Viết về Hà Nội

Thứ Bảy, 04/04/2020, 07:44
Có rất nhiều người viết về Hà Nội, thậm chí có người cho rằng Hà Nội là một đề tài "thời thượng"  thu hút được nhiều cây bút tham gia. Nhưng nói "thời thượng" là có vẻ không chính xác vì Hà Nội là chủ đề được quan tâm từ lâu và có nhiều thành tựu.


Chỉ cần nói đến giai đoạn văn học từ đầu thế kỉ XX đã có nhiều cây bút viết về Hà Nội. Một trong những nhân vật được nhiều người nhắc đến là Thạch Lam với "Hà Nội băm sáu phố phường". Cuốn sách của Thạch Lam gần như cuốn mở đầu viết về Hà Nội với tên gọi định danh.

Thạch Lam khảo sát về Hà Nội, biển hiệu, phố xá và nhiều nhất là về các món ăn đặc trưng như phở, bún riêu, bánh cuốn, bánh cốm... "Hà Nội băm sáu phố phường" viết về  phố xá và ẩm thực Hà Nội khá tinh tế nhưng nếu coi đây là một thiên đặc sắc thì tôi e rằng không phải. Thạch Lam không tỉ mẩn và trau chuốt bằng Vũ Bằng hay Nguyễn Tuân, cũng không dầy chặt và ngồn ngộn như Tô Hoài. Thạch Lam là một thứ chơi vơi và nhẹ nhàng về Hà Nội, như một người con gái đẹp lướt qua phố, nhìn ngắm, ăn một vài món rồi lại đi tiếp đâu đó.

Nhà văn Doãn Kế Thiện.

Tô Hoài là nhân vật có trí nhớ rất tốt và rất có ý thức về địa danh Hà Nội. Cuốn viết về Hà Nội tôi rất thích của Tô Hoài là "Chuyện cũ Hà Nội". Tôi học được rất nhiều điều từ cuốn sách này của Tô Hoài, nó giản dị nhưng cụ thể và chỉ dẫn chính xác. Ví dụ tôi biết một dãy nhà trên phố Hàng Chiếu bây giờ từng là cửa hàng chuyên cầm cố đồ khét tiếng của người Hoa thuở trước. Bao nhiêu người đã từng mất nhà, mất vợ, mất con từ cái cửa hàng khủng khiếp này.

Tô Hoài tả tỉ mỉ cái bàn tay người chủ hiệu nó thò ra vơ đồ cầm cố thế nào, những kí ức rất đáng sợ. Ngôi nhà ấy bây giờ vẫn còn, nhiều lần thay đổi chủ, công năng nhưng màu tường vàng ệch thì vẫn được duy trì như thuở ban đầu.

Tô Hoài cũng từng tả kĩ lưỡng những bè rau muống được trồng trên sông Tô Lịch xưa, các phong tục, tập quán, hội hè của người Hà Nội với lối viết tỉ mỉ, kĩ càng, và tôi lần đầu biết được "làm ma khô" qua cuốn sách của Tô Hoài. Tôi nghĩ nếu không có Tô Hoài, kí ức về Hà Nội sẽ bị vơi khuyết đi một phần đáng kể. Tô Hoài may mắn sống ở Hà Nội và Hà Nội cũng may mắn có Tô Hoài.

Một người có những trang viết "phiêu" nhất về Hà Nội là Vũ Bằng. Vũ Bằng phiêu và thơ lắm. Những trang viết của Vũ Bằng về Hà Nội qua hai cuốn "Miếng ngon Hà Nội" và "Thương nhớ mười hai", trang nào cũng như một bài thơ trữ tình. Vũ Bằng viết rất kĩ về bánh cuốn, bánh đúc, phờ bò, cốm Vòng, chả cá, rươi...

Vũ Bằng khiến cho Hà Nội giàu chất mộng mơ và lãng mạn, các món ăn của Vũ Bằng như một bức tranh nhiều màu sắc, mà lại đủ mùi vị, không khí, tâm tưởng của người làm ra và thưởng thức. Vũ Bằng khiến cho người đọc lạc vào một miền cổ tích với các món ăn và không khí Hà Nội, người ta chỉ nghĩ cách ăn sao cho thật ngon, thật đẹp, làm sao để hưởng hết cái không khí thời tiết của Hà Nội và miền Bắc nước Việt.

