Những đứa trẻ từ ngoài đời bước vào phim và từ phim bước ra cuộc đời

Thứ Tư, 12/07/2006, 08:38

Trong việc thể hiện đề tài thiếu nhi, có một điều thật đáng quý ở phim truyện Việt Nam là vừa tạo được điển hình nghệ thuật để đưa vào cuộc sống, vừa từ nhân vật có thật trong cuộc sống, điển hình hóa thành hình tượng nghệ thuật.

Trong phim truyện Việt Nam, đề tài thiếu nhi không chỉ được thể hiện từ rất sớm mà còn có những thành công xuất sắc về nghệ thuật, xây dựng được hình tượng khá điển hình, trọn vẹn về thiếu nhi Việt Nam ngay từ những bộ phim đầu tiên, mà ở những mặt nào đó, cho đến mãi sau này cũng chưa có phim nào vượt qua được. Đó là hình tượng bé Nga trong phim “Con chim vành khuyên” (sản xuất năm 1962) của đạo diễn Nguyễn Văn Thông - Trần Vũ; hình tượng Kim Đồng trong phim “Kim Đồng” (SX năm 1964) của đạo diễn Nông Ích Đạt - Vũ Phạm Từ; bé Ngọc Hà trong phim “Em bé Hà Nội” (sản xuất năm 1974) của đạo diễn Hải Ninh và tiếp theo là các phim “Trăng rằm”, “Bọn trẻ” của đạo diễn Khánh Dư; “Khi vắng bà” của đạo diễn Anh Thái; “Ngọn đèn trong mơ”, “Hoa của trời” của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn…

Đối với mọi loại hình nghệ thuật, thiếu nhi bao giờ cũng là đề tài khó. Đối với điện ảnh lại càng khó hơn. Vì khả năng diễn xuất, biểu hiện tâm lý tính cách nhân vật là việc làm không dễ đối với các diễn viên nhỏ tuổi. Nhưng ở phim “Con chim vành khuyên” hầu như những khó khăn ấy đã được khắc phục dễ dàng. Cô bé vai Nga ngọt ngào sống động như một cô bé Nga nào đó có thật ngoài đời. Cũng như mọi cô bé khác ở cái làng chài ven sông này, Nga cũng thích nhảy lò cò, nhảy dây, thích chơi những trò chơi con trẻ, thích chăm chút một con chim nhỏ xinh xinh, trải tuổi thơ trong sáng của mình giữa lòng quê hương và sự chăm chút yêu thương của người cha cô đơn đang trong cảnh “gà trống nuôi con”. Nhưng khi giặc Pháp đến gây tội ác, cả cái làng chài bé nhỏ và dòng sông phẳng lặng của bé Nga phải sôi lên vì căm giận, vì công việc đánh giặc giữ làng.

Nga đã lớn lên từ tình yêu làng xóm quê hương, thay cha chèo đò đưa cán bộ qua sông và cuối cùng đã hy sinh cả thân mình để cứu đoàn cán bộ khỏi sa vào tay giặc. Không chỉ biết yêu quê hương đất nước, con người, mà ngay cả với cỏ cây muông thú bé Nga cũng giàu lòng yêu thương, nhân ái. Có lẽ vì vậy mà khi bị địch bắn, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Nga còn kịp cởi chiếc kim băng, thả con chim vành khuyên bay ra khỏi túi.

Và cũng từ đó, hình tượng bé Nga đã vượt ra ngoài mọi ý nghĩa bình thường, thậm chí vượt ra ngoài cả ý sáng tạo của người nghệ sĩ, trở thành biểu tượng không chỉ cho chủ nghĩa anh hùng của thế hệ trẻ mà cho cả lòng nhân từ, bác ái truyền thống của người Việt Nam, tạo nên chất thơ, chất nhân văn cao cả cho chủ đề phim. Bộ phim đã đoạt giải Bông Sen Vàng trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ II-1973.

Trong việc thể hiện đề tài thiếu nhi, có một điều thật đáng quý ở phim truyện Việt Nam là vừa tạo được điển hình nghệ thuật để đưa vào cuộc sống, vừa từ nhân vật có thật trong cuộc sống, điển hình hóa thành hình tượng nghệ thuật. Bé Nga và Kim Đồng là hai loại nhân vật như vậy. Bé Nga từ nghệ thuật bước ra cuộc đời, còn Kim Đồng lại từ cuộc đời bước vào nghệ thuật. Cả hai quá trình ấy đều đòi hỏi tài năng, trí tuệ của người nghệ sĩ.

