Trường hợp “Cây táo nở hoa” và xu hướng “nở nồi” phim nhiều tập

Chủ Nhật, 11/07/2021, 11:12
Bộ phim “Cây táo nở hoa” đang thu hút khán giả trên sóng truyền hình lẫn trên mạng xã hội. Thế nhưng, sau những lời khen ban đầu thì công chúng cũng bày tỏ sự mệt mỏi vì tình tiết rối rắm khó tin và nội dung dông dài vô lối. Từ trường hợp “Cây táo nở hoa” có lẽ cũng đã đến lúc nghiêm khắc hơn với xu hướng “nở nồi” phim nhiều tập gây chán ngán về giá trị nghệ thuật!


Bộ phim “Cây táo nở hoa” phản ánh trực diện đề tài gia đình, rất được khán giả quan tâm. Bộ phim đề cao vai trò người anh cả Ngọc đối với bốn đứa em Ngà, Châu, Báu, Dư. Đức tính chịu đựng và sự hy sinh của người anh cả Ngọc không chỉ dừng ở mức độ “quyền huynh thế phụ” mà còn có sự bao dung đến mức khó tin. 

Người anh cả Ngọc chấp nhận mọi sự ngỗ ngược và sự ích kỷ của các em. Thậm chí, người anh cả Ngọc sẵn sàng sử dụng chiêu trò với vợ mình - Hạnh để bao bọc cho các em một cách vô lối. Từ sự yêu thương mù quáng, người anh cả Ngọc dần dần biến thành một gã đàn ông bạc nhược và ngây ngô. 

Ngoài diễn viên Thái Hòa trong vai người anh cả Ngọc, bộ phim “Cây táo nở hoa” còn có sự góp mặt của nhiều diễn viên tên tuổi như Hồng Ánh (vai Hạnh) Trương Thế Vinh (vai Ngà) Thúy Ngân (vai Châu) Nhã Phương (vai Báu) Song Luận (vai Dư)… Dàn diễn viên ấy đủ sức lôi cuốn khán giả, nhưng càng xem càng thấy thất vọng với “Cây táo nở hoa” vì bộ phim được làm theo kiểu “nở nồi”. Cơm nở nồi đã khó nuốt, mà phim nở nồi thì càng khó chịu.

Năm anh em Ngọc - Ngà - Châu - Báu - Dư trong bộ phim: “Cây táo nở hoa”.

Vì sao tính cách người anh cả Ngọc - cái đầu tàu của đoàn tàu anh em Ngọc- Ngà- Châu- Báu - Dư lại gây phản cảm? Vì sao nhiều tình huống trong bộ phim “Cây táo nở hoa” khiên cưỡng đến mức lố bịch? Rất đơn giản, vì bộ phim “Cây táo nở hoa” được làm lại từ bộ phim “Whats Wrong Poong San” của Hàn Quốc, nhưng lại không tuân thủ đường dây kịch bản gốc. Lỗi ở đây không phải sự kém cỏi của vai diễn, mà do sự tham lam của những người làm phim. 

Bản gốc chỉ 30 tập, mà bản mô phỏng đến 80 tập thì không thể tránh khỏi sự rườm rà và ngớ ngẩn. Đó là điều mà đạo diễn Lê Cung Bắc, người vừa qua đời vào tháng 6/2021 ở tuổi 75, đã cảnh tỉnh: “Gần đây có một số kịch bản nước ngoài được Việt hóa. Điều đó cũng không có gì lạ nhưng khi Việt hóa một bộ phim nước ngoài, điều quan trọng cốt lõi là Việt hóa tâm hồn của nhân vật thì mới có thể gần gũi được người xem. Nếu chúng ta cứ bê nguyên tâm lý của các nhân vật nước ngoài thì rất xa lạ với nếp nghĩ, nếp sống của người Việt Nam. 

Do đó, đòi hỏi người chuyển thể phải rất tài giỏi và người đạo diễn phải rất tinh tế để đưa vào phim những hình ảnh thuần Việt, mặc dù đó là một câu chuyện của nước ngoài. Tốt nhất, như tôi đã nhiều lần nhắc nhở là chúng ta phải trở về với chúng ta, trở về với cuộc sống vô cùng phong phú của xã hội chúng ta. Chúng ta chưa có nhiều kịch bản hay vì chúng ta chưa khai thác đúng và khai thác đủ những khía cạnh cuộc sống, những bức xúc và khát vọng của con người đương đại”.

Hậu quả của việc làm phim theo kiểu nở nồi là gì? Thêm một chút nguồn lợi từ quảng cáo và tài trợ, nhưng mất hẳn giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Lời thoại thêm thắt loạn xạ, chi tiết thêm thắt tùy tiện, thì cá tính mỗi nhân vật cũng mờ nhạt dần và nội dung cũng vô vị dần. 

Diễn viên Thái Hòa vai anh cả Ngọc trong phim “Cây táo nở hoa”.