Nguyễn Tuân thì khiến cho người ta nhớ Hà Nội một thời quá vãng, lùi sâu lịch sử hơn cả Thạch Lam và Tô Hoài. Tôi rất thích truyện ngắn "Rượu bệnh" và "Xác ngọc lam" của ông mà tôi cho rằng nó xứng đáng là những kiệt tác của Nguyễn Tuân cùng với "Chùa Đàn" và "Vang bóng một thời".

Trong "Rượu bệnh", Nguyễn Tuân tả Ô Quan Chưởng nó hoài cổ và mịt mùng lắm, cả một ông già kì quái nghiện rượu đến phát bệnh và những cô gái bán rượu từ vùng Bồ Đề đi sang. Đọc truyện này, người ta chìm lạc vào một bầu không khí của Hà Nội xưa cũ, hoài cổ, buồn, đẹp và sang trọng. Hà Nội bây giờ chỉ còn một cửa ô duy nhất và tôi nghĩ nếu gắn cửa ô này gần gũi hơn nữa với câu chuyện huyền thoại của Nguyễn Tuân, Ô Quan Chưởng càng thêm huyền hoặc, cổ kính.

Với "Xác ngọc lam" thì Nguyễn Tuân dựng nên một huyền thoại khác về những làng nghề làm giấy ven Hồ Tây. Bây giờ người Hà Nội không còn làm giấy thủ công nữa và nhiều người cũng không biết Hà Nội từng có những làng làm giấy rất nổi tiếng. Nguyễn Tuân đã phục dựng việc làm giấy xưa kia với một không khí rất huyền ảo và ma quái.

"Xác ngọc lam" có thể chưa tinh vi và ảo diệu bằng "Chùa Đàn" nhưng về độ ma quái, "yêu ngôn" thì nó đứng đầu trong những tác phẩm của Nguyễn Tuân và rất đặc biệt, nó lấy làng nghề làm giấy Hồ Khẩu bên Hồ Tây làm bối cảnh chính.

Ngọc Giao là một nhân vật rất đáng kể liên quan đến những trang viết về Hà Nội. Ngọc Giao đã bù khuyết một khoảng rất quan trọng của Hà Nội thời kì tạm chiếm. Rất ít người viết và không hiểu Hà Nội thời tạm chiếm ấy như thế nào, Ngọc Giao đã sống trong nó, viết về nó rất tinh tế trong một khoảng buồn lãng mạn của lịch sử. Đọc tiểu thuyết "Cầu sương" của Ngọc Giao đã khiến tôi rất tò mò về căn biệt thự ma quái bên nhà thờ Cửa Bắc.

Tôi đã đi qua đó nhiều lần và phỏng đoán "nguyên mẫu" của căn biệt thự, Ngọc Giao đã từng sống rất gần đó. Những căn biệt thự hồi đó vẫn còn, những miêu tả của ông về lớp trí thức tiểu tư sản Hà Nội thời ấy rất tinh tế, chừng mực, mang nỗi buồn u uẩn của thời cuộc. Cả những trang bút kí ông viết những nhà văn, nhà báo Hà Nội như Vũ Trọng Phụng, Vũ Đình Long, Vũ Đình Chí, Lê Văn Trương... cũng rất cảm động, gợi về một không khí vừa khổ đau vừa sôi nổi của một thời Hà Nội ở quãng giao đường...

Nhà văn Ngọc Dao.

Có một nhân vật ít được nhắc đến nhưng ông có một quyển sách mỏng  đặc chất Hà Nội là Doãn Kế Thiện với "Hà Nội cũ". "Hà Nội cũ" của Doãn Kế Thiện cũng ngang tuổi với "Hà Nội băm sáu phố phường" của Thạch Lam. Nếu như Thạch Lam kể chuyện phố xá, ẩm thực thì Doãn Kế Thiện kể về những kì nhân và những chuyện lạ Hà Nội, những nhân vật mang một nửa hình bóng của sự thật lịch sử, một nửa của huyền thoại.

