Phim hoạt hình Việt Nam: Khán giả nhí xem gì?

Thứ Sáu, 20/05/2011, 08:30
Những năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự nở rộ của phim Việt. Con số phim truyện sản xuất trong một năm lên đến hàng chục. Còn số tập phim truyền hình dài tập lên đến hàng trăm. Nhưng riêng trong lĩnh vực phim hoạt hình, tình hình không được khả quan như vậy...

Số lượng phim sản xuất chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, và chất lượng thì còn tệ hơn nữa. Không ít người tự hỏi, tương lai phim hoạt hình sẽ đi về đâu và con em chúng ta bao giờ mới có thể được xem những bộ phim hoạt hình hấp dẫn sản xuất trong nước?

Nhường "thị phần" cho phim hoạt hình nước ngoài.

Trên truyền hình hiện nay, có khung giờ vàng dành để chiếu phim Việt nhưng là phim "cho người lớn" chứ không phải phim hoạt hình. Khán giả nhí muốn xem phim hoạt hình thì xin mời xem các kênh truyền hình nước ngoài trên hệ thống truyền hình cáp như Catoon Networks, Disney Cattoon. Đó là những kênh dành riêng chiếu phim hoạt hình và các em có thể "no nê" thưởng thức những bộ phim hoạt hình hay của thế giới. Ngay cả kênh truyền hình Bibi do Việt Nam sáng lập cũng gần như chỉ chiếu phim hoạt hình nước ngoài.

Còn nhớ, trong một cuộc hội thảo về phim Việt, khi nhắc đến phim hoạt hình, một nhà biên kịch đã phát biểu, rằng chị rất muốn con mình được xem những bộ phim hoạt hình thuần Việt nhưng thực sự không biết tìm ở đâu. Đài Truyền hình thì thảng hoặc mới chiếu một vài bộ phim ngắn. Còn ra rạp thì gần như không bao giờ có cơ hội. Nghỉ hè, bọn trẻ dán mắt vào tivi xem "Tom và Jerry", "Vượn đốm Marsupilami", "Doremon" trên các kênh quốc tế, chúng gần như không có khái niệm về phim hoạt hình Việt. Hàng triệu trẻ em của chúng ta lớn lên mà trong ký ức tuổi thơ của chúng không hề có bóng dáng phim hoạt hình Việt. Về vấn đề này, đạo diễn Nguyễn Minh Trí, phụ trách xưởng hoạt hình của Hãng phim VFC đề nghị: "Theo tôi, muốn "phổ cập" phim truyền hình nhiều hơn đến với khán giả nhí thì các đài cần dành cố định một khoảng thời gian để chiếu phim hoạt hình Việt Nam. Thời lượng này không nhất thiết là mỗi ngày mà có thể hàng tuần, hàng tháng, hoặc nhân dịp hè phát sóng thành một vệt dài". 

Số lượng thiếu, chất lượng yếu

Vẫn là đạo diễn Nguyễn Minh Trí cho hay: "Giả sử đề nghị của tôi được các kênh truyền hình nhất trí, và dành thời gian cố định cho phim hoạt hình thì chúng ta phải huy động các hãng tư nhân vào cuộc, nếu không thì cũng…nguy, vì không có phim phát sóng". Thực tế là mỗi năm, số lượng phim hoạt hình được sản xuất rất ít và thời lượng mỗi phim trung bình chỉ trên chục phút. Trong khi đó, thế giới người ta thường làm những phim hoạt hình dài 40-50 phút, và phim dài tập thì cũng rất nhiều.

Hiện nay, cả nước có hai đơn vị nhà nước chuyên sản xuất phim hoạt hình là Hãng phim hoạt hình Việt Nam và Xưởng sản xuất phim hoạt hình thuộc Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC). Tư nhân có hai hãng là "B&C Areka", "Dolfilm", nhưng số phim làm ra còn khiêm tốn so với nhu cầu của khán giả. Số lượng đã ít ỏi như thế, nhưng về chất lượng phim còn đáng ngại hơn. Đạo diễn phim hoạt hình nổi tiếng người Pháp Prakash Topsy, khi đến Việt Nam với tư cách là chuyên gia giảng dạy lớp nâng cao nghiệp vụ tại Hãng phim hoạt hình Việt Nam đã thẳng thắn nhận xét: "Phim hoạt hình Việt Nam đang rất lạc hậu so với thế giới". Ông cũng cho biết là ông đã xem hơn 300 tập phim hoạt hình Việt, nhưng chỉ có một bộ phim mà ông thích, là phim "Xe đạp" của đạo diễn Phương Hoa, bởi nó có tính khái quát cao, cách thể hiện mạch lạc, gần gũi với khán giả trong nước và dễ hiểu với khán giả quốc tế.

Cảnh trong phim hoạt hình "Người con của Rồng".

Thế giới đã đi một bước tiến dài trong việc sản xuất phim hoạt hình. Những "siêu phẩm" hoạt hình có thể mang về cho nhà sản xuất lợi nhuận khổng lồ, không kém gì những bộ phim "bom tấn" khác. Chẳng hạn, phim "Lion King" cho doanh thu 312 triệu USD tại Mỹ,  "Monters" là 214 triệu USD, "Shrek 2" đạt doanh thu kỷ lục lên tới 919 triệu USD.  Những bộ phim hoạt hình 3D đang khuynh đảo thế giới, không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng thích thú thưởng thức. Trong khi đó, việc làm phim hoạt hình ở Việt Nam vẫn còn rất thủ công. Những bộ phim hoạt hình 3D của Việt Nam đầu tiên như "Giấc mơ của ếch xanh" (đạo diễn Hà Bắc), "Chú heo may mắn", "Chiếc giếng thời gian" (Hãng VFC), "Truyền thuyết dòng sông Barơnga", "Rùa và Thỏ" (Hãng phim Giải phóng) vẫn chưa được khán giả biết đến nhiều. Nguyên nhân là kịch bản phim chưa hay, chưa hấp dẫn, chuyển động của nhân vật trong phim chưa đẹp, chưa hợp lý. Tạo hình của nhân vật vẫn còn gượng, chưa đánh trúng tâm lý của người xem.