Có thể hình dung thực trạng Việt hóa kịch bản nước ngoài như sau: Thấy bộ phim nào ăn khách ở nước ngoài, thì nhà sản xuất mua bản quyền để chuyển ngữ rồi thuê người Việt hóa sao cho có chút hương vị quê nhà. Thông thường, một nhóm biên kịch giá rẻ sẽ được thuê viết lại, họ vừa dán mắt vào màn hình vừa đối chiếu bản chuyển ngữ để “soạn” thành kịch bản Việt hóa. Khi cần “nở nồi” thì nhà sản xuất hạ lệnh cho đạo diễn, và đạo diễn lại “mông má” tiếp tục. Khi xem lại phim, chính các biên kịch cũng không thể ngờ những tập phim mà mình từng Việt hóa lại “nở nồi” khủng khiếp như vậy. 

Bi kịch ấy, được nhà biên kịch Thùy Linh lý giải tương đối rõ ràng: “Hiện tượng Việt hóa từ phim nước ngoài ở phía Nam nhiều hơn ngoài Bắc. Tôi nghĩ chúng ta không nên quá khe khắt việc kịch bản mua hay tự viết mà quan trọng là chất lượng kịch bản. 

Hiện nay cái nhìn của khán giả hơi có vẻ thiên lệch về khái niệm kịch bản nước ngoài và phim nước ngoài, có một cái nhìn chưa công bằng với người làm nghề trong nước.Vì đội ngũ những người làm phim truyền hình và các nhà biên kịch cũng mới bắt đầu vào nghề chưa lâu lắm. Vì vậy đội ngũ biên kịch và các nhà làm phim cần có thời gian, không gian, sự ủng hộ để họ được học hành, trưởng thành trong nghề. 

Tất nhiên, chúng ta không phủ nhận hiện nay có khá nhiều các nhà biên kịch và người làm nghề không nghiêm túc với sản phẩm của mình. Cơ hội dành cho các nhà biên kịch và nhà làm phim truyền hình quá nhiều và quá dễ dàng. Đáng lẽ người ta phải biết tận dụng cơ hội này để trưởng thành, để làm tốt hơn công việc của mình, thì ngược lại một số người lại tận dụng cơ hội để kiếm danh và kiếm tiền một cách nhanh nhất”.

Sự “nở nồi” của bộ phim “Cây táo nở hoa” không phải trường hợp ngoại lệ. Một bộ phim ăn khách trước đây là “Gạo nếp gạo tẻ” cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Từ bản gốc của Hàn Quốc chỉ có 80 tập, bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” hào hứng nở nồi lên 109 tập rồi còn làm tiếp phần hai, thì hỏi sao không đẩy cảm xúc công chúng vào sự ê chề. 

Cả hai bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” và “Cây táo nở hoa” đều có bàn tay của đạo diễn Thạch Thảo. Thế nhưng, đừng oán trách đạo diễn Thạch Thảo, vì quyết định cho bộ phim nở nồi cỡ nào hoàn toàn phụ thuộc vào những nhà đầu tư. Chỉ cần nghe ngóng thị hiếu và cảm thấy có thể thả dây dài câu cá lớn, thì những nhà đầu tư sẽ lên kế hoạch tăng số lượng tập phim hết mức chịu đựng của công chúng. 

Cho nên, không phải ngẫu nhiên, đạo diễn Đinh Đức Liêm từng nhận định rất chua chát: “Do nhu cầu sản xuất phim quá nhiều nên có những người thậm chí không hề có chút danh tiếng, hiểu biết sơ sài về điện ảnh thông qua những công việc phục vụ trong đoàn phim cũng có thể được một số nhà sản xuất dễ dãi đưa lên làm đạo diễn. Và đó chính là thảm họa cho truyền hình bây giờ. 

Một đạo diễn không thể thiếu sự đào tạo cơ bản, cho nên chỉ với một chút kinh nghiệm hiện trường làm phim thôi thì chưa đủ. Họ không đủ vốn liếng nghề nghiệp, vốn liếng sống, đầu óc văn chương... để xử lý kịch bản phim và biến nó thành một phim sống động, bởi trên thực tế không phải cứ minh họa kịch bản là thành một phim có chất lượng. 

Đạo diễn phải xử lý kịch bản, phải thẩm thấu những vấn đề, chủ đề tư tưởng trong kịch bản và tìm ra cho nó một chìa khóa riêng để thể hiện thì mới có thể thành một phim hoàn chỉnh. Vì thế, cứ đơn thuần đem một chút kinh nghiệm dàn dựng, hô máy diễn, cắt thì không thể nào tạo thành một phim có chất lượng được”.

Bài toán kinh tế cho việc sản xuất phim không hề đơn giản. Áp lực về doanh thu khiến những nhà đầu tư luôn muốn nở nồi mọi bộ phim mà họ lên kế hoạch hợp tác công chiếu trên truyền hình. Những nhà đầu tư chỉ ước lượng con số của tập phim và con số của chi phí, mà không có khả năng ước lượng khả năng của biên kịch và đạo diễn nước nhà. Với một xứ sở đã có công nghệ điện ảnh như Hàn Quốc thì họ cũng đã tính toán sự nở nồi phù hợp nhất cho từng bộ phim. Người Việt đã không có ý tưởng làm phim, phải làm lại từ kịch bản (và thường xuyên bắt chước cả bối cảnh dàn dựng) của họ, mà lại đòi khôn hơn họ để thoải mái nở nồi thì chuốc lấy kết cục bẽ bàng thôi.

Tuy Hòa
.
.
.