Nhờ Doãn Kế Thiện mà tôi biết rằng, có một quãng bên Hồ Gươm, chỗ quảng trường Đông kinh Nghĩa thục bây giờ xưa kia từng là vườn dừa và bãi xử trảm, bêu đầu rất đáng sợ, hoặc quân Cờ đen khi đóng ở Mã Mây với tên tướng  Phùng Bá Cẩu đã tác oai, tác quái với dân Hà Nội thế nào. Doãn Kế Thiện tìm kiếm những huyền thoại cũ của Hà Nội như  "Bà Tiết chặt ngón tay", "Vũng voi giày", "Hồ xác trẻ", "Pháp trường bãi Gáo"... với một lối viết pha trộn giữa ghi chép và kể chuyện rất đáng đọc.

Một người có cách tiếp cận Hà Nội gần giống Doãn Kế Thiện, tất nhiên với một chừng mực khác là Nguyễn Bảo Sinh với cuốn "Bát phố" cũng khá thú vị. Nguyễn Bảo Sinh là người đương thời của Hà Nội nhưng cũng sống đủ lâu để hiểu về thành phố này.

Nguyễn Bảo Sinh đôi khi hơi dài dòng, miên man nhưng những trang ông viết về kì nhân, kì nghề ở Hà Nội cũng rất lí thú. Ông viết về nghề nuôi chó cảnh, nuôi gà chọi, đấm bốc một thời ở Thủ đô rất hay. Những bài viết hồi dựng về cuộc sống xung quanh bốn cửa ô đặc trưng Ô Quan Chưởng, Ô Cầu Dền, Ô Cầu Giấy, Ô Yên Phụ hồi cố nhiều chuyện bi hài và đặc sắc.

Nguyễn Bảo Sinh miêu tả các kì nhân của Hà Nội và các câu chuyện của họ vừa hài hước vừa lạnh lùng, tôi nghĩ đấy cũng là một đóng góp theo phong cách "dân gian" của một người sống lâu năm ở đô thị, thông thuộc lịch sử và nhiều "ngón ăn chơi" của người Hà Nội.

Nguyễn Việt Hà là một nhà văn đương sung sức, so với các tiền nhân, anh nhìn Hà Nội và người Hà Nội theo một phong cách khác hẳn. Đó là những nhí nhố, bặm trợn, trưởng giả của người thành thị. Qua những cuốn "Cơ hội của Chúa", "Khải huyền muộn", "Ba ngôi ở người"...

Nguyễn Việt Hà có xu hướng nhìn mặt trái của cuộc sống, anh không tô vẽ hay ca ngợi nó như những tiền nhân, anh mỉa mai, chế nhạo tầng lớp thị dân. Anh coi Hà Nội cũng như đang sống trong một giai đoạn đầy những lố lăng chẳng khác thời Vũ Trọng Phụng với "Số đỏ" là mấy. Tất nhiên không phải thời đại nào cũng giống nhau và cách nhìn, cảm nhận của các nhà văn cũng khác nhau. Nguyễn Việt Hà góp thêm một cách nhìn khác về Hà Nội, đặc biệt về lối sống thị dân qua lăng kính riêng của anh.

Những người trẻ hơn cũng hăng hái viết về Hà Nội, Đỗ Phấn viết rất nhiều về Hà Nội với một nhãn quan khá gần gũi với Nguyễn Việt Hà. Nguyễn Ngọc Tiến có một series sách viết về Hà Nội nhưng thiên về khảo cứu hơn là văn chương. Nguyễn Trương Quý và tôi cũng có nhiều tản văn viết về Hà Nội theo cái nhìn của những người trẻ cùng nhiều những người khác nữa.

Viết về Hà Nội không thời thượng hoặc cổ lỗ, nó là một chủ đề lớn và hấp dẫn, sự khác biệt là Hà Nội có những đặc điểm riêng mà không một địa phương nào có được. Hà Nội sở hữu một nền văn hóa lâu đời, là Thủ đô bền vững của ngàn năm lịch sử cùng với rất nhiều biến cố, thăng trầm. Hà Nội cũng là nơi tập trung đông người, một đô thị lớn và có rất nhiều danh nhân, văn nghệ sĩ  sinh sống ở nơi đây. Một quần thể đa dạng phức tạp, tập trung nhiều nguồn lực và tinh hoa là nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ sáng tạo về chính mảnh đất mình đang sống hoặc hướng về nó.

Uông Triều
.
.
.