Một nguyên nhân quan trọng khác là mức độ đầu tư cho phim hoạt hình hiện nay "quá hẻo" dẫn đến việc không có phim hay. Mức độ đầu tư cho một tập phim truyền hình đã được xem là "thê thảm", thì đầu tư cho phim hoạt hình còn thê thảm hơn. Mỗi tập phim hoạt hình 13 phút chỉ được đầu tư khoảng 130 đến 160 triệu đồng, ít ỏi đến nỗi một số nhà làm phim nước ngoài khi nghe đã nghĩ đây là một câu nói đùa. Trong khi đó phim truyền hình muốn đẹp phải dựa hoàn toàn vào kỹ thuật.  Với phim 3D thì số tiền này đúng là như "muối bỏ bể" vậy.

Hè năm ngoái, bộ phim hoạt hình "Vương quốc xe hơi" của điện ảnh Mỹ đã thu về 60 triệu USD chỉ sau một tuần phát hành. Đạo diễn của phim tiết lộ, để chọn được mô hình hai chiếc xe cho nhân vật chính trong phim là Tia và Mia thì ông đã phải lựa chọn trong 43.000 bản vẽ của họa sĩ. Có nghĩa là làm phim hoạt hình muốn hay phải tỉ mỉ, kiên nhẫn, phải có đầu tư lớn. Ít tiền sẽ dẫn đến việc chắp vá, qua loa, nên chất lượng phim chắc chắn sẽ không thể hay được. Mà một khi không hay thì khó mà được khán giả chấp nhận. Vì khán giả nhí của chúng ta đã trở nên rất "sành" khi thường xuyên được xem những phim hoạt hình nước ngoài hấp dẫn trên các kênh truyền hình quốc tế.

Nhà quản lý thờ ơ

Dường như có một tâm lý "bất công" với phim hoạt hình tồn tại bấy lâu: Xem phim hoạt hình là phim dành cho trẻ con, nên không được các nhà quản lý điện ảnh và cả những người làm nghề đầu tư thích đáng. Ai cũng biết, trong kinh tế thị trường, một sản phẩm văn hóa cũng được xem là hàng hóa. Mà hàng hóa muốn được nhiều người biết tới thì phải có quảng cáo. Đạo diễn Nguyễn Minh Trí phàn nàn, tiền làm phim còn "nhỏ giọt" thế, nói gì đến quảng cáo. Hơn nữa, giả dụ có tiền, nhiều nhà quản lý vẫn chưa chắc đã nghĩ đến chuyện quảng cáo. Dường như họ quan niệm phim cho trẻ con thì không cần quảng cáo.

Một phụ huynh khi trao đổi với phóng viên cũng đề cập: "Tôi biết thông tin bộ phim hoạt hình "Xe đạp" của đạo diễn Phương Hoa rất hay, giành giải Cánh diều vàng, nhưng tôi không biết là đưa con đến đâu mới xem được bộ phim này, hay đơn giản là mua được đĩa về nhà cho con xem". Năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, bộ phim hoạt hình 3D "Người con của Rồng" được đầu tư 6 tỷ đồng, số tiền kỷ lục cho phim hoạt hình. Nhưng phim chỉ được phát sóng trên truyền hình vào ngày đại lễ và được ra rạp chiếu một buổi, nhân khai trương rạp Kim Đồng ở Hà Nội. Không có những thông tin quảng cáo, quảng bá sản phẩm, khán giả nhí chẳng biết cách nào để được thưởng thức bộ phim. Các rạp chiếu phim thì gần như không bao giờ "ngó ngàng" đến việc chiếu phim hoạt hình. Họ thà bỏ ra thêm 1 tỷ đồng để lồng tiếng Việt cho một bộ phim nước ngoài, phục vụ các khán giả nhí chưa biết chữ (như  trường hợp cụm rạp Megastar đã làm với bộ phim hoạt hình "Rio" của điện ảnh Mỹ), hơn là chiếu một bộ phim hoạt hình trong nước. Chúng ta không thể trách họ. Vì họ phải hướng đến những bộ phim ăn khách. Nhưng, với những bộ phim có chất lượng tốt như "Người con của Rồng", "Xe đạp"…, nếu được quảng bá tốt, rất có thể thu hút được số lượng không nhỏ khán giả.

Làm một bộ phim truyện nhựa có thể chỉ cần 6 tháng. Nhưng để có một bộ phim hoạt hình hơn chục phút, đạo diễn phải mất tới 1-2 năm là thường. Vất vả, khó khăn, nhưng sản phẩm làm ra không có khán giả hoặc không đến được với khán giả khiến cho các nghệ sĩ nản lòng. Tình yêu nghề cũng vì thế mà mai một dần đi.

Thị trường dành cho phim hoạt hình không phải là không có. Hàng triệu khán giả nhí vẫn luôn mong chờ được thưởng thức những bộ phim hoạt hình chất lượng. Một khi các nhà quản lý quan tâm hơn đến nhu cầu của các em và có sự đầu tư thích đáng hơn trong tương lai thì chắc chắn  bức tranh ảm đạm của phim hoạt hình hiện nay sẽ được cải thiện

Bình Nguyên Trang
.
.
.