của thời gian, sự hư vô và bất định. Đây cũng là nét mới trong các tác phẩm gần đây của Nguyễn Ngọc Tuấn.

Triển lãm mỹ thuật “Anh Em”: Vẽ bằng màu tình yêu -0
Tác phẩm “Ngày mới trên Mù Cang Chải” của họa sĩ Vũ Thái Bình.

Nguyễn Cao Hoàng vốn là họa sĩ thiết kế mỹ thuật họat hình, là một trong số ít những người có chuyên môn cao trong lĩnh vực này. Khi anh quay sang hội họa giá vẽ, anh coi đó như là sự trở về. Trở về với nguồn cội của một gia đình giàu truyền thống hội họa. Ông nội anh từng học khóa ngắn hạn Trường Mỹ thuật Đông Dương, còn cha anh, họa sĩ Nguyễn Cao Ái học Trường Quốc gia Mỹ nghệ, tiền thân Trường Mỹ thuật Công nghiệp. Vì thế, tài năng hội họa của Nguyễn Cao Hoàng là sự kết hợp của năng khiếu bẩm sinh và truyền thống gia đình. Trở về với niềm đam mê bất tận từ thuở nhỏ mà trong một giai đoạn nào đó, anh đành phải gác lại. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, anh đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm ấn tượng. Người xem ngạc nhiên trước một Nguyễn Cao Hoàng với kỹ thuật sơn dầu chỉn chu và cách đặt vấn đề độc đáo.

Lý giải cho sự trở lại ngoạn mục này, ngoài năng khiếu là cách làm việc say mê, nghiêm túc. Với khả năng ngoại ngữ, anh tiếp cận rất nhanh tài liệu nước ngoài, cũng như trực tiếp tham vấn các họa sĩ hiện thực đương đại quốc tế. Thông qua đó, anh chứng tỏ mình là người có kỹ thuật sơn dầu vững vàng cùng một tư duy sáng tác độc lập. Nó khiến tranh của anh dù đang ở chặng đường mới mẻ nhưng không lẫn vào ai. Anh thích các bố cục đậm chất cinema và gần đây anh đang xê dịch sang vùng đất siêu thực. Các nhân vật của anh đẹp một cách cá tính trong một không gian phi lý tính. Điều này cho thấy, anh vẫn đang khai phá năng lực tiềm ẩn và giàu có của mình. Nó vẫn là nguồn tài nguyên phong phú chờ ngày tỏa sáng. Đây chính là thế mạnh và động lực để Nguyễn Cao Hoàng sáng tác sung mãn, nhiệt thành.

Cấn Mạnh Tưởng là họa sĩ duy nhất trong nhóm vẽ chất liệu sơn mài. Bằng sự am hiểu thông tỏ văn hóa miền núi cùng kỹ thuật chuyên môn vững vàng, anh đã tạo được dấu ấn riêng của mình dù ở một đề tài khá phổ biến. Vẫn là đặc trưng văn hóa vùng miền với vẻ đẹp trang phục, con người, phong cảnh nhưng đã được nhìn với góc nhìn cá tính của riêng anh.

Ở loạt tranh mới ra mắt tại triển lãm “Anh Em” với đại diện như “Chiếc khăn đỏ”, “Mùa xuân chín”, Cấn Mạnh Tưởng cho thấy mình không dừng ở việc ghi lại câu chuyện, hình ảnh... như những gì nó diễn ra mà lồng vào đó những trải nghiệm, suy nghĩ cá nhân. Sự chủ động ấy khiến các tác phẩm gần đây của anh thay đổi gần như hoàn toàn về bố cục. Đó là sự chắc chắn trong hình, mảng; sự tính toán kỹ lưỡng trong nhịp điệu, trong tuyến tính của nét khiến tác phẩm đạt đến độ vừa đủ, không thừa không thiếu.

Anh cũng chứng tỏ mình là người có kỹ thuật sơn mài vững vàng, mang lại cho tác phẩm sự óng ả lộng lẫy cùng sự sâu thẳm của các lớp màu. Với những chiêm nghiệm bản thân được lồng ghép khéo léo sau ngôn ngữ tạo hình… những tác phẩm của anh tạo nên một vẻ đẹp vừa chân thực nhưng cũng vừa siêu thực, vừa gần vừa xa…

Vừa là họa sĩ sáng tác, vừa là giảng viên của Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Lê Thế Anh cho thấy khả năng quản trị thời gian cũng như cảm xúc khá tốt của mình để anh vừa đảm nhiệm tốt công việc giảng dạy và vẫn sáng tác đều tay. Làm gì với anh cũng đều liên quan đến hội họa nên hai công việc này không “làm khó” nhau mà thậm chí bổ sung, hỗ trợ nhau rất tốt. Nhìn sự trẻ trung, năng động của anh đủ để thấy với anh, hội họa chính là một phần năng lượng sống. Như anh chia sẻ, hai mươi năm làm nghệ thuật, hội họa với anh là niềm hạnh phúc, niềm vui, nỗi buồn, là khát khao được sáng tạo. Anh trân trọng kho báu cảm xúc mà hội họa mang lại.

Họa sĩ Lê Thế Anh là người vẽ nhiều về đề tài chân dung miền núi, đặc biệt là trẻ em. Mặc dù vẽ theo phong cách hiện thực nhưng các nhân vật trong tranh của anh không dựa vào bất cứ nguyên mẫu nào. Mỗi ánh mắt, đôi má, khoé miệng... của nhân vật là cảm xúc của riêng anh. Thậm chí anh cường điệu hóa sự trong veo của mắt, sự đỏ lừng của má, sự nứt nẻ của môi. Giữa bầu không khí xám ngoét của mùa đông, của cái giá lạnh cắt da... các ánh mắt ấy, đôi má hồng quân ấy... cứ bừng lên như ngọn lừa, tỏa ra sự ấm áp và yêu thương. Ngắm tranh của anh, thấy ngập tràn năng lượng tích cực, sự trìu mến chắt chiu dành cho con trẻ. Cái đẹp trong tranh của anh vì thế là cái đẹp của tình yêu thương.

Có thể nói, mỗi họa sĩ theo đuổi một chất liệu, một phong cách sáng tác khác nhau nhưng điểm chung dễ nhận thấy ở họ, cũng là chất keo kết dính họ trên con đường làm nghệ thuật chính là niềm đam mê hội họa luôn nồng đượm trong tim.

Lê Anh
.
.
.