Nhìn từ hạng mục "Phim tài liệu ấn tượng" tại VTV Awards: Sức hút từ sự chân thực và xúc động

Thứ Năm, 02/09/2021, 08:27

"Đoạn trường vinh hoa", "Hòa hợp dân tộc, chuyện chưa kể", "Nẻo đường hội ngộ", "Ngày hòa bình" và "Ra khơi - về dấu ấn ngoại giao Việt Nam năm 2020" là 5 bộ phim tài liệu bước vào cuộc đua cuối cùng ở hạng mục "Phim tài liệu ấn tượng" tại VTV Awards 2021. Mỗi bộ phim đề cập đến một vấn đề khác nhau, với phong cách làm phim khác nhau nhưng đều thu hút khán giả bởi sự chân thực và xúc động. Đó cũng là điều những người làm phim tài liệu Việt Nam đã tiếp nối và phát huy được trong nhiều năm qua.

Tại giải thưởng VTV Awards, tương tự như hạng mục "Phim truyền hình ấn tượng", hạng mục "Phim tài liệu ấn tượng" nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng cũng như người làm nghề vì cho đến thời điểm này, truyền hình vẫn là kênh phát hành chính của thể loại này. Với góc nhìn mới mẻ, cách đặt vấn đề ấn tượng và lý giải sâu kỹ, những bộ phim tài liệu đã phản ánh nhiều khía cạnh, góc khuất của đời sống.

"Hòa hợp dân tộc, chuyện chưa kể" là một trong 5 bộ phim được đề cử cho giải "Phim Tài liệu ấn tượng" năm nay. Phim được sản xuất bởi Ban Truyền hình Đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam. Sở dĩ những người làm phim phản ánh đề tài này bởi dân tộc Việt Nam từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh mà kẻ địch luôn âm mưu chia rẽ sự thống nhất của một quốc gia gồm nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống.

 VTV Awards 2021 -0
Hình ảnh người mẹ 52 năm mong mỏi chờ con trong phim “Nẻo đường hội ngộ”.

Sớm nhận ra âm mưu chia rẽ đất nước của kẻ địch, Việt Nam luôn khẳng định hòa hợp dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bộ phim giúp khán giả nhìn lại những dấu mốc trong quá trình này, đó là những Nghị quyết, chính sách quan trọng, sự trở về của những "nhân vật quan trọng" từng ở phía "bên kia", những hoạt động thu hút Kiều bào về nước... Bộ phim đã mang đến cho khán giả những câu chuyện lần đầu được tiết lộ về nỗ lực của các nhà ngoại giao Việt Nam trong việc thuyết phục những nhân vật lâu nay còn có cái nhìn bảo thủ hướng về đất nước.

"Nẻo đường hội ngộ" - là bộ phim tài liệu từng được phát sóng trong chương trình VTV Đặc biệt nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7). Theo đuổi một đề tài không mới trong thể loại phim tài liệu là đề tài hậu chiến - đi tìm mộ liệt sĩ, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư vẫn tiếp tục làm theo phong cách quen thuộc là phim không có lời bình nhưng 50 phút của phim vẫn lấy đi không ít nước mắt của khán giả. Ánh mắt, cử chỉ, lời nói của từng nhân vật trong phim mang đến cho khán giả trọn vẹn cảm xúc: xót xa, day dứt, tiếc nuối, hy vọng... Dù nhiều năm trôi qua nhưng câu chuyện giữa người ra đi, người ở lại sau cuộc chiến mãi mãi vẫn là những nỗi xúc động không nguôi. Chuyện 30 gia đình cùng nhau khai quật 46 ngôi mộ liệt sĩ ở nghĩa trang xã Triệu An, huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị hay chuyện Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sinh ở Trấn Yên, Yên Bái 96 tuổi nhưng 52 năm qua vẫn khắc khoải chờ mong con trai thứ 2 của mình được trở về quê hương đã được đạo diễn kể một cách bình dị nhưng vô cùng cảm động.

Bộ phim "Ngày hòa bình" lại là hồi ức về một ngày đặc biệt với người dân Đà Nẵng cách đây hơn 40 năm. Đó là ngày 29-3- 1975, ngày cuối cùng của chiến tranh ở Đà Nẵng. Thông qua các nhân vật là những nhân chứng có mặt tại thời điểm đó với những trải nghiệm cá nhân riêng tư và sâu sắc của mình, khán giả hiểu hơn về thời khắc lịch sử của thành phố góp phần vào thắng lợi chung của mùa xuân đất nước 1975. Mỗi nhân vật với một câu chuyện, một hồi ức khác nhau nhưng đều toát lên tinh thần nhân văn và sự thấu hiểu.