Nhưng có lẽ khó khăn hơn vẫn là từ một nhân vật có thật ngoài đời, nhất là nhân vật đã từng nổi tiếng như Kim Đồng - Nông Văn Dền. Có lẽ vì vậy mà sau nhiều năm đắn đo ấp ủ, hai đạo diễn Nông Ích Đạt - Vũ Phạm Từ mới dám bắt tay vào xây dựng bộ phim “Kim Đồng”. Có một thuận lợi là đạo diễn Nông Ích Đạt cũng là người dân tộc, cùng quê Cao Bằng, cách bản Nà Mạ của Kim Đồng không xa. Đạo diễn Vũ Phạm Từ cũng đã từng chung sống với đồng bào miền núi cả hàng chục năm kháng chiến. Nhưng để có được hình tượng Kim Đồng trên phim, các nhà làm phim không thể chỉ dừng lại ở những gì hiểu biết về Kim Đồng. Vì từ nguyên mẫu ngoài đời đến hình tượng trên phim là cả một quá trình tái tạo nghệ thuật công phu. Công việc còn khó hơn rất nhiều lần so với việc xây dựng một nhân vật hoàn toàn hư cấu nghệ thuật. Bởi lẽ người làm phim vừa phải đảm bảo hiệu quả nghệ thuật vừa phải đảm bảo tính trung thực với nguyên mẫu có thật ngoài đời.

Đối với điện ảnh Việt Nam giai đoạn đầu còn nhiều chập chững này, việc làm phim truyện theo nguyên mẫu người thật việc thật còn quá mới mẻ, khiến người làm phim phải vừa làm, vừa tự tìm tòi những thủ pháp nghệ thuật cần thiết cho loại phim này. Các tác giả phim “Kim Đồng” đã tìm ra cách thể hiện riêng của mình, bằng cách tận dụng tất cả bối cảnh thật về gia đình, quê hương, người thân, bạn bè… và mọi nhân chứng, di tích lịch sử có liên quan đến Kim Đồng… để tạo tính chân thực và độ tin cậy cho mọi người hoạt động của nhân vật Kim Đồng trên phim.

Mặt khác, vai Kim Đồng do em Lê Thanh Phương đóng cũng được đặc biệt coi trọng việc “hóa thân” vào vai diễn của mình. Từ trang phục, ngoại hình, mọi cử chỉ, tác phong đến việc thâm nhập thực tế cuộc sống gia đình, quê hương Kim Đồng đều được chăm chút, sàng lọc tỉ mỉ, để có thể đủ tính chân thực tái tạo lại được những nét sống động cơ bản nhất của cuộc đời, tính cách và diện mạo nhân vật Kim Đồng.

Sau một thời gian dài lao động nghệ thuật của những người làm phim, năm 1964, bộ phim “Kim Đồng” đã ra mắt người xem. Hình tượng Kim Đồng trên phim đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và điện ảnh phim truyện Việt Nam ngay từ giai đoạn đầu này đã vinh dự có được những mốc son đánh dấu bước phát triển của mình ở những nhân vật thiếu nhi thành công xuất sắc như bé Nga trong phim “Con chim vành khuyên” và Kim Đồng trong phim “Kim Đồng”.

Anh hùng thiếu niên Kim Đồng ngoài đời đã thắp sáng ý chí cách mạng và tình yêu nước chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc cho thiếu nhi Việt Nam, không chỉ suốt chiều dài lịch sử hai cuộc kháng chiến chống đế quốc, thực dân mà còn cho cả mãi sau này.

Hình tượng Kim Đồng trên phim đã để lại trong tâm hồn tình cảm người xem Việt Nam, không chỉ gương một anh hùng thiếu niên Kim Đồng mà cả những nét đẹp điển hình, sâu đậm của một thế hệ thiếu niên nhi đồng Việt Nam trưởng thành trong bão tố cách mạng.

Bộ phim “Kim Đồng” đã đoạt giải Bông Sen Bạc - LHP Việt Nam lần thứ II - 1973 - Giải Băng Đuy tặng cho phim thiếu nhi hay nhất, tại LHP Quốc tế Jakarta - 1964.--PageBreak--

Cũng về đề tài thiếu nhi trong chiến tranh, ở phim “Em bé Hà Nội” đạo diễn Hải Ninh lại khai thác ở một chủ đề hoàn toàn khác. Đó là khát vọng hòa bình của thiếu nhi, mong ước được học tập, được sống yên ấm với bố mẹ gia đình, được trở lại mái trường…

Hình ảnh em bé Ngọc Hà tay xách cây đàn đang ngơ ngác đi tìm bố mẹ một cách vu vơ giữa đường phố Hà Nội đổ nát, hừng hực lửa chiến tranh của những ngày máy bay Mỹ điên cuồng ném bom Hà Nội… là tiếng thét của thiếu nhi lên án chiến tranh, đòi hòa bình, đòi quyền được học hành, được chăm sóc của các em.

