Hoạ sĩ Đức Gerhard Richter: Tuổi 80 và bức tranh giá "khủng"

Thứ Tư, 21/11/2012, 08:00

"Ông lão" Gerhard Richter vừa trở thành họa sĩ còn sống có tranh được bán với giá cao nhất trong lịch sử. Chỉ sau 5 phút khai mạc phiên đấu giá tại nhà đấu giá Sotheby's ở London (Anh), họa phẩm "Tranh trừu tượng - 809 - 4" mà ông thực hiện từ năm 1994 đã được một nhà sưu tập tranh ẩn danh trả tới 34,2 triệu USD, cao gấp đôi dự kiến và cao gấp gần chục lần giá gốc ca sĩ Eric Clapton đã trả cho bức tranh này khi mua ở New York năm 2001.

Họa sĩ Richter năm nay vừa chẵn 80 tuổi. Ông lớn lên ở Đông Đức và chuyển sang sống tại Tây Đức ít lâu trước khi bức tường Berlin sụp đổ. Richter được ghi nhận là họa sĩ vĩ đại nhất của nước Đức hiện nay. Tuy không mấy được biết tại Mỹ, song ông là một tên tuổi được sùng bái khắp châu Âu. Trong năm 2011 vừa qua, tại các sàn đấu giá, các tác phẩm hội họa của Richter đã bán được với giá tổng cộng là 200 triệu USD, vượt xa các tác giả đương đại còn sống. Cũng trong năm 2011, tại nhà đấu giá Christie's ở London, một bức trong chùm tranh có tên là "Nến" của Richter đã được bán với giá 16,5 triệu USD, và bức "Trừu tượng" đã được bán với giá 20,8 triệu USD. Không phải ngẫu nhiên mà tờ Bild, một tờ báo có lượng xuất bản hàng ngày cao nhất ở Đức đã gọi Richter là họa sĩ của những cái nhất: "đắt tiền nhất, vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất". Thành công về mặt doanh thu của Richter đã khiến chính ông cũng phải ngạc nhiên. Ông từng không ít lần bình luận  việc tác phẩm của mình được trả giá "khủng" như vậy là một điều "phi lý".

Gerhard Richter bên một bức tranh được vẽ theo phong cách trừu tượng.

Mặc dù ở tuổi 80 song Gerhard Richter hầu như lúc nào cũng "nợ hàng". Tại gallery của ông ở New York, danh sách khách hàng chờ để có được một bức tranh của ông luôn lên tới vài ba chục người. Mà giá tranh của ông thì cao ngất ngưởng: tối thiểu phải 3 triệu USD một bức.

Trong các họa sĩ đương đại, không phải không có người bán được tranh ở giá ấy, hoặc cao hơn thế, song vấn đề là không ai có thể bán được hàng loạt tranh và trong một thời gian dồn dập như "lão tướng" Richter.

Kể ra ban đầu đến với nghề, Gerhard Richter cũng trầy trật lắm. Phải tới năm 1962, tranh của ông mới bắt đầu được nhà buôn tranh Rudolf Zwirner chú ý, tuy nhiên lúc ấy, Richter cũng chưa có bức nào được trả giá tới 1.000 USD. Ngay như chùm tranh "Nến" có bức được bán với giá 16,5 triệu USD nhắc tới ở phần trên, ở thời điểm chúng ra đời (năm 1980), Richter cũng có bán được bức nào đâu.

Vậy lý do gì khiến Richter trở thành một trong những họa sĩ ăn khách nhất hiện nay?

Trước nhất phải khẳng định: Richter là một họa sĩ có thể thỏa mãn mọi khẩu vị của người yêu tranh. Ông vẽ được nhiều thể loại tranh, với nhiều phong cách khác nhau. Nhiều bức là tranh trừu tượng khổ lớn. Chúng thường được Richter thực hiện bằng cách dùng một cái chổi lớn quét những nhát màu ào ạt lên mặt toan. Bên cạnh đó là không ít tranh chân dung "thật" đến độ thoạt nhìn, ta ngỡ là… ảnh chụp. Mà thực tế, Richter từng dựa vào ảnh chụp để vẽ thay cho người mẫu.

Tuy nhiên, để làm nên sự "ăn nên làm ra" của Richter hôm nay, không thể phủ nhận vai trò của các nhà sưu tập, kinh doanh tranh. Họ đang trong chiến dịch săn tìm cái mới và Richter là một kiểu họa sĩ đã đáp ứng được một số tiêu chí của họ. Hàng loạt triển lãm hội họa của Richter được mở tại nhiều bảo tàng trên thế giới, với tốc độ chưa từng thấy. Năm 2004, một triển lãm gồm 16 tác phẩm của Richter cũng đã được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 

Tuy nhiên, không phải không có những chuyên gia nhìn nhận tài năng của Richter ở mức…vừa phải. Jose Mugrabi - một nhà sưu tập tranh có tiếng đã cho rằng,  nghệ thuật của Gerhard Richter chỉ mang tính thời trang và "không quan trọng". Còn Nicolai Frahm, một nhà tư vấn nghệ thuật thì khuyến cáo các nhà sưu tập rằng "Hãy tìm mua tranh của Richter trước khi giá tranh ông ấy bão hòa"

Anh Vũ
.
.
.