Bộ phim "Ra khơi - về dấu ấn ngoại giao Việt Nam năm 2020" lại là câu chuyện mang tính thời sự đậm nét. Phim kể về năm đặc biệt của Ngoại giao Việt Nam khi đảm nhận vai trò kép: Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020 - 2021. Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho vai trò từ nhiều năm trước tuy nhiên, đại dịch COVID - 19 bất ngờ xảy ra đã khiến những kịch bản trước đó phải thay đổi. Dịch bệnh đã khiến các nước đều hoảng sợ và lo ngại, buộc phải ổn định đối nội trước khi tính tới đối ngoại. Bộ phim cho thấy những phương án, hành động phù hơp của Ngoại giao Việt Nam đã thực hiện để gắn kết khu vực và đề ra sáng kiến. Dù trong muôn vàn khó khăn của dịch bệnh nhưng những người làm ngoại giao Việt Nam đã cho thấy sự chủ động, sáng tạo, thích ứng. Với cách tiếp cận gần gũi, bộ phim giúp khán giả hiểu thêm những công việc hậu trường phía sau thành công của Ngoại giao Việt Nam.

 VTV Awards 2021 -0
Một cảnh trong phim “Đoạn trường vinh hoa”.

Trong số các bộ phim được lọt vào top 5 đề cử "Phim tài liệu ấn tượng" thì "Đoạn trường vinh hoa" là một bộ phim khá đặc biệt. Phim nằm trong khuôn khổ dự án VTV Đặc biệt do Ban Sản xuất các chương trình Giải trí thực hiện trong thời gian một năm. Được xây dựng theo tinh thần hướng tới phong cách tài liệu điện ảnh trực tiếp, phim là hành trình theo chân một gánh hát cải lương tuồng cổ rong ruổi qua các đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây. Những người làm phim đã có những tháng ngày đi cùng gánh hát Phương Ánh để mang đến những câu chuyện chân thực về cuộc sống, nỗi lòng sâu kín về đam mê của những người nghệ sĩ với nghệ thuật truyền thống. Đây cũng là bộ phim tài liệu từng được phát hành dưới hình thức bán vé ra rạp. Dù lượng vé bán được còn khiêm tốn so với một phim truyện điện ảnh nhưng "Đoạn trường vinh hoa" cũng đã tiếp thêm hy vọng về một tương lai ra rạp của phim tài liệu.

Mặc dù kết chưa có kết quả cuối cùng nhưng những ứng viên của là hạng mục "Phim tài liệu ấn tượng" đã phần nào cho thấy bức tranh chung của dòng phim tài liệu. Một điểm mạnh mà dòng phim này không chỉ tại VTV Awards mà của chung phim tài liệu Việt là các đạo diễn luôn mang đến sự chân thực và xúc động. Thời gian qua, những người làm phim tài liệu đã không ngừng lăn lộn, tìm tòi, trăn trở để phản ánh những vấn đề nóng và luôn sáng tạo để mang đến những cách làm phim mới. Vì thế mỗi bộ phim luôn nhận được sự yêu mến, đồng cảm của khán giả. Những vấn đề lớn của đất nước hay những vấn đề quan trọng trong cuộc sống luôn được các nhà làm phim phản ánh chân thực, súc tích ở từng thước phim.

Vừa qua, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã hoàn thành và ra mắt bộ phim tài liệu dài 22 tập nói về cuộc chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc với tên gọi chung "Con đường đã chọn". Bộ phim được thực hiện trong 4 năm (2018 - 2021) quy tụ những nhà làm phim chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm làm phim về chiến tranh, am hiểu tư liệu chiến tranh. Đây cũng được đánh giá là bộ phim tài liệu dài nhất, quy mô nhất của Điện ảnh Quân đội cho đến thời điểm này.

Cùng với những bộ phim tài liệu được sản xuất bởi các đơn vị nhà nước, các Đài Truyền hình thì thời gian vừa qua đã có thêm những nhà làm phim tài liệu độc lập. Phim của các nhà làm phim độc lập thường mang dấu ấn phong cách cá nhân rõ nét, cách làm phim hiện đại. Họ cũng là những người mạnh dạn tiên phong trong việc đưa phim tài liệu ra rạp. Điều này không chỉ mở rộng biên độ tiếp cận của phim tài liệu Việt đến với khán giả mà còn là cách phát hành tiệm cận xu hướng hiện đại chung của quốc tế.

Phim tài liệu với mỗi đất nước luôn được ví như album ảnh của một gia đình. Chính vì thế cuộc sống với muôn vàn vấn đề nhân sinh nổi cộm, những góc khuất phía sau số phận con người luôn là đề tài phong phú để phim tài liệu khai thác. Ưu điểm của dòng phim tài liệu là tính thời sự cao vì thế những người làm phim luôn phải bám sát dòng chảy đời sống để tìm được những vấn đề công chúng quan tâm. Giữ một vai trò quan trọng như vậy nên phim tài liệu luôn nhận được sự quan tâm của cơ quan quản lý, sự hứng thú với những người làm nghề.

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động cuộc thi viết kịch bản phim tài liệu năm 2021. Theo đó, nội dung phim tài liệu phải phản ánh chân thực và đa chiều, nhân văn về cuộc sống, con người Việt Nam, khuyến khích các sáng tác về chủ đề đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào cuộc sống, chủ đề thích nghi với môi trường bình thường mới, đặc biệt là bối cảnh COVID - 19... Đây cũng sẽ là một tiền đề để khán giả hy vọng sẽ được thưởng thức nhiều bộ phim tài liệu có giá trị trong thời gian tới.

Khánh Thảo
.
.
.