Nếu ở bé Nga, ở Kim Đồng thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường, sự hy sinh quả cảm của thiếu nhi vì mục đích chống ngoại xâm, đòi hòa bình, thì ở bé Ngọc Hà mục đích ấy là được trực tiếp hơn, quyết liệt hơn và đã trở thành tiếng nói chung của trẻ nhỏ không phải chỉ ở Việt Nam. Nếu bé Nga và Kim Đồng là biểu tượng cho khí phách anh hùng, dũng cảm của thiếu nhi Việt Nam, thì ở Ngọc Hà lại là một chiều sâu tình cảm, nồng ấm yêu thương với bố mẹ gia đình. Chi tiết bé Ngọc Hà xụt xùi tha thiết yêu cầu cô bán gạo “đừng xóa tên mẹ cháu” trong sổ đong gạo của gia đình, đã gây xúc động mạnh mẽ cho người xem, tạo thêm chiều sâu tính cách của Ngọc Hà và thể hiện rõ hơn chủ đề chung của bộ phim.

Phim “Em bé Hà Nội” đã đoạt giải Bông Sen Vàng - LHP Việt Nam lần thứ III - 1975. Giải đặc biệt của Ban giám khảo - Liên hoan phim Quốc tế Matscơva 1975, giải thưởng của mặt trân Palestin tại Liên hoan phim Quốc tế Xiry.

Đối với cuộc sống con người, ở bất cứ đâu, sau chiến tranh vấn đề đau khổ nhất bao giờ cũng là vấn đề thiếu nhi. Không phải chỉ là nạn nhân của chiến tranh mà còn bao nhiêu vấn đề xã hội khác, đòi hỏi mọi người có trách nhiệm, có lương tri phải làm cho cuộc sống của thiếu nhi,… ở Việt Nam ta cuộc chiến tranh kéo dài hơn 30 năm lại càng như vậy.

Về chủ đề này, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã có 2 phim làm theo kịch bản của Lê Ngọc Minh là “Ngọn đèn trong mơ” và “Hoa của trời”.

Đề tài thiếu nhi đã khó, làm về thiếu nhi trong cuộc sống đương đại với bao nhiêu mối quan hệ gia đình, xã hội phức tạp như hiện nay, càng khó hơn gấp nhiều lần. Nhưng với mọi cố gắng tìm tòi, sáng tạo, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã tỏ ra có sở trường về loại phim này. Cả hai phim đều đã đoạt giải Bông Sen Bạc trong các LHP Việt Nam. Phim “Ngọn đèn trong mơ” đã thổi được vào tâm hồn các em - nơi cuộc sống còn nhiều lam lũ gian truân, một niềm tin, một lẽ phải cứ tưởng như triết lý của muôn đời nhưng lúc nào cũng mới. Đó là sự yêu thương, nhường nhịn, cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Chỉ có như vậy mới có được niềm vui, hạnh phúc, mới có một xã hội tốt cho tất cả mọi người.

Phim “Hoa của trời” cũng không nằm ngoài chủ đề ấy. Trên nền tảng của một lối sống giàu tình tương thân tương ái, những đứa trẻ biết nhận ra sự yếu kém của mình, dám trút bỏ những thói hư tật xấu, những tập tục lạc hậu, cũ xưa, dám sống vì nhau vì một mục đích chung cao đẹp… Mỗi người mới có thể cống hiến được phần tài năng công sức của mình cho xã hội và có được hạnh phúc của riêng mình.

Có người quan tâm đến đề tài thiếu nhi trong phim truyện Việt Nam đã tỏ ý băn khoăn rằng: Sau hơn 40 năm đến nay sao vẫn chỉ có phim “Con chim vành khuyên” là đỉnh cao của loại phim này? Chẳng lẽ tài năng của các nhà điện ảnh sau phim “Con chim vành khuyên” không đủ sức vượt lên, thậm chí theo kịp thế hệ của mình?

Đó là sự thật và cũng là điều bình thường dễ hiểu đối với nghệ thuật. Đã là nghệ thuật đích thực thì sự thành công của bất cứ loại hình nào cũng không bao giờ có hẹn trước, càng không có cái trật tự, đã có trước rồi thì sau phải có, phải hơn! Vì phần lớn mọi thành công của nghệ thuật đều là những thăng hoa đột biến của tài năng. Với đề tài thiếu nhi trong phim truyện Việt Nam cũng vậy. Đề tài thiếu nhi, có thể chẳng bao giờ có những phim như “Con chim vành khuyên” và ngay chính tác giả của bộ phim có thể cũng chẳng bao giờ vượt qua được chính mình. Đó là lẽ thường tình của nghệ thuật. Chỉ có điều, mỗi người có ý thức trách nhiệm về nền điện ảnh dân tộc, không kể là nhà quản lý hay nhà nghệ thuật, đều cần để tâm chăm lo, vun vén cho loại đề tài này trong phim truyện Việt Nam. Công việc không chỉ cho hôm nay mà cho cả ngày mai, không chỉ cho nghệ thuật điện ảnh mà cho cả mục đích cuộc sống lâu dài của nhiều thế hệ mai sau

Đinh Tiếp
.
.
.